Trong câu chuyện cùng Đinh Anh Đức, phóng viên, đảng viên người dân tộc Mường của Báo Sơn La về đi và viết với những người viết trẻ hôm nay, tôi nhớ lại câu nói của “con sói phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân: “Đi, yêu và viết, không có gì ngoài cuộc đời”. Hơn chục năm lăn lộn với nghiệp báo trong vai trò cộng tác viên, ngoài 30 tuổi mới chính thức bước chân vào làng báo nhưng Đinh Anh Đức đã gặt hái được những thành công mà không phải người nào trong nghề cũng đạt được.
“Duyên” muộn
Đinh Anh Đức sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc bản Tang Lang, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, Sơn La. Hồi ấy, Phù Yên còn nghèo lắm, trong đó nghèo nhất là bản Tang Lang, nơi chôn nhau cắt rốn của Đức - còn có tên gọi là xóm chài, xóm vớt xác nằm bên dòng sông Đà cuồn cuộn sóng. Có cái ăn cho ấm bụng đã khó, nói gì đến chuyện được học cái chữ nơi vùng cao này? Thế nhưng, Đinh Anh Đức vẫn được gia đình “ưu tiên” cho đến trường vì cậu sáng dạ nhất nhà. Bằng quyết tâm, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, cậu bé người dân tộc Mường đã nỗ lực học chữ với ước mơ học thật giỏi để sau này về dựng xây quê hương. Không biết ước mơ trở thành nhà báo đã nhen nhóm từ bao giờ trong cậu học trò sinh ra và lớn lên bên dòng Đà Giang huyền thoại đã đi vào thơ ca. Chỉ biết học xong cấp 3, không như nhiều bạn bè cùng trang lứa khác thi vào những trường như kinh tế, tài chính, sư phạm hay luật… cậu đã quyết định ở nhà vì gia đình không thể “cố” cho cậu đi học được nữa. Dừng ước mơ đèn sách nhưng cậu vẫn không từ bỏ cây bút đã gắn bó cùng cậu suốt 12 năm tới trường. Với tình yêu nghề báo, cậu học hỏi cách viết báo của các thế hệ đi trước, cần mẫn viết và trở thành cộng tác viên thường xuyên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Sơn La, Báo Sơn La… Lăn lộn với nghiệp báo một thời gian khá dài, có tác phẩm được giải thưởng đã đánh dấu bước chân Đinh Anh Đức vào làng báo. Lúc này, Anh Đức tiếp tục ước mơ đèn sách ngày nào của mình với việc theo học Đại học Báo chí hệ tại chức ở tỉnh Sơn La. Hơn 30 tuổi mới chính thức bước chân vào làng báo, có thể với một nghề khác thì muộn nhưng đối với người cầm bút thì chưa, vì cái nghiệp này không tính tuổi… Và, sau 16 năm, với niềm đam mê viết báo không ngừng nghỉ, Đinh Anh Đức đã trở thành một nhà báo có tên tuổi của “làng” báo tỉnh Sơn La với các tác phẩm đa dạng trên nhiều lĩnh vực, thu hút được sự quan tâm của bạn đọc trong và ngoài tỉnh.
Lửa thử vàng
Nhà báo Đinh Anh Đức tâm sự: Trở thành phóng viên của một tờ báo là ước mơ của tôi. Bởi, tôi luôn mơ ước đi nhiều, biết nhiều để có những bài viết mang hơi thở cuộc sống của bà con các dân tộc nơi bản làng vùng cao… Tôi luôn nghĩ mình đã được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho học hành, có một nghề, nhất là nghề mà sản phẩm của nó là những con chữ thì càng cần phải trung thực, hăng say hơn. Do vậy, tôi càng phấn đấu, quyết tâm đi và viết. 10 năm sau khi vào nghề, tôi vinh dự được trở thành đảng viên. Bản thân tôi luôn xác định rõ, để trở thành một đảng viên, trước tiên mình phải luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, tích cực học tập, nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình phấn đấu, rèn luyện, tôi luôn bảo vệ lợi ích của nhân dân bằng chính các tác phẩm báo chí.
Được giao nhiệm vụ theo dõi mảng văn hóa - xã hội, nhà báo Đinh Anh Đức luôn chủ động xây dựng kế hoạch phấn đấu, rèn luyện bản thân theo từng tháng, quý và năm sát với nhiệm vụ được phân công; luôn tiên phong trong các công việc khó khăn của đơn vị. Trong hoạt động nghiệp vụ, anh không ngại khó, ngại khổ, tích cực bám sát cơ sở, địa bàn được phân công. Có những chuyến công tác lên với đồng bào các dân tộc vùng cao, anh phải đi bộ hằng tuần, ăn rừng, ngủ bản với bà con trong những ngày nắng nóng cũng như những đêm lạnh thấu xương để mang về những tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của người dân. Trong một chuyến về với Xuân Nha, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu, nhà báo Anh Đức đã phải đi bộ mất 3 ngày đường mới tới được trung tâm xã. Sau một tuần “lang thang” ở các bản của xã, nơi hiếm khi có nhà báo tới, anh lại tiếp tục cuốc bộ trở về. Sau đó, anh có loạt bài về cuộc sống của bà con cũng như tình hình của xã Xuân Nha đoạt giải A “Báo chí Suối Reo” dành cho các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn Sơn La. Lần khác, trong một chuyến công tác ở huyện Sông Mã phản ánh về bầu cử của đồng bào các dân tộc nơi vùng biên giới, do mưa to kéo dài gây sạt lở, tắc đường, nhà báo Anh Đức đã phải gửi xe máy ở nhà dân, đi bộ vượt qua nơi sạt lở, tiếp tục nhiệm vụ. Có lần lên với đồng bào vùng cao, khi qua cung đường nguy hiểm anh bị tai nạn (năm 2006, tại đỉnh Đèo Chẹn, xã Mường Khoa, Bắc Yên). Lần ấy, nhờ sự phát hiện, giúp đỡ kịp thời của người dân, nên anh đã được đưa về bản chữa trị vết thương để có thể lại đi và viết. Năm 2007, do mưa to kéo dài gây sạt lở đường, nhà báo Anh Đức và chiếc xe máy đã “vồ ếch”, may anh kịp bám được vào cây bên đường nên không “bay” xuống vực sâu mà chỉ bị thương khắp người. Năm 2010, hưởng ứng Cuộc vận động tuyên truyền về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tinh thần của người đảng viên, anh xung phong cùng đồng nghiệp thâm nhập thực tế Thủ đô để rồi cho ra mắt bạn đọc loạt bài ký sự về Thăng Long ngàn năm văn hiến đoạt giải A của Cuộc vận động. Tháng 5 năm nay, anh lại tiếp tục được vinh dự về Thủ đô nhận giải trong cuộc thi viết “Nhịp thở cuộc sống”...
Những tác phẩm báo chí của anh ra đời từ cuộc sống nóng hổi đã thêm tiếng nói người dân trong xác định phương hướng, nhiệm vụ của các cơ quan đảng, chính quyền và góp phần tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng người dân vượt khó khăn, thêm tin yêu cuộc sống…
Thành công
Các đồng nghiệp của nhà báo Đinh Anh Đức đánh giá: Là một người có tố chất làm báo, lại là người bản địa nên khi về cơ sở, anh luôn phát huy tốt lợi thế của mình, được dân bản coi như người nhà. Ở lĩnh vực nào anh cũng có thành tích: Giải A “Báo chí Suối Reo” với loạt bài “Về với Xuân Nha”, “Thức cùng sao đêm”; Bằng khen của Trung ương, tỉnh, các cấp, ngành về công tác phòng chống ma túy, phát triển cây cao su, di dân tái định cư từ công trình thủy điện Sơn La, về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và về công tác xây dựng đảng… Không chỉ cho “ra lò” những tác phẩm báo chí xuất sắc, nhà báo Đinh Anh Đức còn là người có “duyên” với những tác phẩm ảnh nghệ thuật khi mang về hàng chục giải thưởng dành cho các tác phẩm ảnh như: Giải A tại liên hoan, triển lãm ảnh “Sơn La - đất nước - con người”, giải thưởng chuyên đề trong liên hoan khu vực ảnh nghệ thuật 15 tỉnh miền núi phía Bắc với các tác phẩm “Quê mới”, “Nhịp sống mới Tân Lập”, phóng sự ảnh “Âm vang trên thảo nguyên xanh”; mới đây là các tác phẩm “Sơn La xưa và nay”, “Tuần tra trên công trường thủy điện Sơn La”...
Khi nói về thành tích đã gặt hái được trong gần 16 năm chính thức làm báo, Đinh Anh Đức cười: Những thành tích đạt được của mình chỉ là hạt cát trong sa mạc. Đã gần 50 tuổi rồi nhưng mình nghĩ là đảng viên, lại công tác ở một tờ báo đảng thì càng phải phấn đấu và rèn luyện nhiều hơn nữa. Bây giờ trong mình vẫn còn nguyên quyết tâm ngày nào của cậu bé người Mường ở bản Tang Lang với những bước chân chập chững đầu tiên trên ngưỡng cửa bước vào làng báo. Tấm gương nhà báo kiệt xuất Hồ Chí Minh luôn thôi thúc, soi sáng con đường mình đi…
Luyện Ngọc Tuấn