V.I. Lê-nin về kiểm soát quyền lực trong Đảng

Đảng Cộng sản (B) Nga là đảng cầm quyền sau Cách mạng tháng Mười (1917). Đảng do V.I.Lê-nin đứng đầu là đội tiên phong chính trị, có tổ chức chặt chẽ nhất, cách mạng nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân lúc bấy giờ; là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chuyên chính vô sản, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; là một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng, lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển. Với cách thức tổ chức và hoạt động như vậy, trong nội bộ đảng tất yếu phải có các hoạt động mang tính quyền lực của các tổ chức đảng và của nhiều đảng viên.

Các hoạt động mang tính quyền lực của các tổ chức đảng, các đảng viên giữ những chức vụ nhất định là do các tổ chức hay đảng viên đó được tập thể đảng viên bầu, “ủy nhiệm” ra. Các hoạt động đó được thể hiện qua việc chỉ đạo, quản lý, điều hành trong đảng. Các đảng viên không có chức vụ, quyền hạn được giao, kể cả trong đảng và bộ máy nhà nước thì chỉ có hoạt động lãnh đạo - hoạt động không gắn với việc sử dụng quyền lực.

Hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý hay chỉ đạo là khác nhau. Hoạt động quản lý hay chỉ đạo là gắn với việc sử dụng quyền lực, còn hoạt động lãnh đạo thì không. V.I.Lê-nin đã từng nhắc nhở những đảng viên cộng sản không biết cách lãnh đạo rằng, với tư cách là một chủ thể thực hiện chức năng lãnh đạo thì không được “ra những chỉ thị và sắc lệnh”(1), tức không được hoạt động theo kiểu như chỉ đạo, quản lý.  
Tương tự, các đảng viên giữ những chức vụ nhất định trong tổ chức bộ máy nhà nước Nga lúc bấy giờ cũng có hai hoạt động: hoạt động lãnh đạo và hoạt động quản lý hay chỉ đạo, điều hành, điều khiển. Hoạt động lãnh đạo của các đảng viên này có nghĩa là họ phải “giúp đỡ những tầng lớp nhân dân”, và do đó hoạt động này cũng không gắn với việc sử dụng quyền lực. V.I.Lê-nin đã xác định rất rõ: “Người cán bộ ấy phải nhớ rằng anh ta không những là người tuyên truyền bằng lời nói, không những phải giúp đỡ những tầng lớp nhân dân mê muội nhất; đó là nhiệm vụ chủ yếu của anh ta và không làm như vậy anh ta sẽ không còn là người cán bộ của đảng, không làm như vậy anh ta không thể tự coi mình là người cộng sản được. Nhưng ngoài ra, anh ta phải là người đại diện Chính quyền Xô-viết… người đại diện cho đảng nắm chính quyền hiện đang thông qua một bộ phận giai cấp vô sản mà điều khiển toàn bộ nước Nga”(2).
 
Kiểm soát quyền lực trong đảng theo quan điểm của V.I.Lê-nin, tức là kiểm soát quyền lực của các tổ chức đảng, đồng thời kiểm soát quyền lực các cá nhân đảng viên có chức vụ trong các tổ chức đảng, bộ máy nhà nước. Theo V.I.Lê-nin, việc kiểm soát này chính là để thực hiện dân chủ - một yêu cầu cực kỳ quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ nội bộ đảng. Khi đảng cộng sản đã cầm quyền, việc kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức đảng, đặc biệt đối với các cá nhân đảng viên giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước lại càng đặt ra hơn.          

Để kiểm soát quyền lực trong đảng, V.I.Lê-nin thực hiện hai cách thức chủ yếu: một là, thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm khắc trong đảng; hai là, thực hiện công tác kiểm tra trong đảng. Trong đó, V.I.Lê-nin tập trung nhiều hơn vào công tác kiểm tra, nhất là vào thời kỳ thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP). V.I.Lê-nin nhận thấy rằng, sau ba năm cầm quyền (1917-1920), quyền lực trong đảng ngày càng có xu hướng tha hóa. Sự tha hóa này diễn ra không chỉ ở các tổ chức, cá nhân trong đảng, mà đáng lưu ý hơn là đối với các cá nhân đảng viên giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Đây là điều làm cho V.I.Lê-nin trăn trở, đi sâu tìm kiếm các biện pháp khắc phục. Công tác kiểm tra của Đảng lúc bấy giờ ở Nga đã được V.I.Lê-nin bàn tới nhiều, coi đây là công tác quan trọng của Đảng nhằm khắc phục căn bệnh độc đoán, chuyên quyền trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân đảng viên - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu dân chủ trong đảng.       
  
Trong công tác kiểm tra, V.I.Lê-nin lưu ý trước hết đến cách thức kiểm tra, kiểm soát từ bên ngoài đối với đảng, tức kiểm tra, kiểm soát từ nhân dân, những người ngoài đảng. V.I.Lê-nin đã yêu cầu các tổ chức đảng cần phải có các cách thức lôi cuốn những người ngoài đảng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đảng. V.I.Lê-nin viết: “Cần phải cấp tốc đem toàn lực ra khắc phục thiếu sót đó... cần phải duy trì sự kiểm soát và sự lãnh đạo của những người cộng sản. Mặt khác, những người ngoài đảng cũng phải kiểm soát các đảng viên; muốn vậy cần phải lôi kéo những nhóm công nhân, nông dân ngoài đảng, đã được thử thách về phương diện trung thực của mình, vào Bộ Dân ủy thanh tra công nông, và không kể họ ở chức vụ nào, lôi cuốn họ tham gia một cách không chính thức vào việc kiểm tra và nhận xét công tác”(3). 

Trong điều kiện đảng cầm quyền, khi nhiều đảng viên thực hiện vai trò lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước, thì việc kiểm soát các đảng viên đó thông qua công tác kiểm tra của đảng cũng chính là một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong điều kiện đó, V.I.Lê-nin yêu cầu cần phải hợp nhất hai cơ quan kiểm tra của đảng và thanh tra nhà nước làm một. Theo V.I.Lê-nin, việc hợp nhất hai cơ quan đó để thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát  sẽ có hiệu quả hơn. Ngoài ra, theo V.I.Lê-nin, rất cần thiết phải có sự phê bình của nhân dân đối với cơ quan, người đảng viên, người có quyền lực trong cơ quan nhà nước, bằng cách  thông qua các cuộc “báo cáo” thực hiện công việc của họ trước nhân dân. V.I.Lê-nin viết: “... không chỉ thường xuyên triệu tập các cuộc họp toàn thể cho quần chúng công nông, mà còn phải thường xuyên tổ chức những cuộc báo cáo công tác của tất cả các cán bộ đảm nhiệm mọi chức vụ trước quần chúng công nông. Những cuộc báo cáo này phải tiến hành ít nhất mỗi tháng một lần để quần chúng công nhân và nông dân ngoài đảng có điều kiện phê bình các cơ quan xô-viết và công tác của các cơ quan đó. Không phải chỉ có các đảng viên cộng sản mà tất cả những người có chức trách ở mọi cương vị quan trọng, trước hết là trong các cơ quan lương thực và các cơ quan thuộc hệ thống Hội đồng kinh tế quốc dân, đều phải tiến hành những báo cáo như vậy"(4).          

Công tác kiểm tra là vô cùng phức tạp, có nhiều khó khăn, nhất là sẽ không hiệu quả nếu cán bộ kiểm tra không có phẩm chất đạo đức, thiếu uy tín. Do vậy, theo V.I.Lê-nin: “... muốn biết cách điều khiển công tác kiểm tra, thì cần phải có một người có uy tín đứng đầu, nếu không chúng ta sẽ sa lầy và sẽ chìm ngập trong những mưu toan nhỏ nhặt”(5). 
        
Trong kiểm soát quyền lực nội bộ đảng, đặc biệt là kiểm soát quyền lực của các cơ quan ban chấp hành, V.I.Lê-nin đã đề xuất thiết lập các cơ quan Ủy ban Kiểm tra của Đảng tiến tới cần phải có vị trí độc lập với cơ quan ban chấp hành. Theo đó, cơ quan Ủy ban Kiểm tra cần phải được các đại hội đảng bầu ra thay cho cách bầu ra từ các ban chấp hành. Từ đây, vị trí của các Ủy ban Kiểm tra sẽ tương đương như các ban chấp hành. Ở Trung ương, khi họp Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội - đều phải có Ủy ban Kiểm tra tham dự với tư cách như một thành viên trong các cuộc họp “liên tịch”(6).

V.I.Lê-nin cho rằng, khi thực hiện điều này mới có thể kiểm soát được quyền lực tối cao của Đảng. Bởi khi đã có vị trí độc lập, Ủy ban Kiểm tra thậm chí có thể kiểm tra mọi văn bản của Bộ Chính trị. Các cuộc họp liên tịch giữa Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra là cơ sở quan trọng để việc chất vấn trong đảng phát huy được tác dụng. Chất vấn trong đảng theo hình thức đó cũng mới có thể đảm bảo được dân chủ thực chất nội bộ đảng.

Vào năm 1923, sau hai năm thực hiện đổi mới, V.I.Lê-nin đã đề xuất: “những ủy viên Ban kiểm tra trung ương có nhiệm vụ tham dự, với một số lượng nhất định, vào mỗi phiên họp của Bộ Chính trị, sẽ phải là một nhóm cố kết, nó, “không được vị nể cá nhân” phải giữ gìn sao cho không một quyền uy nào của Tổng Bí thư hay là của một ủy viên nào trong Ban Chấp hành Trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn”(7).     
    
Quan điểm của V.I.Lê-nin về kiểm soát quyền lực trong đảng nêu trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác xây dựng đảng. Thực hiện đổi mới, nâng cao vai trò của cơ quan kiểm tra đảng là một giải pháp thiết thực để tăng cường dân chủ, chống tha hóa quyền lực trong đảng, trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta hiện nay.

 ............................................................................................
(1), (5), (7). V.I.Lê-nin: Toàn tập, t. 45, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 114-115, 146, 440.
(2). V.I.Lênin, Sđd, t. 41, tr. 181.
(3), (4), (6). V.I.Lê-nin, Sđd, t. 43, tr. 336, 305, 129-130.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất