Trong điều kiện giao thông chưa phát triển, chủ yếu là vận tải bộ và sử dụng phương tiện thô sơ, lại bị địch đánh phá ác liệt bằng không quân, pháo binh, việc bảo đảm đủ vật chất hậu cần cho tác chiến dài ngày, quân số lớn gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, một chiến dịch hậu cần rộng khắp được triển khai và hoạt động liên tục trên tất cả các hướng, các tuyến và toàn thời gian. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, hơn 300 cán bộ cao cấp dân chính Đảng được tăng cường cho mặt trận; lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Cung cấp và các cục chuyên ngành đều đi chiến dịch.
BĐHC cho chiến dịch Điện Biên Phủ được tổ chức thành 2 tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm. Tuyến hậu phương giao dân công vận chuyển, phương tiện, vũ khí, đạn dược, thuốc quân y, xăng dầu, gạo, muối... cho tuyến chiến dịch ở Ba Khe (Nghĩa Lộ) trên Đường 13 hướng từ Việt Bắc sang và ở Suối Rút, Bãi sang trên Đường 41 (hướng Liên khu 3, 4 lên). Vật tư hậu cần được vận chuyển bằng mọi phương tiện: cơ giới, mang vác bộ, dùng xe đạp thồ, dùng thuyền và mảng...
Khó khăn lớn nhất của BĐHC trong chiến dịch Điện Biên Phủ là nguồn bảo đảm tại chỗ không đủ, vật chất hậu cần chủ yếu phải vận chuyển từ xa đến, phải qua nhiều địa hình phức tạp, bị địch tập trung đánh phá ác liệt. Trong suốt thời gian khi chuẩn bị cho đến kết thúc chiến dịch, trên các tuyến từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Sơn La dài hơn 600km; tuyến từ Nho Quan (Ninh Bình) và Thanh Hóa lên Sơn La dài hơn 300km, quân Pháp dùng máy bay đánh phá 1.186 trận, ngày cao nhất sử dụng 250 lần chiếc máy bay (có cả B26)... Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông quan trọng như Cò Nòi, Tuần Giáo... là các trọng điểm đánh phá của địch (có ngày chúng ném xuống Cò Nòi và Đèo Pha Đin 160 -300 quả bom các loại). Để bảo vệ các tuyến vận tải, ta đã điều 2 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, các tiểu đoàn súng máy 12,7 ly đánh máy bay và 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công bám các trục đường bảo đảm giao thông nên suốt thời gian chiến dịch chỉ có 37 đêm đường bị tắc ở một số đoạn. Tướng Na-va đã thừa nhận “... hiếm có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng đường khác”[1].
Về phương tiện vận tải, 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp đã được sử dụng (tuyến chiến dịch sử dụng 9 đại đội), hơn hai vạn xe đạp thồ đã được huy động ở các địa phương phục vụ chiến dịch, cùng hàng vạn dân công vận chuyển trên các cung, các tuyến. Khi nói về việc Việt Minh vận tải cho chiến dịch, nhà báo Giuyn Roa, nguyên đại tá quân đội Pháp từng viết: “... không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”[2]. Sau hơn 1 tháng vừa làm đường, vừa vận tải không ngừng nghỉ, hậu phương đã gửi tới mặt trận 22.000 quân bổ sung, lương thực, thực phẩm, thuốc men và đạn dược bảo đảm cho giai đoạn 1 của chiến dịch đã hoàn tất. Đúng 17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, chiến dịch được mở màn bằng trận đánh tiêu diệt đồn Him Lam - cứ điểm trọng yếu bên ngoài của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Như một dòng sông cuồn cuộn chảy, trên tất cả các cung, các tuyến, súng, gạo, đạn, thuốc men được bảo đảm liên tục đến tận hầm pháo, tận chiến hào cho chiến sĩ trong suốt 56 ngày đêm chiến dịch với tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng".
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khối lượng vật chất bảo đảm lên tới hơn 20.000 tấn, trong đó có 1.200 tấn đạn 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác, gấp gần 3 lần so với dự kiến ban đầu. Để có gần 17.000 tấn lương thực thực phẩm cho chiến dịch, ta phải huy động từ Thanh Hóa ra 26.000 tấn, nhân dân Lào giúp 300 tấn và Trung Quốc giúp 1.700 tấn. Nhân dân Tây Bắc vừa được giải phóng, tuy rất nghèo, cũng đã huy động 7.311 tấn gạo, 389 tấn thịt, 800 tấn rau và 31.818 dân công và 914 ngựa thồ góp phần quan trọng bảo đảm cho chiến dịch. Ta đã huy động 261.451 dân công, bằng 12 triệu ngày công (tuyến chiến dịch sử dụng 3 triệu ngày công)[3] . Ngoài ra, hậu cần chiến dịch còn cứu chữa cho 1.487 thương binh, cung cấp lương thực thực phẩm, đối xử nhân đạo với tù, hàng binh địch.
Công tác hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trên địa bàn xa hậu phương, góp phần quyết định vào thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “... Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”[4].
BĐHC trong chiến dịch Điện Biên Phủ là bài học kinh nghiệm quý về tổ chức bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quyết chiến chiến lược. Đó là kinh nghiệm quý về kết hợp hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân thông qua Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và các cấp huy động nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến. Kinh nghiệm về chỉ huy, chỉ đạo hậu cần hiệu quả thông qua việc phân tuyến bảo đảm hậu cần giữa hậu phương và hậu cần chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Kinh nghiệm tổ chức hậu cần chiến dịch thành các tuyến từ phía sau ra phía trước trên các hướng tác chiến có khả năng bảo đảm cho mọi tình huống.
---------------------
Tài liệu tham khảo:
[1]. Lịch sử Hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, 1995, t.1, tr.281.
[2]. Lịch sử Hậu cần quân đội nhân dân Việt nam, Nxb QĐND, 1995, t.1, tr.289.
[3]. Lịch sử Hậu cần quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, 1995, t.1, tr.290.
[4] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, 2000, tr. 111-113.
Trần Thiết