Thời phong kiến việc chọn người tài chủ yếu bằng con đường khoa cử. Theo đó, định kỳ triều đình phong kiến sẽ tổ chức thi cử để chọn người tài. Bất cứ ai (nam giới) đều có thể tham gia ứng thí, không phân biệt già trẻ, sang hèn, thành phần, dân tộc... Vì vậy, mà ai cũng có thể có cơ hội được làm quan giúp dân, giúp nước miễn là thực tài. Quy trình của thời phong kiến là học hành - thi cử và thi đỗ thì ra làm quan. Do đó, các thí sinh chăm tâm học hành và rèn luyện đạo đức theo những mực thước Nho giáo. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng việc tuyển dụng nhân tài bằng nhiều cách khác nhau với mục đích duy nhất là để giúp dân, giúp nước, không phân biệt thành phần, đẳng cấp, trình độ... miễn là có thực tài và có tâm.
Ngày nay, việc tuyển chọn người tài có thể nói là rất “chặt chẽ” như phải có đủ trình độ học vấn, bằng cấp, lý lịch, điều kiện chính trị, phẩm chất đạo đức, quá trình công tác... và phải qua thi tuyển. Tuy nhiên, việc tìm và tuyển dụng được nhiều người thực sự có tài còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Nhiều người tài chưa được trọng dụng do xã hội còn đòi hỏi quá nhiều điều kiện. Mặt khác, do tình trạng tiêu cực trong học hành thi cử, tạo ra nghịch lý là nhiều người có trình độ cao, là giáo sư, tiến sĩ nhưng vẫn không có được một công trình nào thực sự có ích cho xã hội, trong khi đó có những nông dân lại có thể chế tạo máy móc tự động, không qua đào tạo ở trường lớp nào.
Hiện nay, nước ta đang áp dụng hình thức thi tuyển công chức nhưng vẫn đơn thuần là “tuyển người làm việc” chứ chưa phải là tuyển chọn nhân tài. Tuy không nhiều nhưng cũng không ít người đứng đầu các ngành, các cấp, người cầm cân nảy mực mà trình độ, nhân cách chỉ là thường thường bậc trung; có người còn chưa qua bậc trung học cơ sở nhưng nhờ luồn lách, chạy chọt mà ngồi ghế lãnh đạo, quản lý. Vậy nên có chuyện nực cười là trước đây, Chánh án Toà án nhân dân tối cao khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội khoá XI rằng do thiếu người nên phải đôn cả bảo vệ, văn thư, đánh máy lên ngồi ghế... thẩm phán! Thẩm phán là một nghề đặc biệt, cầm cân nảy mực, phán quyết của họ có thể lấy đi tính mạng con người thế mà phải lấy những người không có chuyên môn, nghiệp vụ vào làm (như trả lời của vị Chánh án kia) thì thật đáng buồn, đáng lo cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong khi đó, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, người có bằng loại khá, giỏi lại thất nghiệp hoặc làm trái nghề, thậm chí có người tốt nghiệp đại học lại viết đơn xin đi... tù (ở Hà Tĩnh) vì buồn chán. Chừng nào chưa coi những người ngồi vị trí lãnh đạo, quản lý là ngồi vào chiếc “ghế nóng” thì việc tuyển chọn nhân tài còn gặp khó khăn, còn là vật cản cho phát triển của đất nước.
Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều cho rằng muốn phát triển nhanh cần phải có cơ chế trọng dụng nhân tài, phải phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ khoa học công nghệ. Thực hiện tốt việc trọng dụng nhân tài không những giúp đất nước phát triển nhanh, bền vững mà còn ngăn chặn được tình trạng “chảy máu chất xám” - một trong những nguy cơ tụt hậu của Việt Nam khi hội nhập quốc tế. Vì cạnh tranh quốc tế suy cho cùng là cạnh tranh về nhân tài. Gia nhập WTO sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Khả năng chuyển dịch nhân tài của nhà nước sang khu vực tư nhân là khó tránh khỏi. Nếu không xử lý đúng vấn đề đáng quan ngại này, không có biện pháp, chính sách tuyển chọn nhân tài một cách hợp lý thì khu vực nhà nước có thể thiếu hụt chuyên gia có trình độ trong tương lai gần.
Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum