Mất và được trong vụ án tại Vinalines

Sau 3 ngày xét xử, tranh tụng, phiên tòa vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế tại Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), do Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT cầm đầu, cùng gần chục kẻ đồng phạm, đã kết thúc. Chiều 16-12-2013, Chủ tọa phiên tòa tuyên án ông Dương Chí Dũng khung hình phạt với tội tham ô tài sản ở mức cao nhất là tử hình (ở tội cố ý làm trái, ông Dũng bị phạt 18 năm tù. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình). Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) bị phạt cùng mức án như ông Dũng về cả hai tội danh nói trên. Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines) bị kết án 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù do cố ý làm trái; tổng hợp là 19 năm. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) chịu 22 năm tù. Ở tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Bùi Thị Bích Loan (nguyên Kế toán trưởng Vinalines) bị phạt 4 năm tù; Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines) lĩnh 7 năm tù; Lê Văn Dương (nguyên Đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) lĩnh 7 năm; ba bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó Cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa, kiêm Phó Chánh Văn phòng Cục Hải quan Khánh Hòa), Lê Ngọc Triện (nguyên Đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) mỗi người 8 năm tù.

Hội đồng xét xử kiến nghị, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục làm rõ sai phạm của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Citibank nếu có dấu hiệu hình sự phải khởi tố để xử lý. Tổng Cục Hải quan phải kiểm điểm trách nhiệm trong vụ án này. Ông Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng; bị cáo Chiều bồi thường hơn 39 tỷ đồng, bị cáo Sơn phải bồi thường 46 tỷ đồng, bị cáo Khang phải bồi thường 12 tỷ đồng, bị cáo Loan phải bồi thường 6 tỷ đồng, bị cáo Dương phải bồi thường 15 tỷ đồng; các bị cáo Đức, Triện, Lừng mỗi bị cáo phải bồi thường 9 tỷ đồng.

         

Đây là một trong 10 vụ đại án đặc biệt nghiêm trọng đã được xét xử. Ngay sau khi tòa tuyên án, có nhiều ý kiến bình luận, nhận xét khác nhau. Vậy trong vụ án này chúng ta được gì và mất gì? Tất nhiên, tùy từng góc độ cũng như cách nhìn nhận, đánh giá, phân tích, mỗi người sẽ rút ra được những kết luận khác nhau. Theo tôi, có thể có 3 cái mất và 1 cái được sau đây:

Trước hết là mất tiền của dân. Trong vụ án này, những cán bộ lãnh đạo ngang nhiên phạm tội, cố ý làm trái các quy định của pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước 366 tỷ đồng (gọi là Nhà nước nhưng thực chất là tiền của người dân). “Nhân vật trung tâm”, mà từ đó, kéo theo sự tha hóa của gần chục vị quan chức, cán bộ nhà nước - là ụ nổi 83 M - một hạng mục quan trọng thuộc Dự án xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam, do Nhật Bản sản xuất năm 1965 có tuổi đời già cỗi 43 năm, bị hư hỏng nhiều không thể hoạt động, giá gốc chỉ có 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỷ đồng VN - tỷ giá năm 2008). Biết rõ chiếc ụ nổi hư hỏng, nhưng Dương Chí Dũng và các đồng phạm vẫn tìm cách móc nối, mua chiếc ụ nổi này từ Nga về Việt Nam, qua một công ty môi giới có tên AP (Sin-ga-po), với giá 9 triệu USD (tương đương gần 190 tỷ đồng). Từ 37 tỷ đồng đến 190 tỷ đồng là một khoảng cách quá xa về kinh tế, đồng thời là vết trượt dài trong tội lỗi, sự tha hóa nhân cách và phẩm cách những cán bộ, công chức, đảng viên. Qua vụ án thất thoát tiền lớn này, đặt ra vấn đề làm thế nào để các tổ chức, cấp ủy đảng phải cũng như toàn Đảng, lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước phải quản lý tốt nền kinh tế, khắc phục được điểm yếu trong “gót chân Asin” của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thứ hai, vô hiệu hóa cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý tài sản, con người trong các tổ chức, cơ sở đảng hiện nay. Từ khi phát hiện những dấu hiệu phạm tội đến trong quá trình điều tra, xét xử, nhiều người đặt câu hỏi: vậy vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở Vinalines và cấp ủy, các tổ chức cấp trên là ở đâu? Các tổ chức, cấp ủy đảng với tư cách là chủ thể lãnh đạo, chịu tránh nhiệm đến đâu trong các vụ án này? Cơ chế giám sát người đứng đầu, việc kiểm tra cán bộ khi có dấu hiệu vi phạm có được thực hiện không? Trong phiên tòa không đề cập đến những khía cạnh lãnh đạo của tổ chức đảng có liên quan, nhưng cũng như nhiều vụ án khác, vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở Tổng Công ty này đã bị buông lỏng, nói một cách nghiêm khắc hơn là bị tê liệt, mất sức chiến đấu. Nếu các cơ quan chức năng không phát hiện ra những biểu hiện tội phạm của những cán bộ lãnh đạo ở đây thì chắc chắn tổ chức đảng ở đây những năm quan vẫn được công nhận là “tổ chức chức đảng trong sạch vững mạnh”, nhiều đảng viên, trong đó có Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc..., chắc vẫn được suy tôn “Đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”? Qua vụ án này cũng như nhiều vụ án nghiêm trọng khác đặt ra vấn đề vai trò của tổ chức đảng trong các DNNN, cơ chế kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, nhất là người đứng đầu sao cho thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, một chiều. Đồng thời, vấn đề kê khai, minh bạch thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Hiện nay, người ta vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát, thỏa đáng câu hỏi: số tiền hàng chục tỷ đồng mà Dương Trí Dũng dùng để mua căn hộ cho “bồ nhí” là tiền ở đâu ra?

Thứ ba, mất cán bộ. Trong vụ án Vinalines, “mất” cán bộ được hiểu theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng: 2 bị cáo (Dương Trí Dũng, Mai Văn Phúc) nguyên là lãnh đao chủ chốt của Vinalines bị tử hình. Và không chỉ "mất” đi những người có hành vi phạm tội nghiêm trọng là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mà một loạt những bị cáo khác, nguyên là những cán bộ lãnh đạo, đảng viên ở một số lĩnh vực liên quan cũng phải đứng trước “vành móng ngựa” và vào vòng lao lý. Dương Chí Dũng cũng đã đẩy hàng loạt anh em ruột thịt, bạn bè, cấp trên cấp dưới… vào chốn lao tù, thân bại danh liệt. Chẳng hạn, như người từng được mệnh danh là “khắc tinh” đối với tội phạm đất Cảng - Đại tá Dương Tự Trọng (em  trai Dương Chí Dũng) từng giữ chức Phó Giám đốc Công an Hải Phòng cùng hàng loạt thuộc cấp, thuộc quyền phải vào vòng lao lý.

Một vấn đề đặt ra trong vụ án này là công tác tổ chức - cán bộ. Đâu là kẽ hở, đâu là lỗi của công tác có tính “then chốt?” Hãy lướt qua trích yếu lý lịch của Dương Chí Dũng: một thanh niên trượt đại học; đi xuất khẩu lao động ở CHDC Đức; trở về khởi đầu làm việc tại Văn phòng Công đoàn Cảng Hải Phòng; rất nhanh chóng thăng tiến nổi bật nhất là khi có bằng tiến sĩ kinh tế; cái “ghế” tạo ‘dấu ấn” nhất là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Khi là người lèo lái Vinawaco, Dương Chí Dũng đã đẩy Công ty này liên tiếp rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. Hiện nay, Vinawaco vẫn phải gánh hơn 130 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm trong khi lợi nhuận cao nhất 4 năm gần đây chỉ đạt gần 30 tỷ đồng/năm. Trong 6 năm lèo lái Vinalines, Dương Chí Dũng dính nhiều lùm xùm liên quan tới tham ô, hối lộ. Vậy nhưng ngay cả khi vụ việc Vinawaco đổ bể, Bộ Giao thông - Vận tải vẫn quyết định điều động Nguyễn Chí Dũng về làm Chủ tịch HĐQT Vinalines. Khi vụ tội phạm Dương Chí Dũng vỡ nở, bị cáo bỏ trốn ra nước ngoài, Bộ này vẫn khẳng định làm “đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, trình tự về công tác cán bộ”. Còn mới đây, khi được triệu tập đến phiên tòa để làm rõ về trách nhiệm trong việc quản lý cán bộ, quản lý doanh nghiệp để Vinalines “vung tiền” mua ụ nổi, đại diện bộ Giao thông - Vận tải đã chối bỏ trách nhiệm quản lý nhà nước và “đá quả bóng” sang Chính phủ và Thanh tra Chính phủ. Khi bị Hội đồng xét xử vặn tại sao Bộ Giao thông - Vận tải vẫn có văn bản đồng ý để Vinalines mua ụ nổi thì được người đại diện trả lời rằng, Vinalines hỏi thì chúng tôi trả lời họ thôi, việc phúc đáp này cũng là bình thường(?) Qua vụ án này, hàng loạt vấn đề đặt ra trong công tác tổ chức - cán bộ cần được xem xét, đổi mới từ đánh giá, đề bạt, cất nhắc, quản lý đến kiểm tra, giám sát cán bộ... Khi mà vị trí, vai trò công tác tổ chức-cán bộ bị buông lỏng và mất đi đi thì ắt sẽ kéo theo là mất cán bộ.

Thứ tư, một cái được là góp phần lấy lại niềm tin của nhân dân. Tham nhũng ở nước ta được ví “như giặc nội xâm”. Mới cách đây không lâu, việc phòng, chống tham nhũng được ví “đầu voi đuôi chuột”, chống tham nhũng như “văn học hiện thực phê phán”; án tham nhũng phần lớn là án treo, “xử lý nội bộ”. Quốc nạn tham nhũng góp phần làm giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước ta. Cách đây không lâu, trong buổi tiếp xức cử tri tại quận Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định niềm tin vào công cuộc chống tham nhũng khi nhắn nhủ: “Bà con hãy chờ xem!”. Cùng với vụ Vinalines, trong thời gian gần đây, việc đưa một số vụ án tham nhũng lớn ra xét xử một cách công khai, nghiêm minh, đúng người, đúng tội (vụ án tại Công ty cho thuê tài chính II, vụ án tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ Việt Nam (Vifon) đã phần nào lấy lại được niềm tin của quần chúng nhân dân. Có thể nói, cái được lớn nhất, quan trọng nhất là củng cố, lấy lại niềm tin của nhân dân. Khi quần chúng nhân dân tin tưởng, ủng hộ, hưởng ứng thì công tác phòng, chống tham nhũng ắt sẽ thành công.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất