Ngôi trường đặc biệt
Một buổi tập văn nghệ ở Trung tâm

Được thành lập từ năm 1979, là đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, Trung tâm dạy nghề người tàn tật nằm trong một xóm nhỏ thuộc địa phận xã Nghi Phú, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Trung tâm có chức năng quản lý, giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, phục hồi chức năng và tư vấn việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Trung tâm  thực hiện nhiệm vụ giáo dục can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cộng đồng. Hằng năm, Trung tâm quản lý từ 200 đến 250 học sinh khuyết tật, gồm khiếm thính, tật vận động, chậm phát triển trí tuệ.

Ban đầu với 4 lớp, gồm 45 học sinh, 4 cô giáo phụ trách, đến nay, Trung tâm có 8 lớp văn hóa, 13 lớp dạy nghề, 48 cán bộ, nhân viên (41 biên chế, 7 hợp đồng) với bốn phòng chuyên môn là phòng Tổ chức - Hành chính, phòng Văn hóa, phòng Dạy nghề và phòng Tư vấn việc làm. Năm học 2011-2012, Trung tâm quản lý 207 em, trong đó có 85% học sinh ở nội trú, được tổ chức dạy bổ túc văn hóa trình độ bậc tiểu học sau đó chuyển sang học nghề.

Từ trong khó khăn…

Mặc dù được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhiều tổ chức xã hội quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Nghệ An vẫn còn khó khăn về nhiều mặt. Thiếu trang thiết bị dạy học, thiếu một số phòng học nghề, phòng thực hành nghề, máy móc thiết bị. Tài liệu, giáo trình dạy văn hoá và dạy nghề cho người khuyết tật rất ít, chủ yếu giáo viên phải tự học, tự nghiên cứu. Đội ngũ giáo viên tuy ngày càng được tăng cường về số lượng, phần lớn được đào tạo cơ bản nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Đa số học sinh bị tàn tật nặng, là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Một số gia đình nhận thức về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục đối với con em khuyết tật chưa đầy đủ, còn tư tưởng phó mặc cho Trung tâm nên việc phối hợp chăm sóc giữa gia đình và nhà trường còn nhiều hạn chế. Các em đến từ nhiều địa bàn trong tỉnh, nhiều độ tuổi, loại tật khác nhau nên rất khó cho giáo viên trong việc giảng dạy…

Khắc phục những khó khăn đó, Chi ủy, Ban lãnh đạo Trung tâm phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đề ra chương trình, kế hoạch ngay từ đầu năm học, luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên.

Chương trình dạy văn hóa của Trung tâm được xây dựng lồng ghép giữa chương trình giáo dục chuyên biệt và chương trình giáo dục phổ thông bậc tiểu học. Khối học nghề gồm các lớp may mặc nâng cao, lớp mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, lớp thêu đan, lớp vi tính. Để nâng cao chất lượng giáo dục - dạy nghề - hướng nghiệp, Chi ủy đã lãnh đạo đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giáo viên có chỉ có 5 giáo viên được học chuyên về giáo dục người khuyết tật. Khi có các chương trình đào tạo chuyên biệt của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các tổ chức thế giới tổ chức, giáo viên của Trung tâm đều được cử đi học để nâng cao kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ. Với đặc thù của Trung tâm, Chi bộ thường xuyên giáo dục tư tưởng cán bộ, nhân viên phải vừa dạy vừa tự học để bổ túc kiến thức còn thiếu, tự học từ chính học sinh của mình về ngôn ngữ ký hiệu, về cách giao tiếp với trẻ khuyết tật, đó là bài học bổ ích, thiết thực không có trường lớp nào dạy được. Với tinh thần không ngừng học hỏi, sáng tạo, vươn lên trong công tác theo tấm gương Bác, trải qua thực tiễn giảng dạy, nhiều giáo viên đã tìm ra phương pháp dạy phù hợp từng đối tượng. Nhiều đồng chí đã phấn đấu đạt được thành tích cao: thầy Lê Thanh Tịnh đoạt giải Nhì trong Hội thi Gáo viên giỏi toàn quốc năm 2006, cô Nguyễn Thị Hạnh đoạt giải Khuyến khích năm 2010, cô Bùi Thị Lài đoạt giải Nhì cấp tỉnh năm 2011.

Trong điều kiện kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp, Chi ủy, Ban lãnh đạo đã đề ra chủ trương phát huy nội lực của Trung tâm. Thực hiện chủ trương đó, Công đoàn Trung tâm phát động phong trào giáo viên tự làm đồ dùng dạy học. Nhiều giáo viên đã kết hợp, phát huy năng khiếu của học sinh, làm được những giáo cụ trực quan để bài giảng dễ hiểu, thực sự hấp dẫn. Các thầy cô giáo trong Trung tâm đã nhận một phần công việc ở các doanh nghiệp về cho các em làm, vừa nâng cao khả năng thực hành, vừa tiết kiệm kinh phí mua nguyên vật liệu để mua sắm dụng cụ học tập. Năm học 2010-2011, học sinh thực hành nghề làm được 1990 sản phẩm, gồm 86 sản phẩm đồ mộc, 1874 sản phẩm may, 30 sản phẩm thêu.

Chi ủy Trung tâm luôn quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Từ năm 2006, Trung tâm tiếp nhận thêm nhiều giáo viên trẻ. Chi bộ, Ban lãnh đạo Trung tâm đã tạo điều kiện để các giáo viên đó phấn đấu, phát huy năng lực, hoàn thành nhiệm vụ công tác. Năm 2010 đã kết nạp một đảng viên, hiện 5 đoàn viên ưu tú đang được cử đi học lớp cảm tình đảng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Đoàn thanh niên Trung tâm đã phối hợp với các đoàn sinh viên tình nguyện tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, trò chơi tập thể, khuyến khích các em tự thành lập các đội văn nghệ, tạo điều kiện cho các em tham gia sinh hoạt chung ở địa phương… Thông qua đó đã tuyên truyền giáo dục ý thức phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục giới tính, giúp các em phát huy năng khiếu, nâng cao khả năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng. Hằng tuần, Trung tâm dành một buổi sinh hoạt chung ngoài trời để các em vui chơi. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm thường tham gia để động viên tinh thần, tăng thêm sự gắn bó, yêu thương giữa mọi người, tạo cho các em có cuộc sống tập thể vui tươi, lành mạnh, có tình cảm thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.

Bằng những tấm lòng ...

Học sinh khuyết tật thường hay mặc cảm, thiếu tự tin nên việc chăm sóc đời sống tinh thần của các em là vấn đề quan trọng, tác động tích cực đến kết quả dạy văn hóa, dạy nghề. Vì vậy, Chi ủy Trung tâm đã xác định cần lãnh đạo, chỉ đạo tốt học và làm theo tấm gương Bác về tình thương yêu con người. Tình cảm nhân ái, yêu "mọi kiếp người" của Bác thấm sâu vào tình cảm cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên của Trung tâm. Đồng chí Dương Công Chiến, Bí thư Chi bộ, Phó giám đốc Trung tâm nói: “Phải luôn xem các em như con, cháu của mình thì mới dạy được”. Các thầy cô giáo ở đây không chỉ dạy các em từng chữ, từng đường kim mũi chỉ mà còn trở thành những bậc cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng các em. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện ở những việc làm cụ thể hằng ngày.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều giáo viên cho biết cảm giác ban đầu khi mới về Trung tâm, nhìn các em mà nước mắt chỉ chực trào, muốn chia sẻ với các em thật nhiều, gánh bớt phần nào thiệt thòi cho các em. Những cô, những thầy mới ngày nào về Trung tâm còn “cảm giác nao nao” giờ cũng đã gắn bó với Trung tâm, có người đã gần ba muơi năm.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ những cô, cậu “học trò đặc biệt” này cực kỳ vất vả, khó khăn, nhất là vấn đề truyền thụ kiến thức cho học sinh. Làm thế nào để các em tiếp thu kiến thức được đầy đủ và nhanh nhất là trăn trở của bao thế hệ giáo viên ở bất kỳ mái trường nào. Đối với thầy cô giáo ở Trung tâm dạy nghề người tàn tật, để trả lời câu hỏi đó ngoài chuyên môn nghiệp vụ, cần nhiều hơn tình thương yêu, sự chia sẻ giữa thầy với trò. Thời gian đào tạo cho học sinh khuyết tật thường dài hơn người bình thường 2-3 lần. Đối với các em có khuyết tật về trí tuệ, nếu chỉ nói một hai lần cũng như không mà phải thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần. Có nhiều thầy cô về Trung tâm phải mất gần một tháng mới làm quen và dạy các em được. Nhiều khi, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trung tâm cảm thấy bi quan, chán nản. Những lúc đó, Chi bộ đã kịp thời chỉ đạo, động viên tinh thần, khuyến khích bằng tình cảm và trách nhiệm. Để rồi bằng tình thương yêu con người sâu sắc, bằng tấm lòng của những người cha, người mẹ, các thầy cô giáo lại dành hết tâm huyết của mình vào bài giảng, muốn đem đến cho các em thật nhiều kiến thức, “dạy cho các em một cái nghề” để sống được giữa cuộc đời.

Cán bộ, giáo viên Trung tâm xác định học và làm theo Bác trước hết học tinh thần tận tụy, kiên trì, chịu khó học tập trong mọi lúc, mọi nơi, học bạn bè, đồng nghiệp và quan trọng là biết tự học. Để việc dạy học đạt kết quả, những giáo viên đi trước luôn truyền đạt nhiều kinh nghiệm bổ ích cho lớp giáo viên vào sau: rèn cho mình biết kiềm chế, không được nổi nóng với học sinh, phải luôn luôn tế nhị, phải tự học nhiều, học từ chính học sinh của mình mới mong hiểu để từ đó cảm thông, chia sẻ. 207 em là 207 con đường đưa đến Trung tâm: nhiều em hoàn cảnh rất éo le, bố mẹ cũng bị khuyết tật, có em nhà có mấy anh chị em cùng bị đa khuyết tật, có gia đình cho con vào Trung tâm như "gán nợ cho đời", gán cho thầy cô lo hộ… Là một đảng viên, giáo viên gắn bó lâu năm với Trung tâm, cô Nguyễn Thị Liễu tâm sự: "Muốn dạy học có hiệu quả, trước tiên phải có một trình độ sư phạm tật học nhất định; thứ hai là tình thương, sự đồng cảm và trách nhiệm; thứ ba là sự tận tụy, kiên nhẫn, chịu khó”.

Trong một lớp học, các em có hoàn cảnh, độ tuổi, loại tật  khác nhau, có em bị đa tật. Thế nên, ngay từ khi nhận các em, các thầy cô phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, tùy thuộc vào trình độ tiếp thu và khả năng làm việc của từng em mà tìm phương pháp dạy phù hợp nhất. Chương trình dạy cho học sinh khuyết tật lồng ghép giữa 40% của tật học và 60% của phổ thông. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần phải luôn chủ động, linh hoạt, có thể sáng tạo hay bỏ đi những phần mình cảm thấy không phù hợp trong 60% chương trình phổ thông, miễn là các em có thể tiếp thu nhanh nhất. Cô Phạm Việt Phương kể: Khi mới về Trung tâm, những buổi dạy đầu tiên, mình đã chuẩn bị bài rất kỹ, đầy đủ hồ sơ giáo án, giáo cụ trực quan. Thế nhưng khi dạy thấy các em khiếm thính vẫn ngơ ngác, không hiểu. Hỏi kinh nghiệm của anh chị đi trước mới biết, thì ra mình là "dân văn", dùng những câu văn hay, trau chuốt chưa chắc các em đã hiểu. Ngôn ngữ của các em là ngôn ngữ nói ngược, cô giáo cần nói ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu. Mình vẫn hiểu làm việc gì cũng cần có thực tế, nhưng dạy học sinh khuyết tật yêu cầu đó càng cao, phải học nhiều, gần các em nhiều, trải lòng mình ra mới mong nắm bắt được suy nghĩ học sinh, khi đó giữa cô và trò mới có “sợi dây liên kết”, việc dạy và học mới có kết quả.  Là giáo viên, nhưng khi các em đổi tính, đổi nết thì thầy cô lại trở thành "người giữ trẻ" bất cứ khi nào. Nhiều lúc đang trong lớp học, có em quay ra la hét, có em bật cười ngặt nghẽo, có em đi vệ sinh ngay trong lớp… Nói chẳng ăn thua, trách chẳng có ý nghĩa, thầy cô "như muốn khóc" mà trò cứ nhìn thầy cô như mình “vô tội”! Lúc này, chỉ có tình thương yêu đối với các em mới giúp thầy cô vượt qua tất cả, để bước tiếp trên chặng đường muôn dặm gập ghềnh.

… Và kết quả

Có thể khẳng định cuộc sống của hầu hết trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều thay đổi đáng kể khi đến với Trung tâm. Các em sau khi ra trường có kiến thức văn  hoá, tay nghề khá vững vàng, thể chất tinh thần phát triển tốt, hoà nhập được với cộng đồng. Một số em đã xây dựng được cuộc sống gia đình hạnh phúc. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ, phòng Tư vấn việc làm thường xuyên liên hệ, vận động các xí nghiệp, cơ sở tư nhân nhận các em vào làm việc. Nhiều thầy cô giáo sử dụng các mối quan hệ riêng của mình để giới thiệu việc làm cho các em. Mỗi năm, Trung tâm có từ 50 đến 60 em ra trường, khoảng 70% tìm được việc làm, trong đó 30 - 35% có thu nhập tương đối ổn định.

Kết quả quan trọng nhất là các em thấy tự tin, không còn mặc cảm về bệnh tật, mặc cảm mình là gánh nặng của gia đình, xã hội, các em được lao động như những người bình thường. Tiêu biểu như trường hợp của em Trần Quốc Hùng (ở xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ) bị câm điếc bẩm sinh, nhưng bù lại em rất sáng dạ và khéo tay. Được các thầy cô hết lòng chỉ bảo, Hùng có tay nghề mộc khá vững. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, em đi làm thêm ở các xưởng mộc vừa để nâng cao tay nghề, vừa có  thêm thu nhập, phục vụ việc học hành. Đó không chỉ  là mong ước, là niềm vui của các em, của gia đình mà còn là món quà quý giá dành tặng cho những người người thầy, người cô, cán bộ, nhân viên ở Trung tâm dạy nghề người tàn tật Nghệ An.

Hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, chặng đường xen lẫn biết bao nhọc nhằn, khó khăn với niềm vui vô tận… Biết bao thế hệ học trò đã đi qua ngôi trường thân thương ấy. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Trung tâm giáo dục người tàn tật Nghệ An đã nhiều lần được các cấp khen thưởng, nhiều đơn vị trong toàn quốc đến học hỏi kinh nghiệm. Trung tâm đã tạo dựng được niềm tin vững chắc đối với phụ huynh cũng như trẻ khuyết tật ở các địa phương trong toàn tỉnh. “Lớp học trẻ con” với “những thầy cô biết khóc” hẳn là điều đặc biệt và mãi nhớ trong quãng đời còn thiếu hụt của nhiều học sinh của Trung tâm.

Chia tay “ngôi trường đặc biệt” một buổi chiều trời mưa buốt, gió lạnh tê tái, tôi chợt nhớ đến câu nói của một danh nhân: “Lòng nhân ái là một ngôn ngữ mà người câm cũng có thể nói và người điếc cũng có thể nghe và hiểu”. Tôi biết, dù các em là những người khuyết tật, nhưng ở đây trái tim các em không bao giờ khuyết tật.

Đông qua đi, Xuân ấm áp đang đến!

Phản hồi (10)

Chử Đình Phúc 15/02/2012

Một bài viết rất hay và cảm động, rất cảm ơn tác giả! Thật là khâm phục nghị lực của các em! Tôi nghĩ các cấp chính quyền và nhân dân nên có nhiều hình thức giúp đỡ các anh chị và em nhỏ ở trung tâm hơn nữa để họ bớt đi phần nào khó khăn.

Bình Nguyên 14/02/2012

Bài viết hay, ngôn từ khá chặt chẽ... làm cho người đọc hình dung được tinh thần và tấm lòng của những người thầy; góp một tiếng nói nhỏ để chia sẻ hoàn cảch khó khăn cùng với các em ! Cảm ơn tác giả.

nghiem an tuan 14/02/2012

Một bài viết rất hay, chứa chan tình người, tình thầy trò. Đáng khâm phục các thầy, các cô. Hết sức chia sẻ và cảm thông với hoàn cảnh của các em. Cầu chúc các thầy các cô tại trung tâm này luôn mạnh khỏe để dạy dỗ các em thật tốt. Chúc cho các em luôn mạnh khỏe và tự tin vào cuộc sống. Chúc Tác giả của bài viết này luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và có những bài viết thật hay. Mong mọi người, toàn xã hội và những nhà hảo tâm hãy quan tâm và chia sẽ những khó khăn cùng các em để mong rằng các em được bù đắp một phần nào đó những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu.

1 2 3 4

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất