Chủ Nhật, 28/2/2016 9:3'(GMT+7)
Ở nơi khởi xướng lễ hội Xuân hồng
Sản xuất chế phẩm máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Bề dày thành tích
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (TƯ) là cơ sở y tế nhiều năm xây dựng được lòng tin yêu của bệnh nhân và người nhà cũng như với các đơn vị trong và ngoài ngành. Viện hiện có gần 800 cán bộ, nhân viên (CBNV), với gần 40 khoa phòng; thường xuyên điều trị trên 1.000 bệnh nhân nội trú và theo dõi, chăm sóc khoảng 5.000 bệnh nhân ngoại trú. Đây là nơi đã áp dụng thành công những tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ về huyết học - truyền máu phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam; triển khai thành công nhiều chương trình, dự án cho đơn vị và cho hệ thống truyền máu Việt Nam, xứng đáng là cơ sở chuyên khoa đầu ngành trong cả nước.
Từ năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ đã triển khai phương pháp ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu và đến cuối năm 2015, viện đã thực hiện được 190 ca ghép, bao gồm ghép TBG tự thân và ghép TBG đồng loại từ người cho cùng huyết thống và từ máu dây rốn. Dấu mốc đáng nhớ đó là ngày 30-12-2014, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ lần đầu tiên thực hiện ca ghép TBG từ máu dây rốn cộng đồng (từ nguồn TBG không cùng huyết thống) cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh, 28 tuổi. Thành công này cho phép tin tưởng có thể xây dựng được một ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng ở Việt Nam bằng máu dây rốn hiến tặng, phục vụ cho những người có nhu cầu, ở mọi lứa tuổi, mọi cân nặng. Với cách tổ chức hợp lý, tính hợp đồng, phối hợp cao như ở Viện Huyết học - Truyền máu TƯ có thể làm tốt hơn việc ghép TBG để điều trị những bệnh lý máu hiểm nghèo.
Với mục tiêu sử dụng các mẫu máu dây rốn để ghép cho cả người lớn, viện đã áp dụng kỹ thuật xử lý bằng phương pháp để máu tự lắng, tách phần TBG, sau đó đưa vào máy li tâm để tiếp tục tách TBG, nhờ đó mà chắt lọc được tối đa lượng TBG quý giá. Tính trung bình, các mẫu TBG lưu trữ trong “ngân hàng” máu có đủ lượng để ghép cho người trưởng thành có cân nặng khoảng 70kg. Sau hơn 1 năm triển khai, ngân hàng đã lưu trữ được 1.800 mẫu TBG và có trên 1.500 mẫu đã làm được xét nghiệm HLA độ phân giải cao. Như vậy, khả năng tìm được nguồn TBG phù hợp là trên 97%. Hiện nay, viện đã thực hiện ghép TBG từ máu dây rốn cộng đồng cho 10 bệnh nhân và còn nhiều bệnh nhân khác sẽ tiếp tục được ghép từ nguồn TBG trong tương lai. Thành công đó đã góp phần làm giảm số bệnh nhân bị bệnh máu phải ra nước ngoài chữa trị.
Viện đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện những chương trình vận động hiến máu nhân đạo quy mô lớn và riêng có ở Việt Nam. Khởi xướng và tổ chức thành công 9 kỳ “Lễ hội Xuân hồng” - lễ hội hiến máu nhân đạo lớn nhất ở Việt Nam. Đến nay “Lễ hội Xuân hồng” được tổ chức thường xuyên hằng năm trên cả nước; làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng về hiến máu đầu năm và góp phần chấm dứt tình trạng thiếu máu sau Tết Nguyên đán. Viện còn thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hiến máu tình nguyện rất có ý nghĩa, như: “Mỗi giọt máu - Một tấm lòng”, “Hành trình trái tim Việt Nam”, “Giọt máu nghĩa tình”, “Giọt máu yêu thương”, “Ngày chủ nhật đỏ”, “Thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6”… Do đó, số lượng đơn vị máu được tiếp nhận luôn tăng cao (nếu năm 2003 chỉ tiếp nhận được 30.000 đơn vị máu với khoảng 20% từ người hiến máu tình nguyện, thì năm 2015 là hơn 250.000 đơn vị, với hơn 98% từ người hiến máu tình nguyện).
Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, viện đã tổ chức thành công chương trình “Hành trình Đỏ” - hành trình hiến máu tình nguyện xuyên Việt và đã để lại những dấu ấn hết sức tốt đẹp. Ý nghĩa của “Hành trình Đỏ” đã vượt khỏi phạm vi của việc vận động hiến máu, bởi lẽ không chỉ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu nhân đạo ở Việt Nam, mà còn tạo ra những hoạt động hướng thiện và nhân ái trong cộng đồng.
Viện đã chủ động nghiên cứu thành công và đề xuất mô hình “Xây dựng ngân hàng máu sống” bằng lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả và bền vững, góp phần bảo đảm máu phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Viện đã tổ chức câu lạc bộ những người có nhóm máu hiếm để phục vụ người bệnh khi cần thiết...
Thực hiện Quy tắc ứng xử, nâng cao y đức
Sau hơn 10 năm, từ một chi bộ ban đầu chỉ có 11 đảng viên, đến nay Đảng bộ viện đã có 127 đảng viên, sinh hoạt tại 6 chi bộ. Đảng uỷ viện đã lãnh đạo xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Mỗi tháng rèn một việc” với những tiêu chí cụ thể, rèn luyện hằng tháng, ai cũng làm được, hướng tới thực hiện lời dạy của Bác, nhất là về tiết kiệm. Những việc làm cụ thể đã thực hiện như: Sử dụng điều hòa nhiệt độ, nước, thang máy đúng cách và hợp lý; đến cuộc họp đúng giờ; chấp hành thời gian làm việc đúng quy định; sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, sạch đẹp đồ dùng, dụng cụ tại các khoa, phòng cũng như khu vực công cộng; “Ăn không thừa, ngồi không bừa”…). Phong trào này đã có tác động tích cực, góp phần rèn luyện đạo đức, tác phong, ý thức trách nhiệm vì tập thể của mỗi CBNV, xây dựng môi trường công sở văn hóa, văn minh.
Không ngừng cải tiến quy trình khám, chữa bệnh nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh (thời gian khám bệnh từ 3,9 giờ giảm xuống còn 2,5 giờ); trang bị đầy đủ giường nằm chuyên dụng, chăn ấm, điều hòa nhiệt độ, nước uống miễn phí, nhà ăn bảo đảm an toàn vệ sinh để tạo điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho bệnh nhân nội trú.
Duy trì phong trào “Nói lời cảm ơn thân thiện với người bệnh, người hiến máu” (kèm theo nụ cười) thể hiện sự tôn trọng bệnh nhân, biết ơn vì đã hợp tác, đã làm việc thiện là hiến máu. Người bệnh, người hiến máu cảm thấy được tôn trọng, được nâng cao giá trị bản thân, mối quan hệ giữa CBNV của viện với bệnh nhân, với người hiến máu đã thực sự đổi khác, chất lượng chuyên môn tốt lên rõ rệt.
Thực hiện Chương trình 5 sẵn sàng do Đoàn Thanh niên phát động: Sẵn sàng làm chủ cơ sở vật chất hiện đại, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả cơ sở vật chất; Sẵn sàng đi luân khoa, phòng và hoàn thành xuất sắc, hoàn thành sớm các nội dung được giao; Sẵn sàng tình nguyện đi luân phiên theo Đề án 1816; Sẵn sàng bảo đảm vệ sinh, môi trường của viện “Xanh - Sạch - Đẹp”; Sẵn sàng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp với người bệnh và người hiến máu. Phong trào đã có tác động nâng cao tinh thần xung kích, chủ động, sáng tạo của thanh niên.
Theo lời dạy của Bác về lòng tương thân tương ái, Đảng bộ viện đã luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công việc từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Viện đã xây nhà tình nghĩa cho gia đình có công với cách mạng, người nghèo ở Quảng Trị, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Yên...; tặng quà các gia đình thương binh; tham gia khám, chữa bệnh tình nguyện và tặng quà cho người dân tại Sơn La, Lạng Sơn; hỗ trợ, miễn giảm viện phí, phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức giúp đỡ, ủng hộ bệnh nhân nghèo.
Đặc biệt trong năm qua, viện đã tổ chức buổi quyên góp (mỗi CBNV ủng hộ 1 ngày lương) cho bệnh nhi Phan Thị Thu Hoài là con gái một chiến sĩ đang công tác tại đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đang điều trị tại viện; tổ chức ủng hộ bằng tin nhắn cho chương trình “Nghĩa tình Trường Sa, Hoàng Sa” để chia sẻ, động viên các chiến sỹ yên tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cán bộ lãnh đạo luôn gương mẫu
Hơn 10 năm giữ cương vị Viện trưởng, Thầy thuốc Nhân dân, Bác sỹ cao cấp, GS, TS. Nguyễn Anh Trí luôn cống hiến hết mình cho sự lớn mạnh của viện, của chuyên khoa Huyết học - Truyền máu trong cả nước, cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Là Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Anh Trí luôn là trung tâm đoàn kết của toàn Đảng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí cũng là người khởi xướng các phong trào: Mỗi CBNV là một người chủ có trách nhiệm; Mỗi tháng rèn một việc; Nói lời cảm ơn thân thiện với bệnh nhân và người hiến máu; Viết cảm xúc về chuyến đi thăm nghĩa trang Trường Sơn và các di tích lịch sử của miền Trung…
Trong các buổi giao ban, GS, TS. Nguyễn Anh Trí thường nhấn mạnh: “Xin hãy coi tất cả bệnh nhân là người nhà của tôi!”. Lời khẳng định của Bí thư Đảng uỷ, Viện trưởng có sức nặng hơn mọi lời giáo huấn, trở thành “kim chỉ nam” giúp mỗi CBNV trong viện nâng cao nhận thức và trách nhiệm trước người bệnh, coi họ như người thân của mình.
Từ năm 2003 đến nay, trên cương vị là Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, bằng tâm huyết, tài năng, trí tuệ của mình, GS, TS. Nguyễn Anh Trí đã góp phần đưa phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng trong cộng đồng với những việc làm thiết thực: Tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, đã thống nhất hành động và tăng thêm hiệu quả của việc vận động hiến máu tình nguyện trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, thực hiện thành công việc chuyển đổi nguồn máu hiến từ người cho máu chuyên nghiệp (hiến máu có nhận tiền bồi dưỡng) sang người hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Từ năm 2004 đến nay, viện đã tạo ra nguồn máu hiến thực sự an toàn.
Trong hơn 10 năm, Viện trưởng Nguyễn Anh Trí đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho các tuyên truyền viên hiến máu nhân đạo; trực tiếp diễn thuyết ở hàng trăm cuộc mít-tinh lớn nhỏ, trên các phương tiện truyền thông, đến các bộ, ban, ngành, các trường đại học, các quận, huyện… kêu gọi và động viên hàng trăm ngàn lượt người tham gia hiến máu tình nguyện. Đồng chí Viện trưởng cũng khởi xướng, tổ chức thực hiện, phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thành công nhiều chương trình hành động có ý nghĩa sâu rộng và hiệu quả.
Với những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự lớn mạnh và phát triển của Viện Huyết học - Truyền máu TƯ nói riêng và ngành Huyết học - Truyền máu Việt Nam nói chung, GS, TS. Nguyễn Anh Trí đã được Nhà nước, Bộ Y tế, các ban, ngành Trung ương, các tổ chức… trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba, được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2013, là Công dân ưu tú Thủ đô năm 2015 và nhiều bằng khen, giải thưởng khác… Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” cho cá nhân GS, TS. Nguyễn Anh Trí (năm 2012) và tập thể viện (năm 2015).
Thu Huyền