Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Sau hơn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành vượt bậc về nhiều mặt, đóng góp quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Quán triệt và thực hiện các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới đã được nâng lên. Công tác rà soát, thẩm tra, xác minh, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược được lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII đánh giá: “Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên… Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, công tác bảo vệ chính trị nội bộ còn bộc lộ một số hạn chế, thực sự chưa theo kịp với tình hình, chưa kết hợp chặt chẽ giữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác xây dựng Đảng; còn lúng túng, chủ quan trong nắm bắt tình hình, nhất là việc xem xét, giải quyết vấn đề chính trị hiện nay. Vẫn xảy ra tình trạng sai phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng, 5 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự(*) do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái… ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng.
Để tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của BCH Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp. Bám sát 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 2 trọng tâm, 5 đột phá theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm cơ chế đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; cơ chế bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số gắn với việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết không để lọt người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy hệ thống chính trị, nhưng đồng thời không bỏ sót người có đức, có tài để tham gia, bố trí vào cấp ủy và các chức vụ tương xứng.
Hai là, tăng cường chỉ đạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tập trung chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm các tiêu chuẩn theo Quy định của Bộ Chính trị (Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý), có khả năng chống lại sự tác động, chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội: lập trường tư tưởng và bản lĩnh chính trị vững vàng, quan điểm tư duy độc lập, có khả năng lập luận, phản biện, phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc, khả năng tập hợp, huy động lực lượng để đấu tranh trực diện với các thế lực thù địch, khả năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhằm vô hiệu hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”…
Ba là, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng nhân sự đại hội. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xây dựng phương án công tác nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, BCH Trung ương Đảng khóa XIII; rà soát, thẩm tra, thẩm định kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực, uy tín cán bộ theo quy định và tiêu chuẩn chính trị theo Quy định số 126-QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, Hướng dẫn số 19-HD/BTCTW ngày 12-9-2019 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 126-QĐ/TW. Những trường hợp có vấn đề về chính trị nội bộ phải được xác minh, kết luận và xử lý kịp thời. Bảo đảm chặt chẽ, khách quan và có quan điểm lịch sử cụ thể.
Bốn là, chuyển mạnh trọng tâm của công tác bảo vệ chính trị nội bộ sang nắm và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, lý tưởng, đạo đức cách mạng trong sáng, có khát vọng cháy bỏng đưa đất nước phát triển; có tư duy, tầm nhìn chiến lược, nắm bắt xu hướng của thời đại; có tri thức lý luận, kinh nghiệm, năng lực, am hiểu sâu rộng, được tôi luyện trong thực tiễn và có thành tựu trong công tác, vận dụng sáng tạo và xử lý tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và đất nước; có tố chất “thủ lĩnh”, khả năng “truyền lửa”, truyền cảm hứng, lôi cuốn, tập hợp lực lượng, biết cách dùng người, có uy tín, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định của Trung ương về công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với công tác tổ chức xây dựng Đảng. Phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội về xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả, từng bước làm cho “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái ngày càng giảm bằng những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, phù hợp.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về bảo vệ chính trị nội bộ. Xây dựng hành lang pháp lý, chế tài thực hiện các quy định, quy chế về kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật nhà nước, trao đổi, cung cấp thông tin, quan hệ, tiếp xúc với người nước ngoài… Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Kịp thời khen thưởng, biểu dương những tấm gương tiêu biểu, nhắc nhở những người thực hiện chưa tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
-----
(*) Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII, ngày 12-11-2019 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
TS. Quản Minh Cường
Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương