Từ tập ảnh lần đầu tiên gặp Bác
Cách nay 54 năm, chàng thanh niên Bùi Công Bính vừa tròn 20 tuổi vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Hà Nội hồ hởi cùng bạn bè mang cái chữ lên vùng cao. Thời ấy, biết bao cái chữ của Đảng, của Bác Hồ đã được ông cùng nhiều thầy cô giáo gieo mầm trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Cuộc sống dạy học nơi vùng cao những năm miền Bắc vừa giải phóng cộng với năng khiếu bẩm sinh đã thôi thúc ông cầm bút. Tác phẩm đầu tay là truyện ngắn "Ngôi trường mới" đăng báo Văn học năm 1960. Từ đó, vừa dạy học, ông vừa làm thơ, viết truyện ngắn cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Cứu quốc... cùng nhiều tờ báo khác. Năm 1960, sau khi học lớp báo chí Trung ương tại Hà Nội, ông được Tỉnh ủy Hà Giang rút về làm Thư ký Toà soạn báo Hà Giang.
Một hôm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang thông báo: "Chuyện tuyệt mật. Bác Hồ lên Hà Giang. Chuẩn bị số báo phản ánh chuyến thăm đầu tiên của Bác". Ông không bao giờ quên được, ngày 27-3-1962, máy bay trực thăng đậu xuống bãi cỏ đầu tỉnh, ô tô đưa Bác về Tỉnh ủy. Trong một buổi làm việc với tỉnh Hà Giang, giờ giải lao, thấy nhà báo ngồi, Bác hỏi: "Cháu công tác ở cơ quan nào". Ông thưa: "Thưa Bác cháu công tác ở báo Hà Giang". Bác hỏi luôn: "Cháu viết báo đồng bào có hiểu không?".: “Dạ thưa Bác có”. Nghe xong, Bác dặn: "Hiện tại, chữ đồng bào còn ít nên bài viết phải ngắn gọn, dùng ảnh nhiều. Khi Bác làm Báo Việt Nam độc lập, Bác còn phải vẽ nữa đấy!".
Sau chuyến thăm của Bác, ngoài các số báo về Bác, ông báo cáo Tỉnh ủy làm tập sách ảnh "Chủ tịch Hồ Chí Minh về với đồng bào các dân tộc Hà Giang". Tỉnh ủy nhất trí. Thực hiện chủ trương đó, ông cầm giấy giới thiệu của Tỉnh ủy về Phủ Chủ tịch để xin ảnh của Bác trong chuyến thăm. Người tiếp và cung cấp ảnh Bác là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định. Rồi ông nhờ hoạ sỹ Hoàng Nguyên Kỳ - hoạ sỹ trình bày Báo Ảnh Việt Nam làm ma két. Tập sách ảnh “Bác thăm đồng bào các dân tộc Hà Giang” là tập ảnh đen trắng với nhiều ảnh đẹp, được cán bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang rất trân trọng. Đó cũng là tác phẩm đầu tiên ông làm về Bác.
Lần gặp Bác đầu tiên ấy, được tận mắt thấy hình ảnh Bác ân cần, thân mật thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ và đồng bào Hà Giang, được nghe những lời căn dặn của Bác, đã để lại trong nhà báo trẻ Bùi Công Bính một ấn tượng rất sâu sắc. Đó cũng là nguồn cội cho ông niềm tin, sức mạnh để gần nửa thế kỷ qua, ông tìm hiểu và viết về một Con Người mà cả nhân loại và dân tộc vô cùng kính trọng.
Viết về Bác Hồ là khó và vô tận
Sau khi làm tập ảnh đầu tiên đó, ông đã nghĩ đến việc sưu tầm tư liệu, sách báo về Bác Hồ. Ban đầu, ông mua những tập sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ văn của Người.
Năm 1970 ông trở lại Thái Bình, tham gia thành lập Hội Văn học nghệ thuật. Ông tiếp tục xây dựng tủ sách về Hồ Chí Minh. Nhiều bộ sách quý như Hồ Chí Minh Toàn tập (12 cuốn - NXB Chính trị quốc gia), các tập hồi ký của các lãnh tụ, các nhà hoạt động cách mạng, các nhân sỹ trí thức, nhà báo, văn nghệ sỹ viết về Bác. Ông đọc, ghi chép tỉ mỉ mỗi tác phẩm, khắc sâu những câu chuyện, những lời dạy của Bác để ông suy nghĩ và viết. Ngay từ đó, ông đọc và khắc tâm nhiều nhận định nổi tiếng về Bác như: “Cụ Hồ là ngọn núi Nam châm khổng lồ" (Phan Kế Toại), "Cụ Hồ biến chủ nghĩa Mác-Lênin từ thỏi thép khổng lồ thành đồng xu nhỏ để ai cũng tiêu được" (một nhà văn nước ngoài), "Chủ tịch Hồ Chí Minh như hòn đá tảng làm nền cho nhân loại" (một nhà văn Cu-ba), "Cụ Hồ không tác động vào xã hội bằng quyền lực mà tác động bằng văn hoá và đạo đức..." (Giáo sư Phan Ngọc); Câu chuyện khi nhận bằng Tiến sỹ danh dự của trường ĐH lớn ở In-đô-nê-xi-a năm 1958 Bác đã nói với sinh viên ở đây: "Khi trẻ tôi không có điều kiện đến trường đại học. Tôi đã đi du lịch và làm việc. Đó là trường đại học của tôi. Trường ấy đã dạy tôi khoa học xã hội. Nó đã cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ và hòa bình và ghét áp bức, ích kỷ… Trường đại học ấy đã dạy tôi chính trị là gì, đó là đoàn kết nhân dân".
Sau khi Bác mất, ông càng quan tâm hơn đến tấm lòng yêu mến và ca ngợi của nhân dân thế giới với Hồ Chí Minh. Ông vào Lăng viếng Bác, vào Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu di tích Phủ chủ tịch, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện quốc gia, lên Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, vào Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp, cảng Nhà Rồng… cùng nhiều miền đất nước để thăm, sưu tầm, ghi chép các tài liệu về Bác .
Như một con ong chăm chỉ và cần mẫn, đến nay, ông đã có một kho tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là 7 cuốn tư liệu với hàng ngàn tư liệu, hàng ngàn bài báo của nhiều tác giả được cắt dán từ các báo chí trong và ngoài nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông hiện có tủ sách khoảng hàng ngàn cuốn trong đó có hơn 200 cuốn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những cuốn xuất bản ở Mỹ, ở Nga… Ông còn đưa cho tôi xem hàng chục cuốn sổ tay ghi chép về Bác. Quen biết ông đã lâu nhưng tôi thực sự bất ngờ về nguồn tư liệu quý giá này. Ông nói “Đây là tâm huyết của cuộc đời tôi”.
Nhiều báo, tạp chí ở Trung ương đã đăng tải nhiều bài viết của ông về Bác Hồ như Tạp chí Xây dựng Đảng, Dân vận, Toàn cảnh, Xây dựng đời sống văn hoá, Dạy học ngày nay... Nhiều báo đảng, tạp chí của các tỉnh, từ Bắc vào Nam đã đăng tải những bài viết của ông về Bác Hồ. Tác giả Bùi Công Bính đã trở nên thân quen về đề tài Bác Hồ trên mặt báo. Mỗi bài báo, bài thơ của ông viết về Bác được đăng tải, ông đều cắt dán lại cùng với ảnh Bác. Tình cảm thiêng liêng với Bác cộng với con mắt của một nhà báo, biên tập viên, nhà thơ nên trang nào cũng đẹp. 300 bài báo, bài thơ của ông được ông cần mẫn, nâng niu trong mấy chục năm qua. Không thiếu một bài. Trong cả nước cũng hiếm có tác giả nào làm được như ông.
Một kỷ niệm mà ông không quên, đó là năm 2000, Tạp chí Nha Trang đã tặng Giấy khen những bài viết của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với ông đó là một phần thưởng vô giá. Hơn thế, cho ông một niềm tin tưởng về một đề tài mà bao năm qua ông lặng lẽ sưu tầm, tập hợp và viết - đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và khi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động thì ông vô cùng xúc động.
Năm 2005, ông tuyển chọn các bài viết của mình về Bác trong mấy chục năm thành bộ sách 2 tập "Nguồn sáng Hồ Chí Minh". Tập 1 dày 485 trang, Tập 2 dày 432 trang, in 3.000 cuốn do Liên hiệp các Hội KHKT Thái Bình xuất bản. Sách được chuyển tới các cấp, các ngành, các truờng học. Và năm 2007, Bộ Chính trị quyết định phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hai tập sách “Nguồn sáng Hồ chí Minh” đã nhanh chóng trở thành tài liệu quý giá phục vụ cho cuộc vận động lớn này. Các câu chuyện về Bác được ông khéo léo lồng vào các bài viết để làm rõ những phẩm chất cao đẹp của Người. Ông viết nhiều bài về quan điểm phê và tự phê bình của Bác: "Gạo giã xong rồi trắng tựa bông", "Dao có mài mới sắc"… Nhiều thí sinh lấy chuyện trong tập sách của ông để dự thi. Người được giải nhất trong cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình đã kể một câu chuyện trong tập sách “Nguồn sáng Hồ Chí Minh”.
Năm 2009, NXB Thanh Niên tiếp tục chọn lọc xuất bản tập “Nguồn sáng Hồ Chí Minh”. Đây là 1/9 tập sách trong tủ sách tuổi trẻ cả nước học và làm theo lời Bác. Trong lời giới thiệu đã khẳng định: “Nguồn sáng Hồ Chí Minh của tác giả Bùi Công Bính - một người say mê nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - đã tìm tòi, chắt lọc từ nhiều nguồn tư liệu, sách báo khác nhau để viết cuốn sách quý giá này”.
Theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình, ông đã viết 3 kịch bản cho Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Bình để dàn dựng và biểu diễn phục vụ các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, 40 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, tổng kết 3 năm Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Ông viết lời dẫn chương trình, cố vấn về tư liệu cho các ngành, đoàn thể, trường học trong các cuộc thi, liên hoan văn nghệ về Bác Hồ…
Điều ông làm tôi ngạc nhiên là tuy đã vào tuổi 75 nhưng trí nhớ và sức làm việc của ông vẫn như đang độ trung niên. Ông bảo chính Bác đã cho ông sức mạnh đó. Ông nói vui, có cái cũng quên nhưng riêng về Bác thì không quên bất cứ điều gì đã ghi nhớ. Ông có thể nói chuyện cả ngày về Bác Hồ, nói chuyện ngày này sang ngày khác. Ông đã có nhiều buổi nói chuyện về Bác cho các trường học, cơ quan, đơn vị. Hằng ngày, có nhiều người hỏi về bản nhạc, bài hát, tác phẩm, câu nói của Bác Hồ. Nhất là từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì ông là một địa chỉ tin cậy của nhiều cơ quan, đoàn thể, đơn vị, cá nhân khi cần những tư liệu về Bác Hồ. Ông được mọi người ưu mến tặng biệt danh “Kho tư liệu về Bác Hồ ở quê lúa”.
Dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Bác Hồ, ông viết nhiều bài trong đó có một bài ông rất tâm đắc, đó là bài: “Bác Hồ suốt cuộc đời là sự nêu gương”. Ông đã hoàn thành xong tập bản thảo: “Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn” dày 500 trang, gồm 46 bài viết được chọn trong hơn 100 bài viết được in trên các báo và tạp chí về Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyển chọn 40 bài thơ ông viết về Bác và thành tập “Người quên mình cả thế giới không quên”.
Về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông khẳng định đó là cuộc vận động có ý nghĩa của Đảng cả trước mắt và lâu dài. Học tập tấm gương của Bác là xây dựng nền đạo đức, văn hóa Việt Nam. Học tập và làm theo Bác, mỗi một người sẽ tự tốt hơn lên. Còn với ông viết về Bác Hồ là một đề tài khó và vô tận.
Ghi chép của Lã Quý Hưng
Hội Nhà báo Thái Bình