Luật Biển và trách nhiệm chính trị

Luật Biển Việt Nam đã được ban hành. Đây là sự thống nhất cao của Quốc hội khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền, lãnh hải quốc gia. Luật Biển đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng toàn dân, sự đồng tình, hoan nghênh, ủng hộ của thế giới.

Luật Biển quy định đầy đủ các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.

Nhưng quan trọng nhất là thi hành luật. Phải có sức mạnh đoàn kết toàn dân, có sự lãnh đạo thống nhất, thể hiện tính kiên quyết thực thi pháp luật, đưa luật vào đời sống. Luật Biển rất cần bản lĩnh chính trị, năng lực, tỉnh táo, khôn khéo, tầm nhìn và bản lĩnh đối ngoại. Đặc biệt, khi có những hành động vi phạm luật biển, phải xử lý nghiêm minh theo luật. Ở đây, rất cần có trách nhiệm chính trị.

Khi xây dựng nhà nước pháp quyền - văn minh nhân loại, rất cần có nhiều bộ luật về mọi lĩnh vực. Thực thi luật có nghiêm hay không còn tùy thuộc vào sự vận hành thực tế của thể chế chính trị. Ở nước ta, người lãnh đạo nhiều khi chỉ chịu trách nhiệm về mặt chính trị, chưa phải chịu gánh trách nhiệm về mặt pháp lý. Đảng có chính cương, Điều lệ, nguyên tắc hoạt động và theo quy định, Đảng phải hoạt động trong khuân khổ pháp luật. Nhưng khi việc thực thi pháp luật không nghiêm, thì người lãnh đạo, người đứng đầu lại ít bị chịu trách nhiệm cá nhân về pháp lý. Đó là sự lệch pha trong một thể chế chính trị - xã hội, là kẻ hở của một thể chế.

Vì thế cá nhân lãnh đạo rất cần có sự ràng buộc trách nhiệm chính trị với pháp lý. Khi sự ràng buộc pháp lý được "thể chế hóa" thì luật mới có giá trị thực thi cao. Lãnh đạo để có luật và lãnh đạo thực thi đúng luật tự nó tạo ra những nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân, được "tự động hóa'' trong nội lực mỗi người.

Thể chế muốn vững bền và khẳng định uy tín ngày càng cao cần phải lấy dân làm gốc, luôn luôn phát huy dân chủ. Lãnh đạo chính trị mà không tôn trọng dân, không dựa vào dân là coi như tự mình kìm hãm năng lực lãnh đạo, không phù hợp với quy luật vận hành xã hội, làm mất đi cội nguồn sức mạnh, bởi "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng". Do đó, lắng nghe tiếng nói của người dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân là cơ sở xây nền cho thể chế chính trị ngày càng thêm vững mạnh. Nhà chính trị không thể tự đề cao uy tín của chức danh. Uy tín đó do nhân dân ghi nhận và chính nhân dân tôn vinh.

Một khi người có trách nhiệm chính trị chỉ biết dùng uy quyền kiểu quân chủ chuyên chế, thì chính uy quyền sẽ mất đi cùng với sự thay đổi thời thế bằng những cuộc cách mạng dân chủ. Người có trách nhiệm chính trị, có vị thế xã hội mà tự mình gây ra sự ô danh thì muôn đời khó rửa sạch.

Trở lai với Luật Biển, các cấp uỷ đảng lãnh đạo tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài và dư luận quốc tế. Cần phải nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống, trở thành cơ sở cho cuộc đấu pháp lý, chỗ dựa tin cậy cho lòng yêu nước chân chính của người dân được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Chính trị và pháp luật che chở, bảo vệ được người dân có lòng yêu nước nồng nàn, đoàn kết toàn dân thành một khối vững chắc để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất