Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông
Tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên do sự xâm phạm trắng trợn quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Trung Quốc là nước đã nhiều lần vi phạm chủ quyền của Việt Nam bằng các hành động tổ chức cuộc đua thuyền buồm “Cúp ty Nam” xuất phát từ Tam Á đến quần đảo Hoàng Sa; thành lập thành phố Tam Sa, “Quy hoạch các hạng mục xây dựng mạng thông tin thành phố Tam Sa” hay Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố “Quy hoạch bảo vệ hải đảo toàn quốc” giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030, trong đó phân chia Biển Đông thành 7 khu vực biển, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 1-5-2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou - 981) trái phép cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc rất hung hăng phun vòi rồng có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Hành động này là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Trước động thái ngày một ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam đã bình tĩnh nhưng cương quyết, sử dụng những biện pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế, tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, tránh gây xung đột và căng thẳng. Khi Trung Quốc dùng sức mạnh vũ lực, hung bạo và trắng trợn bất chấp pháp lý thì sức mạnh của Việt Nam chính là sức mạnh của lẽ phải, chính nghĩa, dựa trên pháp luật và công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây là thể hiện tinh thần tôn trọng cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế của Việt Nam, đồng thời thể hiện truyền thống nhân văn trong cách ứng xử của dân tộc ta “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Nhà nước Việt Nam một mặt, tiếp tục khẳng định chủ quyền và phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc bằng các tuyên bố chính thức. Mặt khác, tích cực tìm cách giải quyết bằng các biện pháp hòa bình theo đúng tinh thần và luật pháp quốc tế .

Trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 14 diễn ra tại Mi-an-ma ngày 11-5-2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về vấn đề căng thẳng tại Biển Đông, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Song, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình”.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thể hiện thái độ vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo đã khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân và kêu gọi được sự ủng hộ của các nước, các tổ chức và bè bạn trên thế giới. Tuy nhiên, khó có thể đàm phán và thương lượng một cách công bằng khi yêu sách và tham vọng của Trung Quốc quá vô lý và ngang ngược. Trung Quốc lại cũng không bao giờ chịu chấp nhận thẩm quyền của bất cứ tòa án hay trọng tài quốc tế nào cho các tranh chấp trên Biển Đông. Do vậy, điều cấp thiết là Việt Nam cùng các bên liên quan tìm cách ràng buộc Trung Quốc bằng một bộ quy tắc ứng xử (COC) có giá trị pháp lý.

Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ chính nghĩa cùng tư thế chính đáng của mình trước thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc để xử lý các xâm phạm ngày một gia tăng một cách chủ động, bình tĩnh nhưng kiên quyết. Bên cạnh đó, Việt Nam liên tục củng cố lực lượng cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, kiểm ngư... để có thể nắm rõ và chủ động xử lý các vi phạm trong vùng biển chủ quyền của mình, đồng thời có một hệ thống quản lý hoàn thiện trên biển. Cần phổ biến và giáo dục Luật Biển, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các kiến thức về luật pháp cho ngư dân, các lực lượng cảnh sát, vũ trang và các quan chấp pháp, kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng các quy định của Luật Biển và luật quốc tế.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất