Đảng Cộng sản Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế

Bài 1

ĐỒNG CHÍ LEONID KALASHNIKOV: ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỰC HIỆN THÀNH CÔNG MỤC TIÊU XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước đã trải qua chặng đường 66 năm đầy thử thách và biến động, cùng nhau xây đắp tượng đài hữu nghị bằng tình cảm, công sức và sự hy sinh quên mình của nhiều thế hệ người dân hai nước. Trong đó phải kể đến mối quan hệ gắn bó bền chặt, hợp tác thiết thực giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Những người cộng sản Nga luôn quan quan tâm, dõi theo và đánh giá cao thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trước đây, cũng như những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay; đồng thời khẳng định có được những thành công đó là do sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình và linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nga, Tạp chí Đối ngoại đã có cuộc trao đổi hết sức cởi mở, chân tình với đồng chí Leonid Kalashnikov, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban Đối ngoại Đuma quốc gia Nga, về thành tựu trong quan hệ hai đảng, hai nước, triển vọng quan hệ song phương trong thời gian tới cũng như đánh giá của đồng chí về công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước của Việt Nam.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết đánh giá của mình về mối quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên bang Nga trong thời gian qua?

Đồng chí Leonid Kalashnikov: Trong số các mối quan hệ đối tác, bạn bè quốc tế của Việt Nam thì mối quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam là mối quan hệ lớn, hữu nghị, lâu dài và sự hợp tác đó ngày càng phát triển ở cả cấp Nhà nước và nhân dân. Về quan hệ giữa Đảng Cộng sản Liên bang Nga và Đảng Cộng sản Việt Nam, sự hợp tác giữa hai Đảng đang diễn ra hết sức tốt đẹp và hiệu quả. Hai Đảng đã và đang hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, an ninh, kinh tế, văn hoá-xã hội đến những công việc cụ thể, thiết thực như tổ chức các xí nghiệp liên doanh, trao đổi các đoàn thiếu nhi, tổ chức các trại hè giao lưu thanh thiếu niên Nga - Việt…

Hai Đảng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao nhằm một mặt, củng cố mối quan hệ truyền thống hữu nghị của hai Đảng và hai nước, mặt khác, trao đổi những kế hoạch, quan điểm, kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng, quản lý đất nước và phát triển kinh tế-xã hội… Chúng tôi vô cùng phấn khởi trước sự phát triển ngày càng tốt đẹp, tích cực của mối quan hệ này.

Trên trường quốc tế, chúng tôi luôn đánh giá cao và nêu gương Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập tự do cho đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước ngày nay. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực tạo nên một xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển ở Việt Nam, thúc đẩy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và góp phần bảo vệ hoà bình trên thế giới. Chúng tôi cũng đặc biệt đánh giá cao và luôn lấy Việt Nam làm ví dụ điển hình về quá trình xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa và việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, đường lối chính trị và kinh tế mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thử thách qua thời gian, giành nhiều thành công trong việc xây dựng Đảng và đất nước trong tình hình kinh tế mới với nền dân chủ xã hội.

Đất nước các đồng chí có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, từ 6,5 đến 7%/năm. Không nước nào trên thế giới có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như vậy. Điều đó cho thấy Việt Nam đã lựa chọn thể chế chính trị và đường đi vô cùng đúng đắn. Chúng tôi ngưỡng mộ những thành tựu tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo của nước các đồng chí, Việt Nam thực sự đã đưa giá trị của phát triển kinh tế đến với mọi tầng lớp trong xã hội.

Đảng Cộng sản Liên bang Nga sẽ luôn đồng hành, dõi theo sự phát triển của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam, hài lòng về bước phát triển tích cực trong quan hệ giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp tục củng cố tình hữu nghị giữa hai nước và hai dân tộc.

PV: Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới được 30 năm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn. Đồng chí có ấn tượng nhất với thành tựu nào của Việt Nam?

Đồng chí Leonid Kalashnikov: Khi nhắc đến Việt Nam, chắc chắn nhân dân Nga và bạn bè quốc tế sẽ ấn tượng sâu sắc nhất và trước tiên với lịch sử đấu tranh anh dũng của đồng chí; những thắng lợi lịch sử của cách mạng Việt Nam là tấm gương đấu tranh mẫu mực chống thực dân, đế quốc; và ngày nay là xây dựng xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề vững chắc để gặt hái nhiều thắng lợi mới trong tương lai và đương đầu với những thay đổi, diễn biến của thời cuộc.

Ngày nay, tôi rất ấn tượng trước những thành tựu: tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn, tồn tại và chia sẻ với nhân dân, năng lực mở rộng sản xuất để nhân dân có cuộc sống no đủ, công cuộc xoá đói giảm nghèo... Đó chính là những thành công to lớn của Việt Nam. Chúng tôi ấn tượng về sự phát triển, những thay đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội của Việt Nam, đó là những thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa to lớn, đã làm tăng đáng kể tiềm lực của Việt Nam, đưa đất nước Việt Nam phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng hoàn thiện.

Mới đây, tại Đại hội XII, các bạn đã tổng kết thành tựu 30 năm đổi mới. Tôi rất khâm phục trước những thành công của các đồng chí. Mỗi năm tôi đều đến Việt Nam và thấy kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng đời sống người dân được cải thiện, giáo dục đào tạo được nâng cao... Những thành tựu đó làm chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Chúng tôi cũng đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Có thể nói, thời gian và sự phát triển đất nước đã chứng minh rằng con đường mà các đồng chí lựa chọn dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn, Chúng tôi tin tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

                       

PV: Xin đồng chí cho biết đánh giá của mình về những đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế?

Đồng chí Leonid Kalashnikov: Đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chúng tôi ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc củng cố phong trào. Những kinh nghiệm của các đồng chí trong xây dựng và phát triển đất nước có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa hiện thực. Kinh nghiệm 30 năm đổi mới và kết quả Đại hội XII vừa qua của các đồng chí chắc chắn sẽ mang lại những bài học và kinh nghiệm, giúp làm phong phú thêm nhận thức của những người cộng sản về Việt Nam và thế giới. Chúng tôi coi đây là một bước tìm tòi, phát triển sáng tạo về mặt lý luận cho chủ nghĩa xã hội hiện thực, tiến tới chủ nghĩa xã hội thông qua con đường kinh tế thị trường, là sáng kiến mới trong lịch sử thế giới, là đóng góp có ý nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam cho các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới.

PV: Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn và ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của những người cộng sản Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay trong cuộc đấu tranh thống nhất nước cũng như công cuộc đổi mới hiện nay. Xin đồng chí cho biết những cảm nghĩ của mình về đất nước và con người Việt Nam.

Đồng chí Leonid Kalashnikov: Trong quá khứ, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên đã công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia. Nhân dân Liên Xô luôn dành cho nhân dân Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình và đầy hiệu quả về chính trị, kinh tế và quân sự của trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Trong quá trình xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, Liên Xô cũng giúp đỡ Việt Nam đào tạo hàng chục nghìn cán bộ, chuyên gia trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Như tôi được biết, khi đó, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa - giáo dục... đã được Liên Xô hỗ trợ xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước các bạn. Trong giai đoạn này, sức mạnh của quan hệ Xô - Việt được tạo ra từ hình mẫu của tình nghĩa quốc tế trong sáng và thủy chung. 

Quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam ngày nay đã kế thừa quan hệ Xô - Việt với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước. Với rất nhiều nỗ lực và cố gắng, năm 2001, hai nước chúng ta đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đến năm 2012 nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu hợp tác song phương trong thời kỳ mới. Kể từ khi triển khai quan hệ Đối tác chiến lược và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Liên bang Nga - Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa và phát triển ở mỗi nước. Kết quả đó thể hiện quyết tâm chính trị và cách tiếp cận mới của Lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc tăng cường hợp tác song phương.

Cá nhân tôi đã có nhiều cơ hội đến Việt Nam. Điều làm tôi yêu Việt Nam chính là lòng tốt, sự lương thiện, chân thành của người dân, là vẻ đẹp tâm hồn, trong sáng của người Việt Nam. Dù trải qua nhiều khó khăn và gian khó, nhưng điều đó không làm các bạn nhụt chí mà luôn mở lòng với thế giới, cho thế giới thấy rõ quyết tâm, nghị lực và năng lực phát triển của mình. Qua việc tham gia, hợp tác với gần như tất cả các khuôn khổ đa phương như: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Việt Nam đang chứng tỏ mình ngày một lớn mạnh hơn cả về thế là lực và trên trường quốc tế.

Thế giới ngày càng biến động, do đó, việc củng cố và phát huy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt, phục vụ sự nghiệp phát triển ở mỗi nước, góp phần vào công cuộc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với quá khứ đầy tự hào, những thành quả to lớn của hiện tại, với quyết tâm và mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai tươi sáng của quan hệ hai nước.

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Đối ngoại.


Bài 2:

VIỆT NAM VÀ BẠN BÈ QUỐC TẾ:  KINH NGHIỆM XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ KIẾN THIẾT ĐẤT NƯỚC

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát phát triển đất nước trong 5 năm tới, trước hết là "Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh". Việc học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng với các đảng cộng sản trên thế giới cũng là một cách giúp chúng ta có thêm những bài học, cách làm hay, sáng tạo nhằm tăng cường hiệu quả của công tác này. Thấm nhuần tinh thần đó, Tạp chí Đối ngoại lựa chọn chủ đề Kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng của các đảng và đánh giá về những thành tựu trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam và đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong phong trào cộng sản, công nhân thế giới để trao đổi với đồng chí Pallab Sengupta, Uỷ viên Hội đồng điều hành quốc gia, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI); đồng chí Flasarova Vera - Trưởng ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Trung ương Đảng Cộng sản Séc - Môrava (CPBM); và đồng chí Christopher Malhako - Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP). Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn. Đầu đề do Ban Biên tập đặt.

Phóng viên (PV): Xin các đồng chí chia sẻ một vài kinh nghiệm về công tác phát triển Đảng, trước hết là việc thu hút đảng viên mới của Đảng mình.

Đồng chí Christopher Malhako (SACP): Đảng Cộng sản Nam Phi chúng tôi có một tổ chức có tên là Liên đoàn Cộng sản Trẻ, tổ chức hoạt động rất năng động, đặc biệt trong việc thu hút quần chúng trẻ. Bằng việc đưa tư tưởng Chủ nghĩa Mác - Lênin vào giới trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp họ sớm hội nhập vào đời sống chính trị đất nước. Đây là một trong số những chính sách chúng tôi cho rằng hiệu quả và có ý nghĩa nhất của chúng tôi. Ở Nam Phi hiện nay, thanh niên chiếm 23% tổng số dân cả nước, nếu thu hút và phát huy được lực lượng xã hội đông đảo này sẽ giúp ích rất lớn cho công tác phát triển, mở rộng quy mô của Đảng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Đồng chí Pallab Sengupta (CPI): Xuất thân của đảng viên trong Đảng chúng tôi rất đa dạng, có nông dân, công nhân, trung lưu, sinh viên… Hiện nay Ấn Độ vẫn là nước chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và lao động thủ công để phát triển, thêm vào đó, các bạn sinh viên trí thức trẻ cũng đang là lực lượng khá đông đảo và có sức ảnh hưởng trong xã hội, do vậy, Đảng Cộng sản Ấn Độ có kế hoạch tập trung thu hút lực lượng đảng viên mới ở hai tầng lớp lao động và trí thức này.

Nhưng vấn đề là làm thế nào để thu hút các bạn trẻ ấy? Bạn biết không, thời chúng tôi còn trẻ và mới vào Đảng những năm 1960 - 1970, lúc đó chúng tôi thấy đầy ước mơ, hoài bão. Vào thời gian đó, hàng loạt người xin vào Đảng. Nhưng  tình hình ngày nay đã khác, nhiều người đã từ bỏ các Đảng Cộng sản vì không thấy được con đường tiếp tục. Bởi vì lẽ đó cho nên, theo tôi, cách duy nhất để thu hút tầng lớp lao động và trí thức chính là xác định rõ những nhu cầu chính đáng, những quyền lợi sát sườn của họ, đưa ra được những chính sách đáp ứng những nhu cầu đó, cũng như sự đấu tranh chống lại những vấn nạn, bất cập còn tồn tại trong đời sống xã hội Ấn Độ hiện nay. Có như vậy mới khiến họ hiểu rằng Đảng Cộng sản thực sự là tổ chức của họ, vì lợi ích của họ và thu hút được họ.

Đồng chí Flasarova Vera (CPBM):  Mỗi năm chúng tôi có 700 - 800 đảng viên mới. Chúng tôi phân loại đảng viên mới của mình thành 3 nhóm theo độ tuổi: Nhóm thứ nhất là giới trẻ, tập trung chủ yếu là sinh viên, công nhân. Nhóm thứ hai là nhóm trung tuổi, chủ yếu là phụ nữ. Nhóm thứ ba là những người đã nghỉ hưu. Với các đối tượng khác nhau, chúng tôi tiến hành sửa đổi các điều luật, chính sách sao cho phù hợp với từng nhóm. Những điều chỉnh đó có thể là về luật về xã hội, con người; các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội; một số ưu tiên cho các đảng viên tiềm năng, đảng viên trẻ… Những việc làm cụ thể này thực sự đã thu hút được nhiều người gia nhập vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Séc - Môrava.

PV: Các đồng chí có thể chia sẻ đôi điều về cơ chế trao đổi thông tin trong Đảng và các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của Đảng trên chính trường.

Đồng chí Pallab Sengupta (CPI): Về cơ chế thông tin, chúng tôi có một hệ thống nội bộ từ Trung ương đến cơ sở, khi một quyết định được đưa ra, nó sẽ được truyền ngay lập tức xuống cơ sở qua hệ thống thư điện tử. Trong thời đại ngày nay, việc truyền tin xuống cơ sở thật đơn giản và tiện lợi.

Về chiến lược để nâng cao vị thế chính trị của Đảng, chúng tôi đã có một chương trình được xây dựng từ Đại hội Đảng vừa qua. Trong văn kiện, chúng tôi đã nêu lên vấn đề còn tồn tại của đất nước và đề ra những đường hướng điều chỉnh phát triển trước mắt. Chúng tôi tìm những ra những phương cách để tiến tới chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm của xã hội Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi khẳng định rằng sẽ có một mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội riêng biệt của Ấn Độ, phù hợp với chính trị, văn hoá và truyền thống của chúng tôi. Phát huy những thế mạnh truyền thống, chúng tôi tin sẽ xây dựng được xã hội chủ nghĩa ở Ấn Độ trong tương lai. Dù rằng sẽ phải mất một thời gian nhất định, nhưng chương trình mới này đã vạch ra cho Đảng chúng tôi một số chiến lược mới để không chỉ hướng đến giai cấp công nhân mà còn hướng tới những nhóm đối tượng khác trong xã hội mà hiện vẫn chưa được đối xử một cách đồng đều như dân tộc thiểu số, các nhóm tôn giáo... Chúng tôi rất chú trọng những đối tượng này bởi thông qua họ, chúng tôi có thể thúc đẩy các phong trào chính trị của mình. Những phong trào này bên cạnh mục tiêu chính trị, chúng tôi còn cùng các nhóm đối tượng đấu tranh vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, dân chủ và toàn diện. Với động lực đó, chúng tôi tạo ra ảnh hưởng ngày càng mạnh hơn trong toàn xã hội, hướng tới mục tiêu thực hiện chủ nghĩa xã hội ở Ấn Độ.

Một trong những nội dung quan trọng trước mắt đối với chúng tôi là phải thống nhất các đảng cộng sản ở Ấn Độ, tức Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ mácxít. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hai Đảng chúng tôi có thể thu hẹp khoảng cách. Dẫu còn một vài khác biệt nhưng chúng tôi tin tưởng vào tương lai hợp nhất của hai đảng.

Đồng chí Christopher Malhako (SACP): Đảng chúng tôi có các tài liệu, ấn phẩm phản ánh tình hình thực tế của mình, những hoạt động hằng ngày của các cơ sở và truyền tải chúng đến với các địa phương. Các tài liệu này có ý nghĩa rất lớn đối với đảng viên, qua đó họ được tương tác và nắm bắt thông tin hoạt động của nhau. Các tài liệu này cũng là một kênh để chúng tôi cung cấp thông tin về đảng mình tới người dân và thu hút đảng viên mới. Nội dung các tài liệu chủ yếu về kế hoạch, chương trình hành động, chính sách, được xuất bản từ 2 tuần, hằng tháng đến hằng quý.

Đảng chúng tôi luôn xác định việc giữ vững mục tiêu hướng tới chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Nhưng đó là cả một quá trình, đòi hỏi các tổ chức Đảng Cộng sản chúng ta kết nối, phối hợp với nhau.

PV: Xin các đồng chí cho biết đánh giá của mình khi được tận mắt chứng kiến những thành quả trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam?

Đồng chí Pallab Sengupta (CPI): Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1985, khi đó là một sinh viên, nên tôi có cơ hội để chứng kiến Đổi mới ngay từ những ngày đầu. Đã đến Việt Nam hơn 10 lần, mỗi lần tới đây, tôi lại thấy một “Việt Nam mới”. Các bạn đang phát triển rất nhanh chóng và toàn diện, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây. Việc lựa chọn phát triển đất nước theo cơ thế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã góp phần thúc đẩy phát triển đất nước trên mọi lĩnh vực, đời sống người dân được cải thiện, tổng thu nhập quốc nội không ngừng được tăng cao. Việt Nam đang vươn lên trở thành một nền kinh tế quan trọng trong khu vực. Về chính trị ngoại giao, Việt Nam hiện nay đang có mặt ở rất nhiều liên kết quan trọng trong khu vực và quốc tế, tạo ra uy tín ngày càng lớn trên trường quốc tế, thu hút được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới và khu vực, trong đó có Ấn Độ. Phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, hiện nay cả hai nước chúng ta đang nỗ lực nâng cao quan hệ hướng tới những mục tiêu chiến lược. Vì vậy, trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, Việt Nam luôn là một trong những đối tác quan trọng trên cả khía cạnh kinh tế và an ninh-chính trị.

Đồng chí Christopher Malhako (SACP): Tôi thấy công cuộc Đổi mới của Việt Nam thực sự tuyệt vời và có ý nghĩa. Thành quả lớn nhất mà tôi thấy được là sự phát triển về kinh tế của các bạn. Đổi mới của các bạn đã đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của người dân, tăng thu nhập bình quân đầu người, tạo công ăn việc làm, bảo đảm cơm no, áo ấm cho người dân của mình… Nếu không đáp ứng được những nguyện vọng đó của người dân, thì sẽ không thể coi là sự phát triển.

     Đồng chí Flasarova Vera (CPBM): Đây là lần đầu tôi đến Việt Nam, tôi cảm thấy thật tuyệt vời, các bạn thật thân thiện. Tôi được tận mắt chứng kiến những thành quả kinh tế - xã hội do công cuộc Đổi mới đem lại, những thành quả mà trước đây tôi mới chỉ được nghe nói tới đó là người dân được ấm no, hạnh phúc, chất lượng cơ sở hạ tầng được nâng cao, giáo dục đào tạo được đẩy mạnh… Tất cả đều rất đáng kinh ngạc và khâm phục.

PV: Các đồng chí đánh giá thế nào về các cơ chế phối hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân quốc tế và đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cơ chế này?

Đồng chí Pallab Sengupta (CPI): Tôi nghĩ chúng ta hiện đã có một số cơ chế để duy trì kết nối giữa các đảng, nhưng như thế là chưa đủ. Thử hình dung, mỗi năm, chúng ta đi tới một nơi, gặp gỡ, tạo dựng một vài mối quan hệ rồi sau đó lại ra về. Điều đó cũng tốt, nhưng tôi nghĩ là chưa đủ. Tại các cuộc họp trong khuôn khổ 2 đến 3 ngày, chúng ta khó có thể gặp gỡ, tiếp xúc được hết tất cả các đảng. Do vậy, bên cạnh việc duy trì các hoạt động hiện có, chúng ta cần tìm ra cách để tăng cường giao lưu, hiểu biết nhau hơn.

Trên tinh thần đó, mỗi đảng cần phải phát huy vai trò là một nhân tố cho sự thống nhất, tạo động lực để có sự gắn kết chặt chẽ hơn. Những điều gì có lợi cho hoà bình, ổn định của quốc gia và khu vực thì nên làm. Và không chỉ là trong phạm vi các đảng cộng sản, mà với cả các đảng khác cũng nên phát huy tinh thần này. Tất cả nên hành động cùng nhau. Giờ đây chúng ta có Hội nghị các đảng chính trị châu Á (ICAPP). Và việc của chúng ta là phải tìm cách để nâng cao chất lượng các cơ chế hợp tác này.

Với Việt Nam, trong quá khứ, Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử đấu tranh anh hùng là nguồn động viên và niềm tự hào của những miền đất thuộc địa. Ngày nay, Việt Nam là hình mẫu của việc áp dụng mô hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và gặt hái nhiều thành công. Việt Nam đang nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế. Chúng tôi có thể học hỏi từ Việt Nam, từ cả chính cách mà Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức. “Việt Nam làm được, tại sao bạn lại không?”.

Đồng chí Christopher Malhako (SACP): Phải nói rằng các đảng cộng sản công nhân đã tạo ra các cơ chế hợp tác quốc tế để thúc đẩy tình đoàn kết và truyền bá lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng tôi đều biết đến cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam và những đóng góp của Việt Nam vào phong trào cộng sản công nhân quốc tế, thúc đẩy tình đoàn kết giữa các đảng cộng sản công nhân trên thế giới. Việt Nam cũng có đóng góp quan trọng vào cơ chế hợp tác giữa các đảng cộng sản và công nhân, điển hình như việc đăng cai tổ chức Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân vào tháng 10 tới.

Đồng chí Flasarova Vera (CPBM): Chúng ta có chung mục tiêu, đó là chủ nghĩa xã hội, nên việc chúng ta kết nối và phối hợp hành động với nhau là vô cùng quan trọng. Việt Nam ngày nay đang xây dựng một mô hình mới của chủ nghĩa xã hội. Nếu được nói một câu với Việt Nam, thì tôi sẽ nói, tất cả đều là có thể, khi mà ta đem lại lợi ích cho tất cả mọi người dân mong mỏi hoà bình.

PV: Xin cảm ơn các đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Đối ngoại.

Bài 3

                   CỰU THỦ TƯỚNG NÊPAN: "QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG VỚI NHÂN DÂN NHƯ CÁ VỚI NƯỚC!"

Trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước trước kia cũng như bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của các đảng cộng sản, cánh tả trên thế giới. Bên cạnh việc trao đổi các bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo phát triển đất nước, một trong những hình thức ủng hộ, giúp đỡ thiết thực chính là việc các đảng chia sẻ với nhau về kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng, củng cố và phát triển tổ chức, lực lượng, nhằm đạt được mục tiêu chính trị của mình. Tiếp tục chủ đề trao đổi về các vấn đề của công tác xây dựng đảng, trong số này, Đảng Cộng sản Nêpan Mácxít - Lêninnít Thống nhất (CPN-UML) sẽ giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng đảng của mình và những đánh giá về những thành tựu của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua. Đó chính là nội dung cuộc trao đổi của đồng chí Madhav Kumar Nepal, lãnh đạo cấp cao và Trưởng ban Quốc tế CPN-UML, cựu Thủ tướng Nêpan, với phóng viên Tạp chí Đối ngoại. Đầu đề do Ban Biên tập đặt.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, việc kết nạp đảng viên mới là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng đảng. Xin đồng chí chia sẻ một vài kinh nghiệm về công tác này của Đảng mình.

Đồng chí Madhav Kumar Nepal: Như các bạn đã biết, năm 2008, nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Nêpan được thành lập, đưa Nêpan trở thành “một quốc gia cộng hòa dân chủ toàn diện, độc lập, thống nhất, có chủ quyền và thế tục”, chính thức chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến đã tồn tại hơn hai trăm năm. Trong quá trình đó, CPN-UML là một trong hai đảng tại Nêpan đã nỗ lực đấu tranh vì nền dân chủ quốc gia. Chúng tôi đưa ra “ba ngọn cờ”: Thứ nhất, “ngọn cờ” lợi ích dân tộc lên trên hết; thứ hai, “ngọn cờ” dân chủ, vì quyền con người, trao quyền cho con người; thứ ba, “ngọn cờ” công bằng xã hội, vì sự thịnh vượng của người dân và xã hội.

Với “ba ngọn cờ” này, chúng tôi tìm đến các đối tượng xã hội là thanh niên, sinh viên, phụ nữ, doanh nhân... để vận động sự tham gia của họ. Do vậy, để thu hút họ, chúng tôi phải hoạt động tích cực trong các vấn đề như giáo dục, bình đẳng giới, nữ quyền, cải cách đất đai, quyền lợi của người nghèo và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội... Chúng tôi trở thành phát ngôn viên của họ và bằng cách này, CPN-UML thu hút được nhiều thành viên mới.

Các tổ chức quần chúng là một nguồn cung cấp đảng viên mới cho chúng tôi. Từ các tổ chức này, nhiều người đã trở thành đảng viên CPN-UML và hoạt động tích cực trong lĩnh vực của mình. Chúng tôi cũng luôn tìm kiếm những người ủng hộ CPN-UML, đồng thời, mở rộng hoạt động để từ đó CPN-UML được biết đến nhiều hơn.

PV: Xin đồng chí chia sẻ đôi điều về cơ chế trao đổi thông tin trong Đảng các đồng chí.

Đồng chí Madhav Kumar Nepal: Chúng tôi có cơ chế thông tin chặt chẽ trong hệ thống các tổ chức cơ sở Đảng từ Trung ương tới địa phương. Ví dụ, khi có thiên tai như hạn hán hay động đất xảy ra, nhờ cơ chế thông tin trong Đảng, các đảng viên của chúng tôi sẽ ngay lập tức tìm tới và giúp đỡ, hỗ trợ người dân, từ cái nhỏ nhất như đồ ăn, nước uống... Việc thông tin tốt đã góp phần giúp CPN-UML giữ quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân như “cá với nước”. Thông qua phương thức này, chúng tôi truyền tới người dân thông điệp rằng, sứ mệnh của chúng tôi là bảo vệ họ, nếu họ gặp khó khăn thì CPN-UML sẽ có mặt để chia sẻ và giúp đỡ họ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị, thông tin, trao đổi với các tổ chức quần chúng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, tạp chí, truyền hình, Internet, mạng xã hội facebook...

PV: Xin đồng chí cho biết các biện pháp nhằm nâng cao vai trò của Đảng trên chính trường Nêpan.

Đồng chí Madhav Kumar Nepal: Để nâng cao vai trò của Đảng trên chính trường, CPN-UML nhận thức cần phải làm được hai điều: một là, “không đứng yên mà phải tiến lên” và hai là, “cần tranh đấu và chiến thắng các đảng khác”.

Nếu như tại cuộc bầu cử năm 1991, CPN-UML mới chỉ là đảng lớn thứ hai tại Nêpan với 34% tổng số ghế trong Quốc hội thì chỉ sau 3 năm, tại kỳ bầu cử năm 1994, chúng tôi trở thành đảng lớn nhất với 40% số ghế trong Quốc hội. Chúng tôi thành lập Chính phủ và Chủ tịch Đảng trở thành Thủ tướng còn tôi là Phó Thủ tướng. Trong thời gian Chính phủ hoạt động, chúng tôi đã tập trung vào việc trao quyền nhiều hơn cho địa phương và người dân.

Chúng tôi có một chiến dịch mang tên “Đến tận làng xã”, tức là chính quyền Trung ương phân ngân sách cho các làng xã, trao trách nhiệm xây dựng cho chính các làng xã. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có các hoạt động như cấp phụ cấp hằng tháng cho người dân, phân đất cho những người dân không có đất, cấp nhà cho người vô gia cư... Đã có tới hơn 60 nghìn người được hưởng lợi từ các chiến dịch, chương trình này. Cho đến tận bây giờ, sau 20 năm, người ta vẫn nhắc về Chính phủ này.

Một ví dụ khác, hẳn các bạn còn nhớ trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Nêpan năm ngoái. CPN-UML đã cử 100 nghìn tình nguyện viên tới giúp đỡ người dân bị nạn. CPN-UML luôn ý thức trách nhiệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng, du lịch, giáo dục, thủy điện... Và đó là cách chúng tôi nâng cao vị thế chính trị của mình tại Nêpan để CPN-UML được nhiều người dân ủng hộ như hiện nay.

PV: Xin đồng chí cho biết đánh giá của mình khi được tận mắt chứng kiến những thành quả trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam.

Đồng chí Madhav Kumar Nepal: Tôi cho rằng, một trong những điểm sáng của Đổi mới chính là việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Trong đó, cả nhà nước và thị trường đều có vai trò trong điều tiết nền kinh tế và người dân được khuyến khích làm việc.

Sau hơn 30 năm, Việt Nam đã có một bộ mặt mới. Điều tôi thấy ấn tượng chính là những con số tổng thu nhập quốc nội (GDP) đáng mừng của Việt Nam trong những năm gần đây. Tới Việt Nam, tôi đã được tận mắt thấy những khu công nghiệp trong đó có nhiều khu liên doanh quy mô mọc lên ở các tỉnh, thành sản xuất rất nhiều các sản phẩm như TV, điện thoại di động, xe máy, xe hơi... Nhờ đó, người dân có công ăn việc làm, được bảo đảm các nhu cầu như cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, giáo dục và y tế...

Nêpan là một đất nước mới xóa bỏ chế độ quân chủ chưa lâu, chúng tôi thấy việc lãnh đạo làm việc theo nhiệm kỳ của Việt Nam rất đáng để nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác học tập. Lãnh đạo hiểu những vấn đề người dân gặp phải còn người dân hiểu mong muốn của giới lãnh đạo là một nhân tố dẫn tới thành công của Việt Nam.

Tuy vậy, Việt Nam cũng còn có những thách thức trước mắt, trong đó có thách thức trong phát triển kinh tế, đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới và thách thức trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước.

PV: Đồng chí đánh giá thế nào về các cơ chế phối hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân quốc tế và đóng góp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các cơ chế này?

Đồng chí Madhav Kumar Nepal: Các đảng cộng sản, công nhân quốc tế luôn cần có một diễn đàn, cơ chế để cùng chia sẻ kinh nghiệm, ví dụ như kinh nghiệm xây dựng đảng, lãnh đạo đất nước... và bàn luận về các thách thức chung. Chúng ta cần một diễn đàn mở cho bất kỳ ai tin vào lý luận Mác, Lênin, những người mong muốn xã hội họ đang sống đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.  

Trong số các cơ chế hiện đang hoạt động, Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP) là nơi mọi thành viên đều có thể đưa ra vấn đề và có cơ hội bày tỏ chính kiến. Diễn đàn này cần được khuyến khích và các đảng chúng ta nên tham gia vào các diễn đàn như thế này, trên tinh thần không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau kể cả từ những kinh nghiệm thành công và thất bại.

Việt Nam có một vai trò quan trọng trong các cơ chế này. Các bạn đã rất khéo léo tìm ra một con đường chung cho mọi người tiến lên. Các quốc gia với nền tảng chủ nghĩa xã hội chắc chắn như Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều so với các quốc gia vẫn đang phải tranh đấu tìm cách đi theo con đường này. Các bạn đã truyền tải thông điệp về sự đoàn kết, phấn đấu xây dựng một thế giới tốt đẹp, bình đẳng, nhân văn hơn tới mọi tầng lớp nhân dân lao động và các đảng cộng sản trên thế giới.

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Đối ngoại. Kính chúc đồng chí mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho Đảng và đất nước của đồng chí. Chúc cho CPN-UML sẽ gặt hái nhiều thắng lợi và thành công hơn nữa trên con đường sắp tới.


Bài 4

         ĐẢNG PHẢI ĐƯA NHỮNG NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG CỦA QUẦN CHÚNG VÀO VỊ TRÍ TRUNG TÂM

Tiếp tục chủ đề trao đổi về các vấn đề công tác xây dựng đảng, trong số này, Đảng Lao động (PT) Mêhicô và Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) có những chia sẻ hết sức thẳng thắn và chân tình từ góc độ những người bạn tuy ở xa nhưng luôn quan tâm đến Việt Nam và nỗ lực khởi xướng và tổ chức các diễn đàn để gắn kết các đảng cộng sản, cánh tả trên thế giới. Những thành tựu có giá trị phải hết sức gìn giữ hay những thách thức mà Đảng ta sẽ phải vượt qua là những vấn đề được các đảng đề cập. Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi của đồng chí Alberto Anaya Gutierrez, Tổng Bí thư PT Mêhicô, và đồng chí Dimitris Koutsumpas, Tổng Bí thư KKE, với phóng viên Tạp chí Đối ngoại.

PV: Trước hết, xin cám ơn các đồng chí đã thu xếp dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Đối ngoại. Xin đồng chí chia sẻ một vài kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng của đảng mình.

Đồng chí Alberto Anaya Gutierrez: Kinh nghiệm quan trọng nhất chính là phải đưa những mong muốn, đòi hỏi chính đáng của quần chúng vào vị trí trung tâm để phát huy vai trò quần chúng. Để vận động phong trào nhân dân, Đảng phải hiểu mong muốn, nguyện vọng của họ, nếu không, khó có thể vận động được. Sự gắn kết của đảng với quần chúng là yếu tố quyết định đối với sức mạnh của đảng.

Chính kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác xây dựng đảng cũng giúp ít nhiều cho Đảng chúng tôi trong lĩnh vực này. Một kinh nghiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra qua phong trào Cách mạng Việt Nam là luôn phất cao ngọn cờ đoàn kết và tập hợp quần chúng. Những cuộc đấu tranh vĩ đại mà nhân dân Việt Nam chống lại phát xít và đế quốc đều được sự ủng hộ quần chúng nhân dân chính là do Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích dân tộc, nhân dân vào vị trí trung tâm. Đó là kinh nghiệm dành cho những người cách mạng trên phạm vi toàn thế giới.

Đồng chí Dimitris Koutsumpas: Chúng tôi cho rằng nhân tố cơ bản quyết định vai trò và hiệu quả hoạt động của đảng trong phong trào công nhân, trong cuộc đấu tranh giai cấp là xây dựng các tổ chức đảng. Đặc biệt, Đảng chúng tôi chú trọng xây dựng tổ chức trong các ngành công nghiệp, các ngành quan trọng mang tính chiến lược, góp phần tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng của đảng trong giai cấp công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ. Bên cạnh đó, Đảng chúng tôi tập hợp yêu sách của các tầng lớp quần chúng nhân dân và xây dựng một liên minh của nhân dân bao gồm cả công nhân, nông dân, người lao động tự do ở thành thị, thanh niên và phụ nữ... Đảng viên và cán bộ của Đảng phải nỗ lực phát triển mối liên hệ mạnh mẽ với người dân.

Về cơ chế thông tin trong đảng, Đảng của chúng tôi có báo Rizospastis phát hành hằng ngày, là một cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngoài ra, chúng tôi cũng xuất bản tạp chí lý luận - chính trị Tầm nhìn cộng sản (Kommounistiki Epitheorisi) hai tháng một lần và cổng thông tin tại địa chỉ http://www.902.gr/, cung cấp liên tục tin tức và các tuyên bố của Đảng. Tất cả các hình thức truyền thông này hỗ trợ đáng kể cho việc cung cấp thông tin đến đảng viên bạn bè của Đảng và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hy Lạp (KNE) cũng như đông đảo giai cấp công nhân và các lực lượng quần chúng. Rõ ràng là đảng viên được thông tin và có thể thảo luận các vấn đề nội bộ đảng trong các cuộc họp ở các tổ chức cơ sở đảng.

Về vấn đề các biện pháp nâng cao vị thế của đảng trên chính trường, việc củng cố KKE, nâng cao vai trò của Đảng trong nhân dân là một nhiệm vụ phức tạp cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức và điều này đã được nêu ra trong Nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng. Tôi chỉ xin đề cập một vài khía cạnh: Đảng của chúng tôi nghiên cứu học tập lịch sử, lịch sử của phong trào cộng sản quốc tế, từ đó rút ra những kết luận hữu ích và điều chỉnh chiến lược của mình dựa trên những bài học đã thu được. Đây là một nhiệm vụ chính trị - tư tưởng quan trọng, định hướng đúng đắn và tôi luyện về mặt tư tưởng cho đảng viên, cán bộ của Đảng, cũng như những người bạn của Đảng. Tất nhiên, chúng tôi mong muốn có nhiều người hơn nữa bỏ phiếu cho Đảng chúng tôi trong các kỳ bầu cử để KKE có thể có đại diện nhiều hơn trong Quốc hội. Tuy nhiên, Đảng chúng tôi không ảo tưởng về vai trò trong Quốc hội. Chúng tôi ưu tiên hoạt động trong các tổ chức công đoàn, trong phong trào nhân dân và người lao động, trong giới trẻ.

PV: Như vậy, Hội thảo quốc tế “Các đảng chính trị và một xã hội mới” đã được tổ chức 20 năm qua, Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân quốc tế cũng gần 20 năm. Các đồng chí đánh giá thế nào về các cơ chế phối hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân quốc tế trong các cơ chế này?

Đồng chí Alberto Anaya Gutierrez: 20 năm qua, diễn đàn Các đảng chính trị và một xã hội mới đã từng bước trở thành phong trào của lực lượng cánh tả tiến bộ tại Mỹ Latinh và trên thế giới. Diễn đàn là nơi các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm lý luận và thực tiễn xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XXI. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi mong muốn mở rộng sự tham gia của các đảng chính trị ở Đông Nam Á và châu Á vào diễn đàn này, qua đó thúc đẩy, tăng cường quan hệ giữa các đảng cánh tả tiến bộ ở Mỹ Latinh với các đảng cánh tả, tiến bộ ở Đông Nam Á, châu Á và trên toàn thế giới. Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia ngày càng nhiều của các đảng cánh tả châu Á, Đông Nam Á vào diễn đàn của chúng tôi. Năm 2016 có 120 chính đảng tham gia Hội thảo, chúng tôi tin tưởng con số này sẽ tăng lên nhiều trong Hội thảo lần thứ 21 dự kiến tổ chức tháng 3/2017 tới đây cũng như trong tương lai. 

Đồng chí Dimitris Koutsumpas: Cách đây gần 20 năm, KKE đã đưa ra sáng kiến tổ chức một Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân tại Athens. Cuộc gặp đã nhận được sự ủng hộ của các đảng cộng sản khác, nhanh chóng trở thành sự kiện quan trọng thường niên của phong trào cộng sản thế giới và từ năm 2006 đến nay, diễn đàn này được các đảng cộng sản, công nhân khác tiếp tục củng cố, duy trì.

Hơn 120 đảng cộng sản tham gia các IMCWP có một địa chỉ trang web chung (www.solidnet.org), tại đó, các đảng có thể đăng tải tin tức và các tài liệu của đảng mình, đồng thời Solidnet còn là một hệ thống để các đảng cộng sản cập nhật và trao đổi thông tin lẫn nhau một cách nhanh chóng. Chúng tôi cũng phát hành “Tập san thông tin” (“Information Bulletin”), tập hợp các văn bản, tài liệu của các cuộc gặp của các đảng cộng sản. Vận hành trang web Solidnet và việc xuất bản “Tập san thông tin” là những cam kết của KKE đối với các đảng cộng sản khác đang tham gia vào IMCWP.

Hiện nay, dù lực lượng cánh tả đã có nhiều nỗ lực, không thể che đậy một thực tế rằng phong trào cộng sản vẫn đang gặp khó khăn về tổ chức và tư tưởng và trong những năm gần đây. KKE đưa ra các sáng kiến và đóng vai trò lãnh đạo để chúng ta có thể vượt qua tình hình trên, trong đó có việc thành lập Tạp chí Cộng sản Quốc tế (ICR). Thông qua việc xuất bản tạp chí (cho đến nay đã có 6 chuyên đề được xuất bản), trong đó thảo luận các vấn đề với các cách tiếp cận khác nhau, ICR đã tạo thêm động lực cho chiến lược chung của các đảng cộng sản, góp phần bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin.

Thêm vào đó, cũng theo sáng kiến của Đảng chúng tôi, các Cuộc gặp Cộng sản châu Âu, các Cuộc gặp của các đảng cộng sản Đông Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư đã được tổ chức, cũng như các cuộc gặp của các đảng cộng sản ở Bancăng. Những cuộc gặp đã được thiết lập này tạo ra không gian trao đổi quan điểm và kinh nghiệm giữa các đảng.

PV: 30 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo sự nghiệp Đổi mới, xây dựng, phát triển bền vững đất nước. Xin đồng chí cho biết đánh giá của mình khi được tận mắt chứng kiến những thành quả trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam.

Đồng chí Alberto Anaya Gutierrez: Tôi cho rằng công cuộc Đổi mới giúp giải phóng sức lao động của các đồng chí. Trước Đổi mới, Việt Nam là nước nông nghiệp không đủ ăn, nhưng sau khi tiến hành Đổi mới, các bạn trở thành một nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, giải quyết được vấn đề nghèo đói. Những kết quả bước đầu trong nông nghiệp đã tạo cơ sở để Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày nay, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển hiện đại. Chúng ta có thể thấy sản phẩm “made in Việt Nam” xuất hiện ở mọi nơi.

Mỗi lần sang thăm Việt Nam tôi đều thấy đất nước các đồng chí có nhiều sự đổi mới. Đời sống nhân dân, trong đó có cả đồng bào dân tộc thiểu số, ngày một nâng cao. Các vấn đề giáo dục - đào tạo, y tế được quan tâm cải thiện. Tuổi thọ bình quân của Việt Nam được tăng lên đáng kể là 76 tuổi, tương đương ở các nước châu Âu, đây là điều tôi rất ấn tượng. Các đồng chí đã tạo ra niềm tin cho thế hệ trẻ thấy cơ hội được học hành, tham gia thị trường lao động, nâng cao đời sống. Tôi nhìn thấy niềm vui và sự hạnh phúc trên gương mặt của người dân Việt Nam. Tôi thấy những người phụ nữ ngày càng đẹp, xuân sắc, hiện đại và thời trang hơn. Tôi cũng thấy một lực lượng thanh niên hạnh phúc và tương lai tươi sáng đang chờ đón họ ở phía trước. Không thể có điều đó nếu không có Đổi mới.

Đồng chí Dimitris Koutsumpas: Về cơ bản, chúng tôi theo sát công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Theo chúng tôi, các đồng chí cần tập trung ứng phó với những thách thức sau: Thứ nhất, nguy cơ mặt trái của nền kinh tế thị trường, đầu tư tư nhân, vốn nước ngoài liệu có thể tạo ra và làm gia tăng những khác biệt giai cấp và lợi ích nhóm. Thứ hai, bảo vệ lợi ích, quyền lợi của công nhân, đặc biệt là quyền lợi của công nhân trong các doanh nghiệp tư nhân. Thứ ba, ứng phó với nguy cơ của một vòng xoáy khủng hoảng mới. Thẳng thắn nhìn nhận và hành động thì Đảng Cộng sản Việt Nam mới củng cố được vai trò lãnh đạo của mình.

Chúng tôi tin tưởng rằng cách thức mà Việt Nam chống lại chủ nghĩa đế quốc là bài học lịch sử chứng minh rằng mặc dù tưởng như nhân dân là vô hình nhưng họ có thể đánh thắng kẻ thù nếu họ có niềm tin vào công cuộc chính nghĩa và cuộc đấu tranh giải phóng xã hội.

PV: Xin trân trọng cám ơn các đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Đối ngoại. 

 
Bài 5

ĐẢNG NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÀO TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNGTRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

“Nâng cao năng lực lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng” là mệnh đề đầu tiên trong khẩu hiệu Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, tổ chức hồi đầu năm 2016. Đảm nhận vai trò lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và ngày nay là đảng duy nhất cầm quyền, dẫn dắt đất nước theo con đường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định công tác xây dựng Đảng có vai trò quan trọng, không chỉ xây dựng một chính đảng vững mạnh, mà còn giúp Lào phát triển, nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Dưới đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi của đồng chí Xủnthon Xaynhachắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, với phóng viên Tạp chí Đối ngoại về một số vấn đề xây dựng Đảng.


 

Phóng viên (PV): Trước hết, cám ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Tạp chí Đối ngoại. Kính thưa đồng chí, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X đầu năm nay, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã xác định đất nước Lào đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, song cũng có những thách thức to lớn đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên định với con đường đổi mới toàn diện và có nguyên tắc. Muốn làm được điều đó, cần phải tiếp tục bảo vệ và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và trong sự nghiệp đổi mới để đạt được mục tiêu đã đề ra. Xin đồng chí cho biết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng X về xây dựng Đảng dựa trên những nguyên tắc gì?

Đồng chí Xủnthon Xaynhachắc: Trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình thế giới, khu vực và tình hình trong nước, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào xác định hai nhiệm vụ chiến lược là "Bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa" và phương hướng, tư tưởng chỉ đạo chung là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, kiên định đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc, bảo vệ và phát triển đất nước theo hướng bền vững, hướng tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa một cách vững chắc".

Để hoàn thành phương hướng, nhiệm vụ chiến lược nêu trên, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo công tác xây dựng và củng cố Đảng.

Thứ nhất, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản và truyền thống tốt đẹp làm nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phát huy tính tiên phong, tính giáo dục và tính chiến đấu của giai cấp công nhân; tự củng cố, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thứ hai, Đảng tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; Đảng có Điều lệ nghiêm minh, tôn trọng và thực hành theo Hiến pháp và pháp luật; mỗi đảng viên đều có quyền bình đẳng trên cơ sở Điều lệ Đảng và pháp luật. Từ khi Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ra đời vào ngày 22/3/1955 đến nay, Đảng luôn thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ và coi đó là nguyên tắc cơ bản nhất và duy nhất bảo đảm sự lãnh đạo mọi hoạt động của tổ chức đảng, sinh hoạt đảng và phong cách lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, Đảng coi đoàn kết là nguyên tắc cơ bản trên cơ sở chủ trương, đường lối và Điều lệ Đảng, bảo đảm sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng. Đảng luôn khẳng định quan điểm coi tăng cường đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ chiến lược lâu dài của Đảng. Trong thời gian qua cũng như ngày nay và mai sau, đoàn kết toàn dân đã, đang và trở thành sức mạnh tổng hợp và là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đất nước.

Thứ tư, Đảng lấy dân làm gốc, trung thành phục vụ nhân dân, hoạt động theo đường lối quần chúng của Đảng, dựa vào quần chúng và qua các phong trào cách mạng của quần chúng để xây dựng và phát triển Đảng. Đảng đã chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nhà nước của dân, do dân và vì dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi trọng việc lấy nhân dân tham gia xây dựng và củng cố Đảng; luân chuyển cán bộ, đảng viên xuống cơ sở, sát với dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, từ đó báo cáo lên tổ chức Đảng, Nhà nước để bổ sung, sửa đổi đường lối, chủ trương phù hợp với thực tiễn hơn.

Thứ năm, Đảng lấy nguyên tắc tự phê bình và phê bình làm quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn thực hiện nghiêm túc và thường xuyên tự phê bình và phê bình, coi đó là nội dung thường xuyên trong sinh hoạt đảng nhằm củng cố và xây dựng Đảng trong sạch và vững mạnh. Vì vậy, tự phê bình và phê bình phải mang tính đảng, tính nguyên tắc cao, bảo đảm tăng cường đoàn kết nhất trí cao trong đảng, tăng cường mối quan hệ giữa đảng và quần chúng nhân dân.

PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của công tác xây dựng Đảng của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong những năm qua?

Đồng chí Xủnthon Xaynhachắc: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kế thừa sự nghiệp của Đảng Cộng sản Đông Dương, do Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản là người lãnh đạo, rèn luyện, xây dựng. Qua quá trình hoạt động thực tiễn, Đảng luôn được củng cố về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và phương thức lãnh đạo; đã chủ động trong việc đề ra đường lối chính trị đúng đắn, đường lối tổ chức thực hiện phù hợp, có phương pháp lãnh đạo khoa học trở thành lực lượng chính trị vững mạnh trong toàn xã hội, tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược theo đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc và đạt được những kết quả cơ bản trên bốn mặt là:

Một là, xây dựng Đảng về chính trị. Trong những năm qua, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn quan tâm xây dựng, củng cố nhận thức về lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Cayxỏn Phômvihản, truyền thống của Đảng, của Nhà nước và các quan điểm tiến bộ của Đảng là cơ sở tư tưởng, lý luận và đã vận dụng lý luận, tư tưởng, truyền thống và các quan điểm đó vào tình hình thực tiễn của đất nước cũng như những đặc điểm riêng biệt của mỗi địa phương. Trên cơ sở các nguyên lý lý luận đó có thể vận dụng để xây dựng, củng cố Đảng về chính trị, coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng và lâu dài của cấp ủy các cấp từ trung ương đến cơ sở, bởi vì, làm tốt việc xây dựng Đảng về chính trị sẽ tạo cơ sở cho cho việc xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức và phương thức lãnh đạo. Trong thời gian qua, việc xây dựng đảng về chính trị được thể hiện trong việc đề ra đường lối, chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn của Đảng, phù hợp với quy luật khách quan của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Lào, được thể hiện qua một số nội dung như: Đảng đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối cách mạng từng giai đoạn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã chỉ ra sự vững mạnh về chính trị của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Lào.

Hai là, xây dựng Đảng về tư tưởng. Xây dựng Đảng về tư tưởng là một trong các khâu quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, trong những năm qua, cấp ủy các cấp đã quan tâm đến công tác này bằng cách giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên với nhiều hình thức, nội dung, biện pháp và giải pháp phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị từ Trung ương tới cơ sở; chú trọng sinh hoạt chính trị của các tổ chức đảng, là điều kiện để làm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và sửa chữa, khắc phục những quan điểm, suy nghĩ trái với bản chất giai cấp; tổ chức nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị của đảng nói chung, cũng như các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể của cấp mình nói riêng, từ đó tăng thêm sự hiểu biết và giác ngộ về chính trị, kiên định tư tưởng đi theo lý tưởng cách mạng của đảng, phân biệt rõ ràng bạn và thù, sẵn sàng chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nâng cao tinh thần cách mạng, tinh thần yêu nước, giáo dục cán bộ, đảng viên có tư tưởng vững vàng, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nâng cao kiến thức về chủ trương, chính sách và pháp luật của nhà nước; giáo dục truyền thống đoàn kết toàn dân, phát huy tính tự giác, tự học, tự nâng cao kiến thức toàn diện, lãnh đạo chống các tư tưởng cục bộ, bè phái, không đúng đường lối, pháp luật, xây dựng sự trong sạch về tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.

Ba là, xây dựng Đảng về tổ chức. Thời gian qua, cấp ủy các cấp đã quan tâm củng cố, xây dựng chi bộ vững mạnh - coi lãnh đạo toàn diện là nhiệm vụ trung tâm của cấp ủy các cấp, nhằm làm cho các tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo chính trị trong mọi lĩnh vực công tác từ Trung ương đến cơ sở, từ đó làm cho các cơ sở đảng có bước thay đổi về đội ngũ, lựa chọn các đồng chí đảng viên có kiến thức, năng lực và đạo đức cách mạng làm bí thư, phó bí thư... Đồng thời, công tác phát triển đảng viên có tính kế thừa, coi chất lượng là trên hết, số lượng là quan trọng, thực hiện đúng các bước, nguyên tắc đã quy định trong Điều lệ Đảng và định hướng phát triển đảng viên mới của Đảng. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm phát triển những quần chúng ưu tú, đủ điều kiện vào đảng và tuyệt đối đưa những người không đủ điều kiện ra khỏi tổ chức đảng; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nội bộ Đảng, lãnh đạo bảo vệ đường lối chính trị, tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cơ sở thống nhất thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường đoàn kết nhất trí cao trong nội bộ, phát huy những mặt tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và khắc phục những yếu kém trong đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm bảo đảm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đảm nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bốn là, xây dựng Đảng về phong cách lãnh đạo. Đảng Nhân dân Cách mạng Lào luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của mình bằng cách nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chi ủy và đảng bộ, chi bộ các cấp về việc thực hiện các cơ chế, quy chế, hình thức, nguyên tắc, biện pháp, phương pháp và phong cách lãnh đạo trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nhất trí cao trong Đảng và quần chúng nhân dân nhằm tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tự giác hoạt động sinh hoạt trong tổ chức đảng và thực hiện tốt quy chế họp, báo cáo của đảng bộ, chi bộ lên cấp trên và lãnh đạo, hướng dẫn cấp dưới; nâng cao tinh thần, trách nhiệm tự phê bình và phê bình; coi trọng việc nâng cao vai trò và phong cách lãnh đạo đi đôi với việc nâng cao tính gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

PV: Thưa đồng chí, nhiệm vụ “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng” được Đảng Nhân dân Cách mạng Lào thực hiện như thế nào?

Đồng chí Xủnthon Xaynhachắc: Việc củng cố phương thức lãnh đạo là sự cần thiết khách quan nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và tính chất tiên phong của Đảng. Trong giai đoạn mới này, Đảng cần tiếp tục kiên định và phát huy phương thức lãnh đạo là truyền thống tốt đẹp của Đảng, song song với việc tăng cường phương thức lãnh đạo có khoa học, thực tiễn và dân chủ.

Các cấp ủy đảng tiếp tục kiên định và phát huy phương thức lãnh đạo là truyền thống tốt đẹp của Đảng, nhất là hoạt động lãnh đạo thông qua đường lối và việc tổ chức của Đảng, lãnh đạo theo đường lối quần chúng, lấy việc vận động kết hợp với tính gương mẫu đi đầu của đảng viên và các tổ chức Đảng các cấp.

Tăng cường phương thức lãnh đạo có khoa học, thực tiễn và dân chủ, lấy công việc và trách nhiệm cùng với sự tích cực, chủ động để đấu tranh phòng chống loại bỏ bệnh quan liêu, lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm, chống quan điểm tư tưởng và hành vi không tôn trọng kỷ luật, độc đoán.

Các cấp ủy đảng phải quan tâm thực hiện công tác xây dựng đảng đúng theo hướng chỉ đạo, lấy việc xây dựng Đảng vững mạnh gắn với xây dựng Nhà nước vững mạnh, quan tâm củng cố việc lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương, bảo đảm thực hiện nguyên tắc Đảng không lơ là việc lãnh đạo, nhưng không làm thay Nhà nước; cán bộ, đảng viên ở mọi vị trí, mọi cấp đều phải hoạt động theo Điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước (Mặt trận) và tổ chức quần chúng, tôn trọng quy định và nguyên tắc hoạt động dân chủ của Mặt trận và tổ chức quần chúng, tạo điều kiện cho các tổ chức trên góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; thực hiện chế độ lãnh đạo tập trung đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của thủ trưởng.

Đổi mới phương thức làm việc của cơ quan chỉ đạo của Đảng từ Trung ương tới địa phương, đưa Nghị quyết thành kế hoạch, dự án vào cơ quan, ban ngành và địa phương theo thế mạnh và đặc điểm của bản thân, có kiểm tra và tổng kết việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Điều chỉnh sự điều hành trong nội bộ Đảng, giải quyết khó khăn của thể chế, nói đi đôi với làm và có hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí.

KIM NGÂN - HOÀNG HÀ - NGỌC DUNG (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất