Kỳ 2: Nhà nước Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ với việc đảm bảo quyền năng chính trị cho phụ nữ
Nhà nước bảo đảm quyền và cơ hội cho phụ nữ tham gia đời sống chính trị
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam, trong đó có đông đảo các tầng lớp phụ nữ đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Hiến pháp 1946, xác định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” (Điều thứ 1); “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình” (Điều thứ 7); "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều thứ 9)[1].
Trải qua nhiều lần sửa đổi Hiến pháp, các quy định về quyền của công dân nói chung, của phụ nữ nói riêng tiếp tục được bổ sung và làm rõ. Trong Hiến pháp hiện hành (2013), các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, không phân biệt nam hay nữ, được ghi nhận và bảo vệ: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. 2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”[2]
Trên cơ sở Hiến pháp, Nhà nước tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền cho công dân, trong đó luôn có các điều khoản ưu tiên, hướng đến và tạo cơ hội về cơ chế, chính sách cho phụ nữ tham gia ngày càng sâu hơn vào đời sống chính trị. Trong đó, Luật Bình đẳng giới (2006) là một điển hình.
Luật Bình đẳng giới quy định về Bình đẳng giới (Điều 11) trong lĩnh vực chính trị: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức; trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm: “a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”[3].
Cùng với các luật, bộ luật khác, nhiều văn bản của Chính phủ tiếp tục được ban hành nhằm thúc đẩy thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trên lĩnh vực chính trị. Gần đây nhất có: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030”, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; hướng đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Quyết định số 1641/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025", nhằm nâng tầm tư duy, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho khoảng 180-200 cán bộ, công chức trẻ và nữ, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài. Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030” nhằm phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt mục tiêu phát triển bền vững về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tạo điều kiện để đến năm 2025 các cơ quan chính quyền, nhà nước các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 60%, và đến năm 2030 là 75%; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030”, với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về bình đẳng giới thông qua cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới. Mới đây, ngày 25-1-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024-2030, với mục tiêu chung là bảo đảm và thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới; nâng cao vai trò, vị thế, tiếng nói, quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia các lĩnh vực hòa bình, an ninh, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và sự phát triển bền vững của quốc gia trên phạm vi quốc tế.
Các văn bản của Nhà nước tạo cơ hội cho các tầng lớp phụ nữ có môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện và thụ hưởng quyền năng chính trị của mình.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện thực hóa quyền năng chính trị của phụ nữ
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được tổ chức xây dựng. Qua nhiều giai đoạn phát triển, Hội luôn là tổ chức đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ, góp thành lực lượng chính trị - xã hội to lớn theo Đảng làm cách mạng. Ngày nay, Hội là thành viên của hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam, phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Trên cơ sở quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận dụng, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam trên nhiều nội dung quan trọng.
Trước hết là xác lập quyền năng chính trị cho phụ nữ gắn với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Ngay trong các tên gọi của Hội, quyền và trách nhiệm phụ nữ tham gia vào đời sống chính trị Việt Nam đã thể hiện rõ: Hội Phụ nữ Giải phóng (1930-1931); Hội Phụ nữ Dân chủ (1936-1939); Hội Phụ nữ Phản đế (1939-1941); Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941-1945); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (từ 1946 đến nay).
Không chỉ là tên gọi, trong từng giai đoạn cách mạng, Hội xây dựng và tổ chức các phong trào thi đua để thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Với phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” ở miền Bắc, phong trào phụ nữ “Năm tốt” ở miền Nam, Hội góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi đất nước thống nhất, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là xây dựng xã hội mới, Hội chuyển hướng hoạt động, triển khai các phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Qua đó, góp phần phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập, ý thức làm chủ của các tầng lớp phụ nữ.
Hội tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham mưu, góp ý cho Đảng, Nhà nước về xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách về cán bộ nữ và phong trào phụ nữ. Báo cáo chính trị tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII cho thấy, trong nhiệm kỳ XII, Trung ương Hội đã chủ trì giám sát 13 nội dung/chính sách; các cấp Hội địa phương giám sát hơn 4.000 chính sách; chủ động hiệp thương, phối hợp với mặt trận, các đoàn thể, cũng như tham gia cùng các đoàn giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Kết quả của giám sát là cơ sở thực tiễn, cùng với các luận giải khoa học của giới chuyên gia, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học nữ…, các cấp hội thực hiện chức năng phản biện xã hội có chất lượng, đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Các Đề án như “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; “Bồi dưỡng cán bộ, công chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025”… là kết quả của những đề xuất, kiến nghị của Hội để Chính phủ hỗ trợ.
Những nỗ lực của các cấp hội đã mang lại những kết quả quan trọng, góp phần phát huy vai trò tham chính của phụ nữ ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực.
[1] Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Hiến pháp 1946 (thông qua ngày 9-11-1946).
[2] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hiến pháp 2013. (thông qua ngày 28/11/2013). CÔNG BÁO/Số 1003 + 1004/Ngày 29-12-2013.
[3] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Bình đẳng giới (Luật số: 73/2006/QH 11 ngày 29-6-2006).
(Còn nữa...)
Bạch Yến