Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến năm 1953, nhân ta đã trải qua 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đã thu được nhiều thắng lợi rất quan trọng. Thế và lực của nước ta ngày càng mạnh. Đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt trong nhiều chiến dịch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Trong lúc đó, quân Pháp ngày càng khốn đốn và bị động. Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp phải tăng thêm lực lượng, thay đổi kế hoạch tác chiến, đưa nhiều tướng lĩnh vào tham chiến. Tháng 5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Hăng-ri Na-va, Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương gấp rút tổ chức lại lực lượng quân đội, tập trung một lực lượng chiến lược mạnh và cơ động để lấy lại quyền chủ động trên chiến trường, giành một chiến thắng quân sự có ý nghĩa quyết định, nhằm buộc ta phải kết thúc chiến tranh theo những điều kiện của họ. Sau một tháng khảo sát, tìm hiểu thực tế chiến trường, đầu tháng 7-1953, Nava vạch ra một kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, được Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua.

Na-va chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên Khu V. Bước thứ hai, nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.

Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch của địch thì Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Na-va rất nhiều tham vọng, muốn giành chiến thắng lớn về quân sự. Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân cơ động thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh”1.

Về phía ta, cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy họp, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Tổng Quân ủy trình bày hai phương án tác chiến do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị: Thứ nhất, tập trung toàn bộ hay phần lớn bộ đội chủ lực đối phó với địch ở đồng bằng Bắc Bộ. Thứ hai, điều động lực lượng mở các cuộc tiến công vào các hướng khác. Căn cứ vào phương hướng chiến lược đề ra từ hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (tháng 1-1953) là tìm chỗ địch yếu mà đánh, bắt địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta. Tổng Quân ủy cho rằng: chưa nên đánh vào đồng bằng Bắc Bộ ngay mà phải phá âm mưu tập trung binh lực của địch để tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn. Ta sẽ đưa một số đơn vị chủ lực hoạt động ở Tây Bắc. Mặt khác, đề nghị với lực lượng Pathét Lào phối hợp với bộ đội tình nguyện tăng cường hoạt động tại những chiến trường địch sơ hở, buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Khi đó, ta sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích tại tất cả các chiến trường địch hậu Bắc, Trung, Nam, đặc biệt là tại đồng bằng Bắc Bộ; đồng thời có kế hoạch bảo vệ vùng tự do của ta, bố trí một số đơn vị chủ lực mạnh ở những địa bàn quan trọng, sẵn sàng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra2. Cuối hội nghị, Bác Hồ nói: Tổng Quân ủy phải có kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có một kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”3.

Sau khi nghe trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đề ra phương châm chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt4. Chủ trương tác chiến tổng quát trong Đông Xuân 1953-1954 là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để bộ đội chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ5.

Căn cứ phương án tác chiến đã xác định và phương châm chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị đề ra. Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tham mưu đã sử dụng bộ đội chủ lực phối hợp tác chiến trên các chiến trường trong cả nước và toàn Đông Dương; quân và dân ta trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam mở năm đòn tiến công lên các hướng gồm: Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào và Tây Nguyên. Đây là những nơi lực lượng địch mỏng yếu, sở hở, nhưng lại là những địa bàn chiến lược mà chúng không thể bỏ.

Cùng với năm đòn tiến công chiến lược, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên đến đồng bằng Bắc Bộ, đánh bại các cuộc hành quân càn quét chiếm đất, giành dân của quân Pháp. Hầu hết các địa bàn xung yếu của địch đều bị tiến công, phòng tuyến sông Đáy bị phá vỡ, nhiều sân bay bị tập kích, đường số 5 bị cắt đứt nhiều đoạn, có chỗ giao thông bị tê liệt hàng tuần. Khắp nơi, nhân dân nổi dậy phá tề, trừ gian, nhiều đồn bốt địch bị vây hãm phải rút chạy hoặc đầu hàng. Năm đòn tiến công chiến lược cùng hoạt động tiến công chống địch càn quét, quân và dân ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản âm mưu tập trung binh lực cơ động mạnh ở một mặt trận là đồng bằng Bắc Bộ, buộc chúng phải phân tán binh lực để đối phó với ta. Như vậy, kế hoạch chủ động tập trung binh lực của Nava chuyển thành bị động, phân tán binh lực. “Khối cơ động” của Nava ở đồng bằng từ 44 tiểu đoàn rút xuống còn 20 tiểu đoàn. Kế hoạch Nava bắt đầu phá sản từ đó.

Giữa tháng 11-1953, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Được tin các đơn vị chủ lực của Việt Minh di chuyển lên hướng Tây Bắc, Nava quyết định “ra tay trước”, ngày 20-11-1953, Pháp mở cuộc hành quân Caxto đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm.

Để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp tập trung tăng cường phòng thủ, đưa đến Điện Biên Phủ nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, ngoài ra còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải…hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương6. Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất là trên 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm nằm trong 8 cụm cứ điểm được tổ chức liên hoàn với nhau. Mỗi cụm cứ điểm là một khu vực phòng ngự - một “trung tâm đề kháng”, có lực lượng cơ động và lực lượng phòng ngự, có hỏa lực riêng, xung quanh có nhiều hàng rào dây thép gai, hàng rào kẽm và cài mìn xen kẽ. Các “trung tâm đề kháng” này lại được liên kết với nhau thành các phân khu. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được chia thành ba phân khu: phân khu Bắc (có 2 trung tâm đề kháng), phân khu Nam (có 1 trung tâm đề kháng) và cuối cùng là phân khu Trung tâm (có 5 trung tâm đề kháng). Các trung tâm đề kháng được bố trí trên một không gian tương đối rộng, vừa có khả năng phòng ngự độc lập, vừa có hệ thống công sự trận địa vững chắc và hỏa lực mạnh như súng cối, súng phun lửa…Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở Điện Biên Phủ để có thể đáp ứng được nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không.

Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thực sự là “một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương” và được mệnh danh là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Chúng cho rằng nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ thì là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi7. So sánh quân số đơn thuần tại chiến trường Điện Biên Phủ thì ta hơn hẳn địch (ta là 40.000 người/địch 16.000 tên). Song về hỏa lực và phương tiện chiến tranh thì quân Pháp có ưu thế hơn ta, nhất là về đạn pháo, máy bay và xe tăng…“Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có sức mạnh hỏa lực đáng gờm, các tướng Pháp đến thăm đều nhất trí cho rằng Việt Minh không thể thắng được. Đó là không kể có một lực lượng không quân yểm trợ khiến Việt Minh hoàn toàn bất ngờ”8. Mặt khác, chúng được bảo vệ trong hệ thống công sự trận địa vững chắc, với nhiều trung tâm đề kháng. Nếu không có phương án tác chiến đúng đắn và cách đánh phù hợp, ta khó có thể thắng địch. Bởi vì, ta có tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì mới phá được hình thức phòng ngự cao nhất của đối phương, mới phá được kế hoạch Nava, phá âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của chúng.

Đầu tháng 1-1954, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh”. Về tổ chức chỉ huy, Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Tư lệnh trực tiếp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng; Đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chủ nhiệm9.

Các đơn vị tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308, 312, 316, Trung đoàn 57 (thuộc Đại đoàn 304). Đại đoàn Công pháo 351, Trung đoàn pháo cao xạ 367, 4 tiểu đoàn công binh và các đơn vị thông tin, vận tải, quân y... Tổng quân số chủ lực của ta ở hỏa tuyến khoảng hơn 40.000 người, nếu tính cả tuyến hai là khoảng 55.000 người10.

Bước đầu kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của ta theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thời gian chiến dịch dự kiến 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào ngày 20-1-1954. Nhưng trước sự tăng cường phòng ngự của địch và những khó khăn trong công tác chuẩn bị của ta, nhất là pháo binh, nhiều khẩu đội chưa vào được trận địa, tổ chức hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh và pháo binh chưa xong, nên Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn nổ súng đến ngày 25-1. Qua nhiều ngày theo dõi, Đại tướng thấy địch không còn ở trong trạng thái lâm thời phòng ngự nữa mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy, không thể đánh theo kế hoạch đã định. Bởi có một số khó khăn:

Một là, bộ đội chủ lực ta từ trước đến nay mới chỉ đánh từ 1-2 đại đội, nhiều nhất là tiểu đoàn địch, chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm.

Hai là, tập đoàn cứ điểm Điên Biên phủ là trận đầu tiên ta đánh hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh, pháo binh với quy mô lớn mà lại chưa qua diễn tập.

Ba là, bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên địa hình rộng, bằng phẳng, trống trải, nay phải chiến đấu liên tục trong 2 ngày 3 đêm với một kẻ địch có ưu thế về hỏa lực thì khó tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ.

Đêm 25-1, Đại tướng không chợp mắt, chỉ mong trời chóng sáng để họp Đảng ủy. Sáng 26-1, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Mặt trận họp, Chỉ huy trưởng chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ và một số khó khăn lớn của ta, những thay đổi quan trọng về phía địch. Một số ý kiến đưa ra: “Cứ giữ vững quyết tâm”, “Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã là khó. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được”; hoặc là “Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao”. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Trước những ý kiến như vậy, Đại tướng khẳng định: Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng sức mạnh tinh thần cũng có giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch. Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài. Quyết tâm phải có cơ sở, mà trong chiến dịch này đòi hỏi phải thắng. Đại tướng nói: Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không”11. Trước khi chia tay, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”“chỉ được thắng không được bại, vì bại là hết vốn”. Do đó, để bảo đảm chắc thắng phải cho các đơn vị rút khỏi trận địa rồi nghiên cứu một cách đánh khác dù bộ đội có thắc mắc. Vô luận tình hình thế nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất, đó là “đánh chắc thắng”; chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, nên chúng ta chỉ được thắng chứ không được bại.

Sau nhiều giờ thảo luận, bám sát sự chỉ đạo chiến tranh mà hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 1-1953 đã kết luận: “đánh ăn chắc, tiến ăn chắc, chắc thắng thì đánh, kiên quyết cho kỳ được. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”12. Qua phân tích đánh giá tình hình mạnh, yếu của ta và địch, Đảng ủy đi đến nhất trí là trận đánh này có thể gặp nhiều khó khăn, mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục. Cuối cùng Đại tướng kết luận: để bảo đảm nguyên tắc cao nhất, cần chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Công tác chính trị phải bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương án mới13. Ngày hôm đó, Đại tướng đã ra một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Sau cuộc họp, Đại tướng báo cáo gấp về Trung ương và Hồ Chủ tịch cho chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Được Bộ Chính trị và Bác đồng ý, kế hoạch tác chiến mới được triển khai, tạm dừng tiến công, cho kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết và tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Một kế hoạch tác chiến như vậy rất phù hợp với trình độ kỹ, chiến thuật của quân đội ta, nó tạo điều kiện cho quân đội ta vừa chiến đấu, vừa học tập kinh nghiệm, do đó mà thực hiện một cách vững chắc quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Khi chúng ta chuyển phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đòi hỏi phải có một quyết tâm rất lớn. Mọi công tác chuẩn bị phải kéo theo, thời gian chiến dịch dài. Mà càng dài thì càng nhiều khó khăn, nhất là về cung cấp tiếp tế tăng lên rất nhiều lần; mùa mưa lại đang đến gần, ăn ngủ, sinh hoạt phần nhiều là trong lòng đất, bộ đội mệt mỏi; trong lúc đó, quân địch lại có điều kiện để củng cố phòng ngự, lực lượng của chúng cũng có thể tăng thêm.

Sự thay đổi phương châm trên đã làm xáo trộn tâm lý và tác động rất lớn đến tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia cũng như lực lượng dân công trên toàn mặt trận, nhưng đây là sự thay đổi cần thiết và đúng đắn. Để giải quyết vấn đề khó khăn, phức tạp trên, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch nhanh chóng động viên, xây dựng ý chiến quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ thông suốt và chấp hành nghiêm chỉnh phương châm tác chiến mới, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng lúc này phải đặc biệt coi trọng14. Theo đó, cấp uỷ và cơ quan chính trị từ Bộ chỉ huy chiến dịch đến các đơn vị kịp thời có nghị quyết lãnh đạo, tập trung tiến hành kiên trì làm chuyển biến nhận thức tư tưởng ở từng cấp, làm cho mọi người thông suốt và tin tưởng ở phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Nhờ có sự giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo tư tưởng đúng đắn, thiết thực, quán triệt kỹ, đầy đủ các chỉ thị, mệnh lệnh, các quy định của chiến trường, thư động viên của Hồ Chủ tịch, của Đại tướng - Tổng Tư lệnh... nên những tư tưởng đang phân vân, hoài nghi giữa hai phương châm tác chiến đã được giải quyết. Khi Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hạ lệnh chuyển phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” đã được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch không chỉ ở các đơn vị bộ binh mà cả các đơn vị binh chủng kỹ thuật trang bị nặng, cơ động chiếm lĩnh trận địa khó khăn đều nhanh chóng triển khai thực hiện khẩn trương theo phương châm mới.

Ngày 13-3-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở đầu và kết thúc ngày 7-5-1954, quá trình chiến diễn biến qua 3 đợt: Đợt 1, từ 13 đến 17-3; Đợt 2, từ 30-3 đến 30-4; Đợt 3, từ 1 đến 7-5-195415. Phương châm “đánh chắc, tiến chắc” được giữ vững trong suốt quá trình của chiến dịch. Chúng ta đã bao vây địch, đồng thời tiến hành mọi công tác chuẩn bị và chiến đấu liên tục trong suốt 56 ngày đêm, đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đến thắng lợi rực rỡ, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch. Tổng số quân địch bị tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên, trong đó bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cát-xtơ-ri cầm đầu (tính theo đơn vị gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh), bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng; thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng, hơn 30.000 chiếc dù cùng toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng khác16.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đối phương, đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch Điện Biên Phủ - Trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, mở ra bước ngoặt quyết định của tiến trình cách mạng nước ta cũng như hai nước bạn Lào và Căm-pu-chia, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi đến kết thúc thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự chủ động, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch; tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường của cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân Việt Nam. Chủ trương thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”- Một trong những tư tưởng chỉ đạo quan trọng bậc nhất của Trung ương trong công tác lãnh đạo đấu tranh vũ trang. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ thực sự là một cuộc đấu trí, đấu lực giữa hai bên ta và Pháp trong thời điểm quyết định của chiến tranh.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của chiến tranh nhân dân Việt Nam, là tổng hợp sức mạnh của nhiều yếu tố, trong đó giáo dục chính trị, tư tưởng, sức mạnh của tinh thần là vô cùng quan trọng. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, chưa có chiến dịch nào trước đó được tiến hành công tác chính trị, tư tưởng liên tục, bền bỉ, sâu rộng, công phu, trong tình trạng hết sức phức tạp khó khăn nhưng hiệu quả như chiến dịch Điện Biên Phủ17. Công tác chính trị, tư tưởng đã phát triển toàn diện, “đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta”18.                                                   

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (5-1964), Đại đoàn Trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Còn Đại đoàn Trưởng Vương Thừa Vũ nói: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm”19. Sau này, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thổ lộ: “Quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến… là một quyết định quan trọng nhất, một trong những quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm tướng của tôi”20. Còn Peter Mac Donal - một vị tướng kiêm sử gia người Anh thì cho rằng: Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều quyết định quan trọng, đưa ông vào hàng “những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy lịch sử”.

 

Trung tá Chu Văn Lộc
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

---------------------

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 246.

2. Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Nxb QĐND, H. 1969, tr. 12.

3. Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 878.

4. Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb Sự thật, H. 1958, tr.12.

5. Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh - Trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp- Thắng lợi và bài học (1954-1954), Nxb CTQG, H. 1996, tr. 192.

6. Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 22.

7. Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Sđd, tr.22.

8. Georges Boudarel: Võ Nguyên Giáp, Người dịch Nguyễn Văn Sự, Nxb Thế giới, H. 2012, tr. 204.

9. Ban nghiên cứu Lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, H. 1994, tr. 405.

10. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập 5, Nxb QĐND, H. 2000,  tr. 189, 254.

11. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 302-303.

12. Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 11.

13.  Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 303.

14. Đại tướng Hoàng Văn Thái, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Nxb QĐND, H. 1984, tr. 67.

15. Đợt 2, có tài liệu viết từ 30-3 đến 24-4. Ở đây chúng tôi dẫn theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 2004, tr. 168.

16. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Việt Nam thế kỷ XX- Những sự kiện quân sự, Nxb QĐND, H. 2001, tr. 289.  

17. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ 1945-1954, Nxb QĐND, H. 1998, tr. 264.

18. Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 80.

19. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 304.

20. CecilB. Currey, Chiến thắng bằng mọi giá. Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người dịch: Nguyễn Văn Sự, Nxb Thế giới, H. 2013, tr. 283.

 



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất