Hiệu quả của nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin

Chủ trương đúng

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong công tác dân vận, hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và thực hiện lời dạy của Bác "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", đầu năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã phát động phong trào Dân vận khéo trong hệ thống chính trị cả nước. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung cũng như kế hoạch, phương pháp triển khai. Thông qua học tập, quán triệt, đặc biệt là tổ chức thực hiện và những kết quả, hiệu quả bước đầu của phong trào Dân vận khéo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nên nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị có chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã tự giác rèn luyện, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tác phong, thái độ phục vụ nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết  tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên ở nhiều địa phương nhân dân tích cực hưởng ứng và phong trào thi đua Dân vận khéo thực sự đi vào cuộc sống một cách sâu rộng trong cả nước.

 

Thúc đẩy kinh tế phát triển

Triển khai thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo về sản xuất kinh doanh giỏi, xã Tân Thành (Cà Mau) đã chọn mô hình nuôi cá hồ ao để phát động rộng rãi trong nhân dân. Cấp uỷ đã chỉ đạo tập hợp, liên kết nông dân cùng trao đổi kinh nghiệm hợp tác sản xuất có hiệu quả cao hơn. Nếu như trước đây sản xuất manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, sản phẩm nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp, có khi còn bị tư thương ép giá, bây giờ nhờ tổ chức sản xuất có hợp tác, liên kết trong sản xuất không những nâng cao năng suất, sản lượng mà giá trị sản phẩm cũng cao hơn. Ông Năm Hữu (xã Phú Hưng, Cái Nước, Cà Mau) không chỉ làm giàu từ cải tạo ao đầm nuôi tôm công nghiệp, đào ao nuôi cá chình, cá bống tượng, nuôi tôm giống hầm đất mà còn đem những kiến thức về kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế hướng dẫn bà con trong ấp và động viên mọi người làm theo. Những gia đình nghèo, khó khăn, thiếu vốn, ông không chỉ hướng dẫn, chỉ bảo cách làm mà còn cho mượn vốn không tính lãi, bán con giống chịu đến khi thu hoạch mới trả. Công ty Cao su Đăk Lăk chú trọng thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về công tác kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Đảng uỷ Công ty chủ trương trao cho bà con "cần câu" và hướng dẫn cách "câu", Công ty thành lập Ban chỉ đạo công tác kết nghĩa tại tất cả các đơn vị và trực tiếp cử cán bộ chuyên trách bám buôn, bám địa bàn để hỗ trợ bà con kỹ thuật sản xuất, gieo trồng cũng như thực hiện tuyên truyền, vận động. Chị Nguyễn Thị Son, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuất Hoá (thị xã Bắc Kạn, Bắc Kạn) đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong địa phương thực hiện tốt phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Ban Thường vụ huyện uỷ Đăk Đoa (Gia Lai) lại thành công trong việc chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phân công giúp hộ nghèo. Đồng chí Hoàng Công Duyên, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bình Phước đã suy nghĩ, trăn trở, tìm hiểu, vận động, chắp mối các đối tượng có điều kiện về kinh tế có được số kinh phí đủ xoá xong nhà tạm cho hội viên cựu chiến binh toàn tỉnh. Ở Nam Sơn (Hoàng Su Phì, Hà Giang) Đảng uỷ xã quyết định xây dựng 8 mô hình dân vận khéo tại 7 thôn và 1 chi bộ cơ quan xã. Đó là các mô hình: Trồng cây lấy gỗ; Trồng lúa chất lượng cao; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; Trồng chè tập trung; Toàn dân chấp hành tốt pháp luật; Trồng cây thảo quả; Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; Chuẩn mực phong cách cán bộ làm công tác dân vận khéo. Tại các thôn, chi bộ làm hạt nhân trong chỉ đạo triển khai và kiểm tra, giám sát các bước thực hiện, các thành viên trong BTV đảng uỷ, BCH và các đoàn thể được phân công phụ trách các mô hình. Chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó bí thư Chi bộ ấp Lê Đình Thường (Sơn Lệ, Hương Sơn, Hà Tĩnh) là người đi đầu trong thực hiện mô hình trồng tiêu áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm và bón phân sinh học qua đường ống. Thấy hiệu quả, anh vận động bà con tham gia mô hình này. Không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình, anh đã giúp người dân trong việc xoá bỏ những trì trệ trong cách làm ở địa phương. Hội Cựu chiến binh xã Tam Đa (Phù Cừ, Hưng Yên) đã "khéo" vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế. Hội Nông dân Cam Phước Tây (Cam Lâm, Khánh Hoà) đã vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Thực hiện Nghị quyết 3 của Tỉnh uỷ Hà Nam về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chi bộ do đồng chí Nguyễn Thị Hoan làm bí thư - xóm trưởng (xóm 15, xã Thi Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) đã có nghị quyết chuyên đề về việc lãnh đạo các hộ dân trong thôn thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Làng Đăk Rao Lớn (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, Kon Tum) vận động nhân dân, khắc phục thiên tai, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư chi bộ kiêm trưởng Ban công tác mặt trận Dương Phúc Hồng (thôn Bình An, xã Chiến Thắng, Bắc Sơn, Lạng Sơn) thì tâm sự: Bản thân mình phải mạnh dạn làm trước, phải có mô hình cụ thể để người dân mắt thấy, tai nghe thì họ mới làm theo, chứ không thể vận động bằng lời nói suông được. Phải kiên trì vận động, thuyết phục ở mọi lúc, mọi nơi, nắm rõ tâm lý, phong tục của đồng bào và phải làm từ ít đến nhiều, làm đâu chắc đấy. Công ty Lâm nghiệp Con Cuông (Nghệ An) khéo vận động nhân dân trong trồng rừng, bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả kinh tế rừng. Bài học được Công ty rút ra là "khi nhân dân hiểu, tin, cùng tham gia với Công ty thì rừng sẽ tốt, sẽ xanh". Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Tiến (Phú Thọ) được UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng công nhận xã văn hoá cấp tỉnh, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Đảng bộ xã giữ vững danh hiệu Đảng bộ TSVM 16 năm liên tục. Từ thực tiễn công tác quần chúng của Đảng bộ xã Minh Tiến đã rút ra nhiều bài học bổ ích, mà nổi bật là bài học về đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Khi nội bộ thống nhất sẽ quy tụ được quần chúng, khi đó sẽ có phong trào và có thành tựu; ngược lại, nội bộ mất đoàn kết thì không thể đoàn kết được nhân dân. Ông Nguyễn Văn Liễu (khu 1, xã Vân Lĩnh, Thanh Ba, Phú Thọ) được biết đến với những đóng góp nổi bật: Xây dựng, phát triển phong trào kinh tế hộ gia đình; tham gia củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể và vận động thực hiện các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Từ già đến trẻ của buôn làng ai cũng biết và hết lời ca ngợi ông Ka Sô Liễng, 75 tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Ea Chà Rang (Sơn Hoà, Phú Yên) vì ông đã giúp họ đổi đời. Đồn Biên phòng 23 đứng chân trên địa bàn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã đạt được những kết quả rõ nét xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới. Hội Nông dân xã Trọng Quan (Đông Hưng, Thái Bình) vận động hội viên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Năm 2001 Chi bộ Doanh nghiệp tư nhân Tiến Nông (Thanh Hoá) chính thức được thành lập, là chi bộ đầu tiên trong khối doanh nghiệp tư nhân tại Thanh Hoá. Năm 2002, Tiến Nông đã thành lập các tổ chức đoàn thể. Tổ chức đảng, đoàn thể được tạo mọi điều kiện thuận lợi đã tích cực hoạt động, phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi hội Người cao tuổi ấp Cồn Ông (xã Dân Thành, Duyên Hải, Trà Vinh) là một đoàn thể mạnh, có uy tín và sức lan toả, cùng với Đảng, chính quyền và nhân dân đưa ấp Cồn Ông từ nghèo nàn, lạc hậu trở thành một ấp văn hoá đầu tiên của huyện, ấp văn hoá mô hình điểm đạt 3 tiêu chí: giảm học sinh bỏ học giữa chừng; giảm hộ nghèo, giảm nhà tạm bợ; giảm tệ nạn xã hội. Anh Nguyễn Quốc Thanh (Ban Bồi dưỡng hỗ trợ và tái định cư thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) chú trọng tham mưu cho lãnh đạo và bản thân luôn thực hiện theo phương châm: triển khai để dân biết, dân bàn, vận động để dân làm; tạo điều kiện công khai để dân kiểm tra. Chi bộ thôn Ao Luông 3 (xã Sơn A, Mường Lò, Yên Bái) nghiêm túc thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng và trong các khoản đóng góp công ích, thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng tiêu chuẩn trong việc phân phối tiền, hàng hỗ trợ, cứu trợ, nhân đạo, từ thiện đối với nhân dân. Kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo đã có tác động tích cực, là động lực mới, tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện các mối quan hệ hài hoà lao động trong doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần cho Công ty cổ phần Xi măng Hoàng Mai hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của công ty. Công ty 72 (Binh đoàn 15 - Tây Nguyên) với phương châm Công ty gắn với huyện, xã; tổ, đội sản xuất gắn với thôn, buôn, Công ty đã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình Gắn kết hộ sản xuất. Đảng uỷ, Ban giám đốc Công ty đã lãnh đạo những mô hình hay như Gắn kết giữa công nhân người Kinh với công nhân người dân tộc thiểu số; Gắn kết giữa hộ sản xuất người Kinh với hộ người dân tộc thiểu số; Một công nhân giỏi trực tiếp giúp một công nhân người dân tộc thiểu số. Anh Phạm Tuấn Nghĩa (xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông) đã tuyên truyền, vận động, giúp công, giúp vốn cho bà con trong xã cùng phát triển kinh tế.

 

Văn hoá - xã hội cải thiện

Hội Cựu chiến binh huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã thực hiện tốt mô hình Xoá cầu khỉ, cầu tạm. Đảng uỷ phường Hoàng Văn Thụ (Hồng Bàng, Hải Phòng) đã lãnh đạo nhân dân trong phường thực hiện tốt mô hình 5 không (không có hộ đói nghèo; không có trẻ em bỏ học; không có người sinh con thứ 3 trở lên; không có tội phạm ma tuý và các tệ nạn xã hội; không có hộ nợ đọng thuế và nghĩa vụ khác với Nhà nước). Bà Đinh Thị Khoa, Phó bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Trần Phú (thị xã Hà Giang, Hà Giang) luôn xác định: muốn xây dựng tổ dân phố vững mạnh, toàn diện phải lấy bài học dân vận để thực thi nhiệm vụ của mình. Ni trưởng Thích Như Định, trụ trì chùa Pháp Hoa, phường Đông Xuyên (thành phố Long Xuyên, An Giang) tích cực làm công tác từ thiện. Tổ dân vận thôn Xuân Trung (xã Xuân Phú, Bắc Giang) đã đề xuất với chi uỷ, chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo xây dựng làng văn hoá xanh - sạch - đẹp với các nội dung: Xây dựng bể rác thải phân huỷ tập trung, công tác vệ sinh môi trường; quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân; xây dựng cổng làng. Khu phố 3 (phường 1, thành phố Bến Tre) nhờ dân vận khéo đã khắc phục được điểm đen về ô nhiễm môi trường. Y Nghê Niê, trưởng Buôn Dun, xã Ea Hồ (Krông Năng, Đăk Lăk) được gọi là Người giữ bình yên cho buôn làng. Tổ tự quản bảo vệ môi trường khu phố 3, thị trấn Mỹ Phước (Bến Cát, Bình Dương) đã vận động nhân dân thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) đã xây dựng Giáo họ Phương Lạc an toàn - đoàn kết - văn hoá. Thôn Ngọc Quyến 1 (xã Hưng Đạo, Hoà An, Cao Bằng) đổi thay cũng nhờ dân vận khéo. Giáo xứ Kim Thương (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) sống tốt đời, đẹp đạo. Đồng chí Trương Quang Hồng (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) 16 năm làm công tác dân vận (trong đó 5 năm giữ cương vị Trưởng khối vận) tâm sự: Muốn để người dân hiểu, cán bộ dân vận phải cố gắng phát huy tốt nhất quyền làm chủ của người dân. Họ không chỉ có quyền được biết, được nghe mà còn làm và phải được kiểm tra, giám sát. Thôn Trại Sắn thuộc xã miền núi Thượng Quận (Kinh Môn, Hải Dương) thì thành công với mô hình Vận động nhân dân xây dựng làng văn hoá và thực hiện các thiết chế văn hoá ở cơ sở. Năm 2000 ông Nguyễn Văn Trúc (thôn Yên Phú, Liên Minh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mặc dù lúc đó chỉ còn 3 năm là ông bước sang tuổi thất thập. Được vào Đảng Cộng sản Việt Nam là một vinh dự, mơ ước đối với giáo dân vùng Công giáo toàn tòng. Ông nhận thức rằng: vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đó là một sứ mệnh cao cả, không trái với lời răn của Chúa "Sống phúc âm trong lòng dân tộc". Với vai trò bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận, ông luôn tâm niệm làm gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm. Bản Lác (xã Chiềng Châu, Mai Châu, Hoà Bình) đã xây dựng được làng văn hoá du lịch cộng đồng. Ông Xa Văn Thế, 78 tuổi, dân tộc Tày ở xóm Nhạp (xã Đồng Chum, Đà Bắc, Hoà Bình) được mệnh danh là Người già làng làm dân vận khéo. Buôn B'Nơr C thuộc xã Lát (Lạc Dương, Lâm Đồng) vận động bà con thực hiện mô hình "thôn, buôn không có người sinh con thứ ba". Ông Vương Đình Cam, Nguyên trưởng Khu phố 3 (phường 7, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) vận động xây dựng khu phố văn hoá, khu phố không rác, là người mở đầu phong trào xoá mù tin học. Theo ông, phải biết kết hợp giữa nói, làm và sống. Nói là nói đúng, nói thật; làm là phải có trách nhiệm, phải nhiệt tình với công việc; còn sống là phải gương mẫu. Ông Phạm Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn (Ninh Bình) vận động nhân dân tham gia đăng ký hiến giác mạc. Ông tâm sự: tôi đã dặn dò kỹ lưỡng những người thân trong gia đình là phải lấy giác mạc của tôi khi qua đời để tặng lại cho người mù. Làm như vậy coi như cơ thể mình còn một bộ phận sống, còn giúp ích được cho đời, vẫn nhìn thấy mọi vật và mọi người quanh mình, sự sống sẽ tiếp nối sự sống. Chỉ mong muốn rằng khi người mù được thay giác mạc, họ biết giữ gìn cẩn thận và lại hiến tặng nó khi họ qua đời... cứ thế, giác mạch sẽ trở thành ngọn nến bất tử và sáng mãi. Người cán bộ hết lòng vì cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người ở phía tây Quảng Bình là đồng chí Phan Văn Bình, bí thư chi bộ xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Ấp Kà Ốt (xã Tân Đông, Tân Châu, Tây Ninh) nơi phần lớn là đồng bào Khơ-me 7 năm liên tục được công nhận danh hiệu Ấp văn hoá. Làm dân vận tốt còn có người chiến sĩ quân y tận tuỵ vì dân, trung uý, quân y sĩ Nguyễn Tấn Linh (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị). Còn có thể kể đến Chi bộ tổ dân phố số 19 phường Quang Trung (Thành phố Thái Nguyên). Chi bộ thôn Chiết Bi (xã Thuỷ Tân, Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế) đã tìm ra lời đáp cho câu hỏi làm cách nào để vận động nhân dân thực hiện một cách có ý thức, thành nề nếp, thói quen về giữ gìn vệ sinh môi trường. Còn có gương sáng của một tấm lòng nhân hậu, bác sĩ Đỗ Thị Ngon, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Còn có thể kể đến mô hình Tự quản vệ sinh môi trường của tổ dân phố Trà 2 (phường Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Anh Nguyễn Hoàng Cao là cán bộ của Đồn Biên phòng 629 được tăng cường về giúp xã Hồng Thái (A Lưới, Thừa Thiên Huế) giúp đồng bào xoá đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới ở cơ sở, được bà con gọi bằng cái tên trìu mến A Cay, coi anh như người con thân yêu của dân bản. Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vĩnh Phước (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) vận động hội viên thực hiện mô hình 5 không (không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có con suy dinh dưỡng; không có trẻ bỏ học; không sinh con thứ ba; không bạo lực gia đình), 3 sạch (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ). Dòng họ Trần - Cảnh Vân, làng văn hoá Cảnh An 2 (xã Phước Thành, Tuy Phước, Bình Định) hưởng ứng phong trào dân vận khéo. Mô hình này đang được các dòng họ khác ở Bình Định nghiên cứu, học tập để xây dựng, thực hiện.

 

An ninh, quốc phòng được giữ vững

Có thể kể đến: Xã Đăk Rtih (Tuy Đức, Đăk Nông); Giáo xứ Phước Bình, ấp Phước Thắng (xã Phước Tỉnh, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đại đội trinh sát 202 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên) xác định: Phối hợp với hệ thống chính trị ở cơ sở thực hiện các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, giúp đỡ nhân dân. Đội dân phòng xe ôm tham gia phòng, chống tội phạm xã Bình An, Châu Thành, Kiên Giang. Đồng chí Võ Phú, thị uỷ viên, bí thư đảng uỷ phường Sông Bờ (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) đã có những đóng góp không nhỏ trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, đưa phường Sông Bờ ngày càng khang trang, giàu đẹp. Thiếu tá Phạm Đức Hậu, đội chuyên trách công tác quần chúng, Đồn Biên phòng 92 (xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định) tâm sự ngoài bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm, sự nhạy bén trong tư duy, bản thân cần phải trung thực, thật thà, sẵn sàng giúp đỡ người dân cả về vật chất và tinh thần mỗi khi họ cần đến. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an tỉnh Nghệ An dân vận khéo đấu tranh xoá bỏ địa bàn trọng điểm về ma tuý. Đội Cảnh sát quản lý hành chính - trật tự xã hội Quảng Ngãi thực hiện cải cách trong thủ tục hành chính: 3 không (không để dân chờ; không để dân lo; không để dân phiền); 3 trách nhiệm (trách nhiệm với công việc; trách nhiệm với nhân dân; trách nhiệm với bản thân); mỗi cán bộ, chiến sĩ đều lấy khẩu hiệu Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân làm mục tiêu phấn đấu với tinh thần hết việc, không hết giờ. Còn có thể kể đến Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm của Đoàn thanh niên xã Tân An Luông (Vũng Liêm, Vĩnh Long). Đó còn là người chiến sĩ công an nhân dân luôn gần dân, quan tâm chỉ dẫn, giúp đỡ nhân dân, Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), trung tá Nguyễn Bảo Lộc. Công an huyện đã ký kết quy chế phối hợp với Ban đoàn kết công giáo và Giáo hạt Vĩnh Thạnh về việc phối hợp xây dựng mô hình Xứ đạo, họ đạo 3 không (không có tội phạm; không có ma tuý; không có mại dâm). Đồng chí Trần Duy Hùng, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Đội trưởng Đội công tác vận động quần chúng thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn, Bình Định) cũng là một trong những điển hình làm tốt công tác vận động quần chúng.

 

Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở

Uỷ ban MTTQVN phường Hoà Hải (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) xác định phải đề cao và coi trọng vai trò làm chủ của nhân dân. Khi lòng dân đã thuận thì việc giải toả mặt bằng được tiến hành rất thuận. Mô hình Sinh hoạt dân chủ ra dân ở quận Ninh Kiều (Cần Thơ) vừa tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình, vừa tạo điều kiện để cán bộ đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương gần gũi, gắn bó hơn với nhân dân, qua đó đổi mới phong cách lãnh đạo, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Phường Tân Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) dân vận khéo trong công tác giải phóng mặt bằng. Xã Bình Thạnh (Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã huy động sức dân đóng góp trên tất cả các lĩnh vực với tổng số tiền 11,246 tỷ đồng, góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đảng bộ phường Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý, Hà Nam) thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách thủ tục hành chính, công tác tiếp dân. Khối dân vận phường Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) đã làm tốt công tác vận động giải phóng mặt bằng. Điều đó cho thấy nếu làm tốt công tác dân vận thì cả những việc khó như giải phóng mặt bằng đều có thể thực hiện được với điều kiện là phải kết hợp giải quyết hài hoà 3 lợi ích (cá nhân, tập thể, xã hội); phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; thực hành tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Làm tốt công tác dân vận, đền bù, tái định cư giải phóng mặt bằng ở xã Kỳ Liên (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã hoàn thành, giúp cho việc triển khai dự án khu liên hợp gang thép Cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) đúng tiến độ. Ở Quận 6 (TP Hồ Chí Minh), qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình dân vận khéo có hiệu quả và được nhân rộng như: Uỷ ban nhân dân phường 14 với điển hình Tiếp dân niềm nở, hướng dẫn tận tình, ứng xử văn minh, thực hiện 3 không (không gây phiền hà, sách nhiễu dân; không thờ ơ, lãnh đạm trước những bức xúc của dân; không nhận, đưa hối lộ, đút lót dưới bất cứ hình thức nào), 3 đúng (đúng nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; đúng quy trình, đúng hẹn trong tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ; đúng luật, công tâm, khách quan khi hoà giải tranh chấp, khiếu kiện) và thực hiện 3 nên (nên vui vẻ khi giao tiếp với nhân dân; nên xin lỗi dân khi làm sai; nên cảm ơn khi dân góp ý), 3 cần (cần phải gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân; cần phải hiểu dân, học dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; cần phải tiết kiệm thời gian, công sức, tiền của và vận động mọi người làm theo), 3 chống (chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, thiếu trung thực; chống tham vọng chức quyền, gia trưởng, độc đoán, trù dập; chống chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ). Khu phố 4, phường 8 với điển hình Vận động nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng khu phố văn hoá; Phòng Tài nguyên - Môi trường Quận 6 đã thực hiện tốt công tác tiếp xúc, tuyên truyền cho nhân dân... Điển hình dân vận khéo còn có anh A Phổ, Bí thư chi đoàn thôn Pênh Siêl (xã Đăk Pét, Đăk Glei, Kon Tum) không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo để đổi mới các hoạt động của chi đoàn thanh niên. Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh Lai Châu đã làm tốt việc khơi dạy và phát huy có hiệu quả những phẩm chất quý báu của "Bộ đội Cụ Hồ". Từ một xã miền núi nghèo, lạc hậu trở thành điển hình tiên tiến nhiều mặt như Bản Qua (Bát Xát, Lào Cai) hôm nay là một kỳ tích của dân vận khéo. Ở Duy Xuyên (Quảng Nam) những mô hình hay, những việc làm sáng tạo đã và đang phát huy tác dụng tích cực đó là Xây dựng quần chúng cốt cán; Toạ đàm giải pháp thoát nghèo; Tổ dân vận thôn, khối phố; Thôn văn hoá, khu dân cư tiên tiến mẫu; Tổ chức tập hợp thanh niên trên địa bàn dân cư; Mỗi ngày làm một việc tốt vì dân; Hũ gạo tình thương, đồng tiền nhân đạo... Xã Lưỡng Vượng (thị xã Tuyên Quang) có kinh nghiệm cấp uỷ, chính quyền tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành chủ trương của xã, thôn. Đảng viên đi trước, từ đó đã tạo được phong trào của quần chúng trong việc thực hiện các phong trào thi đua ở cơ sở.

 

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Qua 2 năm tổ chức thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo có thể rút ra được một số kinh nghiệm sau:

Một là, cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các hội quần chúng phải nhận thức đúng mục đích, yêu cầu, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào Dân vận khéo, phải coi đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận của Đảng; nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức cơ quan, địa phương, đơn vị. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải thường xuyên, kiên trì, cụ thể, sâu sát tình hình thực tiễn ở địa phương, đơn vị; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Như vậy, sẽ huy động được nhiều nguồn lực, nhiều lực lượng thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo một cách có hiệu quả, có sức lan toả rộng.

Hai là, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình Dân vận khéo phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; giải quyết được những vấn đề bức xúc của nhân dân, những khó khăn mà nhân dân không tự giải quyết được, đem lại lợi ích cho từng địa phương, đơn vị, cho các tầng lớp, các đối tượng trong xã hội; phải kết hợp hài hoà 3 lợi ích (nhà nước, tập thể, cá nhân), phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để huy động sức sáng tạo của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt. Vai trò của chính quyền làm công tác dân vận phải được coi là khâu đột phá trong việc cụ thể hoá chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cán bộ chính quyền phải công tâm, gần gũi, tôn trọng và có trách nhiệm với nhân dân.

Ba là, ban dân vận, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải luôn bám sát tình hình thực tiễn, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện kịp thời những vấn đề quan tâm, những khó khăn, bức xúc để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp uỷ, chính quyền các cấp những giải pháp giải quyết kịp thời và tổ chức lực lượng đoàn viên, hội viên, các thành viên tham gia giải quyết có hiệu quả. Phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận, mặt trận, các đoàn thể thật sự nhiệt tình, tâm huyết, có tinh thần và ý thức trách nhiệm cao đối với công việc được giao; có đức tính kiên trì, nhẫn nại, sâu sát cơ sở, "phải thật thà nhúng tay vào việc", "phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" như Bác Hồ đã dạy.

Bốn là, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân vận, nâng cao kỹ năng về công tác vận động quần chúng, "khéo" tuyên truyền, "khéo" giải thích để quần chúng hiểu rõ và thực hiện. Trong quá trình triển khai cần định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời để duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo. Chú trọng nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của các điển hình dân vận khéo để các mô hình mới rút kinh nghiệm vận dụng làm theo.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất