Mấy ý kiến về giải pháp đổi mới chính sách lương đối với nhà giáo
Quan điểm của Đảng

Với quan điểm “giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh” (Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII), Đảng ta luôn quan tâm đến chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, trong đó có chính sách lương.

Văn kiện Đại hội VI của Đảng đưa ra quan điểm phải “nâng cao vị trí xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của những người dạy học” [1, tr. 91]. Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa VII) xác định: “Thực hiện chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần đối với giáo viên, khuyến khích người giỏi làm nghề dạy học. Có chính sách ưu đãi đặc biệt về tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên dạy ở những nơi khó khăn thuộc vùng cao, vùng sâu, hải đảo và một số vùng miền núi” [2]. Tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đưa ra định hướng: “Thực hiện các chính sách ưu tiên ưu đãi đối với giáo dục – đào tạo, đặc biệt là chính sách đầu tư và chính sách tiền lương” và đưa ra giải pháp: “Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định” [3]…

Đây là những quan điểm chỉ đạo, định hướng quan trọng của Đảng, là cơ sở để Nhà nước cụ thể hóa bằng những chính sách về lương cũng như các chính sách ưu đãi khác đối với đội ngũ nhà giáo các cấp. Đồng thời, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo cũng như trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.  

Còn những bất cập

Cụ thể hóa quan điểm trên của Đảng, Luật Giáo dục và nhiều văn bản quản lý của Nhà nước đã quy định chính sách lương và các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo. Tuy nhiên, từ quan điểm, định hướng của Đảng đến những quy định cụ thể của Nhà nước về chính sách lương, phụ cấp đối với nhà giáo vẫn còn khoảng cách. Đến nay, lương của nhà giáo vẫn được xếp chung trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” như Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) đã đề ra.

Theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP và Nghị định số 17/2013/NĐ-CP, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình quá dài: 24 năm đối với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học; 30 năm đối với giáo viên mầm non chính, giáo viên tiểu học chính và giáo viên trung học cơ sở; 27 năm đối với giáo viên mầm non cao cấp, giáo viên tiểu học cao cấp, giáo viên trung học cơ sở chính, giáo viên trung học phổ thông và giảng viên; 24 năm đối với giáo viên trung học cao cấp và giảng viên chính; 18 năm đối với giảng viên cao cấp.  

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các bậc lương đầu tiên giữa các ngạch lương của nhà giáo cũng không có sự chênh lệch lớn (1,86 – 2,10 – 2,34). Xét một cách toàn diện, hệ thống ngạch bậc lương của nhà giáo các cấp chưa có sự chênh lệch lớn giữa các ngạch bậc, mang tính “bình quân”, không tương xứng với yêu cầu, tiêu chuẩn cũng như đặc thù công việc của mỗi ngạch, bậc. Do đó, không khuyến khích và tạo được sự cạnh tranh của nhà giáo trong phấn đấu đạt để được các ngạch, bậc lương cao hơn.

Ngoài ra, nếu xét tương quan ngạch, bậc lương của nhà giáo với ngạch, bậc lương của công chức, viên chức các ngành nghề khác cũng thấy có sự bất hợp lý. Đó, là ngạch, bậc lương của giáo viên trung học cao cấp, so với công chức, viên chức loại A2, giáo viên trung học cao cấp phải có trình độ sau đại học (trong khi tiêu chuẩn của chuyên viên chính (cùng loại) là từ đại học trở lên). Tuy nhiên, giáo viên trung học cao cấp chỉ được xếp vào loại công chức, viên chức nhóm A2.2 với hệ số lương bậc 1 là 4,00 trong khi chuyên viên chính xếp vào loại công chức nhóm A2.1 với hệ số lương bậc 1 là 4,40.  

Cùng với lương, Nhà nước cũng quy định các khoản phụ cấp theo lương đối với nhà giáo: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút (đối với các trường chuyên biệt, các vùng khó khăn), phụ cấp thâm niên... Nhưng việc thực hiện các chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững. Đơn cử như chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo: Theo quy định, một nhà giáo phải sau 6 năm (kể cả năm tập sự) đứng lớp mới được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp, những người từ ngành, nghề khác thì chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo không khuyến khích, thu hút được họ. Hơn nữa, các chế độ phụ cấp khác như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút… các ngành nghề khác đều có các chế độ phụ cấp tương tự như phụ cấp công vụ, phụ cấp nghề… Như vậy, lương, phụ cấp của nhà giáo không cao hơn lương, phụ cấp của công chức, viên chức của các ngành, nghề khác trong khi họ phải đáp ứng nhiều yêu cầu và chịu nhiều áp lực mang tính đặc thù công việc.

Với tính chất nghề nghiệp đặc thù và chế độ lương, phụ cấp như hiện nay, ngành giáo dục khó có thể thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia. Trong những năm gần đây, cùng với việc tuyển sinh vào các trường sư phạm ngày càng khó khăn thì tình trạng “chảy máu” ra bên ngoài của lực lượng nhà giáo cũng đang dần trở thành vấn đề cần được quan tâm và có giải pháp khắc phục.  

Đánh giá thực trạng này, tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 29-10-2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chỉ ra một trong những hạn chế, tồn tại của giáo dục trong 15 năm qua là: “Chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng”.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 cũng đánh giá một trong những bất cấp và yếu kém của giáo dục trong giai đoạn 2001 – 2010 là: “Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp” [4]. Xét một cách sâu xa, chính sách lương, phụ cấp theo lương chưa thỏa đáng và bất cập đối với nhà giáo cũng là một trong những nguyên nhân của nhiều yếu kém, hạn chế trong giáo dục nước ta thời gian qua “vẫn chưa được khắc phục cơ bản, có mặt còn nặng nề hơn” [4]. Đồng thời, nếu không quan tâm, hoàn thiện chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo thì đây sẽ là một trở lực lớn kìm hãm sự phát triển của giáo dục, cản trở công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục những năm tới.  

Để đổi mới và hoàn thiện chính sách lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo các cấp, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã xác định một trong những khâu then chốt để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam là phát triển đội ngũ nhà giáo. Đây không chỉ là một trong những giải pháp cốt yếu mà còn là một trong những mục tiêu cơ bản, quan trọng của công cuộc đổi mới nền giáo dục. Để thực hiện, một trong những nhóm giải pháp cần phải được quan tâm, thực hiện là đổi mới và hoàn thiện chính sách lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo các cấp.

Một là, tiếp tục quán triệt và hiện thực hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương đối với nhà giáo
 
Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như toàn thể nhân dân cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của giáo dục đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nhận thức đúng vai trò của đội ngũ nhà giáo các cấp. Đồng thời, phải quán triệt và thực hiện quan điểm phát triển giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” cũng như các quan điểm, định hướng chính sách của Đảng về lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Đây chính là cơ sở quan trọng để Nhà nước cũng như các cấp, các ngành ban hành và thực hiện các chính sách về lương, phụ cấp đối với nhà giáo.

Hai là, hoàn thiện hệ thống ngạch, bậc lương của nhà giáo khoa học, hợp lý

Hệ thống ngạch, bậc lương của nhà giáo cần được hoàn thiện đúng với quan điểm lương của nhà giáo phải “được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Ngạch, bậc lương của nhà giáo được xây dựng có tính khoa học để vừa đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia vào đội ngũ nhà giáo vừa khuyến khích đội ngũ nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề. Ngạch, bậc lương của nhà giáo nên có khoảng cách để mỗi nhà giáo luôn có ý thức phấn đấu học tập, rèn luyện để được hưởng các ngạch, bậc cao hơn. Bên cạnh đó, các chế độ phụ cấp theo lương cũng cần phải được xem xét, bổ sung, hoàn thiện để khuyến khích nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề.  

Ba là, trao quyền tự chủ thực sự cho các cơ sở giáo dục, trong đó có quyền thỏa thuận lương, phụ cấp với nhà giáo

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, điều kiện để giao quyền tự chủ theo hướng phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo, năng động của các cơ sở giáo dục. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động tăng các nguồn thu sự nghiệp để chi trả lương, phụ cấp cho nhà giáo. Phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo cho các cơ sở giáo dục và các cơ sở giáo dục có quyền thỏa thuận lương, phụ cấp với nhà giáo. Nếu thực hiện tốt giải pháp này, gánh nặng ngân sách nhà nước để trả lương, phụ cấp cho nhà giáo sẽ giảm đi nhưng lương, phụ cấp của nhà giáo sẽ được chi trả công bằng, thỏa đáng hơn. Đồng thời, giải pháp này cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo. Mỗi nhà giáo sẽ có động lực rèn luyện, học tập để đáp ứng tốt yêu cầu công tác, xứng đáng được hưởng chế độ lương, phụ cấp cao hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chung của đội ngũ nhà giáo các cấp.  

Bốn là, đa dạng nguồn chi trả lương cho giáo viên

Trong khuôn khổ ngân sách, Nhà nước sẽ rất khó khăn trong việc chi trả toàn bộ lương, phụ cấp cho nhà giáo trong toàn hệ thống giáo dục ở mức cao. Chính vì vậy, ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung chi trả lương và các khoản phụ cấp cơ bản của nhà giáo. Đồng thời, cùng với việc khuyến khích các cơ sở giáo dục gia tăng quỹ lương của đơn vị, Nhà nước cũng cần phải xem xét, điều chỉnh lại mức thu học phí và thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục để đảm bảo gia tăng nguồn chi trả lương, phụ cấp cho nhà giáo.  

Năm là, Nhà nước nên xem xét việc cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bên cạnh việc tổ chức hình thức giáo dục như hiện nay, được tổ chức các lớp học theo nhu cầu để tăng nguồn thu

Giáo dục là một dịch vụ công cộng, thể hiện bản chất xã hội của Nhà nước. Ngoài việc phải đảm bảo cung ứng dịch vụ giáo dục công bằng cho xã hội theo những yêu cầu nhất định, giáo dục cũng phải hướng tới phục vụ những nhu cầu đa dạng của xã hội trên cơ sở đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu cơ bản của Nhà nước và sự tự nguyện của đối tượng phục vụ. Do đó, Nhà nước nên xem xét, cho phép các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được tổ chức các lớp học chất lượng cao theo nhu cầu xã hội. Đối với các lớp học này, các cơ sở giáo dục được thỏa thuận học phí với phụ huynh học sinh và thực hiện cơ chế tự thu tự chi, vừa huy động được nguồn lực tài chính trong nhân dân đầu tư cho giáo dục (thay vì chảy ra các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài) vừa nâng cao chất lượng và sự thích ứng của nền giáo dục trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.  

Trước yêu cầu đổi mới nền giáo dục và thực trạng đội ngũ nhà giáo các cấp hiện nay, chính sách lương, phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo không thể không được đổi mới và hoàn thiện. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách để thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam mà còn là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – nhân tố đặc biệt quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước.  

----------------
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội.
2. Ban Chấp hànhTrung ương Đảng (1993), Nghị quyết số 04-NQ/HNTW về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Hà Nội.
3. Ban Chấp hànhTrung ương Đảng (1996), Nghị quyết Trung ương hai Khóa VIII, Hà Nội.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2012), Kết luận số 51-KL/TW ngày 29 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị lần thức sáu Khóa XI, Hà Nội.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất