Đường Hồ Chí Minh – từ khát vọng hòa bình đến con đường huyền thoại
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là con một đường kỳ vỹ.
Khát vọng hòa bình

Trước thực tiễn nóng bỏng của cách mạng miền Nam, khi nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại âm mưu chia cắt hai miền Nam - Bắc và hành động “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - ngụy, tháng 1 năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định con đường của cách mạng miền Nam, vạch ra mục tiêu và phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Dự kiến xu thế phát triển của cách mạng miền Nam, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng đã chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang trên hai miền Nam- Bắc, giao nhiệm vụ cho quân đội chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình. Thực hiện chủ trương chi viện lực lượng vật chất cho miền Nam, Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự trên bộ và trên biển. Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao cho đồng chí Võ Bẩm tổ chức “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ; chuyển công văn, tài liệu từ Bắc và Nam và ngược lại. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện chiến trường miền Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” đã định hình về tổ chức, nhiệm vụ và phương thức hoạt động, ra đời vào tháng 5 năm 1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559 và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Bộ Chính trị và Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược Trường Sơn được xác định là ngày truyền thống của Đoàn 559Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là một sáng tạo về chiến lược, thể hiện khát vọng hòa bình và quyết tâm sắt đá giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Con đường huyền thoại

Tầm vĩ đại, được xem như huyền thoại của đường Trường Sơn mang tên Hồ Chí Minh là từ những lối mòn xuyên rừng rậm, men theo lũng núi, bờ khe, quân và dân ta, trực tiếp là những người lính Trường Sơn, nam nữ thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã phát triển thành một tuyến vận tải quân sự chiến lược, một chiến trường trọng yếu, một căn cứ chiến lược của các chiến trường nam Đông Dương. Bởi vậy, trong suốt quá trình tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, các đời tổng thống Mỹ và giới chức cầm đầu Nhà Trắng đều coi chặn cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là một biện pháp chiến lược vô cùng quan trọng để “chẹt họng”, cô lập các chiến trường nam Đông Dương, đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Để thực hiện cuồng vọng đó, suốt 16 năm ròng, một dải Trường Sơn đã trở thành chiến trường thực nghiệm các chiến lược chiến tranh xâm lược: “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh điện tử”, “chiến tranh hóa học” của đế quốc Mỹ. Nhiều chiến dịch tiến công quy mô lớn với các sắc lính, binh đoàn được coi là thiện chiến nhất đã được Mỹ - ngụy tiến hành ở Trường Sơn. Đặc biệt, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh ngăn chặn bằng không quân, với các thủ đoạn đánh phá vô cùng nham hiểm; các loại vũ khí, khí tài tối tân, hiện đại. Trong suốt 16 năm, Trường Sơn đã trở thành nơi đối đầu giữa ý chí gang thép, lòng quả cảm, trí tuệ của con người Việt Nam với đạn bom của đế quốc Mỹ. Chỉ tính tròn 10 năm, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới trên đường Trường Sơn, Mỹ đã huy động 733.000 lần chiếc máy bay, đánh phá tuyến vận tải 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường gần 4 triệu tấn bom đạn, vượt xa số bom đạn mà “khối trục” phát xít sử dụng trong đại chiến lần thứ hai. Từng cung đường, từng cây cầu, chiếc xe... đều trở thành mục tiêu đánh phá hủy diệt của địch. Mỗi cửa khẩu, điểm vượt sông, đỉnh đèo..., nơi địa hình phức tạp dễ bị chia cắt đều trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt. Núi đồi bị san thành bình địa, rừng đại ngàn thứ bị bom lửa thiêu rụi, thứ bị chất độc khai quang hủy diệt... Nhắc tới sự ác liệt trên tuyến đường này chúng ta thường nói đến những địa danh quen thuộc như Khe Ve, ngầm Rinh, phà Xuân Sơn, phà Long Đại (đường 15), Bãi Dinh, La Trọng, Cổng Trời (đường 12A), cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích (đường 20)... là những trọng điểm nổi tiếng ác liệt của toàn tuyến. Tất cả mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá vô cùng nham hiểm, quy mô, cường độ đánh phá dữ dội, tàn khốc của kẻ thù đã gây cho ta muôn vàn khó khăn, tổn thất. Nhưng tham vọng, mục tiêu cuối cùng là chặn cắt, làm tê liệt hẳn tuyến chi viện chiến lược thì đối phương không thể nào thực hiện được và thất bại hoàn toàn.

Thấm nhuần sâu sắc lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, với ý chí gang thép “Tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tất cả cho chiến trường, tất cả vì nghĩa vụ quốc tế”, bộ đội Trường Sơn đã không ngừng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần quyết chiến quyết thắng, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, đưa mọi hoạt động của tuyến chi viện chiến lược phát triển từ thấp đến cao, chuyển yếu thành mạnh, từ thô sơ đến hiện đại... Từ buổi đầu thành lập, chỉ lấy gùi, thồ làm chính, vận chuyển trên những con đường mòn nhỏ hẹp, từ chỗ chỉ hoạt động theo mùa, phục vụ cho từng chiến dịch, bộ đội Trường Sơn đã đem mồ hôi, xương máu, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài mưu lược xây dựng nên tuyết đường chiến lược mang tên Bác Hồ vĩ đại xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vĩ nối liền Nam - Bắc, nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, với các chiến trường, hình thành một mạng đường bộ, đường ống, đường sông tương đối hoàn chỉnh, hoạt động được quanh năm, phục vụ đắc lực cho việc chi viện trên nhiều hướng chiến trường và nhiều chiến dịch lớn của quân đội ta. Bộ đội Trường Sơn đã mở được nhiều trục đường ô tô chạy dọc đông và tây Trường Sơn, cùng nhiều tuyến đường ngang tỏa đi các hướng với tổng chiều dài gần 17.000km, xây dựng hàng trăm cây cầu các loại vượt qua sông suối, đèo cao, dốc đứng; xây dựng trên 3.000km đường giao liên, gần 1.350 km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến, xây dựng 1.400 km đường ống xăng dầu qua nhiều địa hình phức tạp, cải tạo hàng trăm ki-lô-mét đường sông, phá gỡ hàng chục vạn bom mìn các loại, bảo đảm yêu cầu cơ động chiến đấu và yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị, các binh đoàn, binh chủng. Bộ đội Trường Sơn đã chuyển được hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thuốc men và đồ dùng quân sự khác. Tổ chức vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, ba quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường, góp sức và tiếp sức cho chiến trường đánh bại lần lượt các chiến lược chiến tranh xâm lược của địch, giành thắng lợi từng bước. Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, giải tỏa cầu đường, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay địch; diệt 16.900 tên, bắt 1.190 tên, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự và hàng nghìn súng các loại. Khi thời cơ chiến lược xuất hiện, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã dốc toàn lực, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng cả nước giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thắng lợi của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Thắng lợi đó không tách rời sự hỗ trợ lớn lao của các bộ, ngành, của các tổng cục, binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng và các chiến trường; sự chi viện của nhân dân cả nước, sự giúp đỡ hết lòng của quân và dân Lào, Căm-pu-chia anh em, các nước xã hội chủ nghĩa và bầu bạn trên thế giới. Thắng lợi của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn thuộc về những cống hiến lớn lao, sự hy sinh cao cả của hơn 120.000 cán bộ, chiến sĩ, nam nữ thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến, văn nghệ sĩ... thuộc đường Hồ Chí Minh đã dốc hết sức lực, xương máu và cống hiến cả một đời xuân sắc dể xây dựng, duy trì sức sống, sức chiến đấu mãnh liệt của đường Hồ Chí Minh trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Trên tuyến đường này, hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến đã anh dũng hy sinh; hơn hai vạn người bị thương và biết bao người bị chất độc của Mỹ gây nên tật nguyền cho bản thân và hậu họa khôn lường cho nòi giống; khoảng 14.500 lần chiếc xe - máy các loại, hơn 700 lần khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy... Đất nước muôn đời khắc ghi những đóng góp lớn lao, hy sinh vô bờ bến của những người con đã chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ.

Suốt 16 năm đương đầu với một cuộc chiến tranh ngăn chặn vô cùng ác liệt với bao hy sinh gian khổ, các binh chủng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã trở thành một lực lượng gang thép, một tập thể anh hùng, hoàn thành đặc biệt xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược - một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Đường Hồ Chí Minh là một chiến công chói lọi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta... Đường Trường Sơn nhất định sẽ kéo dài và mở rộng. Chúng ta nhất quyết đi tiếp con đường đó cho đến thắng lợi hoàn toàn”.

Thời gian sẽ lùi sâu về quá khứ nhưng huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn sáng ngời trang sử oanh liệt của dân tộc ta như một thiên anh hùng ca bất tử tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước dân tộc Việt Nam anh hùng, tiếp thêm sức mạnh cho mọi thế hệ xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, kế thừa truyền thống của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn năm xưa cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 – Tổng công ty Trường Sơn, cùng quân dân cả nước xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng tới tận mũi Cà Mau, đây chính là tuyến đường chiến lược của thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Thế hệ ngày hôm nay sẽ quyết tâm biến đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại năm xưa trong chiến tranh thành “con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta”, xứng đáng với biết bao xương máu của lớp lớp cha anh đã đổ xuống nơi đây để giành hòa bình, độc lập và thống nhất cho đất nước.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất