Phóng viên: Được biết linh mục đã có nhiều năm đảm nhiệm Chánh xứ Hải Dương, linh mục có thể cho bạn đọc Tạp chí Xây dựng Đảng biết đôi nét về mình?
Linh mục Dương Hữu Tình: Giáo xứ Hải Dương có gần 700 giáo dân, thuộc Giáo phận Hải Phòng. Tôi về quản hạt chánh xứ Hải Dương từ năm 2006, sau khi đi du học ở Ý 6 năm về triết học. Giáo xứ Kim Lai bên cạnh (một giáo xứ độc lập thuộc giáo phận Hải Phòng) hiện chưa có linh mục nên tôi được giao quản nhiệm thêm. Tôi cũng tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, là Ủy viên BCH Hội Khuyến học tỉnh Hải Dương, Ủy viên BCH Hội Khuyến học TP. Hải Dương, thành viên Ban Bảo trợ xã hội của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, tôi còn đi giảng triết học ở các Đại chủng viện (nơi đào tạo các linh mục) như Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình...
Phóng viên: Linh mục hãy nói rõ hơn về kết quả tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương?
Linh mục Dương Hữu Tình: Hoạt động thiện nguyện chánh xứ tham gia rất nhiều, 3 năm nay số tiền đã lên tới gần 8 tỷ đồng. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi vận động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, các gia đình nghèo, các cụ cao tuổi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Hải Dương, chúng tôi tích cực tham gia chương trình “Xuân ấm tình người” với kinh phí gần 100 triệu đồng. Dịp lễ Phục sinh, chúng tôi vận động hỗ trợ giúp đỡ các gia đình nghèo với kinh phí từ 15 đến 20 triệu đồng. Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), chúng tôi đều tổ chức lễ Giỗ với sự tham gia của chính quyền địa phương và các tôn giáo bạn; đặc biệt vào các năm chẵn, chúng tôi tổ chức Lễ với quy mô lớn, quy tụ đông đảo các vị lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp của Hải Dương, các tôn giáo bạn và nhân dân tới tham dự, tạo tình đoàn kết lương - giáo, phát huy tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc. Đây là một hình thức cần được nhân rộng vì hiện nay Nhà thờ Hải Dương là giáo xứ duy nhất tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngay tại khuôn viên của nhà thờ với quy mô lớn. Dịp hè, chúng tôi tổ chức các lớp học đàn, tiếng Anh miễn phí cho các em thiếu nhi thành phố, các em học sinh nghèo và kết thúc bằng chương trình đi tham quan, viếng Lăng Bác. Dịp hè cũng là dịp chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm đi thăm hỏi và tặng quà cho các bệnh nhân nghèo đang được điều trị tại Bệnh viện Phong Chí Linh, gửi quà cho các bệnh nhân phong tại Bệnh viện Quảng Yên. Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, chúng tôi vận động thăm hỏi và tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các gia đình có người bị ảnh hưởng của chất độc da cam, tặng hàng chục xe lăn cho những người khuyết tật. Đầu năm học, chúng tôi vận động trao tặng phần thưởng cho các em học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng, các em học sinh giỏi. Dịp Tết Trung thu, chúng tôi vận động tổ chức tặng quà cho các em khiếm thị của tỉnh và TP. Hải Dương, trao gần 1.000 suất quà cho các em thiếu nhi. Dịp lễ Noel, chúng tôi kết hợp với Ban Tôn giáo tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao tặng xe lăn cho hàng chục đối tượng nghèo có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức hàng chục “ông già Noel” đi phát quà cho các cụ cao tuổi, các gia đình nghèo, các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đêm Noel, chúng tôi tổ chức trao tặng quà cho các gia đình chính sách, các gia đình nghèo. Tổng chi phí dịp Noel khoảng 60 triệu đồng, có năm lên tới 100 triệu đồng. Ngoài những hoạt động thường niên, những dịp thiên tai lũ lụt ở các tỉnh miền Trung cũng được chúng tôi ủng hộ. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ các cấp, chúng tôi đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Các hoạt động thiện nguyện đều từ những đóng góp của bà con giáo dân, của các Mạnh Thường Quân và sự phối hợp của nhà thờ với các tổ chức chính trị - xã hội. Có một điều đặc biệt, các địa chỉ nhận quà hầu hết đều là bà con lương dân.
Phóng viên: Mối quan hệ giữa giáo dân và chính quyền rất tốt đẹp. Điều này có được là do đâu thưa linh mục? Linh mục có thể đưa ra một ví dụ về việc xử lý tốt mối quan hệ này?
Linh mục Dương Hữu Tình: Mối quan hệ hài hòa, cởi mở đã có từ lâu giữa các chức sắc tôn giáo và chính quyền sở tại. Chúng tôi và chính quyền đều có cái nhìn chung thống nhất là giúp giáo dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước. Hoạt động tôn giáo ở chánh xứ hài hòa bởi khi bà con công giáo trong các xứ đạo có nguyện vọng, nhu cầu, linh mục nhanh chóng nắm bắt tình hình, trao đổi ngay với chính quyền để tìm ra một cách giải quyết hài hòa, ổn thỏa, không để giáo dân bức xúc. Ví dụ, ở chánh xứ Hải Dương có khu Đền Thánh tử đạo được xây dựng từ năm 1927. Vào thời đó, đây là Ðền Thánh tử đạo lớn nhất Việt Nam được xây dựng ở phường Bình Hàn với diện tích 18.000m2. Năm 1967, khi đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, thả bom phá Nhà ga xe lửa Hải Dương, hai quả bom rơi trúng vào Đền Thánh ngay bên cạnh. Đền bị đổ, tan hoang, đa phần là dân bên lương vào ở. Năm 2006, tôi được Ðức cha bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ Hải Dương, đồng thời mang trách nhiệm coi sóc công trình xây dựng lại Ðền Thánh. Quả thực, đây là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp do hoàn cảnh lịch sử để lại. Khu Ðền Thánh, ngay cả bên trong Ðền Thánh đã bị lấn chiếm sử dụng hết rồi. Việc đầu tiên tôi làm là cùng với giáo dân Hải Dương quản lý những diện tích đất chưa bị lấn chiếm; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ thu hồi khu đất Ðền Thánh. Tôi được các vị lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các sở, ban, ngành của tỉnh, nhất là Ban Tôn giáo tỉnh giúp đỡ, tạo những điều kiện tốt nhất để tìm ra phương án giải quyết. Năm 2014, chúng tôi đã nhận được quyết định của UBND tỉnh Hải Dương cho phép phục hồi và tái thiết lại Ðền Thánh. Chúng tôi đã tiến hành giải tỏa diện tích gần 3.000m2 đất của Ðền Thánh mà 43 gia đình đang sử dụng. UBND tỉnh Hải Dương đã cấp đất tái định cư và giáo xứ vận động tài chính khoảng 5 tỷ đồng hỗ trợ họ di dời. Sau nhiều tháng vận động, 43 hộ gia đình đã chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Hải Dương, nhận đất và tiền hỗ trợ, trả lại mặt bằng để giáo phận xây dựng Ðền Thánh mới.
Phóng viên: Vậy là việc giải phóng mặt bằng không hề dễ dàng, thưa linh mục?
Linh mục Dương Hữu Tình: Khó khăn là đương nhiên, vì các gia đình đã ở rất lâu, gần như kín toàn bộ khu Ðền Thánh. Ðó là những dãy nhà ở chen chúc, lụp xụp, tạm bợ và là một địa điểm có nhiều tệ nạn xã hội. Những ngày đó, ai đến thăm Ðền Thánh đều nghĩ làm sao có thể giải phóng được mặt bằng? Tôi nhớ, khi tôi dẫn Ðức cha Giuse tới thăm dãy nhà hai tầng (trước đây là Trường Đệ tử), bước vào những gian phòng trống, ống tiêm và kim bơm còn dính máu bị vứt đầy mặt đất. Hãi hùng lắm. Vậy mà chúng tôi cùng chính quyền làm được. Nguyên do là sự hợp tác hài hòa giữa đạo và đời, cộng thêm sự ủng hộ của người dân địa phương. Khó khăn qua đi, niềm vui đã đến. Ai đến khu Ðền Thánh sau khi tái thiết đều có tâm trạng như vậy. Giờ khu đó trở thành là một địa chỉ văn hóa, tôn giáo, những ngày lễ, tết, nhà thờ trang trí Đền đẹp lộng lẫy khiến nhiều người dân muốn đến tham quan, vui chơi. Câu chuyện di dời 43 hộ dân, lấy lại khu Đền Thánh rộng gần 3.000 m2 đất sau 50 năm chiến tranh là câu chuyện về mối quan hệ gắn bó, hài hòa, thấu hiểu nhau giữa chính quyền tỉnh Hải Dương và các chức sắc tôn giáo của chánh xứ, là minh chứng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đến các nhu cầu của tôn giáo. Ở Hải Dương, đạo và đời đã cùng nhau làm được một việc rất tốt đẹp.
Phóng viên: Tiểu chủng viện Ba Đông là một công trình gắn liền với lịch sử của giáo phận, nhiều linh mục đã được đào tạo tại nơi đây. Bởi vậy mà tên gọi “Nhà tràng Ba Đông” vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều tín hữu với những dấu ấn thiêng liêng sâu đậm. Đây cũng là câu chuyện về đất đai của giáo phận?
Linh mục Dương Hữu Tình: Tiểu chủng viện Ba Đông (nơi các giáo dân bắt đầu vào học giống như cấp tiểu học, học xong lên đại chủng viện để được đào tạo thành linh mục) nằm ở xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Theo lịch sử của Giáo phận Hải Phòng, năm 1875, Đức cha Josr Terres Hiến được tấn phong giám mục, làm giám mục phụ tá cho Đức cha Colomer Lễ. Ngài có công xây dựng chủng viện ở Kẻ Sặt, Đông Xuyên và Ba Đông. Trong đó, Tiểu chủng viện Ba Đông lớn nhất và còn tồn tại đến ngày nay. Tuy nhiên, sau biến cố di cư năm 1954, Tiểu chủng viện đã bị bỏ hoang, địa phương có sử dụng làm Trường Mầm non nhưng cũng không hết diện tích. Trong khi đó, nhu cầu của giáo phận đang rất cần có một nơi đào tạo người vào đại chủng viện nên có đề xuất với cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương cấp lại cho giáo phận diện tích đất các cơ sở cũ của Tiểu chủng viện mà Trường Mầm non xã Đồng Quang không sử dụng. Tôi đã thay mặt giáo phận làm việc trực tiếp với cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương, huyện Gia Lộc, xã Đồng Quang. Đây hoàn toàn là việc trao đổi giữa đôi bên để tìm ra một sự đồng thuận chung giữa chính quyền và nhà thờ. Sau khi trao đi đổi lại một thời gian dài, rất kiên nhẫn, tôn trọng lẫn nhau, rất nhiều cuộc họp, rất nhiều trao đổi chứ không vội vàng. Giáo hội cũng phải tích cực cùng cộng tác chứ không thể đẩy hết việc cho chính quyền khi chính quyền đã tạo mọi điều kiện về mặt pháp lý. Chúng tôi luôn xác định đây cũng là cơ hội để cho những người không ưa Đảng, chính quyền lợi dụng, chuyện nhỏ xé ra to, người xấu vin vào lợi dụng chống phá. Nếu mình không cẩn thận và tỉnh táo, mình sẽ trở thành con bài bị lợi dụng mà không hề biết. Tiền đền bù nơi đây khoảng 4 tỷ đồng thì Tòa giám mục Hải Phòng đóng góp 2 tỷ, còn lại là chánh xứ Hải Dương lo. Khu đất Tiểu chủng viện Ba Đông 10.000m2 là di tích cũ của công giáo, trị giá lớn hơn nhiều so với số tiền đền bù, giữ được mới đáng quý. Tiểu chủng viện Ba Đông sau hơn 60 năm do Nhà nước quản lý, nay đã chính thức được trao trả lại cho giáo phận Hải Phòng. Đây là tin mừng làm nức lòng cả giáo phận, bởi mảnh đất này đã in đậm dấu ấn đức tin của bao thế hệ hữu tín miền duyên hải. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thực sự có tầm nhìn, có khả năng giải quyết vấn đề tôn giáo hài hòa, thấu tình đạt lý, được bà con công giáo đánh giá rất cao, tạo được niềm tin với bà con công giáo vào Đảng và chính quyền.
Phóng viên: Linh mục có mong muốn, đề xuất gì để xây dựng mối quan hệ lương - giáo, chính quyền và nhà thờ ngày càng gắn bó, phát triển hơn?
Linh mục Dương Hữu Tình: Linh mục mong các vị lãnh đạo có sự hiểu biết, quan tâm hơn nữa đến công tác tôn giáo. Một thực tế là cấp ủy, chính quyền quan tâm đến lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó được tạo mọi điều kiện để phát triển và phát triển rất tốt. Bởi họ quan tâm, họ sẽ bỏ công sức tìm hiểu, từ đó nhiều cán bộ sẽ đưa ra nhiều tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền cấp cao hơn giúp công tác tôn giáo phát triển có hiệu quả. Linh mục mong sẽ tiếp tục được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hải Dương quan tâm hơn nữa, nhận được sự tìm hiểu nhiều hơn nữa từ phía cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh.
Phóng viên: Vâng, đó là sự mong mỏi hoàn toàn chính đáng của các chức sắc tôn giáo, của bà con giáo dân. Nhân dịp năm mới, xin kính chúc linh mục cùng bà con Giáo xứ Hải Dương một năm mới an lành. Xin cảm ơn linh mục về cuộc trò chuyện này!
Phương Anh (thực hiện)