Giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc cho học viên quân sự
Hăng say trên thao trường.
Sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng con người nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người cán bộ quân đội tương lai phải hội tụ đầy đủ những phẩm chất, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, phải tăng cường giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc cho học viên. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở các học viện, nhà trường quân đội. Đảng ta xác định: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia…”[i].

Nhằm nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc cho mỗi học viên trong thời kỳ mới nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục truyền thống

Học viên cần có nhận thức sâu sắc về truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước, kiên cường, bền bỉ đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước của ông cha trong lịch sử. Trên cơ sở đó giúp học viên tự hào về truyền thống và phát huy giá trị đó trong thời đại ngày nay, đặc biệt, giáo dục phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Đây là, truyền thống quý báu được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta. Vì thế, thế hệ học viên quân sự hôm nay phải biết trân trọng gìn giữ các phẩm chất cao đẹp đó, biến truyền thống yêu nước của dân tộc thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống trong mỗi quân nhân. Đồng thời, học viên quân sự phải đi đầu trong đấu tranh với những tư tưởng xa rời truyền thống, những hiện tượng, hành vi làm phai nhạt danh dự, đạo đức quân nhân. Từ đó xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa yêu nước, khơi dậy ở mỗi học viên tình yêu thương con người, yêu đất nước và dân tộc, tình cảm đó hoà quyện  tạo thành ý thức bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, cần nắm vững quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới


Phải hiểu rõ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới trước hết là bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bảo vệ quyền tự quyết thiêng liêng của dân tộc, quyền lựa chọn con đường phát triển, thể chế chính trị của đất nước; xây dựng và bảo vệ nền kinh tế tự chủ, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa. Kiên quyết đấu tranh, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, làm thất bại mọi ý đồ kích động, xu hướng ly tâm. Vấn đề đối tác, đối tượng cũng cần được xác định rõ. Đặc biệt là đối tượng của cách mạng Việt Nam, đó là những ai chống phá sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam, chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là những người chống phá lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam, sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chống phá nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và môi trường hòa bình để phát triển đất nước của dân tộc ta.

Thứ ba, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch

Đảng ta xác định: “Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe doạ an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”[ii]. Trong bối cảnh quốc tế mới, các thế lực thù địch thường xuyên thay đổi chiến lược và phương thức chống phá cách mạng nước ta, với chiến lược “Diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, để can thiệp vào nội bộ của nước ta, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng. Việc nhận thức rõ âm mưu của kẻ thù là hết sức cần thiết, giúp cho học viên có tinh thần cảnh giác cách mạng, sức đề kháng tốt, sẵn sàng bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ được vững chắc.

Thứ tư, xác định rõ mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quan hệ biện chứng, quy luật phát triển của đất nước và dân tộc ta. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI, Đảng ta xác định phương hướng, nhiệm vụ chiến lược: “Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[iii]. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa VIII về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đã thống nhất ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Học viên cần nhận thức sâu sắc vấn đề, Từ đó vững lòng tin đối với sự nghiệp cách mạng Đảng, của dân tộc.


--------------------------------------

[i]. Đảng Cộng sản Việt Nam,  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 235.
[ii] Sđd, tr. 233.
[iii] Sđd, tr.233.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất