Theo Quyết định số 46-QĐ/TW, ngày 01-01- 2011 của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) ban hành hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI có nêu: "Tố cáo trong Đảng là việc công dân, đảng viên báo cho tổ chức đảng hoặc cán bộ, đảng viên có trách nhiệm biết về hành vi tổ chức đảng hoặc đảng viên mà người tố cáo cho là vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân".
Trên thực tế, việc đơn thư tố cáo có ký tên tăng, thể hiện rõ về nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh của người tố cáo và tin tưởng vào việc xem xét, giải quyết của các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế việc đảng viên thực hiện quyền tố cáo vẫn có nhiều vấn đề cần trao đổi.
Thứ nhất, người tố cáo vẫn có tâm lý e dè, sợ bị trù dập, dù đã có quy định về phát huy dân chủ, bảo vệ người tố cáo như Điều 7, khoản 1 (d) của Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30 tháng 3 năm 2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của BCHTƯ thì các hành vi: “đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình dưới mọi hình thức” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Do đó, nếu dân chủ không được bảo đảm, việc xử lý không nghiêm thì đảng viên sẽ thờ ơ với những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, miễn là những vi phạm đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân và gia đình mình. Mặt khác, quy định nêu không giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên nhưng số lượng đơn tố cáo dạng này vẫn không giảm. Năm 2012, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương giải quyết tố cáo đối với 4 tổ chức đảng (tăng 4 tổ chức so với năm 2011).
Thứ hai, qua giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên cho thấy, đối tượng bị tố cáo thường thiếu tự giác nhận khuyết điểm, có trường hợp phản ứng gay gắt, nhất là khi bị kết luận có vi phạm hoặc phải xử lý, thiếu thành khẩn, còn tìm cách đối phó, phản ứng hoặc chạy chọt. Điều này dẫn sự hoài nghi của đảng viên khi thực hiện quyền tố cáo đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chất lượng công tác giải quyết tố cáo chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thứ ba, về tính chất tố cáo nổi lên tình trạng tố cáo ngày một gay gắt, đáng chú ý là ở một số nơi đã hình thành tổ chức, huy động nhiều người kéo đến các cơ quan chức năng, trụ sở tiếp dân của Đảng, chính quyền, nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo các cấp ở Trung ương cũng như địa phương để một mặt tố cáo, phản ánh, yêu cầu giải quyết tố cáo đối với đảng viên, mặt khác là để khiếu nại những kết luận của các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết hoặc phản ứng, phê phán, tố cáo cán bộ và cơ quan đã xem xét, cho rằng giải quyết không khách quan, không công minh, bao che cho người bị tố cáo... Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương năm 2012, tuy số lượng tố cáo có giảm so với năm 2011, nhưng tình hình tố cáo vẫn còn phức tạp, nhất là trong dịp triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Thứ tư, thư tái tố và thư tố một đối tượng nhiều lần vẫn còn, cá biệt có trường hợp trong một năm bị tố cáo tới 18 lần. Đây là điều cần lưu ý vì ngoài động cơ không trong sáng của người tố cáo thì hiện tượng thư tái tố cũng nói lên một biểu hiện của việc giải quyết tố cáo chưa thực sự công tâm, khách quan, chưa tuân thủ đúng phương pháp, quy trình giải quyết tố cáo nên đã phát sinh tình trạng khiếu nại những kết luận của các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết hoặc phản ứng, phê phán, tố cáo cán bộ và cơ quan đã xem xét, cho rằng giải quyết không khách quan, không công minh, bao che cho người bị tố cáo.
Thứ năm, vẫn còn một số ít vẫn tố cáo sai do thiếu thông tin, do nhận thức không đầy đủ, trong đó, do chưa thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, tố cáo với dụng ý xấu, vu cáo (ở mức 4%). Số người tố cáo với dụng ý xấu là do thiếu ý thức tổ chức kỷ luật và thường lấy danh nghĩa hăng hái, tích cực đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng, lời lẽ gay gắt, thậm chí có trường hợp thóa mạ người bị tố cáo hóa hoặc quy chụp, suy diễn nặng nề, nhưng lại không nêu được nội dung cụ thể. Cá biệt có trường hợp cố ý nêu sai, vu cáo, làm hại người khác.
Từ những vấn đề đặt ra nêu trên, để thực hiện tốt quyền tố cáo của đảng viên cần thực hiện một số giải pháp sau:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tố cáo và công tác giải quyết tố cáo
Cấp ủy các cấp coi trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, phương pháp của tố cáo và giải quyết tố cáo nói chung và đối với tổ chức đảng nói riêng để chấp hành nghiêm chỉnh. Tổ chức học tập, quán triệt đến đảng viên các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng; quyền dân chủ của đảng viên và những nguyên tắc, quy địnhcủa Đảng trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết tố cáo
Cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp uỷ phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên thuộc cấp mình quản lý và tổ chức giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền. Trong đó, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị, những vấn đề liên quan đến nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, đoàn kết nội bộ, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chủ động chỉ đạo nắm tình hình tố cáo để có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để tình trạng tố cáo vượt cấp kéo dài, đặc biệt là tố cáo đông người.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra có đạo đức, tư cách đúng đắn, thái độ giao tiếp, ứng xử có văn hóa, coi trọng nguyên tắc của Đảng, kỷ cương của Nhà nước, giữa lý với tình và tình thương yêu đồng chí, thương yêu con người. Trung thực, công tâm, vô tư khách quan, không thiên kiến, định kiến.
Phát huy dân chủ trong tố cáo và giải quyết tố cáo
Thực hiện tốt quy chế dân chủ, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm, chủ động báo cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời những sai phạm. Khuyến khích cán bộ, đảng viên thực hiện quyền và trách nhiệm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không được kỳ thị, trù dập đảng viên tham gia tố cáo đúng quy định.
Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo
Trong xử lý đơn thư tố cáo, các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp chặt chẽ, tiến hành xem xét, xác minh tố cáo và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Định kỳ sơ kết, tổng kết sự phối hợp thực hiện các quy định của Đảng và thi hành pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo.
Hằng năm và sau mỗi nhiệm kỳ, cấp uỷ, tổ chức đảng cần tổng kết, đánh giá tình hình tố cáo và kết quả giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên của cấp mình. Đánh giá mặt được, mặt chưa được trong viêc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo; những bài học, kinh nghiệm thực tiễn rút ra trong việc giải quyết tố cáo và những nội dung cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới trong các quy định của Đảng về giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên để làm cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện.
TS. Lê Văn Cường
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh