|
Nhà văn Ma Văn Kháng bên chậu hoa lan ngày giáp Tết. Ảnh: Thu Thủy |
1. Thế là Tết này trong vườn cây cảnh nhà tôi lại không có lan rồi! Cái thú chơi hoa lan ai cũng biết là nó cao sang, thanh nhã, nên xưa đã có câu: Vua chơi địa lan, quan chơi cây cảnh và chỉ có ai có duyên mới có lan. Tôi vô duyên với lan hay sao mà chăm chút thì lan không ra hoa, được giò lan nào thầy Trinh tặng cho là mất biến giò lan ấy. Thầy Dương Xuân Trinh là giáo sư, tiến sỹ hóa học, giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, giờ nghỉ hưu thầy là Chủ tịch Hội Lan Hà Nội.
Năm ngoái, khóm hoàng điệp thầy cho nảy một giò hoa chíu chít vàng, đẹp như đàn bướm đậu. Nhưng sắp đến ngày Tết thì có tên trộm yêu hoa leo qua cổng vào nẫng mất. Năm nay đến lượt chậu lan bạch ngọc cũng của thầy Trinh cho. Lan bạch ngọc! Ôi, thứ lan quý của kinh thành Thăng Long xưa! Nó đã được văn sĩ Nguyễn Tuân ví như đứa con cầu tự, khó nuôi nhưng vẻ đẹp và hương thơm của nó thì ít có loài nào sánh kịp. Tất nhiên với trình độ khoa học tiên tiến, những năm gần đây người ta đã khám phá được cơ chế ra hoa bí mật của nó. Và bây giờ thì nó cũng dễ trồng như đào cơ, tuý lan, ô tử thuý, thanh lan, thanh trường, cẩm tố. Tôi đã chăm chỉ tưới tắm chậu lan bạch ngọc như lời chỉ bảo của thầy Trinh và nó cũng chẳng phụ lòng tôi. Chớm vào tháng chạp ta, đã nhìn thấy Tết lấp ló đằng kia, bạch ngọc phun một giò lan cong vút trên có những đóa hoa nhỏ xinh như bông hoa tai nở năm cánh cum cúp hình cái móng tay màu trắng ngà, trông thật dịu dàng và thanh tao. Thật dịu dàng và thanh tao cả mùi hương của nó nữa! Lúc ẩn lúc hiện, lúc biến, hương lan bạch ngọc toả xa, lan rộng thật bất ngờ, chẳng có ý khoe khoang mà vẫn ngào ngạt không thể giấu được! Không thể giấu được nên một tên đạo chích đã bất chấp cả gai xương rồng và dây kẽm gai, liều mình leo lên đỉnh tường nhà tôi và từ đó thò chiếc kìm cộng lực xuống, cắt phăng mấy sợi thép treo, rồi bê luôn cả chậu lan quý của tôi đi!
2. Buồn vì mất chậu hoa quý. Lại thêm ngượng với thầy giáo. Thầy đã hai lần cho hoa, chỉ bảo từ cách trông nom tưới tắm, đánh tan định kiến của tôi, rằng trồng lan là khó lắm, đã gắng công không tiếc sức truyền tình yêu lan, cùng là bồi dưỡng cho tâm hồn trò thêm phần thanh sảng, cho tình yêu đời, yêu thiên nhiên thêm hương sắc. Vậy mà...!
Nhưng cuối cùng, sau những áy náy không yên, tôi đành với giọng ngùi ngùi nuối tiếc gọi điện cho thầy báo tin buồn và sẵn sàng đón nhận lời quở trách. Thật không ngờ, nhận được tin, thầy tôi sau mấy phút ắng lặng, có lẽ là để chia sẻ, đã lập tức trở lại chất giọng ôn tồn hằng ngày, thầy bảo đến ngay nhà thầy để thầy tặng cho một chậu lan khác.
Thầy lại cho tôi chậu lan khác. Trời! Không phải chỉ là một chậu lan tương tự để thay thế chậu lan đã bị mất trộm. Mà hơn thế: Một chậu mặc lan. Mặc lan! Đó là một loài lan ở đẳng cấp cao nhất. Nó là tướng soái trong các loài lan.
- Thưa thầy...
Tôi ôm chậu hoa mà run rẩy không nói lên lời. Vì sung sướng, vì cảm động, và vì sợ sệt.
- Chà! Thế cậu tưởng chỉ có cậu sung sướng, cảm động thôi à? Không đâu! Tôi cũng có niềm vui chưa chắc đã kém cậu đâu nhé!
- Trời! Thầy nói gì ạ...
3. Chuyện xảy ra đã vài năm. Câu nói cuối của thầy vẫn treo lơ lửng trước mặt tôi. Cho tới gần đây tôi mới tìm đọc được cuốn sách “Phân tâm học tình yêu” của E.Fromm, triết gia Đức. Lần giở từng trang, cuối cùng tôi mới nhận ra rằng, cuốn sách có một chủ đề rất lạ và hay. Sách nói về sự cho. Trước hết, E.Fromm cho rằng: Cho là một hành vi phổ biến của con người. Cho là một hành vi phổ biến! Tại sao lại thế? Đó là bởi, chỉ khi nào ta thực hiện được sự dung hợp giữa con người và con người thì lúc đó ta mới là con người xã hội. Cũng có nghĩa rằng, đã là con người thì phải yêu thương con người. Tức là phải cho.
Người cho là người giàu. Đó là ý kiến tiếp theo của E.Fromm. Hiển nhiên là thế. Vì bạn biết rồi đó, tôi không thể mang đến cho người khác thứ mà tôi không có. Thành ra, cho là hành vi biểu lộ cao nhất của khả năng và quyền lực, nó diễn tả sức sống linh hoạt của tôi. Vì cho đi chẳng những là biểu hiện cao nhất của tiềm năng, mà còn là một thể nghiệm đầy thống khoái về tâm trạng của tôi. E.Fromm viết: “Sự cho là biểu lộ cao nhất của tiềm lực, trong hành vi cho, tôi cảm nghiệm được sức mạnh tài sản, quyền năng và tình cảm của tôi. Cho vui sướng hơn nhận!”. Theo E.Fromm, cho vui sướng hơn nhận còn là vì trong hành vi cho đã thể hiện đầy đủ 4 yếu tố sau đây: (1) Có sự nhận biết, quan tâm, tôn trọng và trách nhiệm với đối tượng. (2) Là điều cần thiết và hợp với lẽ phải thông thường. Vì cuộc sống của chúng ta là gì nếu không phải là nối tiếp hai quá trình cho đi và nhận lại. (3) Nói cho công bằng, ta cho đi nhiều thứ và nhận lại cũng không ít. Nguồn ánh nắng mặt trời. Làn hương thơm của hoa sấu bên đường. Bóng mát một cây cổ thụ. Kiến thức nơi trường học. Lời khích lệ của bạn bè. Tình yêu thương của cha mẹ. (4) Là một hành vi mang tính nghĩa hiệp. Nghĩa là không kèm theo bất cứ một điều kiện nào. Nghĩa là ở đây không có sự hoán đổi. Không có chuyện “ông mất chân giò bà thò chai rượu”. Không có chuyện mặc cả tính toán lợi riêng.
Trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, ta nhận thấy, với niềm kiêu hãnh lớn lao của sự cho, đã có biết bao anh hùng liệt sĩ của đất nước đã không tiếc đời mình hiến dâng sinh mệnh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Sống là cho và chết cũng là cho (Tố Hữu). Và như vậy, với lời thề khi vào Đảng, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân mà không đòi hỏi một điều gì cho cá nhân, biết bao đảng viên cộng sản chân chính đã thực hiện được phẩm chất cao đẹp nhất thuộc thiên tính của con người và như F.Hê-ghen, triết gia vĩ đại Đức nói, họ là những người đã bước vào miền thanh quang của tự do.
Bây giờ thì tôi đã hiểu ý nghĩa sâu xa của niềm vui nơi thầy Trinh khi thầy cho tôi chậu mặc lan nhân Tết năm nào.
Nhà văn Ma Văn Kháng