Để việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở cơ sở không bị lợi dụng

Trong hai ngày nghỉ cuối tuần, tôi và mấy anh bạn đồng môn thường hẹn gặp nhau để chuyện trò thư giãn. Buổi gặp mặt lần này được tổ chức tại nhà anh bạn công tác trong ngành kiểm lâm. Lan man hết chuyện sức khoẻ đến chuyện gia đình và con cái học hành, cuộc gặp gỡ chuyển sang các chủ đề về “Tam nông”, về việc triển khai các Chương trình 135-CP, 134-CP của Chính phủ (gần đây là Chương trình 167-CP hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo), rồi chương trình nước sạch, mở đường giao thông, hỗ trợ trồng rừng, hỗ trợ sản xuất nhằm xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ để người nghèo có Tết, các chính sách hỗ trợ bình ổn giá… Tất cả những người tham gia cuộc gặp mặt đều có chung nhận định rằng, thực tiễn những năm qua đã khẳng định sự đúng đắn và tính hiệu quả của các chính sách đã ban hành, tỷ lệ hộ nghèo tại nhiều địa phương đã giảm xuống đáng kể, nhiều hộ nghèo trước đây thường xuyên thiếu ăn nay đã biết vươn lên làm kinh tế và không chỉ thoát nghèo, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu một cách vững chắc. Tuy nhiên, hai câu chuyện được ghi lại dưới đây thật đáng lưu tâm, đó cũng là những trăn trở, suy tư của chúng tôi, những cán bộ có nhiều năm gắn bó với công tác địa phương. 


Câu chuyện thứ nhất. Anh bạn chủ nhà có thâm niên cao trong ngành kiểm lâm kể: Chủ trương xóa nhà tạm bợ, dột nát mà Đảng và Nhà nước ban hành thật sự là cần thiết và đúng đắn. Những năm qua, được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nhiều hộ gia đình nghèo đã có nhà ở kín trên, bền dưới, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Chỗ ăn, chỗ ở tốt hơn nên bệnh tật cũng theo đó mà giảm. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã tập trung làm kinh tế, phấn đấu vượt nghèo và xóa nghèo, nuôi dạy con cái trưởng thành. Nhưng buồn một nỗi, trong quá trình thực hiện đã xảy ra tình trạng khiến cho kiểm lâm địa phương nơi anh công tác không ít lao đao. Căn cứ vào thực tế địa phương, tỉnh và huyện tạo điều kiện cho các hộ gia đình đang sống trong các nhà tạm bợ và dột nát được khai thác gỗ từ rừng để làm nhà. Tất nhiên phải được sự cho phép của kiểm lâm với những quy định cụ thể về số lượng và chủng loại gỗ cần và đủ cho ngôi nhà, khi khai thác và sử dụng phải có dấu của kiểm lâm trên gỗ mới là hợp pháp. Thế nhưng nhiều hộ gia đình đã lợi dụng vào chương trình, họ vào rừng chặt gỗ làm nhà, đáng một cột họ chặt 3-4 cột, cho khai thác đủ để làm một nếp nhà nhưng họ chặt gỗ đủ cho ba, bốn nếp. Kiểm lâm ngăn chặn và bắt giữ gỗ thì họ la lối rằng cản trở thi hành chính sách, không cho dân lấy gỗ làm nhà. Không ít hộ nhờ có “chủ trương” này mà có chiếc nhà sàn gỗ to sững sững giá cả hàng tỷ đồng. Không ít gia đình xin tách hộ, bán nhà to đi và làm lều ở để vài năm sau xin được là hộ nghèo thuộc diện xóa nhà tạm bợ, dột nát... Không chỉ là sự lạm dụng để trục lợi của một vài hộ, tình trạng khai thác gỗ lậu, phá rừng bán gỗ cho các đầu nậu gỗ đã xảy ra ngay sát bìa rừng. Kiểm lâm đã tìm mọi cách để ngăn chặn, kể cả họp liên ngành phối hợp với địa phương nhưng kết quả chẳng đáng là bao. Biên chế ít người mà rừng thì rộng với muôn ngàn lối đi, chặn chỗ này thì họ phá chỗ khác. Anh bạn kiểm lâm cho rằng, địa phương nên tìm giải pháp khác phù hợp hơn. Ví dụ như: Hỗ trợ bằng tiền và vật liệu xây dựng như gạch, xi măng và tấm lợp thay vì cho phép khai thác gỗ làm nhà. Và như thế không chỉ sẽ giữ được rừng mà chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ không bị lạm dụng.


Câu chuyện thứ hai. Chuyện của một anh bạn làm ở cơ quan huyện về việc bình xét “hộ nghèo” tại chính xã anh được phân công phụ trách. Theo quy định, trong cuộc bình xét hộ nào được nhiều phiếu sẽ được công nhận “hộ nghèo”. Nếu đúng thế thì không bàn thêm làm gì. Nhưng lại có chuyện hết sức không bình thường ở chỗ, lợi thế bình xét “hộ nghèo” lại rơi vào các hộ có đông anh em họ hàng (trong khi họ vẫn đủ ăn và thậm chí là không hề nghèo như trong chuẩn nghèo đã quy định). Mà đã là “hộ nghèo” thì sẽ được ưu đãi nhiều thứ: Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, con cái đi học được miễn giảm học phí, tiền điện được giảm, tết đến được hỗ trợ gạo và đôi khi là tiền mặt. Thành ra cái gói hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và địa phương cho người nghèo và hộ nghèo vốn đã ít nay lại không công bằng. Nhà có xe máy, có nhà to, nhiều trâu, bò nhưng được bình xét là “hộ nghèo” nên vẫn được hỗ trợ. Những hộ thật nghèo (theo chuẩn) do ít phiếu nên lại phải chờ đợt bầu sau mà cũng không chắc đã được hỗ trợ vì cái “số đông” dòng họ và thân thích kia lại trở nên đông hơn khi họ bảo nhau tách hộ ra ở riêng, càng nhiều hộ càng được thêm phần, thêm phiếu. Anh bạn kết thúc câu chuyện của mình bằng một giải pháp mà kỳ họp tới sẽ trực tiếp trình bày với lãnh đạo huyện đó là: Việc bình xét giữa các hộ dân cần được tôn trọng nhưng nên có đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thẩm định trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Sự chính xác, công tâm của đoàn công tác sẽ là yếu tố quyết định để các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương được triển khai đúng mục đích, công bằng và hiệu quả.


Thay lời kết. Những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách ưu tiên phát triển đối với vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi đặc biệt khó khăn; các chính sách ưu tiên, hỗ trợ sản xuất và phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc thiểu số và các hộ nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để họ ổn định cuộc sống và vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, qua hai câu chuyện vừa kể trên cho thấy công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tại địa phương làm chưa tốt, chưa hiệu quả; việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi đặc biệt khó khăn còn nhiều bất cập; trong thực hiện chế độ chính sách ưu tiên cho người nghèo còn bất hợp lý. Đặc biệt là các chính sách của Đảng và Nhà nước phần nào đã và đang bị lạm dụng và lợi dụng để tư lợi cá nhân, bỏ qua giá trị lợi ích chung của cộng đồng.

Những câu chuyện vừa kể rất mong được cấp uỷ các địa phương lưu tâm và tìm biện pháp tháo gỡ.                                                            

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất