Người thầy tâm huyết với sự nghiệp xây dựng Đảng

Giản dị trong bộ quân phục màu xanh áo lính - màu áo của niềm tự hào đầy trách nhiệm - thầy giáo - Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan lục quân 2 đã cống hiến xây dựng Nhà trường suốt trong những năm tháng hào hùng của dân tộc. Tâm huyết và đầy trách nhiệm của người cán bộ chỉ huy, người thầy đã góp phần không nhỏ, từng bước xây dựng Đảng bộ TSVM, Nhà trường VMTD. Sự cống hiến và đạo đức cách mạng của thầy Nguyễn Văn Hòa là tấm gương để các thế hệ kế cận Trường sĩ quan lục quân 2 tiếp nối. 

Nguyễn Văn Hòa sinh ra và lớn lên trên quê hương Thạch Môn, Hà Tĩnh, khúc ruột miền Trung giàu truyền thống cách mạng. Truyền thống gia đình và quê hương đã tiếp sức mạnh, nhiệt huyết để người thanh niên vừa tròn 18 tuổi lên đường nhập ngũ. Năm 1978, tự hào được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính, trên mỗi cương vị chức trách được giao, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1979, đồng chí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và có mặt tại mặt trận biên giới phía Bắc, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1980, người chiến sĩ, đảng viên trẻ tiếp tục theo học tại Trường sĩ quan Chính trị quân sự. Năm 1985, đồng chí trở lại Học viên Chính trị quân sự, theo học lớp đào tạo giáo viên chuyên ban. Tốt nghiệp ra trường, đồng chí về nhận công tác tại khoa Khoa học xã hội - Trường Sĩ quan Lục quân 2. Thời gian dài từ năm 1993 đến năm 1998, đồng chí công tác tại Trường sĩ quan lục quân 2, giữ các chức vụ: Trợ lý Ban Tuyên huấn, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10, Bí thư Đảng ủy cũng là những năm tháng đồng chí dành nhiều công sức cho công tác tổ chức xây dựng đảng.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, năm 1998, đồng chí được cử đi đào tạo sau đại học tại Học viện Chính trị quân sự Hà Đông, bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm, Bí thư Đảng uỷ Khoa công tác đảng, công tác chính trị. Vượt qua nhiều khó khăn của cuộc sống gia đình, đồng chí tiếp tục đi thực tế tại Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, trên cương vị Phó Sư đoàn trưởng chính trị…

Năm 2004, trở về Trường Sĩ quan Lục quân 2, trên cương vị Phó Chủ nhiệm chính trị, Chủ nhiệm chính trị và hiện nay là Phó Chính ủy Nhà trường, đồng chí luôn trăn trở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các đảng viên, giảng viên, học viên, chiến sĩ, hạ sĩ quan, công nhân viên trong trường, tìm tòi biện pháp phù hợp để lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối mọi hoạt động của mỗi đơn vị trong Nhà trường. Đồng chí thường tâm sự với đồng đội: “Sự thấu hiểu và tình đoàn kết trong nội bộ cơ sở đảng là yếu tố thành công của công tác tổ chức xây dựng đảng các cấp”.

Thời gian qua, Đảng ủy Nhà trường đã chủ trương đưa các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường về sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa được Đảng ủy Nhà trường phân công sinh hoạt tại chi bộ Ban Tổ chức, Đảng bộ Phòng Chính trị. Là đảng ủy viên, đồng thời là đảng viên của chi bộ, đồng chí thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình đơn vị thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như Nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường, phát hiện những vướng mắc để nhanh chóng chỉ đạo biện pháp tháo gỡ. Mỗi lần tham gia sinh hoạt, đồng chí đóng góp nhiều ý kiến chân thành để chi bộ nhanh chóng khắc phục hạn chế, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh. Nhờ vậy, mọi chủ trương từ trên xuống được thống nhất quán triệt và thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị. Đồng chí luôn trao đổi với lớp đảng viên kế cận: “Công tác tổ chức xây dựng đảng suy cho cùng là xây dựng con người” - Con người ở đây là “con người văn hóa, con người trí tuệ”, xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên”.

Trong các buổi sinh hoạt, diễn đàn, đồng chí Hòa luôn tâm sự và truyền đạt kinh nghiệm của người làm công tác tổ chức, xây dựng đảng cho thế hệ kế cận:

1. Phải tâm huyết với sự nghiệp xây dựng Đảng, công tâm khách quan đánh giá cán bộ, không phân biệt thân sơ, không địa phương cụ bộ, không bao che hay thổi phồng khuyết điểm, ưu điểm; không “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, xem xét con người trong điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.

2. Biết lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, thậm chí cả những ý kiến trái chiều. Phân tích và chọn lọc ra những ý kiến đúng đắn nhất, sát hợp nhất và có lợi ích cho Đảng, cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân.

3. Phải chịu khó suy nghĩ, tìm tòi các mô hình tổ chức, bước đi thích hợp với thực tiễn của mình, có như vậy mới phát huy được sức mạnh của tổ chức, phát huy được vai trò từng cá nhân và sức mạnh của cả tập thể.

4. Sâu sát cơ sở, để đánh giá đúng tình hình, phát huy nhân tố tích cực và khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót.

5. Quan tâm đến công tác khen thưởng. Bởi đó là sự chứng nhận những đóng góp của đồng chí mình cho công việc, cho sự nghiệp xây dựng Đảng.

Trên cương vị là người thầy, trong các buổi trao đổi với đội ngũ đảng viên, giảng viên trẻ, đồng chí luôn định hướng và khơi dậy lòng đam mê, nhiệt huyết nghề nghiệp của từng giảng viên. Người thầy không chỉ là người truyền đạt tri thức trên bục giảng đến người học mà mỗi bài giảng phải đạt được các tiêu chí “có tâm, có tài, có tầm” để mỗi bài giảng đến học viên: “Vừa tỏ sáng về trí tuệ, vừa sưởi ấm về tâm hồn”, xứng đáng với danh hiệu “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Trong đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) vừa qua, Đảng uỷ Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã nghiêm túc, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Qua đó khẳng định, Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy luôn là một tập thể đoàn kết, thống nhất, gương mẫu trước tác động diễn biến phức tạp của tình hình, luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, không có suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện nghiêm nguyên tắc công tác cán bộ và nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành của Ðảng, Nhà nước và nhân dân; giữ vững và phát huy tốt bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, nghiêm túc chỉ rõ những khuyết điểm về công tác giáo dục chính trị tư tưởng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên ở mức độ khác nhau có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, công tác quản lý học viên đôi khi còn chậm, tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng ở một số đơn vị đôi khi còn hạn chế... Góp một phần vào kết quả tự phê bình và phê bình của Đảng uỷ, đồng chí Hoà làm gương, thể hiện đúng bản lĩnh của người cán bộ cách mạng để cán bộ, nhân viên cấp dưới của mình “tâm phục, khẩu phục”.

Ở người cán bộ chỉ huy, người thầy, người đảng viên suốt đời tâm huyết, đóng góp không mệt mỏi cho công tác tổ chức xây dựng đảng, chúng tôi còn tìm thấy ở Đại tá Nguyễn Văn Hòa lòng bao dung, sự ấm áp của người cha, người chú, người anh gương mẫu trong lời nói và hành động. Năm tháng trôi qua, mái tóc thầy đã pha nhiều bụi phấn, với 60 tuổi, 45 năm tuổi quân, 44 năm tuổi Đảng, người chiến sĩ cách mạng nay vẫn miệt mài tận tâm vì sự nghiệp “trồng người”, chung sức đồng lòng xây dựng Đảng bộ Nhà trường TSVM, xây dựng Trường Sĩ quan Lục quân 2 VMTD.

 

Phạm Thị Nhung
Trường Sĩ quan Lục quân 2

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất