Bác sỹ Trần Duy Hưng - người thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bác sĩ Trần Duy Hưng tham gia lao động tại Công viên Thống Nhất (Ảnh: TL)

Bác sỹ Trần Duy Hưng sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu nước ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Năm 1931, ông học ở Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An), nơi từng là cái nôi của các cuộc đấu tranh yêu nước sục sôi những năm 1925-1926, nơi Chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga ảnh hưởng mạnh mẽ, nhanh chóng tới lớp thanh niên đang khao khát tìm đường cứu nước. Vốn có lòng yêu nước, khi được tiếp xúc với báo “Người cùng khổ” và cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc, ông được tiếp thêm ý chí cách mạng. Lúc này, thực dân Pháp đã thiết lập ở Hà Nội một guồng máy đồ sộ nhằm truy lùng và tiêu diệt những người cộng sản, đồng thời  theo dõi chặt chẽ và đàn áp học sinh, sinh viên. Dưới vỏ bọc của Hội hướng đạo do người Pháp thành lập, năm 1931, Trần Duy Hưng đã cùng Hoàng Đạo Thuý và một số đồng chí khác sáng lập Hội Hướng đạo sinh Việt Nam, thu hút đông đảo thanh thiếu niên vào các phong trào, hoạt động yêu nước.

Năm 1935, Trần Duy Hưng học tại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Khi 30 tuổi, ông đã nổi tiếng là một bác sĩ đa khoa giỏi và càng nổi tiếng hơn vì chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền. Ông cùng em gái - bà Trần Thế Mỹ mở một phòng khám tư ở số 6 phố Thợ Nhuộm - Hà Nội, biến nơi chữa bệnh thành cơ sở bí mật, cứu chữa và che chở cho nhiều cán bộ Việt Minh.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim đã mời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên nhưng ông từ chối. Ông tiếp tục làm công việc của mình và chỉ đạo Hướng đạo sinh Việt Nam tích cực tham gia công tác tuyên truyền vận động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận thấy ở ông tài năng, trí tuệ và phẩm chất của một người lãnh đạo. Vì vậy, Người đề nghị bác sỹ Trần Duy Hưng làm Thị trưởng TP. Hà Nội. Người bác sĩ trẻ mới 33 tuổi khiêm tốn trả lời: "Thưa Cụ, chức Thị trưởng xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm...". Nghe vậy, Người đã động viên: "Tôi có quen việc làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta vừa làm vừa học. Điều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ”. Từ đó, bác sĩ Trần Duy Hưng luôn  gần gũi bên Bác Hồ, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người và ông đã thực hiện xuất sắc lời dạy của Bác.

Tháng 10-1945, Bác sĩ Trần Duy Hưng gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam. Tháng 6-1946, ông được bầu là Chủ tịch Ủy ban hành chính (UBHC) TP. Hà Nội. Nhận trọng trách lãnh đạo chính quyền Thành phố trong tình thế đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, cùng lúc phải đương đầu với ba thứ giặc: giặc ngoại xâm và các loại phản động tay sai, giặc đói, giặc dốt, Bác sỹ Trần Duy Hưng đã đem hết tài năng và tâm huyết để cùng lãnh đạo thành phố tiến hành các biện pháp củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ, ổn định đời sống nhân dân, bước đầu xây dựng xã hội mới.

Tháng 6-1946, trong cuộc bầu cử HĐND các cấp, Bác sỹ Trần Duy Hưng tiếp tục được bầu là Chủ tịch UBHC TP. Hà Nội. Để củng cố chính quyền, Trần Duy Hưng đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân Hà Nội học tập bức thư của Bác Hồ gửi UBHC các cấp (tháng 10-1945) để mọi người thấu hiểu  sâu sắc: “Từ nay các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng xã đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Ông đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền TP. Hà Nội hoạt động có nền nếp, theo đúng Hiến pháp và pháp luật, là  đội ngũ cán bộ gần dân, chăm lo lợi ích của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tin cậy.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, bác sĩ Trần Duy Hưng cùng chính quyền thành phố phát động các phong trào diệt giặc đói, giặc dốt và chuẩn bị chống giặc ngoại xâm; tổ chức “Tuần lễ vàng” để nhân dân thành phố ủng hộ chính quyền kiến thiết nước nhà. Ở lĩnh vực nào bác sỹ Trần Duy Hưng cũng có nhiều sáng kiến, chỉ đạo cụ thể, kiểm tra, động viên kịp thời, góp phần thổi làn gió mới, xây dựng đời sống khắp các phố phường, ngõ xóm.

Trong kháng chiến, bác sĩ Trần Duy Hưng được giao các trọng trách làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10-1954, ông được Bác Hồ cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP. Hà Nội, dẫn đầu Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thành phố; đến tháng 11-1954 làm Chủ tịch lâm thời UBHC Thủ đô Hà Nội. Ông liên tiếp trúng cử đại biểu Quốc hội khoá 2,3,4,5.

   
                                             Bác sỹ Trần Duy Hưng (người đứng trên xe)
                            trong đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954
. (Ảnh: TL)

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ coi Thủ đô Hà Nội là mục tiêu tổng hợp, là nấc thang đánh phá cao nhất. Vì vậy Hà Nội chiến thắng có ý nghĩa rất lớn về chính trị và tinh thần đối với nhân dân cả nước và luôn được sự quan tâm theo dõi của bạn bè khắp năm châu. Trần Duy Hưng luôn khắc sâu lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Hà Nội, Hải Phòng… có thể bị tàn phá song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Ông cùng lãnh đạo thành phố xác định nhiệm vụ cấp bách của nhân dân thủ đô là cùng đồng bào miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, đồng thời tiếp tục xây dựng thủ đô XHCN… Ông không chỉ có những chủ trương, biện pháp đúng đắn, sáng tạo mà còn trực tiếp đi đôn đốc, kiểm tra, khen thưởng các đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong sản xuất và chiến đấu.

Trong cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù, đánh bại cuộc tập kích bằng B52 của đế quốc Mỹ 12 ngày đêm cuối năm 1972, Bác sỹ Trần Duy Hưng đã tỏ rõ phẩm chất, tài năng, đạo đức cách mạng của người đứng đầu thành phố. Ông có mặt ở mọi nơi, mọi lúc cần thiết, cả khi khói bom còn chưa tan hết, ra những mệnh lệnh sắc bén để khắc phục hậu quả đánh phá của địch, cùng tham gia cứu thương, cứu hỏa… Những hành động của người lãnh đạo thành phố đã gây xúc động sâu sắc trong đồng bào, chiến sỹ Thủ đô, tiếp thêm cho họ niềm tin và nghị lực để chiến thắng kẻ thù. Hà Nội đã vinh dự cùng nhân dân miền Bắc lập nên trận "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy toàn cầu.

Năm 1977, Bác sỹ Trần Duy Hưng xin thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Hơn 20 năm giữ cương vị người đứng đầu chính quyền Thủ đô, trong Ban lãnh đạo Thành uỷ, ông luôn đau đáu một quyết tâm cháy bỏng- thực hiện bằng được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thủ đô Hà Nội phải trở thành thủ đô xã hội chủ nghĩa” và “Hà Nội phải dẫn đầu trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa”. Với tư duy sắc sảo, tầm nhìn chiến lược, ông đã cùng Đảng bộ và UBHC Thành phố đề ra nhiều chính sách, biện pháp đúng đắn để xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Học tập Hồ Chủ tịch, ông luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết sức phục vụ nhân dân. Ông thường gần gũi với nhân dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của người dân, thường xuyên tiếp dân ngay trong nhà mình bất kể lúc nào. Trong công việc, ông tự soạn thảo công văn, diễn văn, thư từ, điện tín. Ông có nếp sống giản dị, khiêm tốn, là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Bác sĩ Trần Duy Hưng  xứng đáng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ, được dân tin, dân phục, dân yêu. Ông qua đời đầu mùa thu năm 1988 trong niềm tiếc thương của nhân dân và bè bạn quốc tế.

Ngày 3-2-2005, bác sĩ Trần Duy Hưng được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Từ tháng 1-1999, để ghi nhớ công lao của vị chủ tịch thành phố, Hà Nội có một con đường lớn  mang tên Trần Duy Hưng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất