Kỳ 1: Quan trọng nhất là vấn đề con người, công tác cán bộ
“Có vui vẻ gì khi hôm trước vừa gọi một người là đồng chí, hôm nay đã phải gọi là bị cáo, bị can, là tội phạm. Nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm, quyết liệt làm. Có như vậy xã hội mới yên ổn, phát triển văn minh” - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng (ảnh dưới) chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ về công tác cán bộ hiện nay.
Công tác cán bộ là một trong những nội dung hết sức quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên tục đưa ra các kết luận mà dư luận hết sức quan tâm liên quan đến một số cán bộ vi phạm. Ông đánh giá thế nào về những kết luận này cũng như công tác xử lý cán bộ vi phạm của Đảng hiện nay?
Các cơ quan của Đảng đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt những kết luận vừa qua của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của một số cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao vì vừa có lý, vừa có tình khi chỉ rõ “một bộ phận” thoái hóa, biến chất.
Tuy nhiên, từ những sai phạm này cũng chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong công tác cán bộ, từ tuyển chọn đến bổ nhiệm, giám sát, dẫn đến tình trạng thoái hóa, biến chất của không ít cán bộ có chức, có quyền.
Trước “sức nóng” của các vụ việc liên quan đến công tác cán bộ, ông nghĩ sao về kiến nghị cần thiết phải tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác kiểm tra của Đảng. Ghi nhớ lời Bác, nhiều văn kiện của Đảng đã khẳng định: “Đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”.
Tôi cho rằng không chỉ chính quyền mà cả cấp ủy các cấp cũng phải thực hiện rà soát, kiểm tra lại toàn bộ. Bởi thực tế tình trạng “con ông cháu cha”, thân quen được cất nhắc, bổ nhiệm với quy trình “chóng mặt” rất nhiều. Chúng ta phải làm chặt để đào thải những đối tượng đó, làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo, quản lý Nhà nước.
Đây là việc khó, đòi hỏi cơ quan chủ trì phải tập hợp được những người không chỉ giỏi nghiệp vụ, sống trong sạch mà còn phải có bản lĩnh, không nể nang, né tránh.
Nhiệm vụ này cũng cần làm chặt chẽ, không hấp tấp. Muốn có kết quả cao, phải dựa vào dân, để dân giám sát, phản ánh những điều trung thực nhất.
Quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người
Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) được dư luận quan tâm theo dõi khi tập trung một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Ông nhận định thế nào về những vấn đề trong công tác cán bộ được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đặt ra?
Trước khi Hội nghị Trung ương 7 khoá XII diễn ra, đã có nhiều hội nghị, hội thảo nhằm phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của mọi người trong việc chuẩn bị Hội nghị này.
Hội nghị Trung ương 7 diễn ra vào giữa nhiệm kỳ, nên tôi cho rằng Trung ương sẽ kiểm điểm những cái được và chưa được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua để rút kinh nghiệm cho nửa nhiệm kỳ còn lại.
Như vậy, đây là Hội nghị mang tính “bản lề”, rất quan trọng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn mong các đồng chí Ủy viên Trung ương hãy tỉnh táo, sáng suốt, làm hết trách nhiệm của mình. Vai trò của các Ủy viên Trung ương rất quan trọng vì là người biểu quyết các các nghị quyết của Trung ương, nên tôi mong rằng các đồng chí hãy lấy dân làm gốc, dựa vào dân, cùng dân chung sức đồng lòng, phát hiện những cán bộ có sai phạm để xử lý kịp thời.
Vấn đề nào được xem là quan trọng nhất trong các vấn đề được Hội nghị Trung ương 7 khóa XII bàn bạc và cho ý kiến?
Theo tôi quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, vấn đề cơ bản chính là công tác cán bộ.
Bởi vì cán bộ nói đến ở đây là con người cụ thể. Người được lựa chọn phải là những người có tâm, có tầm, phải là những người thật sự trong sạch, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Tiếp theo là vấn đề dân chủ. Cán bộ phải thực sự lắng nghe dân và phải lấy dân làm gốc. Hội nghị Trung ương 6 đã nói rất nhiều đến điều này. Nhưng bây giờ cần giải quyết kỹ hơn: Lấy dân làm gốc như thế nào, nghe dân như thế nào, tổ chức nghe dân như thế nào?
Nếu đã là lắng nghe dân thì Đảng ta phải chọn lọc để nghe, biết, rồi từ đó kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các vấn đề chưa tốt. Tôi rất mong đợi Trung ương sẽ có các quyết sách cụ thể tiếp tục rà soát lại từng cán bộ, đảng viên, để xem ai trong sạch và không trong sạch. Những người không đủ tư cách đạo đức, năng lực thì nên cho nghỉ việc hoặc cho chuyển sang làm công việc khác. Những người đã có vi phạm thì phải xử lý.
Theo ông, công cuộc chống tham nhũng có tác động thế nào đến tư tưởng của những cán bộ, đảng viên hiện nay?
Tôi nghĩ rằng đó mới chỉ là bước đầu, “lò cũng vừa nóng thôi” và cần phải tiếp tục làm mạnh hơn nữa.
Như Bác Hồ đã nói: “Giặc nội xâm chính là “giặc ở trong lòng”, là tham ô, lãng phí, quan liêu. Giặc nội xâm ở bên trong mỗi con người, mỗi cơ quan đoàn thể. Giặc bên ngoài dễ nhìn ra, dễ phát hiện, còn giặc ở bên trong, khó phát hiện, không dễ nhìn thấy. Vì giặc nội xâm và ngoại xâm cấu kết nhau, chúng ta không chỉ chống giặc bên ngoài, giặc ngoại xâm, mà còn phải chống giặc bên trong, giặc nội xâm. Nếu chỉ ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”.
Do đó, đây phải là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt để xây dựng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Quyết tâm ấy cũng được Đảng cụ thể hóa từ Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2, khóa VIII) rồi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Chúng ta vừa kỷ niệm 43 năm Ngày thống nhất đất nước. Đã là người Việt Nam, có ai không hiểu được cuộc sống hòa bình của chúng ta ngày hôm nay thấm đẫm máu và nước mắt, được đổi bằng máu xương của bao thế hệ đi trước.
Những cán bộ đảng viên đã “nhúng chàm” hay đang có mưu đồ cá nhân hãy soi lại bản thân và tự đặt câu hỏi tại sao lại hành động như một kẻ vô trách nhiệm với đất nước, phản bội lại bao người đã hy sinh thân mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, phản bội lại lý tưởng cao đẹp, phản bội lại sự tin tưởng của nhân dân!
Tôi mong rằng người dân Việt Nam hãy đoàn kết, ủng hộ, đồng lòng với Đảng, tiếp tục giúp Trung ương phát hiện những cán bộ, đảng viên sai phạm. Hy vọng những cán bộ, đảng viên không trong sạch sớm tỉnh táo lại, không đánh mất mình, quay lại xin lỗi nhân dân, sửa chữa những sai phạm, cũng như xin thôi chức.
Cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua đã có những thắng lợi rất đáng khích lệ. Những sai trái, biến chất của cán bộ đảng viên đã được phát hiện từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, giờ mới được cụ thể hóa, đi vào thực chất và tìm đúng địa chỉ.
Việc kịp thời phát hiện, xử lý không chỉ trừng phạt những người có sai phạm đứng trên pháp luật phá hoại kinh tế, phá hoại cơ quan, tổ chức, mà còn có tác dụng răn đe những người có âm mưu nhưng chưa bị lộ không lấn sâu vào tội lỗi, biết dừng lại. Tôi cho rằng đây là việc làm kịp thời và nhân văn.
Có vui vẻ gì khi hôm trước vừa gọi một người là đồng chí, hôm nay đã phải gọi là bị cáo, bị can, là tội phạm. Nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm, quyết liệt làm. Có như vậy xã hội mới yên ổn, phát triển văn minh.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện được những biểu hiện sai trái, thoái hóa biến chất trong nội bộ Đảng, trong cán bộ đảng viên. Sau đó là xử lý từng nơi, rõ ràng từng con người, từng địa chỉ. Như vậy, Đảng lãnh đạo, các cơ quan Nhà nước vào cuộc, đã thực hiện nói đi đôi với làm. Đây là điều rất đáng khích lệ, rất đáng hoan nghênh, tạo niềm tin khá rõ ràng cho mọi người dân, nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước. Nhân dân và những đảng viên kiên trung luôn ủng hộ điều đó.
Kỳ 2: Dân có lòng tin, đất nước mới mạnh
Phải đổi mới thật sự mạnh mẽ, phải làm tất cả mọi việc có lợi gì cho dân, không gây phiền hà cho dân… Lòng dân có yên thì đất nước mới mạnh, đó là đạo lý muôn đời.
Đồng chí Vũ Mão (ảnh dưới), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (các khóa V, VI, VII, VIII, IX) cho rằng với Đảng ta và với quá trình cách mạng của đất nước, công tác cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt và có vai trò quyết định.
Không đổi mới sẽ vô cùng khó khăn
Theo đồng chí Vũ Mão, trong lịch sử của Đảng ta, công tác cán bộ được thực hiện khá thành công ở thời kỳ tiền khởi nghĩa với dấu mốc rất vẻ vang là Cách mạng tháng Tám, cũng như trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi. Có rất nhiều yếu tố dẫn tới thành công, trong đó công tác cán bộ có vai trò rất quan trọng.
Từ khi thống nhất Tổ quốc cho đến nay cũng đã hơn 40 năm, chúng ta bước sang một thời kỳ mới. Mặc dù có rất nhiều khó khăn, rất nhiều gian khổ, thử thách, nhưng công tác cán bộ của chúng ta vẫn luôn được coi trọng. Tuy nhiên, vừa qua có rất nhiều vấn đề trong đội ngũ cán bộ đáng cho chúng ta suy nghĩ với thực trạng rất đáng báo động. Tới Hội nghị Trung ương 7 khoá XII đã bàn sâu về công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chiến lược, đây là lẽ tất yếu chúng ta phải quan tâm.
Đồng chí Vũ Mão cho rằng phải đánh giá đúng thực trạng. Bài học kinh nghiệm là Đại hội VI (năm 1986) vào lúc kinh tế đất nước rất khó khăn, khủng hoảng đã xuống tận đáy, lòng dân không yên. Khi đó, Đảng ta đã nhận thức rõ về sự nguy hiểm cho đất nước và cần thiết phải đổi mới. Tinh thần khi đó là “đổi mới hay là chết”. Phải đổi mới tư duy, đổi mới toàn diện.
Đại hội VI đã mang lại sự chuyển mình lớn cho đất nước. Đội ngũ cán bộ khi đó bao gồm những người đã lăn lộn, từng trải, tham gia kháng chiến, kể cả được thử thách trong nhà tù đế quốc, thực dân. Họ là những người rất vững vàng, rất kiên định, đã chèo lái con thuyền của đất nước từ chỗ thiếu lương thực đến lúc không những đủ ăn mà còn xuất khẩu được. Từ chỗ chúng ta bị bao vây cấm vận đến lúc chúng ta hội nhập quốc tế. Chúng ta biết nghiên cứu, học tập quốc tế để áp dụng vào Việt Nam.
Hơn 30 năm đổi mới, theo đồng chí Vũ Mão: “Được khoảng 10 năm đầu, còn 15-20 năm vừa qua có rất nhiều vấn đề, khi chúng ta chủ trương vận dụng, áp dụng cơ chế thị trường vào Việt Nam. Cái đó là tất yếu, rất cần thiết, không thì đất nước không phát triển được. Nhưng chúng ta lại chưa lường được mặt trái, không quan tâm, chăm lo, chăm sóc xem đội ngũ cán bộ của chúng ta rèn luyện thế nào, phát huy thế nào. Có thể nói là trong thời gian vừa qua, đội ngũ cán bộ của chúng ta xuống cấp, rất nhiều cái mà chúng ta nói là “lợi ích nhóm”, tính cơ hội, đặc biệt là tham nhũng… Cho nên sức chiến đấu của Đảng, uy tín của Đảng bị mất đi rất nhiều, lòng dân không yên. Nếu không có đổi mới, không có sự thay đổi của Đảng, của cán bộ, đảng viên thì đất nước sẽ vô cùng khó khăn”.
Cơ chế kiểm soát quyền lực: Siết chặt kỷ luật Đảng?
Tìm ra thực trạng, đánh giá thực trạng, nhưng quan trọng nguyên nhân là gì? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng theo đồng chí Vũ Mão rất cần phải kiểm soát quyền lực trong Đảng.
Bản chất của kiểm soát quyền lực đầu tiên là phải tạo được cơ chế. Đạo luật cơ bản nhất của Đảng ta là Điều lệ Đảng, theo đồng chí Vũ Mão cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
“Trong Đại hội XII vừa qua, vấn đề sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng không được đề cập đến. Tôi cho đó là điều rất đáng tiếc. Bởi vì tôi chiêm nghiệm, kiểm nghiệm lại những thiếu sót của chúng ta, nhất là cấp cao, thường xuất phát từ việc hiểu Điều lệ Đảng, thực hiện Điều lệ Đảng không đủ. Vì vậy họ ngộ nhận, họ nghĩ quyền lực của họ là vô hạn”, đồng chí Vũ Mão thẳng thắn.
Theo đồng chí Vũ Mão, cần thiết phải có quy chế chất vấn trong Đảng. Quy chế chất vấn trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 158 của Bộ Chính trị và sau đó là hướng dẫn số 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương từ năm 2008 đã đề ra các quy định khá rõ ràng. Tuy nhiên, đồng chí Vũ Mão cho rằng vẫn còn nhiều yếu tố gây trở ngại khiến cho quy chế này chưa được thực hiện tốt.
Đó là yếu tố tâm lý của cán bộ và đảng viên, trước hết ở cấp Trung ương. Bên cạnh đó là quy chế chưa đủ rõ để ràng buộc từng Ủy viên Trung ương trong việc đưa ra các chất vấn. “Việc này quả thật rất khó, nếu các đồng chí chủ chốt không chủ động làm trước thì các đồng chí khác không dám làm”, đồng chí Vũ Mão nói.
"Tôi cảm nhận sinh hoạt chi bộ Đảng nơi này nơi khác còn yếu, tính chiến đấu chưa cao, có chiều hướng lấy lòng nhau, chiều nhau, né tránh; nhiều cơ quan cấp cao sinh hoạt chi bộ mà không ai dám nói", đồng chí Vũ Mão nhận định.
Bên cạnh đó, đồng chí Vũ Mão cũng cho rằng sức chiến đấu của Đảng ta từ các chi bộ phải siết lại, lập lại trật tự, làm tốt hơn.
“Mừng Đảng thời gian qua có nhiều chỉnh đốn, siết lại và có những việc làm thiết thực và đưa ra một số cán bộ, đảng viên có sai phạm để xử lý, kể cả cấp cao. Đó là những quyết định rất tốt, nghiêm túc và nhân dân rất mừng. Nhưng theo tôi như thế chưa đủ. Người ta nói rằng những vụ việc đưa ra công bố là rất nhỏ so với tồn tại, cái bị lộ ra còn ít lắm. Chúng ta phải củng cố, sốc lại đội ngũ để đất nước tiến lên. Nhân dân rất mong chờ, tiềm lực đất nước rất lớn nhưng tại sao chúng ta thua kém các nước nhiều thế?”.
“Ngoài tham nhũng lớn ra còn có tham nhũng vặt, đâu cũng có, làm cả xã hội trở nên thấp kém, thiếu văn hoá. Tệ nạn tham nhũng vặt xảy ra khắp nơi bởi thủ tục hành chính của chúng ta vẫn còn rườm rà. Cho nên phải đổi mới thật sự mạnh mẽ, phải làm tất cả mọi việc có lợi cho dân, không gây phiền hà cho dân… Lòng dân có yên thì đất nước mới mạnh, đó là đạo lý muôn đời”, đồng chí Vũ Mão nói.
Công tác cán bộ cần những chuyển biến căn cơ
Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, Trung ương xem xét Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đề án này đã đưa ra rất nhiều giải pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng với tư duy và cách làm mới, đột phá.
Đồng chí Vũ Mão chỉ rõ: “Ông cha ta có câu “Dột từ nóc dột xuống” nên cán bộ chiến lược rất quan trọng. Phải coi trọng khâu quy hoạch, đào tạo, chuẩn bị bố trí sắp xếp để tạo nguồn cán bộ chiến lược đáp ứng yêu cầu của Đảng, của đất nước. Sau nhiều năm, vấn đề đào tạo và sử dụng cán bộ của Đảng vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, vì vậy cách tốt nhất là phải minh bạch hơn nữa hoạt động của Đảng ngay từ cấp Trung ương để làm gương cho các cấp dưới”.
Theo đồng chí Vũ Mão, Ban chấp hành Trung ương cần thực hiện hoạt động chất vấn. Cần nghiên cứu để có nhiều phiên chất vấn công khai và truyền hình cho nhân dân cả nước biết. Nếu làm được điều này thì đây sẽ là giải pháp đột phá, thật sự chấn chỉnh được đội ngũ cán bộ của Đảng.
Đồng chí Vũ Mão tin rằng, việc truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn trong Đảng sẽ được nhân dân vui mừng đón nhận, như thế sẽ không có “vùng cấm” trong mắt người dân, dân được kiểm tra cán bộ. Lúc đó uy tín của Đảng ta sẽ được nâng cao. Nếu tổ chức thành công việc chất vấn trong sinh hoạt của Ban chấp hành Trung ương sẽ tạo cho Đảng ta một sinh khí mới.
Cuối cùng, đồng chí Vũ Mão cho rằng Đảng lãnh đạo toàn xã hội thì việc lắng nghe chất vấn, kiến nghị, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để tiếp thu, sửa chữa luôn là việc rất cần thiết. Các Ủy viên Trung ương Đảng trước khi về họp Trung ương nên thu thập nguyện vọng của đảng viên và nhân dân nơi mình phụ trách, lãnh đạo. Một Bí thư Tỉnh ủy trước khi về họp Trung ương cần phải có trách nhiệm họp trong cấp ủy và xuống cơ sở để lắng nghe ý kiến của nhân dân. Có như vậy mới khiến cho dân tin Đảng, tạo được sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Kỳ 3: Phải biết học từ những thất bại trong quản lý
Cán bộ, công chức không được để mất đi cách học tập từ các thất bại, phải biết phân tích, mổ xẻ những sai lầm để rút kinh nghiệm vì sao lại có những sai lầm đến thế trong quản lý…
Đó là những trăn trở của GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm (Học viện Hành chính Quốc gia) (ảnh dưới) khi trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ xung quanh Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và công tác cán bộ được Hội nghị Trung ương 7 khoá XII cho ý kiến.
Quyền lực và văn hoá trong thực hiện quyền lực
GS. Nguyễn Văn Thâm ủng hộ quan điểm cho rằng cần phải kiểm soát quyền lực Nhà nước trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta. Bởi lẽ nếu không kiểm soát thì tình trạng lạm quyền, thậm chí lộng quyền sẽ ngày càng tăng trong bộ máy hành pháp.
Bên cạnh đó, quyền lực và văn hoá là các yếu tố luôn xen kẽ cùng tác động lên hiệu quả quản trị. Nếu không có một môi trường văn hoá tốt, thích hợp sẽ khó có điều kiện để tạo ra một cơ chế kiểm soát quyền lực tốt.
Quyền lực có nhiều loại khác nhau và văn hoá là nền tảng để hiểu các loại quyền lực cũng như để biết chúng đã được sử dụng có đúng hay không, hay đã bị lạm dụng. Đó là những hiểu biết liên quan đến nền tảng văn hoá mà các nhà quản lý cần học tập để có thể nâng cao nghệ thuật lãnh đạo của mình.
GS. Nguyễn Văn Thâm cho rằng, do các tình huống và môi trường văn hoá của hoạt động quản lý luôn thay đổi nên các nhà quản lý muốn làm tốt nhiệm vụ của mình sẽ phải học tập liên tục.
“Thời gian qua, đây đó đã có một số trường hợp buông lỏng quản lý, thực chất là không sử dụng đúng quyền lực để bảo đảm cho việc thực thi công vụ có kết quả. Cũng không ít trường hợp quyền lực bị lạm dụng vì lợi ích nhóm. Tận dụng quyền lực có được, nhiều người đã tham nhũng của công, gây lãng phí cho công quỹ, đã ra các quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện tiêu chuẩn như Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra trong một số cuộc thanh tra gần đây. Có người gọi đó là tham nhũng chính sách”.
“Tình trạng đó để lại những hệ luỵ mà hiện chúng ta đang phải ra sức khắc phục. Hàng chục vụ đại án tham nhũng làm thiệt hại công quỹ đến hàng chục nghìn tỷ đồng đang được điều tra để đưa ra xét xử, trong đó có không ít vụ mà can phạm là cán bộ có chức, có quyền. Nếu rèn luyện tốt, không đam mê quyền lực, biết làm chủ bản thân, làm chủ các nguyên tắc đạo đức thì người ta cũng sẽ không lạm dụng quyền lực trong công vụ”, GS. Nguyễn Văn Thâm nhấn mạnh.
Cán bộ phải biết khắc phục sai lầm từ những bài học thực tế
“Phải khẳng định rằng trong những năm gần đây chúng ta làm được nhiều việc. Công cuộc Đổi mới của chúng ta đạt được những thành tựu không thể phủ nhận. Điều này cũng được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều điều đáng phải suy nghĩ. Chúng ta hiện đang có một đội ngũ cán bộ, công chức rất cồng kềnh. Và bộ máy này theo đánh giá chung là làm việc không hiệu quả. Nói nhẹ đi là chưa hiệu quả với nhiều quyết định kém hiệu lực. Đánh giá này là của Đảng, của Nhà nước. Và theo tôi đó là sự đánh giá chính xác, nghiêm túc. Cái mất còn là sự lãng phí, là nạn tham nhũng… và lòng tin của nhân dân”, GS. Thâm chỉ rõ.
Nhận định về lý do bộ máy nhà nước của chúng ta làm việc không hiệu quả, GS. Nguyễn Văn Thâm cho rằng đó là do nhiều người trong bộ máy, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý ở nhiều ngành, nhiều cấp quản lý không tốt, điều hành không tốt. Thậm chí có những người chưa biết quản lý, chưa biết điều hành bộ máy hiệu quả nhưng lại được làm công việc quản lý, điều hành. "Nếu đưa một con thuyền ra biển lớn mà người cầm lái kém hiểu biết thì tai hoạ là điều khó tránh và sẽ khôn lường. Nhất là trên con thuyền đó đang có hàng triệu con người gửi gắm niềm hy vọng và số phận”, GS Thâm nói.
Là người Việt Nam, sống trong thời đại Hồ Chí Minh, mỗi người tự phải thấm nhuần những lời dạy của Bác, trong suy nghĩ, trong mỗi hành động. “Nhiều người ngoài miệng rất thuộc lời dạy của Bác, nhưng trong cách làm hằng ngày, trong cách xử lý những công việc cụ thể thuộc phạm vi, chức trách của một người cán bộ, công chức thì lại không phải thế. Điều này chứng tỏ việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức của chúng ta đang có vấn đề”, GS. Thâm nêu ví dụ.
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người đề tên tác giả là XYZ. Nhiều tiêu cực của cán bộ, công chức đã được Bác phê phán từ những năm đó. Sau 70 năm, nạn quan liêu, hách dịch, lạm quyền, lãng phí, tham nhũng, “hình thức chủ nghĩa”, “quan cách mạng”… từng được Bác cảnh báo, phê phán vẫn đang hiện hữu.
“Nhiều cán bộ đã để mất đi cách học tập từ các thất bại, mất đi thói quen học qua phân tích, mổ xẻ những sai lầm để rút kinh nghiệm vì sao lại có những sai lầm đến thế trong quản lý. Theo tôi, đó là điều rất đáng lo”, GS. Nguyễn Văn Thâm trăn trở.
Cũng theo GS. Thâm, nếu không học được cách khắc phục sai lầm từ những bài học thực tế thì sai lầm sẽ ngày càng nhiều, ngày càng lớn như chúng ta đang chứng kiến trong nhiều lĩnh vực.
Đã đến lúc phải kiên quyết thay đổi chương trình và cách thức huấn luyện cán bộ của chúng ta. Cần giảm bớt đi những phần lý thuyết có tính hàn lâm và thay vào đó là những nội dung về kỹ năng như: Cách thiết lập kế hoạch cho công việc, cách lựa chọn những việc cần làm để không làm mất đi sự cân bằng cần thiết trong quá trình điều hành, kỹ năng đánh giá các chính sách trước khi triển khai, cách xử lý các xung đột trong thực tế, kỹ năng giao tiếp, nhất là với công dân…
“Chúng ta cần có một đội ngũ cán bộ công chức được đào luyện trong thực tế, có khả năng làm việc, có trình độ chuyên môn cụ thể. Muốn có đội ngũ này cần phải thay đổi cách tuyển chọn và đánh giá cán bộ mà chúng ta đang có. Cán bộ phải được tuyển chọn theo những tiêu chuẩn cụ thể gắn với yêu cầu công việc và việc đào tạo, bồi dưỡng họ lại càng cần phải như thế. Tuyển chọn cán bộ theo tiêu chuẩn chung chung, đánh giá cũng theo tiêu chuẩn chung chung, bồi dưỡng họ cũng chung chung thì hệ quả mà chúng ta đang phải gánh chịu là điều dễ hiểu”, GS. Nguyễn Văn Thâm phân tích.
Và cuối cùng, theo GS. Thâm, công tác cán bộ là của Đảng. Người dân đang chờ đợi lời Bác dặn "Đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” trở thành hiện thực.