Công an Thủ đô nêu gương, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biển hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
Đảng uỷ Công an TP. Hà Nội tổ chức nói chuyện Chuyên đề "Bác Hồ với lực lượng Công an nhân dân và Công an Thủ đô" cho cán bộ chủ chốt các đơn vị.

Trong suốt chặng đường 93 năm xây dựng, củng cố và phát triển, Đảng luôn tự kiểm điểm nghiêm túc trên quan điểm “3 sự thật” (nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật), không chỉ nói về thành tựu, mà còn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm và tự khắc phục. Nhờ sự nghiêm túc thẳng thắn tự phê bình ấy, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo được vị thế quốc gia, uy tín đất nước trên trường quốc tế. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[1]. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo. Người dành nhiều tâm huyết rèn luyện, giáo dục cán bộ, đảng viên. Những yêu cầu đạo đức mà Người nêu ra cho cán bộ, đảng viên nay đã trở thành hệ chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người Việt Nam mới như: “Trung với nước, hiếu với dân”, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, biết yêu thương con người, có tình cảm quốc tế trong sáng...”[2]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị nhân văn trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Người cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[3]; “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[4]. Vì thế, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng, rèn luyện, mà còn phải làm gương trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, luôn nói phải đi đôi với làm.          

Đối với Công an nhân dân (CAND), thực hiện nêu gương là vấn đề hết sức ý nghĩa, quan trọng và cấp bách để góp phần xây dựng lực lượng thực sự trong sạch, vững mạnh, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sỹ.          

Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Thành ủy Hà Nội về nêu gương, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sỹ, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ, đảng viên CATĐ luôn gương mẫu đi đầu trong rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như trong đời sống hằng ngày, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CATĐ bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ; xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Những điều này đã được chuyển thành hành động cụ thể, nói đi đôi với làm.          

Khi Công an Thủ đô nêu gương          

Với tinh thần “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, thời gian qua, Đảng ủy CATĐ đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phát huy vai trò thực hiện trách nhiệm nêu gương trong toàn lực lượng, đạt nhiều kết quả khả quan, toàn diện.          

Gương mẫu đi đầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách và tác phong công tác.          

Nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách và tác phong công tác là phương tiện quan trọng để cán bộ, chiến sỹ CATĐ giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, để dân yêu, dân quý, dân thương, dân ủng hộ như cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã dạy: “Người cán bộ công an phải biết thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của CATĐ luôn thường xuyên rèn luyện tác phong, phong cách, thực hành nghiêm chuẩn mực đạo đức, quy định, quy chế về nêu gương, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trung thành, tận tụy, sáng tạo, gương mẫu, nêu gương bằng chính bản thân mình.

Trong công việc và đời sống hằng ngày, cán bộ, chiến sỹ CATĐ luôn rèn luyện tác phong quần chúng, gần dân, gương mẫu, nghiêm túc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của nhân dân để phục vụ nhân dân được ngày một tốt hơn, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân, từ đó khắc phục những hạn chế của mình trong thi hành nhiệm vụ cũng như trong đời sống hằng ngày. Nhờ đó, lực lượng CATĐ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được các cấp, các ngành, được nhân dân ghi nhận, tin tưởng. Chỉ tính riêng hai năm đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Công an TP. Hà Nội đều đạt danh hiệu thi đua Đơn vị xuất sắc, tiêu biểu, đứng đầu trong 50 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ TP. Hà Nội; Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Thư khen. Có 7.943 tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Những thành tích trên là minh chứng cho thấy lực lượng CATĐ đã gương mẫu đi đầu trong rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, phong cách, dũng cảm, tận tụy trên mọi mặt trận, luôn  “Vì nước quên thân, vì Dân phục vụ”.

Để xây dựng lực lượng CATĐ thực sự “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” theo hướng tinh gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, trước hết là vững mạnh về chính trị, có chất lượng và sức mạnh chiến đấu cao; là lực lượng nòng cốt, xung kích trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, CATĐ phải chủ động phòng ngừa, tích cực tấn công, trấn áp nhằm kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm về môi trường...; giảm thiểu tai nạn giao thông ở tất cả các tiêu chí; ngăn chặn, xử lý kịp thời các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Song song với nhiệm vụ hoàn thiện quy định quản lý công an chính quy tại các xã, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn, CATĐ phải đi đầu trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp, chất lượng, hiệu quả. Đảng bộ Công an thành phố luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, Đảng bộ Công an thành phố hết sức coi trọng công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức tư tưởng, quan điểm, lập trường, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, chiến sĩ; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, thiếu trách nhiệm trong công tác...

Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp không ngừng rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, làm gương cho cấp dưới; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc; thấm nhuần sâu sắc Sáu điều Bác dạy lực lượng Công an nhân dân. Gương mẫu thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương về ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.

Gương mẫu, tự giác thực hiện nghiêm các quy định, quy chế làm việc của tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương nơi cư trú, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, BTV Đảng ủy Công an thành phố luôn thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc “tập trung dân chủ”, quy tụ, đoàn kết, tạo động lực phát huy trí tuệ tập thể. Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, BTV Đảng ủy, Ban Giám đốc đã quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả các quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ; xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, từ đó đề ra giải pháp chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực công tác, nổi bật nhất là trong công tác tổ chức, cán bộ.

Từ sau Đại hội Đảng bộ Công an thành phố lần thứ XXVII đến nay, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của BTV Đảng ủy, lãnh đạo Công an thành phố trong công tác tổ chức cán bộ, lực lượng CATĐ đã chuẩn hóa quy trình, quy chế, bảo đảm quy định của Trung ương, của Bộ; chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới 13 văn bản, gồm: Quy trình điều động, tiếp nhận, bố trí công tác đối với cán bộ, chiến sỹ không giữ chức vụ trong Công an thành phố; Quy định về nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ hằng tháng, hằng năm trong Công an thành phố; Quy định về công tác quản lý, phòng ngừa cán bộ, chiến sỹ sai phạm; Quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị của Công an TP. Hà Nội; Quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình lựa chọn nhân sự xin chủ trương bổ nhiệm, điều động, luân chuyển các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an thành phố; Quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Công an thành phố…

Đảng ủy, lãnh đạo Công an thành phố quan tâm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, thường xuyên ban hành các văn bản, quy định về tăng cường công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa cán bộ chiến sỹ sai phạm thông qua siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lấy phòng ngừa, giáo dục là chính; tập trung quản lý cán bộ, chiến sỹ trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chức trách, nhiệm vụ được giao, việc kê khai tài sản thu nhập… Ngoài ra, thường xuyên ban hành các văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ gắn với các đợt thi đua, từ đó đánh giá, nắm tình hình cán bộ, chiến sỹ, nếu có sai phạm sẽ chỉ rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp để uốn nắn, chấn chỉnh.

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý cán bộ, phòng ngừa sai phạm, Công an thành phố đã xem xét xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe và giáo dục chung. Nhờ cách chỉ đạo khoa học, quyết liệt, phù hợp cùng với tinh thần tự giác, quyết tâm khắc phục hạn chế, tự soi, tự sửa của cán bộ, chiến sỹ nên tình hình kỷ luật, kỷ cương của Công an thành phố ngày càng được tăng cường, cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, hạn chế những nguy cơ dẫn đến sai phạm, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Lực lượng Công an thành phố còn luôn thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. BTV Đảng ủy, Ban Giám đốc đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong đó chú trọng phòng ngừa từ sớm, từ xa tại các địa bàn cơ sở, nhận diện rõ hơn phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để đánh trúng, đúng nhằm đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa ân mưu, ý đồ, thu hẹp, kiềm chế, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Thành công nổi bật của Công an thành phố thời gian qua là trong công tác cải cách hành chính, thực hiện đúng quy định trong cấp, quản lý căn cước công dân phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thủ đô. Trong công tác cải cách hành chính, đã chỉ đạo quyết liệt và huy động tối đa mọi nguồn lực tận trung triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân dân cư. Lực lượng CATĐ là một trong những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch nơi tuyến đầu vừa phải tăng cường quân số để triển khai nhiều nhiệm vụ công tác lớn, với trách nhiệm nặng nề khi vừa là lực lượng giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của Thủ đô, vừa là “nòng cốt” của các “pháo đài” phòng, chống dịch.

Để nêu gương trở thành nền nếp

Lực lượng CATĐ luôn thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cũng như ở nơi cư trú, vẫn còn một số cán bộ, chiến sỹ chưa gương mẫu, chưa tự giác nêu gương, ý thức tổ chức kỷ luật, thực hiện các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng còn hạn chế…

Để thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm nêu gương, đi đầu trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong lực lượng CATĐ cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, cần nhận thức đúng đắn và sâu sắc về vai trò quan trọng của việc thực hiện trách nhiệm nêu gương trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong lực lượng CATĐ. Trong đó, vai trò của cấp ủy, người đứng đầu đặc biệt quan trọng. Cần mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của cán bộ, chiến sỹ tham gia góp ý, bổ sung, hoàn thiện quy định về chuẩn mực đạo đức, nội dung thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, chiến sỹ gắn với với vị trí việc làm, thẩm quyền trách nhiệm, đặc điểm, chức năng của đơn vị. Thay đổi hình thức giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ bảo đảm phù hợp, khoa học, linh hoạt, sáng tạo, chú trọng việc học tập, rút kinh nghiệm, tuyên dương những điển hình tiên tiến trong thực hiện trách nhiệm nêu gương trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong lực lượng CATĐ để tạo sự lan tỏa sâu rộng trong lực lượng và nhân dân.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nêu gương. Là một phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm xem xét, nắm chắc cán bộ để có biện pháp xử lý kịp thời, đúng đắn khi có sai phạm, đồng thời phát hiện những gương người tốt, việc tốt để khen thưởng, động viên và nhân rộng. Đây cũng là giải pháp quan trọng trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lực lượng CATĐ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “9 phần 10 khuyết điểm là do thiếu kiểm tra, giám sát”. Vì thế, để thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong lực lượng CATĐ, ngoài phát huy tính tự giác tu dưỡng của cá nhân cần tăng cường kiểm tra, giám sát trên các mặt của đời sống và công tác của cán bộ, chiến sỹ, nhất là người đứng đầu.

Ba là, phát huy tính tự giác, rèn luyện, tự nêu gương của cán bộ, chiến sỹ trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong lực lượng CATĐ. Đây là giải pháp quan trọng bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ là những người được trao quyền, ủy quyền, thực thi quyền lực trong hệ thống chính trị. Một số cán bộ khi được giao quyền dễ bị tha hóa, lộng quyền, lạm quyền, vượt quyền…, nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ và năng lực công tác. Do đó, tự tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương vừa là yêu cầu nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ trong CATĐ. Muốn vậy, lực lượng CATĐ cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Công an Trung ương, của Thành ủy Hà Nội về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bám sát phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức được xác định tại Đại hội XIII của Đảng: “Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”.

------------

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXBCTQG, H. 2021, tr.190.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 1, tr.27.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 1, tr.284.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 6, tr.16.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất