1. Cần nhận thức lại khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước" ở nước ta hiện nay
"Đảng lãnh đạo Nhà nước" là một khái niệm của khoa học chính trị và đã được sử dụng một cách rộng rãi, phổ biến hơn 30 năm qua ở nước ta. Khái niệm này đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và 1992. Xét về hình thức, khái niệm này dường như không có gì cần phải tranh luận, mổ xẻ về mặt khoa học trong quá trình nghiên cứu và vận dụng thực tiễn. Tuy nhiên, xét về mặt nội hàm, bản chất và thực tiễn hoạt động, mối quan hệ giữa các chủ thể chính trị có liên quan, hay vấn đề hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp hiện nay thì khái niệm này lại rất cần phải được nghiên cứu một cách thấu đáo, để từ đó làm rõ hơn các vấn đề cốt lõi của khoa học chính trị ở nước ta hiện nay. Đó là các vấn đề "Đảng lãnh đạo", "Đảng cầm quyền" và "vai trò lãnh đạo của Đảng" trong hệ thống chính trị nói riêng cũng như trong xã hội nói chung.
Chẳng phải ngẫu nhiên trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc gần đây, Đảng ta đã nhấn mạnh đến việc nghiên cứu các vấn đề này. Văn kiện Đại hội X của Đảng đã nêu: "Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện"(1). Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiếp tục nêu: "Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền"(2).
Về khái niệm "đảng cầm quyền". Đây là khái niệm được sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây ngay từ khi trong xã hội bắt đầu hình thành các đảng chính trị. Khái niệm này được hiểu theo hai nghĩa: danh từ và động từ. Với nghĩa là một động từ, đảng cầm quyền được hiểu là một khái niệm chỉ sự hoạt động gắn với việc sử dụng quyền lực của đảng thông qua các đảng viên của đảng đó trong bộ máy nhà nước. Nói cách khác, đảng cầm quyền tức là đảng đó nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước bằng các cá nhân đảng viên ưu tú để thực hiện quá trình hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia. Các quyết định, chính sách của đảng cầm quyền nhằm thực hiện cương lĩnh, mục tiêu chính trị của mình bao giờ cũng được thể hiện dưới danh nghĩa là của quyền lực nhà nước. Quyền lực của đảng cầm quyền là quyền chi phối, điều khiển, định hướng đối với nhà nước thông qua các đảng viên của đảng trong bộ máy nhà nước để thực hiện cương lĩnh, mục tiêu của đảng đó. V.I.Lênin viết: "Người cán bộ ấy phải nhớ rằng anh ta không những là người tuyên truyền bằng lời nói, không những phải giúp đỡ những tầng lớp nhân dân mê muội nhất;... Nhưng ngoài ra, anh ta phải là người đại diện Chính quyền Xô-viết... người đại diện cho đảng nắm chính quyền hiện đang thông qua một bộ phận giai cấp vô sản mà điều khiển toàn bộ nước Nga"(3).
Về khái niệm "Đảng lãnh đạo". Đây là một khái niệm được các nhà kinh điển Mác-Lênin sử dụng từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX khi giai cấp công nhân trở thành lực lượng tiên phong lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng một xã hội mới tiến bộ vì con người, không còn áp bức và bất công. Khái niệm này cũng được hiểu theo hai nghĩa: danh từ và động từ. Với nghĩa là một danh từ, khái niệm "đảng lãnh đạo" được hiểu là "đảng tiên phong" hay "đảng dẫn đầu", đảng có uy tín hơn hẳn so với các đảng chính trị, tổ chức xã hội khác. Với nghĩa này, thì khái niệm "đảng lãnh đạo" cũng thường được hiểu đồng nghĩa với khái niệm "đảng cầm quyền". Tuy nhiên, với nghĩa là một động từ, khái niệm "đảng lãnh đạo" lại không đồng nhất với khái niệm "đảng cầm quyền". Bởi với nghĩa này, đảng lãnh đạo được hiểu là một khái niệm chỉ sự hoạt động không gắn với việc sử dụng quyền lực của đảng. Theo V.I.Lênin, đảng lãnh đạo có nghĩa đảng phải "phục vụ nhân dân". Còn theo Hồ Chí Minh, "Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân"(4). Thế nhưng thực tế hiện nay chúng ta lại đang sử dụng khái niệm này gắn với việc sử dụng quyền lực của Đảng thông qua khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước". Bởi khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước" ở nước ta hiện nay được hiểu với nghĩa là Đảng có quyền lực chi phối, định hướng đối với Nhà nước thực hiện các cương lĩnh, mục tiêu của Đảng.
Theo quan điểm của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh như nêu ở trên, nếu hiểu đúng nghĩa của khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước" như chúng ta đang sử dụng hiện nay thì Đảng phải phục vụ nhà nước, hay nói cách khác là chính trị phải phục vụ bộ máy nhà nước. Tuy nhiên ngược lại, ở nước Nga Xô-viết trước đây, khi đưa ra khái niệm "đảng lãnh đạo nhà nước", V.I.Lênin cũng đã cảm nhận thấy sự bất cập của việc sử dụng khái niệm này và do đó chính V.I.Lênin đã phải nhiều lần giải thích thêm rằng, trong mối quan hệ giữa đảng với nhà nước, hay giữa chính trị và bộ máy thì "bộ máy phục vụ chính trị... chứ không phải chính trị phục vụ bộ máy!!"(5).
Do khái niệm "Đảng lãnh đạo" chỉ sự hoạt động không gắn với việc sử dụng quyền lực, nên Hồ Chí Minh lúc sinh thời chỉ sử dụng các khái niệm "Đảng lãnh đạo nhân dân" hay "Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân", chứ không sử dụng các khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước" hay "Đảng lãnh đạo chính quyền" như hiện nay chúng ta đang sử dụng. Trong mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền, Người cũng chỉ thường sử dụng các khái niệm "Đảng cầm quyền", "Đảng nắm chính quyền".
Thực tế hiện nay ở hầu hết các nước trên thế giới, họ cũng không sử dụng khái niệm "đảng lãnh đạo nhà nước" mà chỉ sử dụng khái niệm "đảng cầm quyền". Khái niệm "đảng lãnh đạo" chỉ được các nước sử dụng với nghĩa là một danh từ như đã được phân tích ở trên. Khái niệm "lãnh đạo" với nghĩa là một động từ chỉ được các nước sử dụng khi nó gắn với chủ thể là một cá nhân nào đó, tức nói đến một cá nhân người lãnh đạo.
Từ việc phân tích ở trên cho thấy rằng, nếu chúng ta sử dụng khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước" trong quá trình cầm quyền thì sự chi phối, điều khiển, định hướng của Đảng đối với Nhà nước là rất khó, không có tính khả thi và thiếu căn cứ khoa học để vận dụng được trong thực tiễn cầm quyền của Đảng. Bởi khi Đảng không sử dụng quyền lực trong lãnh đạo thì làm sao có thể chi phối, định hướng được Nhà nước tuân theo cương lĩnh, mục tiêu của mình. Còn trong thực tế cũng cho thấy rằng, việc sử dụng khái niệm này làm cho ở nước ta dường như đã có hai chủ thể cùng thực hiện vai trò cầm quyền, chỉ khác nhau về chức năng giữa Đảng và Nhà nước (chức năng lãnh đạo và quản lý). Chính điều này đã tạo ra sự cồng kềnh của bộ máy cầm quyền trong hệ thống chính trị. Cụ thể là, mặc dù hiện nay bộ máy cầm quyền tuy đã được đổi mới tinh gọn lại, nhưng nhiều ban của Đảng và các tổ chức trong bộ máy nhà nước vẫn trùng lặp, có cùng công việc gần giống nhau, dẫn đến sự chồng chéo về chức năng giữa Đảng và Nhà nước, tạo ra tình trạng "bao biện", "làm thay" hay "buông lỏng" sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước mà hàng chục năm qua chúng ta không thể khắc phục được. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, các đảng chính trị cũng thực hiện vai trò cầm quyền nhưng không thấy có xảy ra các tình trạng này.
Ngoài ra, sự cầm quyền với hai chủ thể như ở nước ta còn tạo ra tình trạng là các cơ quan của Đảng, như cấp ủy các cấp dường như đã trở thành các chủ thể có chức năng chuyên về "lãnh đạo", có quyền "quyết định", còn các cơ quan của Nhà nước, như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính các cấp như là các chủ thể có chức năng chuyên về "quản lý", chỉ "chấp hành" một cách thụ động đường lối, chính sách của Đảng đã vạch ra. Điều này đã dẫn đến chúng ta có sự phân biệt "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý", khi mà ở các nước trên thế giới, sự phân biệt như vậy cũng không diễn ra. Việc "không phân biệt giữa sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước tại các nước tư bản có lý do chính là để tăng cường sự hợp pháp và sự chịu trách nhiệm của đảng cầm quyền"(6).
Để khắc phục những bất cập nêu trên, theo chúng tôi, cần phải thay đổi cách diễn đạt khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước" hiện nay thành "Đảng cầm quyền" hay sự "cầm quyền" của Đảng; cùng với đó là thay đổi cách diễn đạt khái niệm "phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước" hiện nay thành "phương thức cầm quyền của Đảng". Đồng thời, cần phải đổi mới mô hình "Đảng lãnh đạo Nhà nước" ở nước ta hiện nay thành mô hình "Đảng cầm quyền"(7).
2. Cần nhận thức đúng về "vai trò lãnh đạo của Đảng" trong hệ thống chính trị và xã hội hiện nay
Đây là vấn đề rất cần thiết và có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng đảng. Bởi có hiểu đúng những khái niệm đó mới xây dựng được các giải pháp thích hợp để đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng hiện nay.
Như trên đã phân tích, khái niệm "đảng lãnh đạo" được hiểu qua hai nghĩa: danh từ và động từ. Ở nước ta, khái niệm "Đảng lãnh đạo" đã thường được sử dụng với nghĩa một động từ, tức là nói đến sự lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân, Nhà nước và xã hội. Từ đó mà đã hình thành nên các khái niệm "Đảng lãnh đạo Nhà nước", "Đảng lãnh đạo xã hội"....; trong khi các khái niệm này đã không được Hồ Chí Minh sử dụng; ở các nước trên thế giới, họ cũng không sử dụng các khái niệm này. Ở nhiều nước, khái niệm "đảng lãnh đạo" thường chỉ được sử dụng như một danh từ, tức nó được hiểu là "đảng tiên phong" hay "đảng dẫn đầu" so với các đảng chính trị, tổ chức xã hội khác.
Muốn trở thành "đảng tiên phong", "đảng lãnh đạo", các đảng chính trị đều phải làm sao xác định được cương lĩnh, mục tiêu, đường lối thực hiện đúng đắn, có uy tín hay tín nhiệm cao trong xã hội, từ đó mới giành được sự ủng hộ của đa số các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Ông A.Gramsci - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản I-ta-li-a còn nhận thức khái niệm "đảng lãnh đạo" với nghĩa là đảng đó có "hệ tư tưởng tiên phong"(8). Ông cho rằng, một đảng chính trị để trở thành đảng cầm quyền cần phải trải qua một quá trình đầy thử thách trong việc xây dựng tính tiên phong của đảng: tiên phong trong hệ tư tưởng và giá trị về lý luận, đạo đức, định hướng sự phát triển của xã hội, và vì thế có uy tín cao, có sức thuyết phục đối với toàn xã hội.
Do đó, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, theo chúng tôi, nên chăng chúng ta cần phải nhấn mạnh nhiều hơn đến việc "nâng cao sức hấp dẫn của Đảng" từ đó mà giành được sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng. Tức làm sao phải thể hiện được vai trò tiên phong của Đảng chứ không chỉ nói nhiều đến "nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng" như hiện nay. Trước đây, V.I.Lênin cũng đã từng nói rằng, giành được sự ủng hộ của nhân dân đối với đảng cộng sản mới là điều quan trọng bậc nhất, nhưng lại là công việc đầy khó khăn nhất. Muốn làm được điều đó, Đảng phải trải qua cuộc đấu tranh giai cấp vô cùng gian khổ không chỉ khi chưa giành được chính quyền mà ngay cả khi đã giành được chính quyền. V.I.Lênin nêu rõ: "Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của mình, tức đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Nhưng sự đồng tình và ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để giành lấy sự đồng tình, để giành lấy sự ủng hộ của đa số nhân dân lao động không phải kết thúc khi giai cấp vô sản đã cướp được chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tục như trước, có điều là với hình thức khác mà thôi"(9).
Nói đúng hơn, muốn giữ vững vai trò lãnh đạo, hay vai trò tiên phong của Đảng trong hệ thống chính trị và xã hội ở nước ta hiện nay, cách tốt nhất là phải nâng cao uy tín của Đảng trong xã hội bằng việc xây dựng một đảng trong sạch, làm sao để Đảng "là đạo đức là văn minh", "có sức hấp dẫn lớn"(10) như Hồ Chí Minh đã từng chỉ dẫn, đồng thời nâng cao năng lực cầm quyền của mình thông qua các cán bộ, đảng viên thực hiện một cách hiệu quả sự lãnh đạo và quản lý trong bộ máy nhà nước.
Hiện nay chúng ta đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Thiết nghĩ, những vấn đề được phân tích đã nêu ở trên rất cần được tham khảo để có nhận thức rõ và có căn cứ sửa đổi Dự thảo Hiến pháp.
Trước hết, cần khẳng định rằng, vấn đề hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp như đã được ghi nhận trong Bản dự thảo sửa đổi là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn ở nước ta. Bởi thực tế hiện nay, Đảng ta (đang cầm quyền và có vai trò lãnh đạo) được coi là đội tiên phong, đại diện cho toàn dân: "Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân"(11); “Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”(12). Điều đó có nghĩa là, bất kỳ người dân nào đủ 18 tuổi trở lên đều có thể được đứng vào hàng ngũ của Đảng, miễn là có uy tín với dân, được các đảng viên cùng làm việc hay sinh sống tín nhiệm, tuân theo tôn chỉ, thực hiện mục tiêu của Đảng: xây dựng một nước Việt Nam “Dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do vậy, ở Việt Nam không nên có nhiều đảng phái, chỉ cần một đảng đại diện cho toàn dân, nghĩa là đại diện cho tất cả các giai tầng trong xã hội.
Từ đây có thể khẳng định rằng, việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với hoản cảnh đặc điểm ở nước ta. Trong thực tế hiện nay trên thế giới, ở các nước có hệ thống đa đảng, cũng đang diễn ra một xu hướng: đó là các đảng đều đang ngày càng muốn mình là đảng của “toàn dân”. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: “đa số đảng chính trị ngày nay xác định vừa là đội tiền phong của một giai cấp nhất định, vừa đại diện lợi ích cho đông đảo các tầng lớp xã hội khác và cho cả quốc gia dân tộc”(13).
Ngoài ra, theo chúng tôi, khi khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng cần phải có sự diễn đạt về câu, chữ trong điều này. Theo đó, cụm từ "Đảng .... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" cần phải được sửa lại thành "Đảng .... là lực lượng cầm quyền, giữ địa vị lãnh đạo trong xã hội" cho chuẩn xác với các khái niệm, thể hiện tính khoa học và thông dụng trên thế giới. Hoặc sửa lại thành "Đảng .... là lực lượng giữ địa vị lãnh đạo trong xã hội" khi mà có ý kiến cho rằng, cụm từ "cầm quyền" của Đảng là không phù hợp với văn bản mang tính pháp lý, cụ thể như Hiến pháp.
....................................
(1) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội 2006, tr. 306.
(2) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr. 257.
(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 181.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 10, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tr. 323.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 43, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 87, 447.
(6) Nguyễn Đăng Dung, Vấn đề đảng cầm quyền và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp điện tử, ngày 02-11-2009.
(7) Nguyễn Hữu Đổng, Đổi mới mô hình "Đảng lãnh đạo Nhà nước" ở nước ta hiện nay, trong cuốn sách "Chính trị học-Những vấn đề lý luận và thực tiễn (2007-2012)", Nxb CTQG, Hà Nội 2012, tr. 390.
(8) Ngô Huy Đức, Công tác tư tưởng của đảng cộng sản, Thông tin Chính trị học số 1(44)/2010.
(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 251.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 12, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tr. 557-558.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 7, NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 231.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 162.
(13) Nguyễn Viết Thảo, Lịch sử hình thành và một số xu hướng hiện nay của các đảng chính trị, Tạp chí lý luận chính trị số 8/2008.