Người trinh sát mưu trí, dũng cảm
Đại úy Trần Trung Kiên

Trần Trung Kiên sinh năm 1978 ở Ðiện Biên. Tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 1999, Kiên thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Kiên chia sẻ: anh hiểu tác hại của ma túy đối với các gia đình, là một thanh niên, anh cần làm một điều gì đó góp phần nhỏ bé của mình vào việc ngăn chặn những “cơn lốc trắng” ở Điện Biên. Sau hai năm học với điểm tổng kết cao, anh đăng ký vào chuyên ngành Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy. Trung Kiên tâm sự: "Để Điện Biên bình yên và phát triển, phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn loại bỏ hiểm họa ma túy ra khỏi đời sống xã hội". Sau 5 năm miệt mài học tập, rèn luyện, năm 2004 tốt nghiệp ra trường, Thiếu úy Trần Trung Kiên trở về Ðiện Biên, công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (PC47) của Công an tỉnh.

Chuyện bây giờ mới kể...

Đại tá Đặng Xuân Ưu, nguyên Trưởng phòng PC47, Thủ trưởng cũ của Kiên đã kể cho tôi nghe những "cuộc chiến" tiêu biểu mà Kiên đã tham gia. Ngày đầu với nhiệm vụ của một người lính trinh sát, Kiên tập trung cho công tác nghiệp vụ, anh khiêm tốn học hỏi ở đồng chí, đồng đội đi trước. Trên cơ sở những điều được học, anh vận dụng vào thực tiễn để tiến hành điều tra khảo sát, đi thực tế trên địa bàn được phân công để nắm tình hình tội phạm, nguyên nhân phát sinh tội phạm ma túy. Từ lúc là chiến sỹ trinh sát, cũng như khi trở thành cán bộ của Đội, anh từng bước chủ động tham mưu cho lãnh đạo Phòng đề xuất nhiều biện pháp, tham gia phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.

Năm 2007, Kiên tham gia chuyên án bắt giữ Hoàng Văn Biêng ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên). Biêng là tội phạm nguy hiểm, nhiễm HIV, đã có 2 tiền án về tội cố ý gây thương tích và mua bán trái phép ma tuý. Đêm hôm đó, Kiên cùng 2 đồng đội bất ngờ ập vào phòng ngủ của Biêng. Rất nhanh, Biêng lách người thoát được cú đá của Kiên, lùi vào góc nhà, rút thanh mã tấu chém xối xả vào Kiên và đồng đội. Bằng sự dũng cảm, mưu trí, các anh đã áp sát tước vũ khí bắt được Biêng.

Năm 2009, Kiên cùng đồng đội đêm ngày mật phục, kiên trì đón lõng đã bắt quả tang Lò Văn Dịch, Trần Thị Vóc (trước khi bị bắt Dịch là đảng viên, Trưởng thôn thuộc xã Thanh Yên, huyện Điện Biên). Phá được tụ điểm ma túy do Lò Văn Dịch, trùm ma túy ở xã Thanh Yên cầm đầu là đã bóc gỡ một đường dây vô cùng nguy hiểm, phá tan một "lô cốt" ma túy đã tồn tại dai dẳng nhiều năm gây nên bao tội lỗi, khổ đau cho người dân ở bản Na Ngum, Thanh Yên.

Năm 2010, 2011, trên cương vị Đội trưởng Trần Trung Kiên đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị điều tra khám phá 31 vụ án ma túy; bắt 48 đối tượng, phá được nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy do Lò Thị Núi, Tòng Văn Vinh, Lường Thị Khún, Nguyễn Thị Lý, Tòng Thị Hương, Vũ Thị Khuyên cầm đầu...

Đầu tháng 5-2012, tại bản Ten Núa, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên), Trần Trung Kiên cùng đồng đội bắt quả tang 2 đối tượng là Giàng A Chu và Hờ A Dua. Giàng A Chu manh động, liều lĩnh đã chống trả quyết liệt, cắn liên tiếp 3 nhát vào cánh tay Trần Trung Kiên, nhưng cuối cũng vẫn bị anh bắt gọn.

Từ khi làm lính trinh sát ở Phòng PC47, Kiên đã trực tiếp tham gia phá 41 chuyên án, bắt giữ gần 100 đối tượng, 13 lần Kiên phải đối mặt với tội phạm có vũ khí nóng là 13 lần anh phải đối mặt với "tử thần". Kiên cùng đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các chuyên án: 223S, 231H, 410T, 810C... Chẳng những Trần Trung Kiên tiêu biểu cho tinh thần kiên cường, dũng cảm, mưu trí trong cuộc chiến chống lại “cái chết trắng”, mà bản thân anh còn vững vàng chiến thắng trước sự khủng bố, đe dọa trả thù và cả sự mua chuộc của các đối tượng.

Người đảng viên, bí thư đoàn gương mẫu

Cùng với nhiệm vụ trinh sát, Trần Trung Kiên còn là bí thư đoàn gương mẫu của chi đoàn PC47. Vừa công tác, vừa rèn luyện, tranh thủ thời gian học tập, Kiên đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Luật tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Từ một đoàn viên, anh đã phấn đấu rèn luyện trở thành một đảng viên tiêu biểu của Đảng bộ Công an Tỉnh Đện Biên.

Những thành tích xuất sắc mà Kiên đạt được có sự đóng góp của "một nửa" vô cùng quan trọng là người vợ hiền, đảm đang - bác sỹ Nguyễn Thị Lưu, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị Lưu tâm sự: Biết bao đêm anh ấy bước chân ra khỏi nhà nhận nhiệm vụ, điện thoại không được liên lạc là lòng nặng trĩu những thấp thỏm, âu lo và chỉ thật sự "bình yên" khi anh trở về. Chị vẫn nhớ lần anh phải điều trị chống phơi nhiễm, bị thuốc "quại", nhưng khi nhận lệnh có án, anh lại "trốn vợ”, thầm lặng lên đường... Quả thật, làm vợ công an nói chung, làm vợ trinh sát ma tuý nói riêng, phải có sự cảm thông sâu sắc, bởi áp lực công việc lớn, chẳng những vất vả mà còn nhiều hiểm nguy.

Với những thành tích, chiến công xuất sắc, Trần Trung Kiên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2008),  Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2011) và nhiều Bằng khen của Bộ Công an, Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên.

Trần Trung Kiên cùng đồng đội đã và đang góp phần ngăn chặn “cái chết trắng”. Đại úy Trần Trung Kiên, người đảng viên, bí thư chi đoàn gương mẫu, được đồng đội và nhân dân tin yêu, mến phục.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất