Tâm huyết giữ nghề truyền thống

Tiếp nối

Với truyền thống lâu đời, ở Phú Vinh nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ đều có thể tham gia vào một công đoạn nào đó của nghề. Gia đình Quang  nhiều đời duy trì nghề đan, ông nội là nghệ nhân đầu tiên của làng được vinh danh (từ năm 1961), bố là nghệ nhân có tiếng trong làng. Cha truyền con nối, mấy anh em Quang đều học và  “say nghề”, trở thành những người thợ giỏi khi còn rất trẻ.

Ngay từ nhỏ Nguyễn Phương Quang đã  làm quen với mây, tre. Sau những buổi học trên lớp và ở nhà, Quang lại thích thú và say mê học từng đường đan. Vừa học vừa làm, tập đan từ những khâu đơn giản đến phức tạp, dần dần Quang đan thành thạo nhiều loại sản phẩm khác nhau. Đặc biệt, với niềm say mê và đôi bàn tay khéo léo, 18 tuổi Quang đã học được lối đan cổ của làng nghề - đan tranh ảnh, một lối đan đẹp nhưng rất khó, cầu kỳ, đòi hỏi phải có tay nghề và sự kiên trì. Hiện nay ít người đan được lối này, tuổi trẻ như Quang lại càng hiếm.

Sáng tạo

Năm 2004, Quang  tạm “xa nghề”  thực hiện nghĩa vụ quân sự. Mang theo nỗi nhớ nghề, mùi mây, tre quen thuộc, anh nung nấu quyết tâm trở về nối tiếp và phát huy nghề truyền thống gia đình, quê hương. Năm 2007, sau ba năm rèn luyện, hoàn thành nghĩa vụ, Quang về Phú Vinh quyết tâm lập nghiệp từ mây, tre.

Luôn nung nấu làm một cái gì đó khác biệt, nên khi trở lại với nghề Quang liền bắt tay làm sản phẩm độc đáo. Sử dụng lối đan cổ, Quang đan một bình hoa sen bằng mây tre với chiều cao 6,5 mét, rộng 1,2 mét, nặng 120 kg. Không chỉ độc đáo về kích thước, những hoa văn trên bình được đan bằng mây cũng rất tinh xảo. Thân bình được Quang thiết kế chia làm 3 phần, mỗi phần đan hình ảnh khác nhau: Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám và Tháp Rùa; phía trên cổ bình đan hình đôi rồng thời Lý uốn lượn và dòng chữ “Thăng Long - Hà Nội”. Làm sản phẩm hướng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, thiết kế của Quang mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc, lại thể hiện được đặc trưng của làng nghề.

Để hoàn thiện bình hoa, Quang đã đan liên tục suốt 2 năm, có hôm thắp đèn làm cả đêm vì “say quá không dừng lại được”. Những họa tiết trên bình sử dụng lối đan cổ rất khó, hình ảnh đan phải đảm bảo giống với hình ảnh thực nên lại càng khó hơn, Quang chăm chú, tỉ mỉ từng chi tiết. Với vẻ đẹp tinh tế và độc đáo, bình sen mây của Quang được ghi vào sách Kỷ lục Ghi-nét Việt Nam (năm 2009). Sản phẩm đầu tiên được ghi nhận đã tiếp thêm động lực để Quang không ngừng học hỏi và sáng tạo.
 
                                                 
                Bình hoa sen đan bằng mây, tre trưng bày tại Lễ hội Phố hoa Hà Nội 
                                                                      năm 2009.
                                                                                                              
Quang chia sẻ, khi đan chiếc bình hoa sen, mong muốn lớn nhất của Quang là gìn giữ được lối đan truyền thống, thể hiện tâm nguyện của một người con làng nghề đối với quê hương. Hơn nữa, Quang muốn truyền niềm đam mê gửi gắm trong từng đường nét sang những người trẻ của làng nghề. Bởi nhiều người còn ngại, sợ khó không làm được nên không muốn học. Nếu những người trẻ cùng biết và giữ gìn lối đan truyền thống thì kinh nghiệm quý báu cha ông truyền lại sẽ mãi là nét đẹp văn hóa của Phú Vinh.

Dám nghĩ, dám làm

Năm 2008, cơ sở sản xuất mây, tre đan Việt Quang của gia đình Quang được thành lập. Ngay từ đầu Quang xác định sẽ chọn một lối đi riêng bắt đầu từ sản phẩm. Quang nhận thấy, nếu sử dụng lối đan quen thuộc như các gia đình trong làng vẫn dùng, sản phẩm làm ra thường không có nét độc đáo, không mang dấu ấn riêng. Trong điều kiện thị trường hiện nay những sản phẩm mỹ nghệ từ mây tre đan phải độc đáo, tinh xảo và mang tính nghệ thuật thì mới phát triển được. Nếu  theo lối mòn, sản phẩm ít bán được, nghề đan mây có nguy cơ mai một.

Hiểu rõ điều đó, cơ sở sản xuất của Quang chuyên làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mẫu mã phong phú, đa dạng, vừa tiện dụng lại mang tính nghệ thuật cao. Có sản phẩm rồi, bước tiếp theo rất quan trọng là có được thị trường tiêu thụ. Nếu không, khả năng sản xuất tiếp cũng không còn. Đặc trưng của các hộ dân trong làng là làm sản phẩm thô gia công theo đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu. Quang làm theo cách khác: tự thiết kế mẫu, hoàn thiện sản phẩm và tự tiêu thụ. Đó là cách làm mới mà không phải ai cũng mạo hiểm làm được. Đến nay, ở làng nghề Phú Vinh chỉ có 4 cơ sở sản xuất đi được con đường riêng như thế.

Quang nghĩ lại, thời gian khó khăn nhất với anh có lẽ là những ngày đầu thành lập cơ sở sản xuất: thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhân lực. Trong đó thiếu nhân lực là điều Quang trăn trở. Bởi muốn có sản phẩm đẹp, độc đáo thì người đan phải sử dụng thành thạo kỹ thuật đan cổ, mà trong làng số người biết và đan thành thạo rất ít. Vì kỹ thuật đan khó, sản phẩm làm mất nhiều thời gian, đầu ra lại không ổn định nên ít người mạo hiểm làm. Thời gian học và làm chưa có thu nhập nên không mấy ai hào hứng. Khắc phục khó khăn, Quang kiên trì vận động anh em, bạn bè, đặc biệt là những người trẻ trong làng học kỹ thuật đan cổ. Mỗi buổi học không những không phải trả học phí mà còn được trả công như ngày lao động bình thường. Sau khóa học ấy, Quang đã chiêu mộ được 15 người thợ thuần thục kỹ thuật vào xưởng làm việc. Vượt qua thời kỳ khó khăn, những sản phẩm đầu tiên được đánh giá cao, hàng bán được nhiều đã tăng thêm niềm tin cho người thợ. Cơ sở sản xuất Việt Quang dần đi vào ổn định và ngày càng phát triển, sản phẩm mây tre đan Việt Quang có mặt ở khắp thị trường trong nước và quốc tế.

Không tự hài lòng với thành công bước đầu, Quang tìm tòi, suy nghĩ, thử nghiệm sáng tạo thêm nhiều kỹ thuật đan mới. Những sản phẩm của Quang luôn có ý tưởng độc đáo, kỹ thuật tinh xảo, điêu luyện, kết hợp khéo léo các kiểu đan truyền thống với kiểu đan mới. Với sự giúp đỡ của bố, Quang sáng tạo vẽ được nhiều mẫu mới, vì thế sản phẩm của cơ sở Việt Quang ngày càng đa dạng, được khách hàng yêu thích.  Nhiều sản phẩm của Quang đạt giải cao trong các cuộc thi trong và ngoài nước. Năm 2007, anh đoạt giải Ba hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam; năm 2009 đoạt Huy chương bạc tại Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc, được mời đi trình diễn tay nghề tại Nhật Bản…; giải Ba tại Triển lãm thiết kế mẫu và sản phẩm mây tre năm 2011; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thành phố Hà Nội và nhiều giải thưởng khác. Nhưng có lẽ, dấu ấn nhất với Quang là sản phẩm bình hoa sen bằng mây đạt Kỷ lục Việt Nam.

Quang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Hà Nội và Trung ương Đoàn thanh niên trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen… do tuổi trẻ sáng tạo và những đóng góp thiết thực của anh vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm 2009, Quang được kết nạp vào Đảng, vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đó là ghi nhận cho những nỗ lực và cố gắng của anh. Trở thành đảng viên, Quang càng có ý thức, trách nhiệm hơn với việc gìn giữ và bảo tồn nghề mây tre đan truyền thống.

Ngày 16-4-2012, là một trong số 19 nghệ nhân được UBND TP. Hà Nội vinh danh, Quang chính thức trở thành nghệ nhân ở tuổi 28. Khi được hỏi về cảm xúc của mình, Quang tâm sự: “Đây là danh hiệu cao quý mà những người làm nghề thủ công mỹ nghệ cả đời mơ tới. Được nhận danh hiệu này, Quang cảm thấy rất vinh dự và sẽ nỗ lực phấn đấu góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống mây, tre đan của quê hương”.

Và ước mơ bảo tồn, phát huy truyền thống

Một thực tế hiện nay là làng nghề đang có nguy cơ dần mai một, nghệ nhân giàu kinh nghiệm ngày càng già đi và thế hệ trẻ còn thiếu những người tâm huyết, đa số tìm nghề khác mưu sinh. Còn Quang vẫn quyết tâm đi tiếp con đường đã chọn, không lúc nào nguôi trăn trở về lưu giữ, phát huy giá trị truyền thống. Quang cứ nghĩ nếu lớp trẻ không học, không biết thì không thể giữ gìn, nghề sẽ mai một và  tự nhủ, bằng hiệu quả công việc sẽ thuyết phục được những người trẻ trong làng học kỹ thuật đan cổ, chung tay lưu giữ giá trị truyền thống bao đời cha ông bồi đắp. Quang chia sẻ: “Nói về làm kinh tế, Quang phải phấn đấu nhiều hơn. Mong muốn sâu thẳm nhất là làm sao giữ được nghề không mai một, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại.  Đó là ước mơ, là động lực để Quang tự rèn luyện mình nhiều hơn nữa”.

Phản hồi (1)

Văn Thanh Nga 07/06/2012

Có những đảng viên như anh Quang thật hồng phúc cho nghề truyền thống.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất