Sinh thời, Bác Hồ là người luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Những việc làm của Người đã trở thành những hành động có ý nghĩa lớn lao, đúng với truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta cần quan tâm một cách thiết thực hơn nữa việc chăm lo đời sống bản thân thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng.
Cách đây 65 năm, Bác Hồ viết thư gửi cho Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” 27-7-1947. Bức thư tuy ngắn gọn nhưng hàm ý thì sâu xa: …“Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ chủ tịch, cộng lại là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng” (1.127đ.). Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quà cho thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, có công với cách mạng đã thể hiện sự quan tâm của Bác với thương binh liệt sỹ xuất phát từ tận đáy lòng. Với cương vị Chủ tịch nước, Bác kêu gọi mọi người phải biết ơn các chiến sỹ, đồng bào những người hy sinh cuộc đời, tuổi trẻ hay một phần xương máu cho Tổ quốc. Bác coi các chiến sỹ ấy là những người anh hùng.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, có công với cách mạng; từng bước giúp họ bớt đi phần nào khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Nhìn vào thực tế, một số gia đình thương binh, liệt sỹ, có công với cách mạng còn có cuộc sống chưa ổn định, thuộc diện hộ nghèo. Họ không đủ sức lao động, ít ruộng vườn hoặc không có ruộng vườn, luôn trong cảnh “thiếu trước hụt sau”…
Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong việc chăm lo, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, phải trở thành việc làm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn thể nhân dân.
Nguyễn Thanh Liêm
10/120A Khu 5, Trà Ôn, Vĩnh Long