Tháng 7 là tháng đầu của 6 tháng cuối năm 2012 - những tháng tăng tốc tạo kết quả mong ước sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tháng 7 mở đầu tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bắt đầu từ Tổng Bí thư theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đây là công việc có ý nghĩa rất quan trọng, nêu gương cho toàn Đảng.
Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành hướng dẫn về thực hiện Tự phê bình và phê bình. Tuy nhiên, để làm tốt tự phê bình và phê bình trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, rút kinh nghiệm, bài học từ thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (2), theo tôi, nên làm tốt các công việc sau đây:
1. Chuẩn bị cẩn thận, chu đáo. Cụ thể là:
Tài liệu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu.
- Tư tưởng, hành động, đạo đức Hồ Chí Minh
- Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
- Chống chủ nghĩa cá nhân của Bác và đồng chí Nguyễn Chí Thanh
- Di chúc của Bác và 6 lời thề của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại tang lễ Bác ngày 3-9-1969
Chọn khâu trọng điểm, cấp bách để đột phá, nêu gương cho toàn đợt tự phê bình và phê bình.
Phải chăng khâu đột phá đối với tập thể là:
- Lãnh đạo thực hiện đường lối, chính sách. Phong cách lãnh đạo mà trọng tâm là phong cách dân chủ, sát cơ sở, sát nhân dân.
- Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với quản lý của Nhà nước, trọng tâm là công tác quản lý ở tầm vĩ mô, quản lý tài sản quốc gia trên lĩnh vực tiền tệ, tài chính, đất đai, ngân hàng, xây dựng, y tế, giáo dục, tình trạng tham nhũng, hối lộ, mua quan bán chức
Khâu đột phá đối với cá nhân là:
- Tự phê bình và phê bình trước đối với 2 chức danh có ảnh hưởng lớn tới công tác lãnh đạo và quản lý đất nước, đó là Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Nếu Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm tự phê bình và phê bình tốt sẽ là tấm gương sáng cho toàn thể cán bộ, đảng viên noi theo.
2. Xây dựng kỹ phương châm, phương pháp, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, lộ trình chặt chẽ, chu đáo.
Phương châm
Chu đáo, tỷ mỷ trong cả quá trình tự phê bình và phê bình. Nêu cao tính đảng, tình đồng chí sâu sắc. Thái độ và phương pháp tự phê bình và phê bình cần tránh “đao to búa lớn” đồng thời tránh nể nang, xuê xoa.
Đặt lên bàn tự phê bình và phê bình những nội dung trọng điểm cụ thể của tập thể và cá nhân, tránh đưa ra quá nhiều vấn đề, trải mành mành. Giữ đúng phương châm: Thận trọng, kiên trì, quan điểm và thái độ rõ ràng nhưng không buông trôi, thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết.
Tự phê bình và phê bình lần này khó hơn nhiều, do đó đòi hỏi lãnh đạo phải khôn khéo, tỉnh táo, bản lĩnh, tinh tế, trách nhiệm.
Tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chọn ra khâu trọng tâm, đột phá làm trước, tạo ra tấm gương trong tự phê bình cho cấp dưới, khôi phục niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với tập thể cũng như cá nhân. Khâu trọng tâm, đột phá phải chăng là vai trò lãnh đạo và kiểm tra, giám sát của Đảng, đặc biệt là kiểm tra công tác quản lý kinh tế - xã hội, kiểm tra tình trạng suy thoái, tham nhũng của cán bộ có chức, có quyền. Vì sao để tình trạng kéo dài, xuống cấp như hiện nay?
Phương pháp
- Rõ ràng, minh bạch, nhất là kê khai tài sản của từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Cần mềm dẻo, chính xác.
- Không nêu quá nhiều việc, quá nhiều đối tượng, chọn những vấn đề cấp bách, đột phá làm trước, đạt hiệu quả cao, tạo hiệu ứng tốt.
- Nơi tổ chức hội nghị tự phê bình và phê bình ấm cúng, tạo không khí tin cậy, thắm tình đồng chí.
- Sau khi tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tổng kết rút ra kinh nghiệm và bài học để đi vào phần kiểm điểm cá nhân.
- Khi kiểm điểm cá nhân: đồng chí Tổng Bí thư tự phê trước, hội nghị cần cử một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị chủ trì, có năng lực đánh giá tổng hợp, kết luận ưu, khuyết điểm của Tổng Bí thư, rút ra kinh nghiệm, phương pháp tự phê bình và phê bình.
Sau tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư, vị trí cần làm tiếp là Thủ tướng Chính phủ, cần tập trung làm rõ trách nhiệm trong khâu quản lý nhà nước.
Làm tốt tự phê bình và phê bình ở hai khâu, hai vị trí quan trọng này sẽ có tác dụng lớn cho toàn bộ Bộ Chính trị kiểm điểm, chắc chắn sẽ có tác động lớn, tạo hiệu ứng tích cực tới lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để chuẩn bị chu đáo tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư cần huy động sự tham gia của các ban, ban cán sự, đảng đoàn, lấy ý kiến đóng góp của các bậc lão thành về ưu, khuyết điểm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của từng thành viên. Ban Nội chính Trung ương thu nhận thông tin từ nhiều kênh: dư luận xã hội, ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân, qua các phương tiện thông tin đại chúng về Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng cá nhân các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ban Nội chính Trung ương chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kiểm tra TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Văn phòng TƯ dự thảo gợi ý kiểm điểm với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư do Tổng Bí thư ký gửi trước khi bước vào tự phê bình và phê bình, ít nhất 10 ngày trước hội nghị.
Tổng Bí thư chủ trì suốt quá trình tự phê bình và phê bình. Thông qua sự am hiểu những vấn đề của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của từng đồng chí thành viên, thông qua các bản gợi ý, dư luận xã hội, nhân dân, Ban Nội chính TƯ tham mưu lựa chọn các vấn đề cấp bách, trọng tâm, trọng điểm để tự phê bình và phê bình.
Minh bạch đặt lên bàn vấn đề kê khai tài sản của từng đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nêu những điển hình về vụ việc và cá nhân có dư luận nổi cộm. Sau tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư kết luận rõ ràng từng vụ việc, việc gì cần kết luận, việc gì cần thẩm tra, việc gì còn làm tiếp, không câu nệ thời gian.
Sau phê bình, tập thể và cá nhân tiếp thu xây dựng kế hoạch sửa chữa. Tổng Bí thư kết luận, rút ra kinh nghiệm và bài học đợt tự phê bình và phê bình, làm kinh nghiệm và bài học cho những bước tiếp theo, ở các cấp, các ngành, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở. Đợt này kết thúc vào cuối năm 2012.
Ngô Minh Giang