Tỉnh ủy Hà Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vương Mí Vàng làm việc với Đảng ủy xã Thượng Bình (Bắc Quang

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực bắc của Tổ quốc, địa hình phức tạp và hiểm trở, mật độ dân số 96,5 người/km2, cư trú trên địa bàn 10 huyện và 1 thành phố, với 195 xã, phường, thị trấn; 1.068 thôn, bản, tổ dân phố. Là tỉnh nông nghiệp, cư dân nông thôn chiếm 84,9% và 89% lao động toàn tỉnh. Các điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý tạo cho Hà Giang không ít tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn tài rừng, đất rừng và con người có đức tính cần cù lao động.

Thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới  (NTM) của Đảng, Tỉnh ủy Hà Giang đã tập trung lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa thành 6 chương trình, 16 đề án, 9 dự án và 4 kế hoạch. Trong đó có các nghị quyết, quyết định, kế hoạch quan trọng như: Nghị quyết số 74/2012/NQ-HĐND, ngày 12-12-2012 của HĐND tỉnh về việc ban hành mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các công trình thuộc chương trình xây dựng NTM; Quyết định số 784/QĐ-UBND, ngày 02-5-2013 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ cụ thể và quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giai đoạn 2013 – 2020; Quyết định số 1670/QĐ-UBND, ngày 14-8-2013 của UBND tỉnh quy định về quản lý, lập dự toán thanh toán, quyết toán các công trình thuộc chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2013 - 2020; Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 23-02-2013 của UBND tỉnh về đột phá thực hiện chương trình xây dựng NTM năm 2013.

Xác địn công tác quy hoạch trong xây dựng NTM là khâu đột phá, Tỉnh ủy lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng lập quy hoạch và yêu cầu công tác quy hoạch phải đi trước một bước trong xây dựng NTM. Hiện nay tỉnh đã điều chỉnh bổ sung và công bố các loại quy hoạch như: quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy thành cửa khẩu quốc tế; quy hoạch, tôn tạo, bảo tồn những giá trị văn hóa, địa chất, địa mạo của Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn; quy hoạch ngành nghề phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch, dịch vụ... Thành tựu nổi bật trong công tác quy hoạch xây dựng NTM là đã hoàn thành đồ án quy hoạch 177/177 xã trong tỉnh, trong đó 110 xã đã công bố quy hoạch xã NTM, triển khai cắm mốc quy hoạch cho tất cả các xã đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM. Đã phê duyệt đề án xã NTM cho 132/177 xã. 

Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền phát huy các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Trong 2 năm 2010 - 2011, chính quyền các cấp sử dụng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 40 xã điểm để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng nguồn vốn huy động là 1.947.322 triệu đồng. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương lãnh đạo thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vận động nhân dân hiến đất, hiến cây trồng xây dựng các tuyến đường liên thôn, liên xóm, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Nhân dân đã tự nguyện hiến 456.991 m2 đất, 855.123 ngày công lao động, mở mới 322 km đường đất, đá. Qua ba năm thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã làm được 300 km đường giao thông nông thôn các loại; xây mới được 8.922 công trình vệ sinh; 3.934 bể nước; 8,8 km kênh mương; láng bó nền nhà cho 4.707 hộ; di dời được 13.766 chuồng trại gia súc ra xa nhà... Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu hiện có 905 công trình, 20 hồ chứa nước, bảo đảm tưới cho 71% diện tích lúa đông xuân, 64,8% diện tích lúa mùa và gần 3.000 ha diện tích rau màu.        

Những năm qua tỉnh Hà Giang đã có nhiều chủ trương lớn lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thể hiện trong Chương trình số 48-CTr/TU, ngày 01-10-2013 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05-8-2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh ủy chủ trương xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch và dịch vụ ở nông thôn. Bước đầu hình thành được những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như vùng chè trên 16.000 ha, sản lượng đạt 43.000 tấn; cây cam, quýt trên 4.300 ha, sản lượng đạt 22.000 tấn; cây xoài gần 1.000 ha; cây đậu tương 18.000 ha... Thực hiện thâm canh trên 80% diện tích lúa và trên 70% diện tích ngô, tăng vụ đưa hệ số sử dụng đất từ 1,7 lần (2008) lên 2,1 lần năm 2012. Chuyển đổi diện tích đất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi gia súc trên 12.000 ha tập trung chủ yếu tại bốn huyện vùng cao núi đá, tổng đàn trâu đạt trên 147.000 con, đàn bò trên 84.000 con, đàn dê trên 150.000 con. Phát triển mạnh trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến giấy, gỗ ván sàn, gỗ ép các loại tại các huyện vùng thấp.    
 
Tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh quy mô lớn theo mô hình cánh đồng mẫu. Tỉnh ủy lãnh đạo xây dựng mô hình thí điểm ở một số xã để rút kinh nghiệm triển khai ra diện rộng. Hiện nay tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất cánh đồng mẫu trồng lúa, ngô, lạc với phương châm 5 cùng (cùng thời vụ, cùng giống, cùng chăm sóc, cùng phòng trừ sâu bệnh, cùng thu hoạch); mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình chăn nuôi trâu, bò hàng hóa; dự án phát triển cây dược liệu để sớm đưa Hà Giang trở thành trung tâm cây dược liệu của cả nước.        Tỉnh ủy Hà Giang rất chú trọng lãnh đạo đầu tư hỗ trợ cho người dân khu vực nông thôn, nhất là những vùng khó khăn, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt tối thiểu về điện, nước sinh hoạt và nhà ở. Tính đến nay tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên 70%; tỷ lệ hộ sử dụng điện 73,6%; các xã đã cơ bản xóa nhà dột nát. Do có sự giúp đỡ của Trung ương, sự đầu tư có trọng điểm của tỉnh, kinh tế đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 7,5 triệu đồng/năm, 11,1 triệu đồng/năm vào năm 2012. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 41,8%, đến năm 2012 còn 30,13%.     
 
Tỉnh ủy Hà Giang luôn quan tâm lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng, phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn trong quá trình xây dựng NTM; chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh làm hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở. Do vậy, số lượng các đảng bộ, chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh tăng lên, số đảng bộ, chi bộ yếu kém giảm dần. Công tác phát triển đảng viên mới hằng năm tăng từ 10-15%, đến tháng 12-2012 toàn tỉnh có 54.646 đảng viên, chiếm 7,1% dân số toàn tỉnh.       

Tỉnh ủy đã lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực tham gia chương trình xây dựng NTM, nhất là tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nông thôn, động viên sức mạnh toàn dân, xây dựng NTM theo các tiêu chí đã đề ra.      

Nhờ sự chủ động trong lãnh đạo, việc xây dựng NTM ở Hà Giang đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Chỉ riêng lĩnh vực xây dựng các  điển hình NTM, sau ba năm thực hiện, đã và đang triển khai thực hiện 598 mô hình, trong đó có trên 50 mô hình được đánh giá là tốt, được chỉ đạo nhân rộng. 

Qua thực tiễn lãnh đạo xây dựng NTM của Tỉnh ủy Hà Giang những năm qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:      

Thứ nhất, sự đoàn kết nhất trí trong BCH Đảng bộ tỉnh, trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nhân tố quyết định; phát huy trí tuệ tập thể, tính năng động của cá nhân trong việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết, phù hợp với khả năng và tình hình thực tế, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân.       

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị là nhân tố quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng NTM. 
     
Thứ ba, phải thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, từ đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong công tác tuyên truyền và vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM.   

Thứ tư, bố trí những cán bộ có tâm huyết, có năng lực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh ủy cần chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn; tăng cường cán bộ có năng lực cấp huyện và các ngành của tỉnh cho cơ sở để cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở tham gia xây dựng NTM. Phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh ủy viên trực tiếp phụ trách và chỉ đạo các xã điểm xây dựng NTM.       

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng NTM; định kỳ sơ kết, tổng kết thực tiễn những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những mô hình mới trong phong trào xây dựng NTM; khắc phục kịp thời những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện.       

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất