Nữ kỹ sư miền núi hăng say nghiên cứu khoa học
Kỹ sư Minh tổ chức lớp học ngoài đồng ruộng để truyền đạt kiến thức cho bà con
Với việc áp dụng thành công, cho hiệu quả kinh tế cao hai giống lúa mới tại tỉnh Hòa Bình và gần 10 tỉnh khác, đề tài nghiên cứu khoa học của kỹ sư Sa Thị Bình Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình đã đoạt giải Nhất Hội thi sáng tạo tỉnh Hoà Bình lần thứ 2 (2010-2011); giải Ba Hội thi sáng tạo toàn quốc lần thứ 11; đoạt Biểu trưng vàng Việt Nam; được cấp Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của Bộ Khoa học công nghệ và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Không chỉ hăng say nghiên cứu khoa học, chị Minh còn là đảng viên gương mẫu, tích cực tham gia các công tác đoàn thể.

Thành công lớn nhất của đề tài khoa học, theo kỹ sư Minh là đã lai tạo, chọn tạo ra giống lúa mới đạt hiệu quả kinh tế thiết thực, cung cấp khoảng 30% lượng giống/vụ cho địa phương Hòa Bình (700 tấn/2.000 tấn/vụ lượng giống của toàn tỉnh). Thành công này cũng đưa kỹ sư Minh trở thành kỹ sư miền núi đầu tiên chọn tạo, được công nhận sản xuất thử để đưa vào danh mục giống Quốc gia.

Kỹ sư Minh cho biết, quá trình nghiên cứu khoa học ngoài đồng ruộng, chị đã chọn tạo thành công 2 giống lúa mới đặt tên địa phương là Mớ đá 1 (MĐ1) và Mớ đá 25 (MĐ25). Năm 2008, hai giống trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo hộ cấp Nhà nước và năm 2009 quyết định cho khảo nghiệm, sản xuất thử để công nhận chính thức 2 giống lúa mới MĐ1, MĐ25 trong danh mục giống mới quốc gia. Năm 2010-2011, qua khảo nghiệm sản xuất tại nhiều địa phương Hòa Bình và vùng lân cận, hai giống lúa mới MĐ1, MĐ25 được nông dân ưa thích, hạt giống nhanh chóng được nhân ra phục vụ nhiều địa phương trong ngoài tỉnh Hòa Bình. Giống MĐ1 được nông dân ưa thích vì năng suất cao (60- 65 tạ/ha), thích ứng rộng, ngắn ngày, tính kháng sâu bệnh cao, chất lượng gạo tốt; còn giống MĐ25 là giống ngắn ngày, thích ứng rộng, chịu thâm canh, chịu  hạn, chịu rét tốt, làm giống dự phòng, trồng được cả hai vụ, năng suất khá ổn định (60tạ/ha), độ thuần cao, kháng được sâu bệnh. Theo kỹ sư Minh, ưu điểm nổi trội của các giống trên là người nông dân có thể tự sản xuất được giống lúa tốt tại chỗ để chủ động thời vụ, không bị phụ thuộc nguồn giống bên ngoài, nhất là với điều kiện nông thôn miền núi khó khăn. Ngoài ra, kỹ sư Minh còn tổ chức lớp học ngoài đồng ruộng, hướng dẫn cho nông dân thực hiện kết quả phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật lai tạo, chọn lọc, phục tráng giống bằng tập huấn, cầm tay chỉ việc khi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp đào tạo nông dân tại cộng đồng, xây dựng nhóm sản xuất giống theo sở thích (Câu lạc bộ khuyến nông)… Qua đó, nông dân đã nhân được giống lúa, có thể tạo ra giống mới, sản xuất giống nguyên chủng.

Đến nay, quy trình kỹ thuật của hai giống lúa mới MĐ1, MĐ25 đã được chính thức đưa vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh để phục vụ sản xuất tại 11/11 huyện, thành phố với 206 xã phường có diện tích đất trồng lúa. Kết quả khảo nghiệm và sản xuất tại 9 tỉnh thuộc các vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, 2 giống trên cũng được đánh giá là giống có triển vọng, khả năng sinh trưởng thích hợp cho cả hai vụ, gieo trồng được trên nhiều chân đất, chống chịu sâu bệnh tốt (kháng rầy nâu, đạo ôn, khô vằn).

Ngoài đề tài trên, kỹ sư Sa Thị Bình Minh còn chủ trì và tổ chức thưc hiện đề tài: Nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất rau mầm đạt tiêu chuẩn rau an toàn nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho phụ nữ Hòa Bình.

“Là cán bộ nữ, đảm đương nhiều công tác cùng một lúc nên đôi khi tôi cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp bố trí công việc. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của một đảng viên, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - kỹ sư Minh tâm sự.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất