Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định ba vấn đề cấp bách: Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong ba vấn đề đó, yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp” thực sự cấp bách hơn bao giờ hết vì nó tác động trực tiếp đến uy tín của Đảng, đây là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Đông đảo đảng viên và nhân dân coi đây là vấn đề cấp bách của cấp bách bởi nó đã và đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Chỉ thị của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết đã chỉ ra nội dung toàn diện và cách làm rất tập trung, sâu sắc. Nội dung “tổ chức tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cấp trên” được toàn Đảng, toàn dân quan tâm nhất. Để thực hiện có kết quả “tự phê bình và phê bình, nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của cấp trên” cần có quyết tâm chính trị của Đảng, tinh thần trách nhiệm, lòng dũng cảm và sự chân thành.
1. Trách nhiệm trước Đảng, trước dân
Nghiêm túc nhìn nhận sự hồ hởi, phấn khởi đón nhận Nghị quyết, khát khao, mong mỏi của đông đảo đảng viên, nhân dân về Nghị quyết được thực thi càng khẳng định niềm tin của nhân dân với Đảng. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam yêu nước, niềm tin vào Đảng là niềm tin vào chế độ, là khởi nguồn tạo ra sức mạnh to lớn, động viên, cổ vũ toàn dân đem mọi sức lực và của cải quý báu nhất hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Không ở đâu trên trái đất này, nhân dân coi đảng là máu thịt của mình, luôn gọi với sự thân thương, trìu mến là “Đảng ta”. Có người nói bằng hình ảnh rằng: uy tín chính trị của Đảng như tiền gửi vào ngân hàng, đó là ngân hàng NIỀM TIN của nhân dân Việt Nam. Ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết nêu lên thực sự rất hệ trọng, nó liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn sau ngày hòa bình: “… việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”(1).
Thực hiện tự phê bình và phê bình là bước đột phá, để mỗi đảng viên, cán bộ tự soi bản thân về ba vấn đề mà Nghị quyết chỉ ra theo cương vị, chức trách; phát hiện, góp ý, phê bình với đồng chí nhằm nhận rõ sai sót, khuyết điểm để kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Toàn Đảng, từ đảng viên thường đến cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng phải thấy rõ trách nhiệm thiêng liêng đối với truyền thống vẻ vang của Đảng, trách nhiệm trước nhân dân và tương lai của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử khi Đảng phát hiện ra khuyết điểm, sai lầm, nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết sửa chữa, đã khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhân dân lại tin theo Đảng trên bước đường cách mạng mới.
2. Lòng dũng cảm
Hơn 80 năm hoạt động của Đảng, đã nhiều lần Đảng thực hiện chỉnh đốn, củng cố tổ chức, để thực hiện nhiệm vụ, vượt qua thử thách mới. Thực hiện chỉnh đốn Đảng là công việc to lớn, những lời dặn lại trong Di chúc, Bác coi “đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi”(2). Tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 là công việc to lớn, khó khăn. Nghị quyết Trung ương đã chỉ ra “những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm”. Những hạn chế, khuyết điểm đó có trong mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đảng với mức độ khác nhau, không thể nói một đảng viên nào không có liên quan gì đến những vấn đề cấp bách của Đảng hiện nay. Song, vấn đề đặt ra là phải làm sáng tỏ địa chỉ, hành vi, mức độ hạn chế, khuyết điểm sai phạm của “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”. Những hạn chế, khuyết điểm đó đã được nêu lên từ Nghị quyết trung ương 3 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, được kêu gọi sửa chữa trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trong các kỳ đại hội đảng bộ các cấp, trong kiểm điểm công tác, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên hằng năm… tại sao không có chuyển biến, “chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm” ?
Rõ ràng, trong quá trình thực hiện các nghị quyết, trong các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng chưa làm đến nơi đến chốn, nói nhiều làm ít, thậm chí nói nhưng không làm. Nói một cách nghiêm túc là trong một thời gian dài vừa qua, việc chỉnh đốn Đảng còn thiếu tinh thần đấu tranh, thiếu dũng cảm. Những hạn chế, khuyết điểm đó là của bản thân mỗi cá nhân, tổ chức, của nội bộ Đảng; nó là sự buông thả, vi phạm nguyên tắc, tư túi, cánh hẩu, phe nhóm, đi liền với lợi ích là bất chính, phi pháp, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, bị xã hội lên án. Làm sao để tự bạch? Làm sao tự mình dám dùng “con dao tự phê bình” cắt đi “cái u bướu, ung nhọt” trên cơ thể mình? Trong thực tế, có nhiều người, nhất là đã hoặc đang giữ chức vụ ở các cấp, bên cạnh sự cống hiến, hy sinh trong những năm kháng chiến; có đóng góp trong hòa bình, xây dựng, nhưng đã mắc khuyết điểm, vi phạm như Nghị quyết nêu, những tình thế đó đòi hỏi phải có lòng dũng cảm! Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo huấn rất sâu sắc: “… một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(3).
Lòng dũng cảm đòi hỏi phải có ở cả người tự phê bình và người góp ý, phát hiện. Lòng dũng cảm ở người tự phê bình là dám nói lên, nhận ra sai sót, khuyết điểm của bản thân để tập thể, nhân dân biết, tin tưởng sự sửa chữa, khắc phục. Sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp… cơ quan, tổ chức, đồng chí, nhân dân đều biết ở mức độ khác nhau. Chỉ mỗi người tự soi mình theo cương vị, chức trách, tự bạch, giãi bày mới tìm được sự thanh thản của lương tâm, mình đã thực hiện bổn phận, thực hiện lời hứa từ khi vào Đảng. Dư luận đang chờ đợi ở kết quả tự phê bình và phê bình. Vì vậy, thực hiện tự phê bình và phê bình theo nghị quyết Trung ương lần này, hơn bao giờ hết đòi hỏi lòng dũng cảm của người tự phê bình. Trước tiên là cấp trên gương mẫu, khi cấp trên, người đứng đầu gương mẫu, dũng cảm tự phê bình chắc chắn sẽ lôi cuốn mọi người làm theo. Đây thực sự là điểm mấu chốt đem lại kết quả trong tự phê bình và phê bình. Lòng dũng cảm còn đòi hỏi ở người góp ý, phát hiện cũng phải có lòng dũng cảm, không nể nang, vượt qua tâm lý e ngại, sợ sệt.
3. Sự chân thành
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”(4). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích của phê bình là dùng thuốc trị bệnh, cứu người. Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa sai sót, để làm việc tốt hơn, để đoàn kết nội bộ. Phải thực hiện “tự phê bình và phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Trong lúc phê bình chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”(5). Phải chống biểu hiện lợi dụng phê bình để công kích người mình không ưa, thái độ đối với người mắc sai lầm, khuyết điểm như “đối với hổ mang, thuồng luồng”(6). Người cho rằng: phải xem xét kỹ sai lầm, khuyết điểm, dùng kỷ luật một cách xác đáng, không nương nhẹ. Hoàn toàn không phải như cách làm ở đâu đó theo cách “xử lý nội bộ”, thực chất là bao che, lo lót cho nhau theo lợi ích nhóm. Bác Hồ đã nêu luận điểm quan trọng, chân tình: phê bình việc, chỉ ra vết nhọ, để lau đi vết bẩn trên mặt. Cách phê bình đó giúp cho con người vượt qua cái “tôi” nhỏ nhen, vị kỷ; đưa con người thoát khỏi vũng bùn của sự thấp hèn đố kỵ, trả thù, phe nhóm.
Trong góp ý, phê bình phải chân thực, chân thành, không thêm bớt, dựng chuyện, dựa vào tin đồn vu vơ. Phê bình nhằm giúp đồng chí nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, củng cố đoàn kết nội bộ. Việc xử lý sai phạm theo đúng quy định của Đảng, không nương nhẹ, không để xảy ra tình trạng “chạy tội”, hay điều chuyển kiểu “đánh bùn sang ao”. Vấn đề đặt ra là kết quả tự phê bình và phê bình làm rõ hạn chế, khuyết điểm được đảng viên và nhân dân chấp nhận. Tai mắt của nhân dân rộng lớn, tinh tường, không thể che giấu hết được. Đồng thời, nhân dân cũng rất rộng lượng, giàu lòng vị tha, biết công, biết tội, không thể dùng mọi cách “phù phép” để bất chấp được. Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 24-2-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Trung ương cũng khẳng định: “Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật”.
Tâm lý của một bộ phận mong chờ: sau khi tự phê bình và phê bình phải giải quyết được số lượng “vụ việc to lớn”; phải cách chức, xử lý được bao nhiêu cán bộ… là chưa hoàn toàn đúng. Cá nhân, tổ chức sai sót, khuyết điểm phải xử lý theo tính chất, mức độ vi phạm theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Song không chỉ trông chờ số lượng vụ việc được giải quyết, số người bị thi hành kỷ luật để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết, càng không thể ảo tưởng chỉ thực hiện tự phê bình và phê bình lần này là xong. Bác Hồ đã nêu rõ; “Đảng ta không phải từ trên trời xa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra... phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư, tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa… Những thói xấu đó họ mang từ xã hội vào Đảng”(7). Sự chân thành đòi hỏi không thể nôn nóng, không thể chỉ muốn “đao to, búa lớn” mà thiếu đi sự khoan dung theo Tư tưởng Hồ Chí Minh.
PGS, TS Phan Hữu Tích
Học viện Xây dựng Đảng
-----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, HN 1996, Tập 12, trang 503. (2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 12, trang 505. (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, tr 261. (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, tr 265. (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, tr 232. (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5, tr 264. (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 5,, tr 264.