Sáu tháng, hai vấn đề

Trong bối cảnh kinh tế nhiều nước trên thế giới tiếp tục rơi vào suy thoái, kinh tế nước ta có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cùng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhìn chung đã có tín hiệu tốt, dần khôi phục. Mới đây, Chính phủ thống nhất đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2012 là: tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững; từng bước thực hiện có kết quả chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm an sinh xã hội; làm tốt công tác đối ngoại, quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng...

Vấn đề kinh tế là một trong những thách thức rất lớn, nhưng tâm lý người dân nước ta bấy lâu nay vẫn tin vào sự điều hành năng động của Chính phủ để phấn đấu đạt những mục tiêu kinh tế-xã hội. Vấn đề kinh tế chưa bao giờ “thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự sự tồn vong của chế độ” như những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng đảng. Do vậy, 6 tháng cuối năm 2012 có hai thách thức lớn đối với niềm tin của nhân dân. Đó là thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần, kế hoạch Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và phòng, chống tham nhũng.

1. Tự phê bình và phê bình. Đã 6 tháng trôi qua, kể từ khi BCH Trung ương ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đồng tình, thống nhất cao với cách đặt vấn đề cũng như mục tiêu, phương châm, giải pháp, kế hoạch, tổ chức thực hiện mà Nghị quyết đã đề ra và kỳ vọng, chờ đợi những kết quả, chuyển biến tích cực trong việc chỉ ra, khắc phục, xử lý tình trạng “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Có thể nói dù Nghị quyết có hay đến mấy cũng chỉ là giai đoạn chẩn đoán “bệnh”, “kê đơn”, “bốc thuốc” chứ chưa đến giai đoạn “uống thuốc” trị bệnh.  Theo Kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương, bắt đầu từ tháng 7 năm 2012, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo 3 nội dung nêu trong Nghị quyết và trong các tháng 9, 10, 11-2012, kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở, đảng viên. Tuy công tác tự phê bình và phê bình xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc cần làm lâu, không thể nóng vội nhưng từ nay đến hết năm, trong quá trình tự phê bình và phê bình, ít ra cũng phải tạo ra chuyển biến tích cực, những kết quả cụ thể có thể “nhìn được tận mắt”, công khai, minh bạch kết quả công tác tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở thì mới phần nào lấy lại được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Không nhiều thì ít, qua quá trình tự phê bình và phê bình, trong phạm vi toàn Đảng cũng như trong từng tổ chức đảng phải chỉ ra được tập thể, cá nhân nào có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ấy thể hiện ở con người bằng xương bằng thịt hằng ngày như thế nào? Những ai có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc? Liệu có thể thống kê một cách cơ học “một bộ phận” cán bộ, đảng viên như trong Nghị quyết đã nói là bao nhiêu? Rút kinh nghiệm việc thực hiện “khâu đột phá” trong Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) khóa VIII, một trong những nguyên nhân của khuyết điểm, thiếu sót trong việc thực hiện Nghị quyết đó là “chưa thực hiện tốt việc công khai kết quả tự phê bình và phê bình theo quy định để phát huy vai trò của tổ chức dân cử, mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên”. Cán bộ, đảng viên và nhất là người dân đang chờ đợi, mong mỏi cấp trên, cấp ủy đảng tự phê bình, công khai kết quả tự phê bình và phê bình để học tập, noi gương và tin tưởng.

Có tâm lý khá phổ biến trong một số cán bộ lãnh đạo, có chức, có quyền hiện nay khó vượt qua là “sợ” công khai, minh bạch khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ lãnh đạo, của tổ chức đảng, cho là dễ bị kẻ địch lợi dụng xuyên tạc, làm “mất uy tín” cán bộ, làm “mất ổn định” trong nội bộ tổ chức đảng, làm mất niềm tin của người dân. Lo lắng đó đã được Bác Hồ lường trước và giải tỏa cách đây những 63 năm. Với bút danh L.T, trong bài báo “Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng”, đăng trên báo Sự Thật, số 109, ra ngày 15-4-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hại, vì:

- Kẻ địch  sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền,

- Giảm bớt uy của đoàn thể và chính quyền,

- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy,

- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.

Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.

Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không có gì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”. Người còn khẳng định rằng, một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền “yếu ớt”, “thoái bộ”. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì “oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao”.

2. Phòng chống tham nhũng. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân trong 6 tháng cuối năm 2012 là kết quả và sự chuyển biến trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như thế nào sau khi lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Công tác phòng, chống tham nhũng là một nội dung rất quan trọng trong quá trình tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những người có chức, có quyền nắm giữ những vị trí chủ chốt trên các lĩnh vực ngành, nghề dễ xảy ra tham nhũng. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý giàu có bất thường nhưng không được tổ chức, cơ quan nào lý giải, làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Những hiện tượng xa hoa, lãng phí, xâm hại tài sản của Nhà nước, của  dân của nước vẫn diễn ra khá phổ biến giữa "thanh thiên bạch nhật” là sự thách thức đối với chế độ. Những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, tình trạng lãng phí, vô trách nhiệm chẳng khác nào đổ tiền, đổ của của dân, của nước xuống sông, xuống biến tại không ít các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, làm “nóng” các diễn đàn, các cuộc hội thảo làm người dân hết sức lo lắng liệu thời gian tới cần được phanh phui, công khai, xử lý một cách nghiêm minh. Hiện tượng phân hóa giàu nghèo gia tăng với sự góp mặt của những người giàu nắm giữ địa vị quan trọng đã trở nên quen thuộc ở nhiều nơi trên đất nước ta cần được làm rõ. Người dân biết rõ ai là kẻ tham nhũng, ai là người cán bộ trong sạch, liêm khiết. Chỉ có dựa vào dân để làm rõ trắng đen, không để “vàng thau lẫn lộn” thì mới có thể phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, đủ để người dân tin tưởng.

Phản hồi (2)

Dung Hoà 21/07/2012

Một bài viết tốt.

Quang Huy 18/07/2012

Tôi rất đồng ý với quan điểm của tác giả. Bài viết hay, ngắn, gọn, rõ vấn đề.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất