Đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong một gia đình bần nông tại thôn Niêm Phò, xã Quãng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời thơ ấu đồng chí đi học tại trường làng; bước vào tuổi thanh niên phải đi làm thuê chịu đựng và trực tiếp chứng kiến bao cảnh đồng bào ta bị áp bức bóc lột. Tiếp nối truyền thống của cha ông, nung nấu lòng yêu nước nồng nàn và giác ngộ cách mạng, đồng chí đã sớm đi làm cách mạng.

Năm 1934, đồng chí tham gia cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 17 tuổi, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng một số thanh niên trong làng tập hợp lại tiến hành đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá ngay tại địa phương. Trong thời kì từ năm 1936 đến năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo, đồng chí đã vận động được nhiều thành viên tham gia đấu tranh đòi các quyền dân chủ, dân sinh theo đường lối của Đảng. Tháng 7 năm 1937, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 11 năm 1937, chi bộ địa phương được thành lập gồm các đồng chí Nguyễn Hưng, Trần Bá Song do Nguyễn Chí Thành làm Bí thư. Đồng chí hoạt động vô cùng sôi nổi với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân và sự giác ngộ của người đảng viên cộng sản bất chấp mọi hiểm nguy được nhân dân yêu mến, cảm phục. Khi Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên Huế thành lập, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Xứ ủy chỉ định tham gia Tỉnh ủy.

Người có công trong phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế

Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng nhiều đồng chí khác tổ chức lãnh đạo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống địch, tích cực xây dựng và mở rộng Mặt trận dân chủ ở tỉnh nhà và phát huy ảnh hưởng tới các tỉnh bạn. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm trực tiếp chỉ đạo xây dựng hoạt động của Đoàn thanh niên Dân chủ Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bị thực dân Pháp bắt giam. Dù bị giam cầm ở nhà lao Huế hay ở Lao Bảo, Buôn Ma Thuột… đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản bất chấp mọi sự đàn áp, tra tấn của kẻ thù.

Năm 1941, đồng chí Nguyễn Chí Thanh vượt khỏi ngục tù của giặc trở về với  nhân dân và bắt tay xây dựng lại cơ sở ở vùng đầm phá Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ một thời gian sau, nhờ sự lăn lộn với phong trào và bám sát nhân dân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí khác xây dựng lại cơ sở cách mạng trong quần chúng, khôi phục lại những cơ sở đảng bị địch đánh phá ở nhiều Huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và ngay ở thành phố Huế, đây là những năm tháng đầy thử thách nhưng cũng là thời gian quyết định sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí với những cống hiến xuất sắc của bản thân trong công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành lấy chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Tháng 8 năm 1945, thay mặt tổ chức đảng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị quan trọng này, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đặc biệt tại Hội nghị này đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Sau hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí cùng Xứ ủy lãnh đạo quân dân kiên cường chống kẻ thù xâm lược. Năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và sau đó là Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên.

Đầu năm 1947, Nguyễn Chí Thanh là người có công lớn trong việc khôi phục phong trào sau khi mặt trận Huế bị vỡ. Ngày 25-3-1947, tức 40 ngày sau khi quân ta rút khỏi Huế, với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí triệu tập một cuộc họp đặc biệt, địa điểm họp không phải ở chiến khu mà ở ngay làng Nam Dương (huyện Phong Điền), sát nách địch, chỉ cách Huế 20 cây số.

Mở đầu cuộc họp, đồng chí đọc lá thư đề ngày 5-3-1947 của Bác Hồ "Gửi các đồng chí Trung Bộ"(2), nêu lên những khuyết điểm của cán bộ đảng viên trong những ngày đầu kháng chiến. Liên hệ với tình hình địa phương đồng chí nghiêm khắc tự phê bình và phê bình để rút ra bài học sâu sắc trong thời gian qua. Đồng chí nhận xét: Bộ đội ta rất anh dũng, tinh thần cách mạng của đồng bào ta rất cao. Điều đáng trách là cán bộ, đảng viên chúng ta không biết cách tổ chức huấn luyện và chỉ huy anh em đánh giặc... Cuối cùng đồng chí khẳng định: "Mất đất chưa phải là mất nước. Chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân. Có lòng tin của dân là có tất cả. Vì vậy chúng ta không được chạy dài. Chúng ta phải trở về với dân"(3).

Sau đó Tỉnh ủy Thừa Thiên đã ra nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: Phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch. Kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch. Từ đó phong trào kháng chiến ở vùng sau lưng địch của Bình Trị Thiên đã vượt qua được những khó khăn hiểm nghèo, từng bước tiến lên giành những thắng lợi.

Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên để thống nhất chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư. Nhận nhiệm vụ mới, đồng chí cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra nghị quyết mở một chiến dịch phá tề trong cả 3 tỉnh của Phân khu. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời. Kết quả là cả một hệ thống ngụy quyền địch ở cơ sở bị ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Trên một vùng nông thôn rộng lớn của Bình Trị Thiên, sau chiến dịch đâu đâu cũng có chính quyền cách mạng, có dân quân du kích hoạt động, những đồn lẻ của địch bị tiêu diệt. Những cuộc hành quân của địch luôn bị chặn đánh bởi hoạt động của du kích tại chỗ. "Bình Trị Thiên khói lửa" sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Trong chiến công chung đó có sự đóng góp quan trọng, nếu không nói là quyết định của Nguyễn Chí Thanh. Đồng chí được Đảng bộ và nhân dân 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên coi là "linh hồn cuộc kháng chiến Bình - Trị - Thiên"(4).

Vị tướng trên mặt trận nông nghiệp

Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động và phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương chăm lo hoàn thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất. Từ một vị tướng cầm quân đánh giặc, chuyển sang cương vị một người lãnh đạo, chỉ đạo ngành kinh tế trọng yếu của đất nước. Sau hơn 3 năm trên cương vị Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đảng và nhân dân giao phó, góp phần củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đó là kết quả của việc đồng chí Nguyễn Chí Thanh xuống xâm nhập cơ sở, khảo sát các nơi khó khăn, những nơi làm ăn khá, nghe ở đâu có hợp tác xã làm ăn tốt, có sáng kiến hay là đồng chí tìm đến nghiên cứu. Hôm nay ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, tuần sau đã đến Lạng Sơn, Cao Bằng; vừa ở Hải Phòng, thoắt cái đã đến Sơn La, Yên Bái… đồng chí còn xắn quần lội ruộng xem xét việc canh tác, lắng nghe các nhà khoa học nông nghiệp, xác định phương hướng mở rộng diện tích sản xuất, phá "xiềng ba sào". Bài báo "Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong" do đồng chí viết đăng trên báo trở thành một sự kiện trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ. Mùa xuân năm 1961, phong trào thi đua học tập, đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong mở rộng. Như một làn gió mới xua tan bầu không khí trầm trầm cùng nếp suy nghĩ tiêu cực của không ít cán bộ, khơi nên những nhân tố mới.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của quân đội

Giữa năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Đảng đã điều động đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào quân đội và giao cho đồng chí nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ hai lại bầu đồng chí làm Ủy viên Trung ương và đồng chí được cử vào Bộ Chính trị. Trong thời kỳ này đồng chí mang hết tâm lực cùng với các đồng chí trong Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trực tiếp lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, chiến đấu giành thắng lợi ngày càng to lớn đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Năm 1959, đồng chí được phong hàm Đại tướng và đây là vị Đại tướng thứ hai của quân đội ta.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh có công lớn trong việc củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội, xây dựng nền nếp công tác chính trị, phát huy bản chất cách mạng của quân đội, không ngừng giác ngộ chính trị của cán bộ và chiến sĩ, nâng cao sức chiến đấu của quân đội. Đồng chí tập trung xây dựng chế độ lãnh đạo tập thể của Đảng trong các cấp, từ Tổng quân ủy đến chi bộ đại đội, làm cho công tác tư tưởng vượt lên trên phạm vi của công tác động viên và tác động tâm lý thông thường của con người theo bản năng, phát triển thành công tác giáo dục Chủ nghĩa Mác Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mục tiêu chiến đấu của quân đội. Với việc thiết lập và xây dựng hệ thống tổ chức công tác đảng - công tác chính trị trong quân đội, đồng chí đã làm rõ các mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, với bầu bạn quốc tế, trong đó mối liên hệ giữa quân đội với Đảng là mối liên hệ bản chất chi phối các mối quan hệ khác. Chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng quân sự của Đảng thể hiện trong chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; trong giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, giữa tiền tuyến và hậu phương, giữa con người và vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa đạo đức và tài năng của cán bộ... Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta.

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Đảng điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược trên tiền tuyến lớn. Với sự nhạy bén sáng suốt đồng chí coi trọng xây dựng các quả đấm chủ lực và cùng với Bộ Tư lệnh miền chỉ đạo mở chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… đánh bại từng chiến đoàn quân ngụy, cùng với việc phá rã hàng ngàn "ấp chiến lược" thúc đẩy sự phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn có những cống hiến xuất sắc vào việc xây dựng quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược cho quân và dân ta trên chiến trường. Đồng chí kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện dao động, đánh giá quá cao sức mạnh của Mỹ mà không thấy chỗ yếu tử của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng chí phân tích: Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược, Mỹ có cả một đống vũ khí nhưng lại vấp phải cả một đống mâu thuẫn, Mỹ tỉ phú về đô la nhưng quân và dân ta lại tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có đường lối chiến tranh, chiến thuật đúng, bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, chúng bị tréo giò như "ăn cháo bằng dĩa" nên ta nhất định thắng (5). Theo đồng chí kiên quyết đánh Mỹ, kiên quyết tiến công sẽ tìm ra cách đánh. Thực tiễn chiến trường miền Nam những tháng năm đánh Mỹ và thắng Mỹ đã chứng minh tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Cuối năm 1965, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương (khóa III), về quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược được nhất trí thông qua có sự đóng góp xứng đáng của Nguyễn Chí Thanh. Đầu năm 1967, đồng chí ra Bắc báo cáo tình hình, đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam và bàn định chủ trương Tổng tiến công năm 1968.

Ngày 6-7-1967, sau một cơn đau tim, đồng chí đã từ trần để lại biết bao thương tiếc cho đồng bào, đồng chí và thế hệ trẻ cả nước. Đánh giá công lao cống hiến của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội và nhân dân ta. Đồng chí mãi là hình ảnh cao đẹp về một người cộng sản Việt Nam, một vị tướng đức tài tròn vẹn, trí dũng song toàn của quân đội ta, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại"(6).

Do có những đóng góp to lớn đối với cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Hai và nay được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Quân công hạng Nhất (7). Hiện nay, tên đồng chí Nguyễn Chí Thanh được đặt tên đường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.


----------------------------------
(1) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb QĐND, H, 2004. tr 39.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011, tập 5, tr. 93.
(3) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb QĐND, H, 2004. tr 165.
(4) Theo: Bài phát biểu của Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình - Trị - Thiên tại Đại hội Hội nông dân Bình Trị Thiên năm 1988.
(5) Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb QĐND, H, 2004. tr 21.
(6) Bài tham luận của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại cuộc hội thảo tưởng niệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngày 5-7-1997.
(7) Báo Nhân dân, ngày 7-7-1967.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất