Đảng bộ Huyện Krông Pắc (Đắk Lắk): Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk là cửa ngõ phía Đông vào Thành phố Buôn Mê Thuột, tiếp giáp với 5 huyện và 1 thành phố (huyện Ea Kar, Krông Bông, CưKiun, Cư Mgar, Thị xã Buôn Hồ và Thành phố Buôn Ma Thuột). Huyện Krông Pắc có 15 xã, 1 thị trấn và  có 273 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó có 58 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Dân số khoảng 200.000 người, với 23 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 30%, có 4 tôn giáo, với giáo dân khoảng 46.100 người, chiếm trên 20% tổng dân số của huyện. Đảng bộ Huyện có 61 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trực thuộc, trong đó 22 đảng bộ, 36 chi bộ với trên 4.200 đảng viên.

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị về tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc xác định: Cuộc vận động là một hoạt động chính trị - xã hội của toàn Đảng, toàn dân, nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về tư tưởng đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người. Thông qua Cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh, các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện…, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Huyện uỷ đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 21 đồng chí, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, đã ban hành các hướng dẫn, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Chỉ đạo tổ chức học tập, triển khai thực hiện các chuyên đề tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lấy ý kiến của cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên, công chức theo chức danh quy định; tổ chức hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở cơ sở và huyện; cử thí sinh tham gia Hội thi ở tỉnh. Đảng bộ huyện Krông Pắc đạt 1 giải nhì và 1 giải khuyến khích… 100% cán bộ, đảng viên viết thu hoạch và xây dựng chương trình rèn luyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực.

Sau 3 năm thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đa số cán bộ, đảng viên, công chức có sự chuyển biến về nhận thức tư tưởng, về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống và công tác ở cơ quan, đơn vị. Kết quả cụ thể như sau:

1. Đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua Cuộc vận động, ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được nâng lên, biểu hiện thông qua hành động tự giác hằng ngày trong mối quan hệ với gia đình, công việc tập thể, cộng đồng xã hội. Có thể khẳng định, Cuộc vận động đã và đang đi vào đời sống, vào lòng người, được xã hội đón nhận, trở thành một sinh hoạt chính trị, văn hoá sâu rộng, bước đầu tạo được hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề để đẩy mạnh Cuộc vận động trong những năm tiếp theo.

2. Việc triển khai các bước của Cuộc vận động đảm bảo đúng kế hoạch. Các cấp uỷ đảng từ huyện đến cơ sở đều thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động, kịp thời triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Trong gần 4 năm thực hiện Cuộc vận động, các cấp đã tổ chức quán triệt học tập đầy đủ các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhìn chung, việc nghiên cứu, học tập nghiêm túc, ý thức học tập tốt, số lượng đảng viên, công chức, viên chức đi học đạt tỷ lệ cao (đạt 98-99%).

Công tác kiểm tra, sơ kết Cuộc vận động được coi trọng, góp phần triển khai, thực hiện các bước đảm bảo đúng kế hoạch. Trong năm 2008, 2009, Ban Chỉ đạo huyện đã xây dựng đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở các TCCSĐ trực thuộc.

3. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động như: tổ chức viết bài thu hoạch, tự liên hệ và xác định phương hướng phấu đấu, rèn luyện của đảng viên, công chức, lấy ý kiến góp ý của quần chúng đối với đảng viên, tổ chức cho các đoàn viên, hội viên, học sinh tham gia học tập, hội thi, hội diễn, các phong trào thi đua bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, như tổ chức hội thi “Tuổi trẻ với Bác Hồ”, tham gia hội thi tại tỉnh Đăk Lắk với chủ đề “Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên”, đặc biệt, việc tổ chức hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở cơ sở và huyện đạt kết quả rất tốt, được nhân dân đánh giá cao….

Công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng được đẩy mạnh, nhất là Đài truyền thanh, truyền hình huyện, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã thường xuyên mở chuyên mục, chuyên đề, trang, bài để tuyên truyền về các bước triển khai, các gương điển hình về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được sự quan tâm của xã hội.

4. Cuộc vận động đã góp phần thiết thực, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cơ quan, đơn vị trong toàn huyện. Những kết quả đạt được trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong các năm 2007, 2008 và 2009… đều có sự đóng góp của Cuộc vận động. Ở các cấp độ khác nhau, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được thể hiện trong một số việc làm và qua nững con người cụ thể. Tuy chưa nhiều, chưa đều và chưa trở thành phong trào rộng lớn, có chiều sâu, nhưng ở nhiều đơn vị, cơ quan, các xã, thị trấn đã xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình, gương mẫu trong làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đó là biểu hiện sinh động kết quả bước đầu thực hiện Cuộc vận động.

Các đảng bộ xã, thị trấn, các chi bộ trực thuộc gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị với thực hiện Cuộc vận động, từng bước chú trọng triển khai các mô hình làm theo, chọn các chủ đề phù hợp với nhiệm vụ đơn vị cơ quan, thôn, buôn mình: các chi bộ thôn, buôn chọn các chủ đề như: “Tấc đất, tấc vàng”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - Khó vạn lần dân liệu cũng xong”; chi bộ các trường học chọn chủ đề “Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; chi bộ cơ quan với chủ đề “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, “Nói đi đôi vói làm”,.... Đảng bộ Công an huyện tổ chức các phong trào thi đua học tập làm theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân với phương châm “Một người làm việc bằng hai”; Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi có các mô hình “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, mô hình “Mỗi người dân khỏe, là cả một dân tộc mạnh”, mô hình “Lương y như từ mẫu”, mô hình “Quân với dân như cá với nước”, mô hình “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”... Đảng bộ Công ty cà phê 719 tổ chức được phong trào sáng tác các tác phẩm thơ ca, văn học ca ngợi tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức phong phú; Đảng bộ Công ty cà phê Phước An tổ chức hội thi quần chúng kể chuyện về Bác Hồ trong các đoàn thể và công nhân của công ty. Ngoài các phong trào lớn, huy động toàn dân tham gia, như  "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"..., gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như khối nông thôn nhấn mạnh “cần, kiệm”; khối hành chính nhấn mạnh “liêm, chính”; khối sự nghiệp nhấn mạnh “yêu thương con người”... gắn với các việc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, như cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quan hệ gắn bó với mật thiết với nhân dân...

Ban chỉ đạo Cuộc vận động huyện được tỉnh Đăk Lăk chọn làm điểm trong Cuộc vận động và với những kết quả trên Krông Pắc vinh dự được chọn đại diện cho tỉnh tham dự Hội nghị sơ kết điểm Cuộc vận động tại Trung ương, được dự giao lưu điển hình khu vực miền Trung -Tây Nguyên và huyện đã tổ chức thành công giao lưu điển hình 27 tập thể, 31 cá nhân trong toàn huyện về làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, Cuộc vận động trên địa bàn huyện còn hạn chế nhất định như một số TCCSĐ chưa thật sự quan tâm đúng mức, nên hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự gương mẫu trong rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai, thực hiện có nơi, có lúc chưa đồng bộ, thường xuyên. Một bộ phận thanh niên, học sinh, công nhân, nông dân ở khu vực nông thôn tiếp nhận Cuộc vận động còn hạn chế. Một số thành viên của Ban chỉ đạo Cuộc vận động của huyện đã được phân công địa bàn phụ trách nhưng chưa thường xuyên tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và bám sát địa bàn, đơn vị được phân công. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của cơ quan đơn vị chưa được cụ thể hoá sát với từng lĩnh vực chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị mà vẫn xây dựng chung chung trên cơ sở hướng dẫn của Ban chỉ đạo Cuộc vận động huyện.

Từ thực tiễn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên Đảng bộ huyện Krông Pắc, rút ra kinh nghiệm sau:

Trước hết là, sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục của cấp uỷ đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện, là nhân tố quyết định thắng lợi của Cuộc vận động.

Thứ hai, kết hợp chặt chẽ việc học tập và làm theo, tạo điều kiện để mọi người tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đồng thời phải có sự kết hợp chặt chẽ, thiết thực, có hiệu quả nội dung Cuộc vận động với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng cơn quan, đơn vị.  Kết hợp triển khai các nội dung Cuộc vận động theo từng năm với các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng Đảng, với các phong trào thi đua, trước hết là thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện của các cấp uỷ đảng. Theo sát việc phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của từng cá nhân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên… xây dựng kế hoạch, phương hướng phấn đấu, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sao cho sát với vị trí công tác của mình để có thái độ và hành vi đúng.

Thứ tư, các TCCSĐ thường xuyên, kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết theo định kỳ 6 tháng, một năm, 2 năm, 3 năm,... để đánh giá những mặt làm được, chưa được, tìm ra nguyên nhân hạn chế, rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả hơn. Tăng cường tuyên truyền về tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo Bác, đi đôi với phê phán những biểu hiện tiêu cực, góp phần tạo phong trào sâu rộng và sự lan toả mạnh mẽ của Cuộc vận động trong Đảng và nhân dân

Thứ năm, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên… phải luôn tự giác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tính tự giác của mỗi người là cơ sở có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Cuộc vận động.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất