Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND - Vấn đề rút ra sau hơn một năm thực hiện
Chủ trương dồn điền đổi thửa được thực hiện nhanh hơn ở các xã, phường đã "nhất thể hóa" tại Tp. Tam Kỳ - Quảng Nam

Trước khi có Thông báo số 223-TB/TW và Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thực hiện mô hình đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) ở 1 huyện và 21 xã, phường, thị trấn (Quảng Trị 1 huyện và 2 xã, phường; Quảng Bình 2 xã, phường; Phú Yên 5 xã, thị trấn; Quảng Nam 12 xã, phường). Do đó, khu vực này đã có kinh nghiệm bước đầu trong việc triển khai thực hiện chủ trương này. 

Kết quả thực hiện  

Các đơn vị thực hiện thí điểm hầu hết đều có tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, đội ngũ cán bộ được chuẩn bị về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn gắn với đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ trong những năm qua được làm tương đối tốt; nội bộ cấp ủy đoàn kết, thống nhất, phát huy được vai trò trong ãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị đề ra; đời sống nhân dân ổn định. Vì vậy, các địa phương được chọn thí điểm đều nhận được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 5/26 huyện, quận thuộc 3 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Quảng Trị, Phú Yên) thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, chiếm 19,2% (thấp hơn mức từ 20-30% Trung ương yêu cầu) và 88 xã, phường, thị trấn ở 13 tỉnh, thành phố trong khu vực, chiếm 4,6% (cao hơn mức 2-3% Trung ương yêu cầu). 

Sau hơn một năm triển khai, thực hiện, giảm bớt nhiều khâu trung gian nên việc thí điểm đã tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương; giải quyết nhanh hơn các yêu cầu công việc của dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Công tác lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền giảm được một số khâu báo cáo, xin ý kiến nên công việc triển khai được nhanh chóng hơn. Vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng được nâng lên rõ rệt. Đồng chí bí thư với vai trò vừa đứng đầu cấp ủy, vừa đứng đầu chính quyền nên có điều kiện sử dụng, phát huy cả 2 bộ máy tham mưu, giúp việc, các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy nhanh chóng được chính quyền chỉ đạo triển khai kịp thời, đầy đủ, toàn diện, làm cho cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt hiệu quả cao hơn, hiệu lực quản lý nhà nước ở địa phương đạt kết quả tốt hơn. Đồng thời, do những yêu cầu mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, cho nên, năng lực công tác, vai trò trách nhiệm, tính chủ động của các đồng chí phó bí thư, phó chủ tịch UBND và đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn giúp việc được phát huy tốt hơn.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự điều hành của chính quyền có nhiều thuận lợi. Đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND là người trực tiếp tiếp thu các chủ trương, chính sách của cấp trên, sau đó về chủ trì hội nghị cấp ủy, ra nghị quyết, đồng thời trực tiếp chỉ đạo chính quyền triển khai thực hiện, cho nên, các nghị quyết của cấp ủy có tính khả thi cao, tổ chức thực hiện kịp thời và đạt hiệu quả cao do có sự thống nhất cao giữa chủ trương lãnh đạo của cấp ủy đảng với việc tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền, mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, đã loại trừ được hiện tượng mất đoàn kết giữa 2 cán bộ chủ chốt của địa phương (bí thư, chủ tịch UBND)... Việc nhất thể hóa 2 chức danh còn góp phần làm tinh gọn bộ máy, có lợi cho cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm.  

Bước đầu cho thấy, các địa phương thực hiện thí điểm đều phát triển, kinh tế - xã hội ổn định, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, kết cấu hạ tầng được cải thiện, thu ngân sách hằng năm đạt hoặc vượt chỉ tiêu được giao; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, mức độ hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên một bước; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.  

Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015 ở những địa phương thực hiện thí điểm đều diễn ra tốt đẹp, hầu hết các nhân sự do ban chấp hành khóa cũ giới thiệu trúng cử, trong đó các đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đều trúng cử với số phiếu cao. Một số đồng chí cán bộ huyện được luân chuyển về làm bí thư - chủ tịch UBND xã, sau một thời gian công tác, rèn luyện ở cơ sở đã trưởng thành, được rút về huyện, bầu vào ban thường vụ, trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt huyện ủy, UBND huyện.    

Hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những mặt được, mô hình thí điểm này còn bộc lộ một số hạn chế như: Kiêm nhiệm 2 chức danh cán bộ chủ chốt của một địa phương, công tác đảng và công tác chính quyền nhiều việc phải xử lý. Cho nên, đòi hỏi cán bộ đảm nhận chức danh này phải được đào tạo cơ bản, có kiến thức toàn diện cả về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước; đồng thời, phải có năng lực giải quyết công việc thực tiễn, có kinh nghiệm công tác cơ sở thì mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực hiện thí điểm trong thời gian qua cho thấy phần lớn các đồng chí được bố trí làm bí thư - chủ tịch UBND đều đảm bảo trình độ đào tạo, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tiễn và có cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số nơi bố trí cán bộ chưa đảm bảo chất lượng, dẫn đến lúng túng, bị động trong giải quyết công việc, hiệu quả công tác đạt thấp.  

Do khối lượng công việc chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phải đảm đương nhiều, tham gia hội họp nhiều, ít có thời gian đi cơ sở, dễ dẫn tới tình trạng thiếu sâu sát, không thực hiện tốt khâu kiểm tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, công việc chính quyền thường cụ thể, khẩn trương, đa dạng, phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết ngay nên dễ cuốn đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tập trung vào công tác chính quyền, ít dành thời gian, công sức cho công tác đảng, ảnh hưởng đến chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy.  

Quyền lực của 2 chức danh chủ chốt được tập trung vào một người nên dễ phát sinh tư tưởng chủ quan, độc đoán, chuyên quyền, thậm chí tham nhũng, nhất là ở những nơi năng lực công tác của tập thể cấp ủy, UBND còn hạn chế.  

Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ đã quy định mức phụ cấp 20% nhưng do mức phụ cấp này còn thấp hoặc do các địa phương không cập nhật được đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách Trung ương đã ban hành, cho nên, việc thực hiện vẫn chưa được thống nhất. (Hiện nay chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở Thừa Thiên Huế chỉ được hưởng thêm phụ cấp 10% theo Thông tư số 78/2005/TT-BNV ngày 10-8-2005 của Bộ Nội vụ. Phú Yên, đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã được hưởng thêm phụ cấp bằng 40% lương bậc 2 của bí thư đảng ủy xã; đồng chí bí thư huyện ủy đồng thời là chủ tịch UBND huyện được hưởng thêm phụ cấp bằng 20% lương của mức lương cơ bản hiện hưởng…)  

Kinh nghiệm bước đầu 

Qua hơn một năm thực hiện chủ trương đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND tại khu vực miền Trung và Tây nguyên, rút ra một số kinh nghiệm:  

Thứ nhất,
những đơn vị được chọn thí điểm phải là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, ổn định về chính trị, tình hình kinh tế - xã hội phát triển tốt, nội bộ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đoàn kết, thống nhất cao. Đồng thời, phải làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi thực hiện thí điểm.  

Thứ hai,
việc bố trí nhân sự bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND phải đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt, có tầm lãnh đạo toàn diện, có năng lực tổ chức thực hiện, phong cách làm việc dân chủ, am hiểu địa bàn và có kinh nghiệm công tác ở cơ sở. Nên là cán bộ đã kinh qua công tác quản lý nhà nước và đã có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo cấp ủy cơ sở, tốt nhất là bố trí đồng chí bí thư cấp ủy đương nhiệm đã từng là chủ tịch UBND hoặc đồng chí phó bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND.  

Thứ ba,
cùng với việc bố trí nhân sự bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND đảm bảo tiêu chuẩn, cần quan tâm bố trí các phó bí thư cấp ủy, phó chủ tịch UBND là những cán bộ có năng lực, trình độ, có khả năng quán xuyến công việc và điều hành các mặt công tác thay cho đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch khi đi vắng hoặc khi có yêu cầu; quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn để có nguồn cán bộ kế thừa, không bị hụt hẫng khi có yêu cầu thay thế, luân chuyển cán bộ.   

Thứ tư,
phải xây dựng và thực hiện thật tốt quy chế làm việc. Trong quy chế làm việc cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND; xác định rõ mối quan hệ công tác giữa đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND với tập thể cấp ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ, các đoàn thể; mạnh dạn phân công cho cấp phó, nhất là phó thường trực trong giải quyết các công việc của cấp ủy, UBND; tạo điều kiện để MTTQ thực hiện tốt vai trò giám sát các hoạt động của chính quyền và cán bộ, công chức.  

Thứ năm, cấp ủy và chính quyền cấp trên trực tiếp phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, sai sót nảy sinh trong quá trình thực hiện thí điểm.  

Một số đề xuất

Một là, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục cho thực hiện thí điểm để có tổng kết đánh giá thật đầy đủ trước khi triển khai trên diện rộng. Sau này, nếu Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý cho triển khai trên diện rộng thì cần bổ sung quy định này trong Điều lệ Đảng và Luật Tổ chức HĐND và UBND. Có địa phương cho rằng đây là một mô hình tốt, cần cho mở rộng thí điểm thực hiện đối với cả cấp thôn, tổ dân phố (bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số địa phương đề nghị cần tiếp tục thực hiện thí điểm để có tổng kết đánh giá thật đầy đủ, chưa nên cho thực hiện mở rộng, nhất là đối với những địa phương có khó khăn về cán bộ hay điều kiện kinh tế - xã hội, nội bộ không đoàn kết.  

Hai là,
Trung ương cần bổ sung chức danh cán bộ Văn phòng Đảng ủy thành cán bộ chuyên trách cấp xã, điều chỉnh chế độ, chính sách đối với chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND theo hướng tăng phụ cấp, mức 20% là thấp; cần có quy định cụ thể về chế độ lương, phụ cấp đối với các đồng chí nguyên là bí thư, nguyên là chủ tịch UBND, sau khi thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời chủ tịch UBND, không còn giữ nguyên chức vụ.  

Ba là,
cần nghiên cứu, cụ thể hóa cơ chế kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát của ủy ban mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đối với chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND nhằm ngăn ngừa nguy cơ gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, thậm chí tham nhũng do tập trung quyền lực vào một người. Đồng thời, cần nghiên cứu, có hướng dẫn để các địa phương xây dựng quy chế làm việc của chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND nhằm khắc phục tình trạng lúng túng, không rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác, khi nào thì thể hiện vai trò bí thư, khi nào thì thể hiện vai trò chủ tịch UBND của một số bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở một số địa phương trong thời gian qua.  

Bốn là,
cần quy định thống nhất tiêu chuẩn chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND; cần có giáo trình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác đảng, công tác quản lý nhà nước đối với cán bộ đương nhiệm và cán bộ quy hoạch chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND.  

Năm là,
Chính phủ đã phân cấp cho UBND cấp xã ký chứng thực sao y tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ mà bản chính được cấp là tiếng Việt. Khối lượng công việc này ở các xã, phường, thị trấn hiện nay là rất nhiều, các đồng chí trong thường trực UBND, trong đó có đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phải luân phiên trực để ký chứng thực sao y cho nhân dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần nghiên cứu, bố trí một ủy viên UBND cho các xã, phường, thị trấn loại 1 chuyên trách công việc ký các văn bản chứng thực sao y bản chính.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất