Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh

1 - Tôi rất quan tâm vai trò lãnh đạo của Ðảng và công tác xây dựng đảng. Vấn đề then chốt này, theo tôi, Dự thảo văn kiện chưa nêu bật được bản lĩnh và năng lực lãnh đạo với những tiêu chí cần có của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là của các cấp bộ đảng và người đứng đầu từng cấp bộ đảng đáp ứng được đòi hỏi lãnh đạo của Ðảng trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Về bản lĩnh chính trị, cần nhấn mạnh kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, quyết tâm lãnh đạo thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, rèn luyện, nâng cao lập trường giai cấp công nhân và quan điểm quần chúng, đạo đức chí công vô tư, có cuộc sống trong sạch, lành mạnh.

Về xây dựng Ðảng, cần nêu bật tiêu chuẩn đầu tiên phải có của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp ủy đảng là lập trường giai cấp công nhân, quan điểm quần chúng và ý thức đảng (quan điểm quần chúng là lắng nghe dân, vì lợi ích của dân, tôn trọng dân, chịu trách nhiệm với dân). Thực tế cho thấy, chỉ có đứng vững trên lập trường, quan điểm GCCN, mới xử lý đúng mối quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội; bởi lợi ích cơ bản của GCCN và lợi ích cơ bản của các giai tầng xã hội khác là thống nhất. Như CNH, HÐH đất nước là vì lợi ích lâu dài của đất nước, vì lợi ích và tiền đồ phát triển của GCCN, cũng là vì lợi ích của dân tộc, của các giai tầng xã hội khác. Vấn đề có tính quyết định nữa là cần nhanh chóng phát triển cơ sở tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và đầu tư của nước ngoài, để hiện thực hóa vai trò lãnh đạo của Ðảng ở hai khu vực kinh tế quan trọng có đông công nhân, mà tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị-xã hội (công đoàn, đoàn thanh niên) ở đây lại đang mỏng về tổ chức, yếu về năng lực, khó khăn về điều kiện, phương tiện hoạt động và yếu thế về thực thi quyền hành.

2 - Về trách nhiệm của Nhà nước và cán bộ nhà nước đối với GCCN là cần cụ thể hóa, pháp luật hóa đường lối, chủ trương của Ðảng về phát triển công nghiệp và về vai trò của GCCN trong quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm phát triển những ngành, sản phẩm công nghiệp mà GCCN là chủ thể, nước ta có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh; là kiên định vai trò nòng cốt và chủ đạo của kinh tế nhà nước, không chỉ trong công nghiệp, mà cả trong các lĩnh vực chủ yếu khác liên quan đến đời sống công nhân, nhân dân, như giáo dục, đào tạo, y tế, ngân hàng, dịch vụ, bảo hiểm...; là tạo điều kiện và cơ hội cho doanh nghiệp trong nước sản xuất và đấu thầu những công trình và sản phẩm mà công nhân và cán bộ kỹ thuật nước ta đã làm được và vươn lên làm được. Ðây cũng là biểu hiện cụ thể ý thức tự chủ về kinh tế và lập trường, quan điểm GCCN của những người quyết định đầu tư, đấu thầu và xét duyệt cấp giấy phép cho các chủ tư bản nước ngoài đầu tư vào nước ta.

Tuy hai nhưng lại là một. Thực tế cho thấy rằng, khi mà chủ trương, kế hoạch và biện pháp xây dựng, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ hài hòa lợi ích cơ bản của đất nước với lợi ích của GCCN và nhân dân lao động, thì kinh tế phát triển vững chắc, được GCCN đồng tình và hăng hái thực hiện. Khu vực kinh tế đầu tư của nước ngoài có đóng góp lớn cho nền công nghiệp nước ta, nhưng do quản lý yếu kém, sơ hở nên thua thiệt không nhỏ về nhiều mặt, thí dụ thất thu thuế chỉ là cái lộ ra gần đây mới biết. Ở không ít doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, công nhân ta đã và đang bị trả lương rẻ mạt. Ðó còn là tình trạng nhập khẩu những thiết bị, máy móc của nước ngoài, mà rất nhiều thứ công nhân và cán bộ kỹ thuật nước ta hoàn toàn chế tạo được. Sao không dùng tiền nhập đó để đào tạo đội ngũ công nhân công nghệ cao đủ năng lực làm ra các máy móc, thiết bị thay thế nhập ngoại; vừa nâng cao được trình độ công nghệ vừa tạo được việc làm cho công nhân, quan trọng hơn là tạo thêm năng lực tự chủ về kinh tế của nước ta. Ðồng thời cần xem lại việc nhập những sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng cao cấp đắt tiền (như  ôtô nguyên chiếc), và những sản phẩm trong nước sản xuất được như rau quả, muối ăn, thậm chí cả đôi đũa tre, cái tăm tre, cái ví đầm, cái thắt lưng, bia lon... làm mất đi rất lớn cơ hội làm ăn của công nhân và nhân dân ta, làm cho thị trường sản xuất và buôn bán trong nước bị thu hẹp, tạo ra tâm lý chi tiêu không lành mạnh. Sâu xa hơn là làm suy yếu tính độc lập, tự chủ về kinh tế của đất nước, làm suy giảm vai trò kinh tế nòng cốt, chủ yếu của GCCN ta.

3 - Sự lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước là tiền đề và điều kiện cơ bản không thể thiếu để phát huy vai trò lãnh đạo, nòng cốt và đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của GCCN, nhưng điều rất quan trọng là năng lực nội sinh của bản thân giai cấp công nhân. Ðể phát huy năng lực nội sinh đó, đòi hỏi GCCN và mỗi một người công nhân, trí thức phải nâng cao ý thức giác ngộ về vai trò và trách nhiệm nòng cốt, đi đầu của giai cấp mình trong việc biến Cương lĩnh thành hiện thực và có đủ kiến thức, năng lực nghề nghiệp để hoàn thành trách nhiệm vẻ vang, nặng nề của GCCN. Công đoàn Việt Nam có trách nhiệm đối với nâng cao ý thức giai cấp, ý thức trách nhiệm, kiến thức và năng lực thực tiễn của GCCN. Do vậy, cuối điểm nói về giai cấp công nhân đề nghị có đoạn nói về Công đoàn như sau: “Cần nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của Công đoàn đối với việc bảo vệ các quyền và lợi ích của công nhân, viên chức, lao động và bảo đảm các điều kiện cần thiết để Công đoàn thực hiện được quyền hạn, trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị, điểm nói về giai cấp công nhân đã khá đầy đủ. Quan trọng hơn là các quan điểm đó cần nhanh chóng được hiện thực hóa và cần kết hợp chặt chẽ xây dựng GCCN với xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng Ðảng, xây dựng và phát huy vai trò thực quyền của công đoàn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Ðồng thời cần tăng cường đào tạo cán bộ đảng, nhà nước xuất thân từ phong trào công nhân và nâng cao tỷ lệ thành phần công nhân trong Ðảng và trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước...

Đan Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, Hà Nội

Nguồn: Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất