Bài 1: Từ quyết tâm chính trị
Những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế (TGBC) và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và đạt được một số kết quả quan trọng. Quá trình thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC được thực hiện công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành.
Ông Trần Văn Nam (ngồi), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra vị trí công việc của CBCCVC tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh. (Lúc kiểm tra, ông Trần Văn Nam là Chủ tịch UBND tỉnh).
Quyết liệt chỉ đạo
“Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định…”. (Trích Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị) |
Theo ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, để chủ trương TGBC theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị được thực hiện một cách minh bạch, dân chủ, hiệu quả, Bình Dương đã triển khai xây dựng Đề án TGBC giai đoạn 2015-2021 với trình tự, thời gian hợp lý. Sau khi có nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 81 về triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 15 và Kế hoạch số 3396 về việc triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Mới đây, sau khi nghe Sở Nội vụ báo cáo Đề án TGBC tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, đề án TGBC lần này có mục đích cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Đề án sẽ “loại” những CBCCVC không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất ra khỏi bộ máy Nhà nước và chọn lựa những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu quan trọng của đề án là từ năm 2015-2021 phải đạt tỷ lệ tinh giản tối thiểu bằng 10% biên chế của đơn vị được Trung ương, HĐND tỉnh giao năm 2015. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch TGBC bình quân từ 1,5 - 2%. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng CBCCVC sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Thực hiện đề án TGBC lần này phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm túc của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và sự phối hợp, giám sát của các đoàn thể, nhân dân.
Xây dựng vị trí việc làm là một trong những giải pháp hữu hiệu thực hiện tốt đề án TGBC. Trong ảnh: CBCC của UBND xã An Điền, TX. Bến Cát làm việc tại vị trí công tác, tận tình phục vụ người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Tinh gọn bộ máy
Mục tiêu của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4- 2015 của Bộ Chính trị là TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương. |
Những năm gần đây, Bình Dương đã xây dựng được đề án vị trí việc làm, đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng, đánh giá, phân loại, bổ nhiệm, luân chuyển CBCCVC. Công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực được quan tâm trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Nhiều CBCCVC không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước, tuyển chọn những người có trình độ, năng lực chuyên môn cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc để bổ sung vào các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ CBCCVC có sự chuyển biến tích cực.
Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, trong năm 2015, tổng biên chế đã thực hiện là 31.092. Trong đó, tổng biên chế đơn vị hành chính đã thực hiện là 2.273; tổng biên chế đơn vị sự nghiệp đã thực hiện là 25.588; biên chế CBCC cấp xã đã thực hiện là 2.012; biên chế cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, khối đoàn thể, sự nghiệp khối Đảng đã thực hiện là 1.161. Nhìn chung, công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chuyển vị trí công tác của CBCCVC bảo đảm thực hiện đúng quy định, đáp ứng tốt yêu cầu của cơ quan, đơn vị. |
Để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm qua, UBND tỉnh đã thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực với việc bàn hành chính sách đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh gồm 4 nội dung lớn: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng trong nước; chính sách cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; chính sách thu hút nguồn nhân lực và chính sách đãi ngộ người có trình độ đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn. Việc triển khai thực hiện tốt các chính sách này trong những năm qua đã giúp tỉnh đào tạo, bồi dưỡng bổ sung một số CBCCVC có đủ trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Thực tế hiện nay, số cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh là 16 đơn vị, số đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy là 3 đơn vị. Ở các huyện, thị, thành phố là 9 đơn vị. Toàn tỉnh có 18 sở và 4 cơ quan được xếp tương đương sở là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND tỉnh, Ban Quản lý các KCN Bình Dương và Ban Quản lý KCN VSIP. Ở 9 huyện, thị, thành phố đều tổ chức thống nhất 12 phòng và tương đương. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh gồm 6 cơ quan. Sự nghiệp thuộc các sở, ngành gồm 132 đơn vị. Sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện là 347 đơn vị. Nhìn chung, tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, bảo đảm vai trò quản lý và cung cấp dịch vụ công trên các lĩnh vực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Để sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đề án lần này khẳng định việc hạn chế thấp nhất việc thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát, sắp xếp giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp có chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động có sự tương đồng, liên kết hoặc có thể hỗ trợ, phối hợp với nhau; đồng thời tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm đối với khối Nhà nước và các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Thường trực Tỉnh ủy khuyến khích chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính hoặc cổ phần hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; chuyển đổi cơ chế tài chính của các đơn vị có khả năng về nguồn thu sang tự bảo đảm toàn bộ về kinh phí hoạt động theo lộ trình...
Bài 2: Chuyển động từ cơ sở Tính đến nay, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng đề án tinh giản biên chế (TGBC) giai đoạn 2015-2021 theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Thông qua việc thực hiện chính sách TGBC, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều thuận lợi cho việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch nguồn lực CBCCVC mới, trẻ, năng động, tâm huyết vào bộ máy tổ chức…
CBCC tại bộ phận “một cửa” của UBND TX. Bến Cát phục vụ người dân tại vị trí việc làm được bố trí bài bản, hợp lý .
Làm thực chất
Thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách TGBC tại các cơ quan, đơn vị, trình độ chuyên môn của CBCCVC được cải thiện, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu bộ máy tổ chức, phát triển tại địa phương. Từ thực hiện chính sách TGBC, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã rút ra được một số tồn tại như: Phải TGBC thực chất theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, không nể nang, né tránh, loại ra được những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, trình độ năng lực hạn chế, không đủ sức khỏe phục vụ lâu dài trong bộ máy quản lý Nhà nước; từ đó tuyển dụng nguồn lực mới, trẻ, năng động, tâm huyết vào bộ máy tổ chức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để có đội ngũ CBCC tốt Đảng cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đảng, phải coi “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, phải biết lựa chọn, đánh giá, sử dụng và đối xử đúng với cán bộ trong công việc chung. Người cho rằng, muốn nắm và biết rõ cán bộ phải thường xuyên xem xét cán bộ, nếu không sẽ là một khuyết điểm to. Người chỉ cho ta thấy, tác dụng của việc thường xuyên xem xét cán bộ là “tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác những người hủ hóa cũng lòi ra…”. |
Điển hình như tại TX.Thuận An, lực lượng CBCCVC ngày càng được trẻ hóa, nhất là cán bộ lãnh đạo các xã, phường. Tính đến nay, TX.Thuận An đã hoàn thành việc xây dựng đề án TGBC giai đoạn 2015-2021. Về cơ cấu, tổ chức, UBND TX.Thuận An có 19 cơ quan, trong đó có 12 cơ quan hành chính, 7 cơ quan sự nghiệp. Các cơ quan này có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Về khối Đảng, TX.Thuận An có 6 cơ quan, khối đoàn thể có 6 cơ quan. TX.Thuận An gồm 10 xã, phường, trong đó có 7 phường loại I, 2 phường loại II là Hưng Định, Bình Nhâm và 1 xã loại II là An Sơn. Trong năm 2015, TX. Thuận An được giao 507 biên chế, trong đó đã sử dụng 479 biên chế. Ngoài ra, do nhu cầu công việc, UBND TX. Thuận An và các cơ quan hợp đồng thêm 74 người.
Ông Lê Quang Vinh, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thuận An cho biết, đa số CBCCVC có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm, kết quả đánh giá CBCCVC cuối năm 2015 đa số hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện tại, phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của TX.Thuận An là tiếp tục rà soát, sắp xếp biên chế bảo đảm cơ cấu hợp lý, rà soát giảm số lượng CBCCVC quản lý trung gian, hành chính phục vụ, tăng cường CBCCVC kiêm nhiệm. Phương án TGBC từ nay đến năm 2021 ở TX.Thuận An sẽ tinh giảm 63 biên chế, trong đó, khối Nhà nước tinh giản 16 biên chế, khối Đảng, đoàn thể tinh giản 13 biên chế, các xã, phường tinh giản 34 biên chế. Thị ủy Thuận An cũng kiến nghị, việc phân bổ biên chế bình quân giữa các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh như hiện nay là khó khăn cho những địa bàn đông dân cư như TX.Thuận An. Vì vậy, TX.Thuận An cũng đề nghị UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh căn cứ vào dân số, số đầu mối công việc, đặc thù công việc tại địa phương để phân bổ biên chế hợp lý.
Đối với công tác tuyển dụng, sử dụng CBCC cấp xã, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu của UBND cấp xã và tiêu chuẩn chức danh, công tác bố trí cán bộ, tuyển dụng công chức theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã tuyển dụng được 166 CBCC cấp xã. Bên cạnh đó, tỉnh đã đào tạo được thêm 2 lớp cán bộ nguồn với 197 học viên cho các chức danh chủ chốt cấp xã, tăng 57 biên chế nguồn các chức danh chủ chốt cấp xã. Đây là cơ sở để các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có nguồn cán bộ trẻ, đủ tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất để phát triển địa phương. |
Phát huy hiệu quả
Trên thực tế, hiện nay tại một số đơn vị, hầu như các trường hợp TGBC đều rơi vào những trường hợp nghỉ hưu. Vì vậy, điều này dẫn đến hệ quả là tại các đơn vị này khi tiến hành TGBC chưa phát huy đúng tinh thần của Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, với sự quyết tâm chính trị, các sở, ngành, địa phương đã và đang từng bước rà soát chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ban, từng CBCCVC, xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp, tinh gọn lại tổ chức bộ máy gắn với cải tiến quy trình làm việc, cải cách TTHC, loại bỏ các tổ chức, quy trình trung gian. Trong công tác rà soát, các cơ quan, đơn vị đã phân tích, làm rõ chất lượng CBCCVC đầu vào, khâu đào tạo, trình độ chuyên môn, đánh giá thực chất CBCCVC để TGBC; đồng thời lựa chọn, bố trí CBCCVC có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất giữ lại làm việc lâu dài trong bộ máy tổ chức.
Ở các địa phương TX. Dĩ An, TX. Bến Cát, TX. Tân Uyên, TP. Thủ Dầu Một… khi thực hiện chính sách TGBC đều xây dựng đề án, kế hoạch TGBC của cơ quan, đơn vị trực thuộc theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương trong tỉnh thực hiện bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, theo đúng quy định của pháp luật và công khai đề án, kế hoạch, danh sách đối tượng thuộc diện TGBC. Ở TX. Bến Cát, sau khi xây dựng đề án vị trí việc làm, CBCCVC tại các phòng, ban, nhất là tại bộ phận “một cửa” của UBND TX. Bến Cát đã phát huy tính hiệu quả trong công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp về TTHC, dịch vụ hành chính công. Hiện nay, CBCCVC ở TX. Bến Cát đáp ứng tiêu chuẩn, góp phần vào hoạt động ổn định, năng động của bộ máy tổ chức.
Để phát huy tính hiệu quả trong việc TGBC, các địa phương trong tỉnh đã phải triển khai quyết tâm, làm thực chất và có trách nhiệm. Việc xác định đối tượng để thực hiện TGBC luôn bảo đảm nguyên tắc, trình tự, khách quan, công khai, dân chủ, đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến công việc, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của CBCCVC. Nhiều địa phương, trong quá trình TGBC luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh, tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.000 CBCCVC được cử đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm thu hút người thực tài về làm công tác quản lý Nhà nước, phát huy tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, tiến tới chính quyền phục vụ, chính quyền kiến tạo.
“…Kiện toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm bộ máy đồng bộ, tinh gọn, ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay, không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn…”. (Trích nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị)
Bài cuối: Xây dựng bộ máy chính quyền phục vụ
Mục tiêu quan trọng nhất của việc tinh giản biên chế (TGBC) theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), thu hút người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; tinh gọn bộ máy tổ chức để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và xây dựng bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh tận tình hướng dẫn người dân, xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Thực hiện Kế hoạch số 81 của Tỉnh ủy và Chỉ thị số 15, Kế hoạch số 3396 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, trong thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, tập huấn để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng cho đội ngũ CBCCVC và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác TGBC. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành, nhất là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Từng CBCCVC nâng cao trách nhiệm cá nhân của mình trong hoạt động chuyên môn, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, tự học tập, nghiên cứu, góp phần xây dựng bộ máy tổ chức đồng bộ, tinh gọn phục vụ nhân dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị quán triệt, tập huấn để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đội ngũ CBCCVC và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, quan điểm, ý nghĩa, yêu cầu của công tác TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức và hành động của từng cấp, từng ngành và mỗi CBCCVC của hệ thống chính trị; đồng thời tạo sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương quan trọng này”. (Trích Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4- 2015 của Bộ Chính trị) |
Tại cuộc họp chỉ đạo, góp ý Đề án TGBC của tỉnh giai đoạn 2015-2021 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, Thường trực Tỉnh ủy đã lưu ý trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị khi thực hiện chính sách TGBC, trong đó nhấn mạnh đến công tác rà soát CBCCVC theo tinh thần công tâm, khách quan, dân chủ; quan tâm công tác tuyển dụng, điều động, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CBCCVC. Trong quá trình thực hiện chính sách TGBC, Thường trực Tỉnh ủy lưu ý thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo từng giai đoạn, bao gồm cả đào tạo mới, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngạch, bậc công chức, chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định đối với CBCCVC; lưu ý thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách TGBC thường xuyên, xây dựng kế hoạch rõ ràng, làm thực chất, quyết tâm cao, bài bản, hợp lý và khoa học theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; đồng thời quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.
Theo đó, Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đề án TGBC đối với các cơ quan khối Nhà nước. Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, đoàn thể triển khai thực hiện đề án TGBC; bảo đảm thực hiện TGBC hàng năm đạt từ 1,5 - 2%, trong đó chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách TGBC. Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các địa phương, Thường trực Tỉnh ủy lưu ý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp với cấp ủy, công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp triển khai thực hiện tốt đề án TGBC.
Nâng chất công tác cán bộ
Mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện chính sách TGBC là cơ cấu lại bộ máy tổ chức tinh gọn, nâng chất công tác cán bộ, tạo điều kiện cho người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ngày càng nhanh của tỉnh. Do vậy, yêu cầu TGBC là điều tất yếu, khách quan. Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và hội nhập quốc tế. Công tác triển khai thực hiện TGBC phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, đúng quy định; bảo đảm đạt được mục tiêu và hiệu quả, kết quả của công tác TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.
“Nếu địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị không thực hiện được tỷ lệ TGBC theo kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm thì phải xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của Đảng, Nhà nước”. (Trích Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị) |
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã yêu cầu các cấp ủy Đảng thông qua việc thực hiện đề án, chú trọng xây dựng đội ngũ CBCCVC có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, tiến tới xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh. Trong quá trình thực hiện chính sách TGBC phải coi trọng công tác đánh giá cán bộ, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC đủ điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, góp phần xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền phục vụ vì lợi ích nhân dân.
Nhiều điểm mới trong đề án TGBC
Theo Đề án TGBC của tỉnh giai đoạn 2015-2021, tổng số biên chế tinh giảm trong các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Bình Dương đến năm 2021 là 3.585 biên chế, đạt 10,79%. Trong các giải pháp TGBC lần này có một số điểm mới là trong quá trình TGBC xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định biên chế phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong thực hiện, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tổ chức chỉ đạo thực hiện. Điểm mới nữa là việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện TGBC và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.
HỒ VĂN