Giảm nghèo để thực hiện công bằng, văn minh

Tình hình

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong ước “đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chúng ta vui mừng đã trở thành nước thoát nghèo và là nước có thành tích xóa đói, giảm nghèo nhanh được thế giới thừa nhận.        

Tuy nhiên, việc lo ăn no, mặc ấm và con em có đủ tiền cho con đến trường vẫn là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình. Đói nghèo còn nhiều ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số. Ở  những  thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn trẻ em lang thang kiếm sống…Giảm đói nghèo không đồng đều, khoảng cách giàu nghèo còn lớn. Theo thông tin của cơ quan điều tra quốc tế, ở khu vực châu Á, số người giàu của Việt Nam xếp thứ hai sau Trung Quốc.


Trong xã hội ta không thiếu những tấm gương làm giàu chân chính bằng trí tuệ và cần cù lao động của bản thân và gia đình. Đó là những người có tấm lòng  thương yêu mọi người, giàu lòng tự trọng, đáng khâm phục và học tập. Tuy nhiên, cũng không ít người giàu lên nhanh chóng không chính đáng bằng mưu mẹo, mánh khóe, làm ăn bất chính. Có thể nêu một số dạng sau:


Những người lợi dụng kẽ hở của chính sách, luật pháp để bòn rút của cải của Nhà nước, lừa đảo nhân dân, nhiều nhất ở lĩnh vực bất động sản. Nhiều kẻ vi phạm pháp luật buôn gian bán lận, lừa đảo, tín dụng đen… chiếm đoạt của cải.

Không ít cán bộ lợi dụng chức vụ của Đảng, Nhà nước giao để đục khoét, giàu lên nhanh chóng. Đó là nạn tham nhũng đã trở thành quốc nạn đang hoành hành trong xã hội hiện nay, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Một dạng khác là lợi dụng quyền hạn “tham nhũng chính sách” có lợi cho nhóm cùng lợi ích. Một biểu hiện là đặc quyền, đặc lợi ra chính sách, quy định về đất, nhà, những quyền lợi đặc biệt theo chức danh.

Khoảng cách giàu nghèo càng xa, càng làm tăng thêm bất công, xa cách Đảng với dân. Đó là mối hiểm họa, mất lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Nhận rõ thực trạng giàu nghèo, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xóa đói, giảm nghèo, song có giảm được tình trạng làm giàu bất chính, xóa dần khoảng cách giàu nghèo quá chênh lệch, tạo ra sự bình đẳng trong Đảng, trong cán bộ, trong nhân dân hay không? Đó là mấu chốt của sự ổn định, của lòng tin, gắn kết tình người, tình đồng chí, tạo nên sự gắn kết của sức mạnh toàn Đảng, toàn dân.

Những giải pháp


Để giảm bớt đói nghèo, thực hiện Di chúc của Bác, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, tôi xin nêu một số ý kiến sau đây:

1. Trong Đảng và trong nhân dân, dân với Đảng thực hiện đoàn kết thống nhất trên cơ sở phát huy dân chủ, bình đẳng xã hội. Đây là là vấn đề cực kỳ quan trọng với Đảng ta. Bác đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Chỉ có đoàn kết vững chắc mới có thành công.

2. Rà soát lại các chính sách an dân để loại bỏ những chính sách lạc hậu, đặc quyền, đặc lợi, không còn phù hợp, không được nhân dân đồng tình và bổ sung những chính sách phù hợp với thực tế hiện nay.

3. Chống tham nhũng để xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, giảm dần khoảng cách giàu nghèo, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

4. Chăm lo đời sống nhân dân “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

5. Đổi mới mạnh mẽ hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác cán bộ, tuyển chọn, sử dụng nhân tài, xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền. Minh bạch kê khai tài sản, nhất là đối với cán bộ cao cấp.


6. Học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất