Nhận xét đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú vẫn còn chung chung, chiếu lệ

Là người tiếp nhận, đọc và lưu vào hồ sơ các ý kiến đóng góp của chi ủy nơi cư trú với đảng viên thực hiện Quy định số 76 ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị (Quy định về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú - gọi tắt là đảng viên 76), tôi thật sự có nhiều trăn trở.

Theo Quy định, bản đóng góp của chi bộ nơi đảng viên (ĐV) cư trú (có nơi đề là phiếu đóng góp) có 3 phần: 1- Việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. 2- Bản thân và gia đình tham gia các cuộc họp do đại diện cấp ủy, tổ nhân dân triệu tập. 3- Tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Các phần trên chỉ có đề mục, còn lại để trống cho bí thư chi bộ nhận xét, sau khi thống nhất trong chi ủy.

Có một số bí thư đã thể hiện trách nhiệm cao khi viết tay chi tiết, nhận xét cụ thể ưu, khuyết điểm, về việc ĐV đóng góp, tham gia các cuộc họp, đạt gia đình văn hóa (hay không), ý kiến khác đề nghị với tổ chức cơ sở đảng nơi công tác lưu ý…

Tuy nhiên, những bản đóng góp ý kiến như vậy rất ít, mà hầu hết là những nhận xét chung chung, kiệm lời. Có nơi nhận xét cả 3 phần, bí thư chỉ viết tổng cộng có chục chữ. Thậm chí có nơi đánh máy hàng loạt, chỉ chừa tên người là viết tay, các mục đều nhận xét chung chung “lắp vào ai cũng được” như “đầy đủ”, “chấp hành tốt”, “hoàn thành nhiệm vụ”.

Có phải tất cả đảng viên ở nơi cư trú đều “tốt, nghiêm túc, đầy đủ” như nhận xét không? Tham dự một số buổi sinh hoạt 76 ở các chi bộ, tôi thấy không ít đảng viên vắng mặt, có gia đình nhiều đảng viên cũng chỉ cử một người đi “đại diện”, vẫn còn đảng viên chưa chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước ở địa phương.

Có nhiều nguyên nhân để hầu hết các bản nhận xét chung chung, chiếu lệ như trên đề cập, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do tâm lý nể nang. Ông Nguyễn Hữu Vượng, người đã có 23 năm là Bí thư Chi bộ tổ 1, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) phân tích: Từ khi thực hiện Quy định 76 đến nay, tôi chưa thấy có văn bản nào yêu cầu đánh giá, rút kinh nghiệm. Theo tôi, việc các chi, đảng bộ cơ quan phó thác cho ĐV về địa phương nộp giấy giới thiệu rồi đến nhà bí thư lấy nhận xét vào cuối năm hoặc khi làm hồ sơ “thăng quan tiến chức” như hiện nay là không nên. Chúng tôi cảm thấy rất ngại khi trực tiếp đưa cho họ bản nhận xét không tốt, vì thế đành phải ghi tốt hoặc ghi chung chung. Tốt nhất là những bản nhận xét cuối năm của ĐV, chúng tôi gửi qua đường bưu điện đến cơ quan, còn nhận xét đột xuất phục vụ công tác bổ nhiệm thì đề nghị cấp ủy của nơi đó đến trao đổi và lấy về. Như vậy, chúng tôi có điều kiện bày tỏ, cho ý kiến kỹ hơn và khách quan hơn.

Thiết nghĩ đề xuất của Bí thư Chi bộ Nguyễn Hữu Vượng là rất đáng quan tâm. Đã 14 năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Quy định 76, các cấp lãnh đạo cũng cần tiến hành đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo thực hiện cho tốt hơn. Có như vậy Quy định mới đạt được mục đích tốt đẹp đề ra là “ĐV gần gũi nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân nơi cư trú…”

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất