Sức mạnh chính trị, tinh thần Việt Nam trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Pháo binh ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

1. Điện Biên Phủ, những khó khăn “không thể vượt qua” đối với quân đội Việt Minh dưới con mắt của các nhà quân sự Pháp

Tướng Nava đã chọn Điện Biên Phủ là nơi quyết chiến chiến lược, quyết định sự thắng bại đối với cả cuộc chiến tranh với Quân đội nhân dân Việt Nam trước hết bởi vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ, nó như cái boàn xoay có thể xoay đi 4 phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc và là chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào – điểm yếu huyệt trong thế bố trí chiến lược của Pháp ở Đông Dương mà còn vì sẽ có rất nhiều khó khăn “không thể vượt qua” nếu Việt Minh muốn quyết chiến tại đây. Giới chỉ huy Pháp cho rằng: Chiến đấu ở Điện Biên Phủ, quân đội ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn về hậu cần, trong khi chuẩn bị hậu cần toàn diện, đầy đủ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Điện Biên Phủ cách cánh đồng Bắc bộ khoảng 200km, với địa hình đường đồi núi hiểm trở, đường sá tồi tệ, quân Việt Minh chỉ có thể được tiếp tế bằng cách mang vác thô sơ, lại luôn bị máy bay ném bom bắn phá nên sẽ không thể đáp ứng được lượng thực cho số quân quá 2 sư đoàn trong thời gian 2,3 tháng. Với những khó khăn về vận chuyển do địa hình đồi núi hiểm trở, quá xa hậu phương và vận chuyển thô sơ, Việt Minh không thể mang pháo lớn (loại pháo 105 ly và pháo cao xạ 37 ly) và kéo pháo đến tận trận địa Điện Biên Phủ, Việt Minh chỉ có thể mang loại pháo nhẹ là sơn pháp 75 ly trợ chiến. Do đó, Việt Minh sẽ không đủ hỏa lực để đối đầu với ưu thế về vũ khí tối tân của Pháp. Pháo binh của Việt Nam chỉ có thể chiếm lĩnh trận địa ở những sườn núi trông xuống lòng chảo, những khẩu pháo của Việt Minh sẽ bị các đài quan sát  đặt trong lòng chảo phát hiện và  sẽ “khóa mõm pháo Việt Minh ngay từ loạt đầu”. Bên cạnh đó, Điện Biên Phủ được tập trung những vũ khí tối tân nhất và đội quân tinh nhuệ nhất và do đó, Việt Minh sẽ không thể làm gì nổi cái tập đoàn cứ điểm được bảo vệ dưới những lưới lửa dạy đặc này.

Trên thực tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành 1 căn cứ vững chắc bao gồm 3 khu vực với 16.000 quân (gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 đơn vị pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị xe vận tải với 200 xe, cùng một đơn vị không quân gồm 14 máy bay[ii], Căn cứ Điện Biên Phủ gồm 49 boong ke, vừa mang tính độc lập như một pháo đài, vừa có thể chi viện chiến đấu cho nhau. Ở đây các đơn vị cơ giới có thể cơ động một cách nhanh chóng đến bất kì vị trí nào trong phạm vi thung lũng với chiều dài 18 km và chiều ngang từ 6 đến 8km. Những đơn vị của Pháp chủ yếu là lính lê dương và lính Bắc Phi được coi là thiện chiến nhất trong quân đội xâm lược Pháp tại Đông Dương[iii]. Hỗ trợ cho Điện Biên Phủ là lực lượng không quân liên hiệp Pháp và không quân dân sự Mỹ.

Quả thực đây là một thách thức lớn chưa từng có đối với quân đội ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch, Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ từng viết trong Hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”: Bộ đội chủ lực ta từ trước đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều và không đạt được mục tiêu đề ra như ban đầu. Trong khi đó Điện Biên Phủ được coi là “Nà Sản lũy thừa mười”. Hơn nữa, từ trước đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh và Tổng Quân ủy chỉ chọn nơi địch yếu sơ hở trong khi Điện Biên Phủ chính là nơi định mạnh nhất. Từ trước đến nay (chiến dịch Điện Biên Phủ) ta thường chọn chiến trường rừng núi là nơi có điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch nhưng Điện Biên Phủ hoàn toàn không là rừng núi, ở đây có cánh đồng rộng nhất Tây Bắc, rất nhiều cứ điểm nằm trên cánh đồng trong khi ta chưa quen đánh ở đồng bằng.

Chính vì vậy, thực dân Pháp không phải không có cơ sở khi nhận định Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại” và rõ ràng Nava có quyền hi vọng ở một chiến thắng. Các nhà quân sự Pháp đều tin rằng chiến dịch Điện Biên Phủ đã đặt ra những “khó khăn không thể vượt qua” cho Việt Minh và quả thực những khó khăn của ta trong chiến dịch này là lớn hơn gấp bội so với trước và là khó khăn lớn nhất từ trước tới đó. Pháp đã nhìn thấy những khó khăn của Việt Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng Pháp đã thua trong chiến dịch này vì họ đã không hiểu rõ đối phương của mình, họ chỉ nhìn thấy sức mạnh của vũ khí, quân sự mà không thấy sức mạnh chính trị, tinh thần vô cùng to lớn chứa đựng trong những con người nhỏ bé, còn thiếu ăn, thiếu mặc và họ không hiểu rằng họ đang phải đối mặt với cả một dân tộc. Chính vì vậy, mặc dù hiểu đúng những khó khăn, thách thức của quân đội ta nhưng Pháp đã sai lầm khi cho rằng những khó khăn đó là những “khó khăn không thể vượt qua” của Việt Minh.

2. Sức mạnh chính trị - tinh thần của dân tộc đã giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thực tiễn lịch sử quân sự thế giới xưa và nay đã ghi nhận, trong mọi cuộc chiến tranh, sức mạnh của quân sự, của vũ khí bao giờ cũng rất quan trọng, nhưng yếu tố chính trị - tinh thần mới là quyết định. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta không sánh được với Pháp về ưu thế vũ khí tối tân song chính sức mạnh chính trị - tinh thần được phát huy cao độ đã tạo ra ưu thế và là nguyên nhân quan trọng quyết định làm nên chiến thắng.  

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được hình thành từ sự giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, niềm tin vào thắng lợi. Đó là các biểu hiện về ý chí kiên cường bất khuất, sự đồng lòng, đoàn kết chiến đấu, xả thân hy sinh vì các mục tiêu cao đẹp, tinh thần  kỷ luật, trí tuệ và tài thao lược của bộ chỉ huy lãnh đạo chiến tranh. Với lòng yêu nước nồng nàn và quyết tâm bảo vệ đất nước, khát vọng độc lập, tự do, cả dân tộc đã đi theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ với khẩu hiệu “Tất cả vì Điện Biên Phủ”, “Tất cả cho chiến thắng”. Cả dân tộc cùng hướng về Điện Biên Phủ, hăng hái và tình nguyện tập trung góp công, góp sức cho trận đánh quyết định này. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 260.000 dân công đã được huy động tham gia phục vụ chiến dịch, lực lượng bội đội chủ lực trực tiếp tham gia chiến dịch lên tới 50.000 người, 628 xe ô tô tải, 21.000 xe đạp thồ, 20.000 các phương tiện vận chuyển khác như ngựa thồ, quang gánh, bè mảng, đã vận chuyển một khối lượng vũ khí, đạn dược khổng lồ đến trân địa, vận chuyển 25.056 tấn lương thực các loại, 900 tấn thịt, hàng nghìn tấn rau và thực phẩm khác cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả dân tộc đã tập trung sức người, sức của cho trận đánh quyết chiến này.

Khao khát mãnh liệt về độc lập, tự do đã trở thành động lực để quân và dân ta vượt qua những khó khăn, trở ngại, bất chấp sự bắn phá của thực dân Pháp, ngày đêm vận chuyển vũ khí, lương thực ra trận địa. Hàng vạn dân công và bộ đội bám trụ và mở đường lên chiến dịch, làm đường kéo pháo vào trận địa, xây dựng các trận địa quanh Điện Biên Phủ dưới làn bom na-pan và pháo của địch.

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã biến thành quyết tâm, chuyển hóa quyết tâm bằng hành động thông minh và sáng tạo trong chiến đấu và bảo đảm chiến đấu. Đó là những con lăn đặt dưới các khẩu pháo để kéo pháo di chuyển mà không cần nâng pháo khỏi mặt đất; là phương pháp đào dũi khi vào gần cứ điểm địch; là bếp Hoàng Cầm ngay sát địch mà vẫn bí mật, đảm bảo cho bộ đội có cơm nóng, canh ngọt sau mỗi trận đánh. Quyết tâm đánh thắng còn được thể hiện ở tài thao lược của Bộ chỉ huy chiến dịch trong lựa chọn phương châm, cách đánh, thay đổi bố trí đội hình, chuẩn bị kỹ hơn về mặt hậu cần và công tác tư tưởng…. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, quân đội ta đã xây dựng trận địa bao vây, chia cắt thế liên hoàn, triệt phá cầu hàng không tiếp tế của địch, làm cho chúng khốn quẫn trong công sự, suy sụp và tan rã về tinh thần. Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện một lần nữa tác dụng to lớn của cách đánh nhỏ truyền thống, thể hiện sự thông minh, sáng tạo, chủ động của những người chiến sĩ sinh ra từ đồng ruộng, bám đất, bám làng để chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh.

Sức mạnh chính trị - tinh thần của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được chính Nava thừa nhận trong cuốn “Thời điểm của những sự thật”, rằng: “Chưa bao giờ chúng ta có một người cầm đầu từ đầu đến cuối. Trong khi đối phương chỉ có một lãnh tụ duy nhất – Hồ Chí Minh và một lãnh tụ quân sự duy nhất – Tướng Giáp… Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói cho đúng hơn: chúng ta chẳng có chính sách nào cả”. Trên thực tế, những lãnh tụ ấy chính là hiện thân cho trí tuệ, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần xả thân vì đất nước của cả dân tộc Việt Nam, là sức mạnh vô địch đánh thắng quân đội Pháp với vũ khí tối tân, hiện đại.

Sự thất bại của thực dân Pháp tại chiến dịch Điện Biên Phủ là một tất yếu lịch sử. Thất bại của Pháp chính là quá tin tưởng  vào sức mạnh của vũ khí, trang bị, công sự kiên cố, khả năng tiếp tế và tăng viện  nhưng lại đánh giá sai khả năng khắc phục khó khăn của chúng ta, đánh giá sai sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh.

3. Phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã qua đi cách đây 60 năm nhưng những giá trị và bài học lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hôm nay. Yếu tố chính trị - tinh thần đã từng tạo ra sức mạnh Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ đến hôm nay vẫn là nhân tố tạo nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại mới.

Trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay, trước vô vàn khó khăn, trở ngại nhưng cả dân tộc vẫn đoàn kết, kề vai sát cánh với Đảng, Nhà nước phấn đấu thực hiện mục tiêu, khát vọng chân chính “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Hơn bao giờ hết, sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong điều kiện mới cần phải được phát huy cao độ, tập trung sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng một nước Việt Nam hung mạnh, phát triển trong thời đại mới.

Yếu tố chính trị - tinh thần từng làm nên sức mạnh Việt Nam trong chiến thắng Điện Biên Phủ đã và đang là sức mạnh có ý nghĩa quyết định để Việt Nam vượt qua khó khăn nội tại, đấu tranh thắng lợi các âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

---------------

Hà Thị Thùy Dương
Học viện Chính trị khu vực IV



[i] Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb TPHCM, 1994, tr 608 – 609. Bản dịch tiếng Việt của Bùi Trần Phượng.

[ii] Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội Nhân dân, H, 1964, tr 75.

[iii] A. La vơ ri sép: Vấn đề Đông Dương sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mát x cơ va, 1966, tr 74, I K.King Southeast Asia Perspective, New York, 1959, p 295.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất