Kỳ I: Chọn việc trọng tâm, việc khó
Triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, theo chỉ đạo chung, mọi cấp ủy đều phải cụ thể hóa bằng chương trình, đề án... để thực hiện. Bên cạnh ưu điểm là chủ yếu, ở đâu đó, việc cụ thể hóa vẫn là khâu yếu. Khắc phục khâu yếu này cũng như những hạn chế, khuyết điểm chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), cùng với nhiều giải pháp khác, từ giữa năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, người đứng đầu đăng ký nhiệm vụ trọng tâm. Qua hình thức “khoán việc” đó, việc thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị có sự tập trung cao hơn.
Từ bước khởi đầu
Dưới sự chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, từ giữa năm 2013, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc (gọi chung là cấp ủy cấp huyện) tập trung rà soát, đăng ký nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 với BTV Tỉnh ủy. Theo tinh thần chỉ đạo chung, trong số các nhiệm vụ cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện, mỗi đơn vị lựa chọn đăng ký 10 nhiệm vụ được cho là trọng tâm, nổi bật, trên cơ sở đó BTV Tỉnh ủy thẩm định, có văn bản xác nhận làm cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của tập thể cấp ủy và cá nhân người đứng đầu. Cũng từ năm đầu tiên này, trong chỉ đạo, BTV Tỉnh ủy nhấn mạnh, các nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền phải có sự gắn kết với nhiệm vụ trọng tâm của chủ tịch UBND cấp huyện đăng ký với Chủ tịch UBND tỉnh để bảo đảm tính thống nhất, tập trung, tránh chồng chéo trong quá trình chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa cấp ủy và chính quyền cùng cấp.
Đáng chú ý, không chỉ đăng ký nhiệm vụ với BTV Tỉnh ủy, căn cứ tình hình cụ thể, các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, ngành, chi, đảng bộ cơ sở đăng ký nhiệm vụ trọng tâm với BTV cấp ủy cấp huyện với yêu cầu rõ việc, rõ thời gian, giải pháp, lộ trình, định kỳ hằng quý báo cáo tiến độ thực hiện. Kết quả đăng ký và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là một trong những căn cứ để BTV cấp ủy cấp trên xem xét, đánh giá xếp loại cuối năm đối với tập thể BTV và đồng chí bí thư cấp ủy cấp dưới. Trên tinh thần đó, việc lựa chọn, xác định nhiệm vụ trọng tâm đã tạo hiệu ứng tích cực trong các cấp ủy và được đánh giá là cách làm sáng tạo, một giải pháp trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, từng bước khắc phục khâu yếu trong cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Chia sẻ về việc đăng ký và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và người đứng đầu, đồng chí Bùi Thế Chung, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết: Hằng năm các cấp ủy cấp huyện đăng ký hàng trăm nhiệm vụ liên quan đến mọi lĩnh vực, từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cho đến nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trước đó, để nhiệm vụ trọng tâm có tính khả thi cao, trong chỉ đạo, BTV Tỉnh ủy yêu cầu việc đăng ký của cấp ủy phải tiến hành theo phương châm “nghĩ sâu, chọn kỹ”, bám sát phương hướng, nhiệm vụ, các mục tiêu do nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra, nhất là tình hình thực tiễn, những vấn đề mới đặt ra ở địa phương, đơn vị. Đối với những việc khó, trong lãnh đạo, chỉ đạo đòi hỏi sự tập trung, thống nhất cao, cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải gương mẫu đảm nhận.
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Năm 2017, BTV Tỉnh ủy xác nhận 100 nhiệm vụ trọng tâm của 10 huyện ủy, thành ủy. Điểm chung là các nhiệm vụ được cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, thống nhất trong tập thể BTV cấp ủy, bảo đảm sát với tình hình thực tế địa phương và định hướng chỉ đạo của cấp trên. Khảo sát tại huyện Tân Yên, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII cho thấy ở đâu đó, việc này, việc khác vẫn còn hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu cấp ủy chưa thể hiện rõ tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện cửa quyền, chưa thật sự sâu sát cơ sở, ít gặp gỡ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Nhận thức đây là “điểm nghẽn” trong công tác xây dựng Đảng, BTV Huyện ủy yêu cầu cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời cơ sở qua việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Theo đồng chí Lâm Thị Hương Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, đây cũng chính là nhiệm vụ đầu tiên BTV Huyện ủy đăng ký với BTV Tỉnh ủy. Và để nêu gương làm trước, đồng chí Bí thư Huyện ủy là người đầu tiên về cơ sở đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở nhiều xã trên địa bàn.
Tại huyện Yên Dũng, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 đã được BTV Tỉnh ủy xác nhận và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhận hai nhiệm vụ “khó” là giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến triển khai Dự án đầu tư xây dựng sân Golf và dịch vụ Yên Dũng; hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án cầu Đồng Sơn và đường dẫn lên cầu thuộc địa phận huyện để tạo sự giao thương, kết nối với TP Bắc Giang. Cùng đó xây dựng mô hình sản xuất 30 ha rau an toàn. Tương tự, việc hoàn thành thủ tục hồ sơ mở rộng địa giới hành chính TP được Thành ủy Bắc Giang xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Huyện ủy Lạng Giang tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới; xây dựng từ một đến hai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Huyện ủy Việt Yên chỉ đạo xây dựng các khu đất dịch vụ tại các khu công nghiệp trên địa bàn để phát triển thương mại- dịch vụ, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân và tạo thuận lợi cho hàng nghìn công nhân làm việc tại các doanh nghiệp thuận lợi mua bán hàng hóa; tiếp tục đầu tư hạ tầng đô thị hai thị trấn Nếnh và Bích Động. Huyện ủy Yên Thế chỉ đạo xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Xuân Lung - Thác Ngà. Huyện ủy Lục Ngạn đăng ký nhiệm vụ tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nhất là ở khu vực các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc...
Có thể thấy, việc cụ thể hóa nghị quyết đại hội đảng các cấp lựa chọn đăng ký nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đều liên quan trực tiếp đến các chỉ tiêu, kế hoạch công tác đề ra trong năm. Trong đó, lĩnh vực KT-XH tập trung vào công tác quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết việc làm, thu nhập và những vấn đề đặt ra ở các khu, cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục- đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch... Trong công tác xây dựng Đảng tập trung cao nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; quản lý, phân công công tác cho đảng viên gắn với đổi mới sinh hoạt cấp uỷ, chi bộ; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Cũng vì tính cấp thiết của từng nhiệm vụ nên qua tổng hợp của Văn phòng Tỉnh ủy, tính đến hết quý III-2017, nhiệm vụ các cấp ủy đăng ký đều được chỉ đạo, thực hiện theo kế hoạch đề ra. Trong đó, Thành ủy Bắc Giang hoàn thành 6/10 nhiệm vụ, UBND TP hoàn thành 43/63 chỉ tiêu. Huyện ủy Tân Yên hoàn thành và vượt 8/10 nhiệm vụ. Tại huyện Lạng Giang, 50% nhiệm vụ trọng tâm Huyện ủy đăng ký đã thực hiện xong, số còn lại đang được tập trung cao chỉ đạo, thực hiện.
“Năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm chính thức trở thành nội dung quan trọng được các cấp ủy triển khai thực hiện và tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Qua bước khởi đầu, đến nay, việc đăng ký nhiệm vụ trọng tâm đã trở thành công việc thường xuyên hằng năm của các cấp ủy đảng.”
Kỳ II - Giải quyết nhiều vấn đề nóng
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, với sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm kéo dài đã được giải quyết, khắc phục; qua hoạt động đối thoại, cán bộ, đảng viên, nhân dân được trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến người đứng đầu mà không phải qua khâu trung gian nào. Hiệu ứng tích cực của những nhiệm vụ trên đã góp phần quan trọng tạo bước chuyển mới trong thực tiễn.
Cả tỉnh ra quân giải quyết ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực nông thôn diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe người dân, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực trạng này, cấp ủy nhiều địa phương đã xác định giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm tập trung chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân, kết quả thực hiện chưa đạt được như mong muốn. Từ kiến nghị của cán bộ, đảng viên, nhân dân và để có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, tháng 4 vừa qua, tất cả các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy dành 8 ngày về tận thôn, hộ gia đình nắm bắt tình hình thực tế để bàn cách tháo gỡ.
Khảo sát tại thôn Đông Hương, xã Nham Sơn (Yên Dũng), đồng chí Lại Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã gặp gỡ với nhiều người dân. Trò chuyện với bà Thân Thị Thà, xóm Trạc Đình, bà cho rằng: Đường làng ngõ xóm, gia đình có sạch hay không là do ý thức của mỗi người. Đơn cử, trong xóm có nhiều hộ nuôi hàng chục con lợn, nếu không có hệ thống xử lý chất thải biogas thì không chỉ gia đình mình bị ảnh hưởng mà cả xóm phải chịu mùi hôi thối. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn địa phương có bãi rác tập trung, nhiều khi bà con không biết đổ rác ở đâu và để sạch nhà mình, nhiều người không ngần ngại đem rác đổ ra đường, xuống ao, hồ, kênh mương. Trên cơ sở nắm bắt thực tế, tại Hội nghị BTV Tỉnh ủy thường kỳ tổ chức ngày 26-4-2017, sau khi nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo thực trạng và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 43 - KL/TU về một số chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn. Kết luận được phổ biến đến chi bộ đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả, BTV Tỉnh ủy phát động chiến dịch cao điểm 100 ngày vệ sinh môi trường (từ ngày 1-6 đến 30-8). Kết quả, toàn tỉnh tổ chức 1.384 buổi ra quân với sự tham gia của hơn 470 nghìn người; quét dọn, thu gom gần 19 nghìn m3 rác ở nơi công cộng; xử lý 186 điểm tồn lưu rác với khối lượng hơn một nghìn m3. Đáng chú ý, các huyện, TP đã quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng 602 điểm thu gom, tập kết rác tại các xã; thành lập gần 1.200 tổ, đội vệ sinh môi trường. Rõ ràng, sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, cụ thể trước hết là của các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân, môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến; nhiều “điểm nóng” về rác thải đã được xử lý. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hình thành nhiều tuyến đường hoa ven đường (khoảng 70 km) do hội viên các đoàn thể như phụ nữ, đoàn thanh niên phối hợp thực hiện, góp phần làm cho cảnh quan nông thôn thêm sạch đẹp.
Tập trung khắc phục vi phạm về đất đai
Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, BTV Huyện ủy Hiệp Hòa nhận thấy có một số hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục ngay. Qua phân tích, có hai vấn đề mấu chốt được BTV Huyện ủy chỉ ra là: Tỷ lệ trưởng, phó thôn là đảng viên tính đến thời điểm đầu nhiệm kỳ mới đạt 47,4% (thấp gần nhất tỉnh) và công tác quản lý đất đai bị buông lỏng trong nhiều năm dẫn đến những hệ lụy lớn.
Đội ngũ trưởng, phó thôn là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở, nếu chưa là đảng viên, trình độ lý luận hạn chế sẽ dẫn đến việc nhận thức và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng kém hiệu quả, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng nhất là ở các chi bộ nông nghiệp, thậm chí một số nơi có sự “vênh” nhau giữa bí thư chi bộ và trưởng thôn. Để sớm khắc phục, tháng 12-2016 BTV Huyện ủy thành lập 9 tổ công tác, mỗi tổ do một đồng chí Ủy viên BTV làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo các xã, đồng thời tham gia ý kiến vào quy hoạch giới thiệu nhân sự cấp ủy ở tất cả 229 thôn, đề ra mục tiêu trong tháng 4-2017 các thôn, tổ dân phố tổ chức xong đại hội chi bộ. Kết quả, sau đại hội chi bộ dưới cơ sở và bầu cử trưởng, phó thôn, tỷ lệ trưởng, phó thôn là đảng viên đạt hơn 70%, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy cho biết: Kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2016, BTV Huyện ủy xác định 148 nội dung công việc còn hạn chế, nổi lên là tình trạng buông lỏng trong quản lý dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai. Quyết tâm khắc phục, ngày 10-1-2017, BTV Huyện ủy tổ chức cho các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn ký cam kết những nội dung phải thực hiện trong năm 2017, hằng tháng giao ban để đánh giá từng nội dung; chỉ đạo rà soát đến từng diện tích, vị trí, thửa đất có vi phạm để phân kỳ khắc phục. Chỗ nào phù hợp với quy hoạch thì giao đấu thầu, đấu giá. Đối với những vi phạm cũ, BTV Huyện ủy ra Nghị quyết số 162 năm 2017 thay thế Nghị quyết số 138 năm 2011, trong đó có nhiều điểm mới, cụ thể hơn như: Chỉ rõ để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước; việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; công tác quản lý đất công ích còn yếu kém.
Giải pháp được xác định đó là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền; 100% các xã thống kê diện tích đến thửa, kiên quyết không giao cho thôn quản lý đất công ích, toàn bộ diện tích này UBND các xã, thị trấn phải trực tiếp ký hợp đồng cho thuê theo quy định. Từ quyết tâm đó, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện cơ bản đi vào nền nếp, vi phạm cũ được phân loại, xử lý, không phát sinh vi phạm mới.
Cấp ủy định kỳ gặp gỡ, đối thoại với nhân dân
Tăng cường gặp gỡ, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy với cán bộ, đảng viên, nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm được nhiều địa phương lựa chọn. Tại Tân Yên, qua tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, BTV Huyện ủy đề ra nhiều quyết sách sát với tình hình thực tế địa phương. Điển hình, xác định kinh tế trang trại có nhiều đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành nông nghiệp, các đồng chí lãnh đạo huyện đã tổ chức đối thoại với các chủ trang trại. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Huyện ủy ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế vườn đồi và cây ăn quả; chỉ đạo UBND xây dựng cơ chế kích cầu sản xuất trình HĐND huyện thông qua. Hay ở xã nào có vấn đề bức xúc, nổi cộm, người đứng đầu cấp ủy tiếp xúc với toàn thể đảng viên xã đó. Tinh thần chung là Bí thư Huyện ủy đi sâu chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế; Chủ tịch UBND huyện chú ý giải quyết những điểm nóng, tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Với mục tiêu hướng về cơ sở, BTV Huyện ủy Lục Nam xây dựng, thực hiện Kế hoạch số 56 ngày 15-3-2017 về tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Theo đồng chí Thân Văn Dàn, Bí thư Huyện ủy, qua tiếp xúc, đối thoại với nhân dân giúp cấp ủy các cấp tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, coi đây là kênh thông tin quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Thực hiện kế hoạch này, 9 tháng năm 2017, đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện tổ chức 5 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, chủ trang trại, hợp tác xã, chủ mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn.
Tại huyện Việt Yên, liên quan đến một số hộ dân xã Hoàng Ninh và Hồng Thái chưa bàn giao mặt bằng triển khai Dự án xây dựng Khu đô thị Đình Trám - Sen Hồ, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện nhiều lần làm việc với cấp ủy, chính quyền, gặp gỡ, đối thoại với các hộ dân để giải đáp các kiến nghị liên quan đến dự án; chỉ đạo tổ chức đo đạc kiểm đếm, kê khai lập hồ sơ thu hồi đất, thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ. Bằng cách làm đó, đến đầu tháng 10-2017, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 7 đợt với tổng diện tích 18,8 ha của 305 lượt hộ gia đình, cá nhân, tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ 39,983 tỷ đồng.
Rõ ràng, qua thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn đã được kịp thời tháo gỡ. Dù rằng ở đâu đó còn những việc giữa đăng ký và chỉ đạo chưa thật đúng nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm song việc rút ra bài học kinh nghiệm sẽ giúp các cấp ủy có giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay.
“Qua thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn đã được kịp thời tháo gỡ. Do vậy, việc rút ra bài học kinh nghiệm từ thực tế sẽ giúp các cấp ủy có những giải pháp kịp thời, hiệu quả hơn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay”.
Kỳ III - Kinh nghiệm và đề xuất
Từ chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, kinh nghiệm rút ra qua thực tiễn đó là cấp ủy, người đứng đầu cân nhắc, lựa chọn đăng ký những việc có tính khả thi cao. Quá trình thực hiện nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm hay vấn đề mới phát sinh.
Rõ việc, rõ chủ trương
Qua tổng hợp, đánh giá, hầu hết nhiệm vụ BTV cấp ủy cấp huyện đăng ký chỉ đạo, thực hiện hằng năm đều được triển khai tích cực và nhìn chung đạt kết quả tốt. Đến thời điểm này, nhiều nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Kinh nghiệm rút ra đó là các nhiệm vụ đăng ký phải bảo đảm rõ việc, rõ chủ trương, đúng với tính chất là nhiệm vụ trọng tâm.
Đơn cử như ở Tân Yên, việc khắc phục hạn chế, yếu kém năm 2016 là một trong những nội dung của nhiệm vụ thứ hai BTV Huyện ủy đăng ký với BTV Tỉnh ủy. Xác định đây là nhiệm vụ có tính tổng hợp cao nên ngay sau kiểm điểm, Huyện ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng, triển khai kế hoạch khắc phục cụ thể gắn với xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh năm 2017. Trực tiếp Thường trực Huyện ủy gợi ý 17 đảng bộ cơ sở hơn 30 nội dung còn yếu kém. Phân công các đồng chí Ủy viên BTV phụ trách xã thường xuyên chỉ đạo, định kỳ báo cáo tiến độ khắc phục, là cơ sở để xem xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên dịp cuối năm.
Hay như huyện Việt Yên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thứ 9 là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cao đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công, chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” theo cơ chế liên thông, từng bước liên thông điện tử”, giải pháp Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo là thành lập các tổ kiểm tra liên ngành, mỗi tuần kiểm tra đột xuất tại 5-6 xã. Với phương châm “phê bình rõ địa chỉ”, 100% vi phạm liên quan đến văn hóa công sở được chỉ rõ tên tuổi, danh tính, chức vụ. Ngoài thẳng thắn phê bình nhắc nhở, tổ kiểm tra đề nghị Chủ tịch UBND các xã có biện pháp xử lý nghiêm. Theo đồng chí Lê Ô Pích, Chủ tịch UBND huyện: “Công việc huyện tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện có thực sự đạt hiệu quả cao hay không phụ thuộc phần nhiều vào cán bộ ở cơ sở. Do vậy, qua kiểm tra, ngoài chấn chỉnh lề lối, tác phong còn góp phần giáo dục, nâng cao trách nhiệm phục vụ của đội ngũ này”.
Đặc biệt, hầu hết các địa phương đều thực hiện chủ trương giao chỉ tiêu thi đua hoặc yêu cầu các bộ phận trực thuộc (phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan) cụ thể hoá thành các phần việc cụ thể trong nhiệm vụ trọng tâm đó và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Mục đích là để việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, đồng bộ, góp phần tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực từ huyện đến cơ sở theo phương châm: Cấp xã căn cứ nhiệm vụ của cấp huyện, cấp thôn căn cứ nhiệm vụ của cấp xã để kịp thời cụ thể hóa. Như vậy, ngoài 10 nhiệm vụ BTV Tỉnh ủy xác nhận, hằng năm mỗi địa phương còn có hàng trăm nhiệm vụ trọng tâm khác do cấp cơ sở đăng ký triển khai thực hiện. Việc lựa chọn, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đã trở thành nhiệm vụ của cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở, tác động tích cực đến mọi lĩnh vực công tác xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy, để nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả cao, nhiệm vụ được lựa chọn phải thực sự là những vấn đề nổi cộm đang đặt ra trên thực tế, đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, người đứng đầu. Ngay như việc BTV Huyện ủy Hiệp Hòa đưa mục tiêu nâng tỷ lệ trưởng thôn là đảng viên vào nội dung đăng ký là bởi đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (2015- 2020), tỷ lệ này đạt thấp gần nhất tỉnh (47,4%). Tại Yên Dũng, vấn đề “nóng” nhất là những tồn tại kéo dài khiến Dự án đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ huyện chưa thể hoàn thành. Để giải quyết dứt điểm, BTV Huyện ủy và trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đăng ký nội dung này là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Qua thực hiện, tháng 8 vừa qua, sân golf chính thức đưa vào sử dụng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết của Huyện ủy.
Khó khăn và đề xuất
Sau 4 năm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh kết quả và thuận lợi rõ nét vẫn còn không ít vấn đề liên quan đặt ra từ thực tiễn. Điển hình là không ít nhiệm vụ dù được xác nhận song chủ yếu mang tính định tính. Đơn cử như các nhiệm vụ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; “Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng”; “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII)”, “Thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát”... Với những nhiệm vụ như vậy thì việc đánh giá đúng mức được kết quả thực hiện là rất... khó khả thi. Đó còn chưa nói, về thực chất, những nhiệm vụ trên là nhiệm vụ thường xuyên, đương nhiên cấp ủy phải chỉ đạo, thực hiện.
Cũng qua tìm hiểu ở nhiều địa phương, do chưa đánh giá đúng bức tranh tổng thể tình hình địa phương nên có những nhiệm vụ cấp ủy xác định khá dàn trải, thậm chí rập khuôn, đăng ký cho xong. Ví như chỉ nhìn vào nhiệm vụ của một cấp ủy là: “Tiếp tục quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch của BTV Huyện ủy về thực hiện nghị quyết, chỉ thị, đề án, kết luận của Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy” cũng có thể hình dung để triển khai được cần rất nhiều đầu mục khác nhau. Ngoài ra đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Do đó, trước khi đăng ký, tập thể cấp ủy quan tâm khu biệt, thảo luận kỹ lưỡng, lựa chọn rõ vấn đề đang cần tập trung ở địa phương để xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm thì hiệu quả sẽ rõ nét hơn.
Một đề xuất khác, cũng là kinh nghiệm từ thực tế đó là trong quá trình triển khai nhiệm vụ trọng tâm, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ yêu cầu nhiệm vụ, các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, đánh giá kết quả, tiến độ trên cơ sở đó đưa ra những giải pháp giải quyết phù hợp giúp cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của mình. Thậm chí nếu có vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn có thể điều chỉnh chỉ tiêu hoặc bổ sung nhiệm vụ mới. Cùng đó, chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những địa phương, đơn vị có cách làm sáng tạo, hiệu quả, kịp thời phê bình những đơn vị làm chiếu lệ, xong lần, hiệu quả đạt thấp.
Từ kết quả và kinh nghiệm trên cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và bám sát yêu cầu thực tiễn của địa phương. Nhờ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, nhiều hạn chế, tồn tại kéo dài ở cơ sở đã được khắc phục, giải quyết. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng cũng từ đó nâng lên. Với định hướng của BTV Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo và đổi mới việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tiếp theo, có thể tin tưởng đó sẽ là động lực mạnh mẽ để các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Thế Phương-Thu Phong-Quốc Trường