Lựa chọn những “đầy tớ thật trung thành” của nhân dân

Xuân Tân Mão - 2011 này, Đảng ta tiến hành Đại hội lần thứ XI.

Đại hội nào cũng có trách nhiệm xác định đường lối, phương hướng, nhiệm vụ và bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ mới, tức là lựa chọn chính xác những người đầy tớ trung thành của nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương Đảng là cơ quan chính trị cao nhất của Đảng giữa hai nhiệm kỳ, do đó các thành viên của tổ chức đó là những cán bộ vào hàng ngũ cán bộ cao cấp bậc nhất của Đảng cho nên cũng có thể hy vọng họ là những người đầy tớ trung thành bậc nhất của nhân dân. Nói như thế cũng không hề xúc phạm các đồng chí đó vì còn nhớ vào ngày 4-10-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ Vùng mỏ: “Cán bộ đảng cũng như chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.

Tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của nhân dân là phẩm chất cao quý của những chiến sĩ cách mạng. Sau khi cách mạng thành công, Đảng trở thành đảng cầm quyền, cán bộ, công chức trở thành những người có địa vị, quyền hành cao, thấp nhưng họ đều là công bộc của dân, đó là tư tưởng nhất quán của Bác Hồ khi Người răn dạy cán bộ và tự mình làm tấm gương tiêu biểu. Còn nhớ, chỉ khoảng hai tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người viết rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung của dân, chứ không phải để đè đầu dân”.

Tư tưởng “là công bộc của dân” cũng là tư tưởng của Các Mác khi người phác thảo một xã hội tốt đẹp trong tương lai. Trong Dự thảo thứ nhất về Nội chiến ở Pháp, Các Mác viết: “Công xã loại bỏ hoàn toàn đẳng cấp chính trị và thay thế những ông chủ ngạo mạn của nhân dân bằng những đầy tớ luôn luôn có thể bị bãi miễn, thay thế một trách nhiệm tưởng tượng bằng một trách nhiệm thật sự, vì những người được ủy nhiệm này luôn luôn hành động dưới sự kiểm soát của nhân dân”.

Để bồi dưỡng cán bộ trở thành công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm trước hết đến đạo đức, phẩm chất cán bộ cách mạng khi có chức, có quyền. Người luôn căn dặn cán bộ, viên chức phải trung với nước, hiếu với dân, sống nhân ái, có nghĩa có tình, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân vì đó là phẩm chất hàng đầu của những người là đầy tớ của dân. Người nhắc nhở cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân”. Người coi tệ tham ô, lãng phí như giặc nội xâm phải kiên quyết loại trừ. Người phê phán những cán bộ quan liêu, hống hách, cửa quyền, “đòi ăn của đút”, hách dịch khi tiếp xúc với dân, coi họ không khác gì những bọn quan lại bẩn thỉu tìm cách đè đầu cưỡi cổ, tìm cách bóp nặn nhân dân.

Trước khi từ biệt thế giới này, trong Di chúc để lại, nói về Đảng, Người nhắc nhở phải chăm lo chỉnh đốn Đảng “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Nghĩa là cùng với bổn phận là đầy tớ thì Đảng còn có trách nhiệm là người lãnh đạo thật trung thành của nhân dân, vì sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là một nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng. Để có thể xứng đáng vai trò lãnh đạo thì cùng với những phẩm chất, đạo đức lại phải có bản lĩnh, tầm trí tuệ ngang tầm nhiệm vụ do nhân dân giao phó, do đó dù “đức là gốc” thì cán bộ, viên chức cũng phải có cả đức lẫn tài. Người nhấn mạnh “thật trung thành” là để nhắc nhở cần cẩn trọng trong việc lựa chọn và sau đó giám sát chặt chẽ đề phòng những bọn cơ hội tìm cách chui vào các cơ quan lãnh đạo các cấp, đó là những người tuyên bố ngoài miệng đủ điều hay nhưng thực hành đầy mờ ám, nói là hết lòng vì nhân dân nhưng tìm mọi cách vơ vét của nhân dân, mồm nói cần kiệm nhưng lợi dụng quyền hành chi tiêu hoang phí tiền thuế của dân, nói là công bằng, chính trực nhưng tìm cách đưa bè bạn, người cùng phe cánh, con cháu thiếu đức kém tài vào các cương vị có nhiều quyền hành bổng lộc, nói kính trọng dân nhưng trong cuộc sống lại quan cách, xa rời nhân dân, khi thừa hành công vụ thì hách dịch, đe nẹt, thậm chí ức hiếp dân.

Cán bộ, công chức dù có giữ cương vị nào trong lãnh đạo, quản lý thì cũng là sự ủy nhiệm của nhân dân. Trong bổn phận là công bộc của dân phải được nhân dân thường xuyên kiểm tra, giám sát, bãi miễn khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kém đạo đức như tư tưởng của Các Mác và Hồ Chí Minh. Với trách nhiệm là người lãnh đạo, đặt mình dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân cũng để sự lãnh đạo luôn luôn đúng đắn phục vụ nhân dân. Trong các văn kiện đại hội đảng, khi nói Đảng có vai trò lãnh đạo nhưng luôn nhấn mạnh Đảng hoạt động trong khuôn khổ luật pháp và luôn luôn chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về vai trò lãnh đạo cũng như bổn phận là đầy tớ cũng đều xuất phát từ nhân dân. Nhân dân quan tâm tới nhân sự của Đảng vì khi Đảng cầm quyền thì lãnh đạo của Đảng cũng là lãnh đạo đất nước, do đó nhân dân mong muốn xem xét kỹ lưỡng những người có tấm lòng trong sáng, tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, có tư duy đổi mới và thực sự dân chủ, có trí tuệ và khả năng tổ chức thực hiện, có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, không tham nhũng và tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, được nhân dân tin yêu là tiêu chuẩn cao nhất trong việc lựa chọn người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như lời dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất