Thiên nhiên đã tạo ra một hình thái đặc biệt trong quan hệ láng giềng không tương thích giữa một đất nước Việt Nam nhỏ hẹp so với một nước Trung Hoa khổng lồ. Hai nước láng giềng ấy đã từng có nhiều duyên nợ với nhau qua hàng mấy ngàn năm lịch sử.
Nhớ lại năm 1942, mấy năm trước của ngày khởi nghĩa đánh Nhật, Pháp để giành độc lập, tự do, Hồ Chí Minh đã viết những dòng tâm huyết trong bài văn vần dài 112 câu tóm tắt Lịch sử nước ta để thức tỉnh và khích lệ đồng bào: Hãy biết phát huy truyền thống bất khuất, quật cường và mưu lược của ông cha ta mà vượt qua mọi khó khăn để giành lại và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Chỉ tính từ đầu đầu Công nguyên đến năm 1858 (khi thực dân Pháp đánh Đà Nẵng) nước ta đã nhiều lần bị nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông là “Nước Tàu cậy thế đông người, Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam”.
Họ chiếm đóng đô hộ nước ta có tới hàng ngàn năm có lẻ với âm mưu thâm độc đồng hóa dân ta, biến nước ta thành quận huyện của họ. Nhưng dù cho “Quân Tàu nhiều kẻ tham lam. Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi”. Nhân dân ta đã đời nối đời từ cậu bé Phù Đổng đến nữ nhi chân yếu tay mềm như chị em gái Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị); các vua quan yêu nước, trí dũng song toàn như các ông Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo… Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Huệ, rồi đến các lão tướng Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, các nhân sĩ trí thức như Nguyễn Trãi, Chu Văn An và đông đảo nhân dân cần lao cả nước, miền xuôi, miền ngược, từ rừng núi đến hải đảo đều đã đồng lòng chiến đấu hy sinh để không chịu mất nước, không chịu bị đồng hóa. Đúng như kết luận của Hồ Chí Minh đời nào nước ta cũng có những người lãnh đạo chí cả mưu sâu “Dân ta lại biết cùng nhau một lòng. Cho nên Tàu dẫu làm hung. Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”… (“Lịch sử nước ta”, Hồ Chi Minh toàn tập, t3, 1995, tr219-231). Truyền thống ấy của dân tộc ta đã làm nên bài thơ thần, Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta, khẳng định:“Nam quốc sơn hà Nam đế cư” và tiếp đến là Tuyên ngôn Đại cáo bình Ngô:
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”.
Khép lại những ngày xưa vua quan phương Bắc đã từng phủ bóng đen của kẻ gian tham tàn bạo lên lịch sử hai nước mà thiên nhiên đã tạo ra sự liên kết với nhau thành láng giềng; thế kỷ XX những nhà cách mạng Việt Nam và Trung Hoa đã tìm đến một học thuyết cách mạng với mong mỏi “bốn phương vô sản đều là anh em”. Những nhà cách mạng chân chính của hai dân tộc đã dày công xây đắp “mối tình hữu nghị Việt Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em”. Đã có một thời cửa ngõ hai nước: Ải Nam quan được thay bằng Mục Nam quan và nay là Hữu nghị quan. Nhân dân hai nước đã sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau, nhường cơm xẻ áo, chung lưng đấu cật đánh đuổi kẻ thù chung là đế quốc phong kiến giành độc lập tự do cho mỗi nước… Nhưng khi đã có chính quyền trong tay, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi dần dần trỗi dậy, tàn dư của chủ nghĩa bá quyền phong kiến phương Bắc lại hồi sinh, vì thế họ đã làm cho tình nghĩa anh em lại bị qua mấy lần binh lửa, chỉ vì lòng tham vị kỷ và thói hành xử theo kiểu cá lớn nuốt cá bé của một số người cực đoan trong bộ máy chính quyền Trung Nam Hải. Nhân dân Việt Nam ta, vốn trọng tình nghĩa, thủy chung, nhường nhịn, chúng ta muốn hòa bình, muốn giữ tình hữu hảo nên chúng ta đã nhân nhượng, song chúng ta càng nhân nhượng thì họ lại càng lấn tới… Bao lần lãnh đạo cấp cao hai nước đã bàn bạc, đã thương thảo, đã ký kết, đã hứa hẹn bằng “16 chữ vàng” nhưng chao ôi, cậy sức mạnh quân đông, vũ khí hiện đại, tàu bay, tàu thủy… nghênh ngang chèn ép đe dọa… Hung hăng đánh phá biên giới, rồi trắng trợn đánh chiếm Hoàng Sa, lấn át Trường Sa, lu loa vừa ăn cướp vừa la làng, bất chấp công lý và đạo lý và giờ đây, những ngày tháng 5 này Biển Đông đang dậy sóng, bầu không khí chính trị thế giới nóng sôi lên, dư luận thế giới bất bình phẫn nộ… Nhà cầm quyền Trung Quốc nghĩ gì và cần phải làm gì cho xứng với tư cách một nước lớn, một nước vẫn tự coi mình là dân chủ của nhân dân, là một nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và có trách nhiệm với hòa bình và hữu nghị trên thế giới?
Là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, cùng chung lý tưởng, đã có thời hữu hảo thân tình sao ngày nay không giữ tình hòa hiếu, thủy chung mà lại bành trướng, lấn át với thói tham lam vụ lợi như những tên vua độc ác, dã man thời trung cổ? Tai sao họ lại có thái độ tựa như của chính phủ Tưởng Giới Thạch đối với chúng ta từ những ngày tháng 10 năm 1945 khi bọn Tưởng lợi dụng tư cách một nước đồng minh vào nước ta để cướp của giết người như một lũ Tàu ô? Khi ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Việc ngoại giao với Trung Hoa không được rõ rệt vì sự khác nhau trong lời nói và hành động giữa cấp trên và cấp dưới của họ”.
Người Trung Hoa đã có một nền văn hóa lâu đời với những triết lý sâu xa của những nhà hiền triết mà ngày nay vẫn đáng tôn thờ: Quân tử nhất ngôn; Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân, nhân - nghĩa - trí - dũng - tín - liêm- sỉ… Tại sao ngày nay lại có những đầu óc cực đoan, dã tâm hành động tựa như đem tên lửa bắn vào nền văn hóa của tiền nhân của nước Trung Hoa vĩ đại?
Mùa hè năm nay nắng nóng gay gắt hơn mọi năm. Nắng nóng sục sôi từ nơi Ba Đình linh thiêng đến hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nơi các chiến sĩ ta ngày đêm bám biển đối mặt với tầu Hải Dương 981 của Trung Quốc hung hăng xâm lấn. Nhà nước, quân đội ta vẫn bình tĩnh, kiên trì đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo của quốc gia bằng biện pháp hòa bình với thái độ khiêm nhường và cố vãn hồi tình hòa hiếu giữa hai dân tộc. Nhưng người láng giềng khổng lồ ấy vẫn hung hăng, trơ trẽn và ngang ngược không chịu trả lại biển đảo của cha ông chúng ta đã từng hy sinh xương máu để khẳng định chủ quyền từ mấy trăm năm nay. Những cái đầu nóng và thói gian tham vô sỉ xin hãy đọc lại lịch sử ngàn năm chống ngoại xâm của nhân dân đất nước chúng tôi, một đất nước không bao giờ chịu khuất, truyền thống ấy vẫn như mạch ngầm ngày đêm tuôn chảy trong lòng đất như mang theo tiếng của ngàn xưa vọng nói về!
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam vừa mới đây đã thay mặt nhân dân ta nói rõ với người láng giềng không mấy thành thật hữu hảo, thủy chung ấy rằng chúng ta muốn hòa bình, hữu nghị, chúng ta đã nhân nhượng nhưng chúng ta không đánh đổi chủ quyền quốc gia bằng một thứ hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Trần Đình Huỳnh