Về đạo đức người thầy
Đã là người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết những câu ca “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”…; hay cũng biết một tập tục tốt đẹp “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”…  

Sự kính trọng đối với người thầy được cả xã hội thể hiện bằng những nghĩa cử nhân văn và tấm lòng kính trọng. Bao nhiêu trang sách, thước phim, mẩu chuyện kể về công ơn lớn lao của những người thầy đáng kính. Có người thầy vừa tay phấn, tay súng trong kháng chiến vừa diệt giặc dốt, vừa đánh giặc ngoại xâm. Có người thầy không quản gian lao, khổ hạnh, chấp nhận khó khăn, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để mang cái chữ đến với trẻ em ở vùng xa, vùng sâu, rẻo cao, hải đảo còn muôn vàn thiếu thốn… Họ không khác gì những người anh hùng trong đời thường thầm lặng cống hiến cho đời. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!  

Sinh thời, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã một câu nói nổi tiếng đúc kết về vai trò, vị trí của người thầy: “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Sự đúc kết này phù hợp với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta.  

Từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay, hơn 83 năm lãnh đạo cách mạng giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến ngày nay, sự nghiệp đào tạo luôn được xem là quốc sách hàng đầu. Nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo đã được nghiên cứu xây dựng và ban hành, từng bước đi vào đời sống xã hội, thực sự góp phần nâng cao chất lượng, tầm vóc con người Việt Nam trong thời đại mới trên trường quốc tế.  

Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nêu rõ: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”(1).  

Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) cũng vừa ban hành Nghị quyết về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đã mở ra những vấn đề mới của lĩnh vực đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm. Để nội dung Cương lĩnh của Đảng, cũng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về vấn đề giáo dục và đào tạo đi vào cuộc sống là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn dân chứ không phải của riêng ai. Nhưng trước hết, nhiệm vụ quan trọng này phải được đặt lên vai của cấp uỷ, chính quyền các cấp bên cạnh sự tham mưu sát đúng của ngành giáo dục và đào tạo, để các chủ trương, chính sách mới của Đảng thực sự lan toả, thấm vào trong tư duy, biểu hiện bằng hành động thực tiễn của mỗi người, làm sao cho trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Để làm tốt điều đó, kiên quyết khắc phục được vấn đề gian lận trong thi cử, bệnh thành tích trong ngành giáo dục, thiết nghĩ nên nghiên cứu thật kỹ, thấm nhuần thật sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “… Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu”(2).  

Người thầy là hạt nhân của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. “Vì lợi ích mười năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, do đó sản phẩm cung cấp cho xã hội của người thầy không gì khác, chính là những người trò có đầy đủ đức và tài, đóng góp, cống hiến tích cực cho xã hội ngay sau khi rời mái nhà trường. Mà muốn có “sản phẩm” được xã hội đón nhận, trước hết, người thầy phải tự học tập nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, rèn luyện, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ… 

Trong nền giáo dục nước nhà hiện nay, chúng ta thật vui mừng trước những người thầy luôn mẫn cán, tận tâm, tận lực với sự nghiệp trồng người. Thế nhưng, chúng ta cũng thật đau lòng, khi một số ít người mang danh nghĩa người thầy có những hành vi vi phạm đạo đức, để lại hình ảnh xấu trong mắt mọi người.  

Hy vọng rằng những tiêu cực vừa qua của ngành giáo dục và đào tạo nói chung, của người thầy nói riêng chỉ là những vết xước, không đủ sức làm vẩn đục bức tranh sáng của nền giáo dục nước nhà. Những hình ảnh xấu này sẽ kịp thời được chấn chỉnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp trồng người theo quan điểm của Đảng ta.

______________
(1): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI- NXBCTQG, Hà Nội 2011, tr. 77
(2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 2000, tập 8, tr. 184

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất