Đảng bộ Đồng Tháp lãnh đạo xây dựng nông thôn mới
Đưa lưới điện về khu vực nông thôn ở Đồng Tháp.

Đồng Tháp là một tỉnh miền Tây Nam bộ, ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 3.374 km², chiếm 8,27% diện tích khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với dân số hơn 1.6 triệu người, trong đó hơn 80% sinh sống ở nông thôn, trên 73,59% lao động nông nghiệp.

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, những năm gần đây, Đồng Tháp vươn lên mạnh mẽ. So với năm 2000, năm 2010 quy mô GDP gấp 2,75 lần, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đứng ở tốp đầu trong khu vực 14,2%/năm (2006-2010); thu ngân sách tăng gấp 4,5 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 7,6 lần; nuôi trồng thuỷ sản trở thành ngành kinh tế then chốt, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,6 lần, giá trị xuất khẩu tăng gần 7 lần. Y tế và giáo dục, đào tạo tăng nhanh; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) từ vị trí thứ 11 năm 2006 vượt lên đứng thứ 4 so với cả nước và đứng thứ nhất khu vực ĐBSCL năm 2009.

Những thành tựu đạt được của Đồng Tháp có sự đóng góp không nhỏ của khu vực nông thôn. Khu vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển bền vững về mọi mặt của tỉnh, bảo đảm an ninh lương thực, môi trường sinh thái trong tỉnh và khu vực; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng cơ sở vật chất, tạo thêm việc làm; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, mở rộng thị trường, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, tạo ra cơ sở vững chắc và có lợi nhất để thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh. Đó còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mang sắc thái, các phong tục tập quán gắn liền với sản xuất nông nghiệp.

Căn cứ tiêu chí về nông thôn mới do Chính phủ quy định, xuất phát từ điều kiện cụ thể của tỉnh cũng như ý thức rõ về vai trò của khu vực nông thôn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã ban hành Nghị quyết “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”. Đây là nghị quyết cơ bản, là tiền đề cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2011, Tỉnh ủy Đồng Tháp (khóa IX) tiếp tục ban hành Nghị quyết “về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2011 – 2015”. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện một cách bài bản, hệ thống.

Qua 5 năm triển khai, đến nay, nông thôn trong tỉnh đã có bước khởi sắc và đạt được những kết quả quan trọng, 100/119 xã đạt tiêu chí về hệ thống điện nông thôn. Có 119/119 xã có điểm bưu điện văn hóa xã được đầu tư trang thiết bị mới theo chương trình phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông của Chính phủ, 100% xã đạt tiêu chí về bưu điện, 33/119 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 208.752 lao động, trong đó lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 17,45%; tỷ lệ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn năm 2011 chiếm 86%; tỷ lệ lao động qua đào tạo, đào tạo nghề là trên 40%, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Có 28/30 xã điểm thành lập được Tổ hợp tác và được Ủy ban nhân dân xã chứng nhận theo quy định. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã trọng điểm đã giảm đáng kể như: xã Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh), Vĩnh Thạnh (huyện Lấp Vò) số hộ ngèo giảm 3%, một số xã trọng điểm còn lại số hộ nghèo giảm từ 1 đến 2%. 100% xã đã thực hiện tốt chương trình phẫu thuật “Đem ánh sáng cho người mù nghèo và các đối tượng chính sách”, thực hiện xoá nhà tranh tre cho đối tượng chính sách, trợ cấp xã hội... Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở cấp độ 1; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) là 88%, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 25%, đã có 18 xã đạt tiêu chí về giáo dục. Toàn tỉnh có 94/119 trạm y tế xã, chiếm 78,3% được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 5 xã so với trước thời điểm thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Có trên 435.000 người tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, chiếm hơn 60% tổng số dân nông thôn. Tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh kinh tế hoá ngành tài nguyên và môi trường, đến nay 100% chất thải nguy hại, chất thải ở các bệnh viện được thu gom xử lý, trên 40% các cơ sở kinh doanh tại khu vực nông thôn đạt tiêu chuẩn về môi trường, 100% số xã có tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đã xử lý cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Về xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 89% gia đình đạt chuẩn văn hoá; 87% khóm, ấp đạt chuẩn văn hoá; 95% đơn vị đạt chuẩn văn hoá; 45% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hoá.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp còn những hạn chế: nhận thức về chương trình xây dựng nông thôn mới của một số cấp ủy, sở, ngành, huyện, thị chưa đầy đủ, chưa nắm chắc nội dung Chương trình. Một số người dân nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, nội dung, nguyên tắc, phương châm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên chưa chủ động tham gia, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào nguồn đầu tư từ Nhà nước. Ban chỉ đạo các cấp, các ngành về xây dựng nông thôn mới còn nhiều lúng túng, sự phối hợp chưa chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chưa sâu rộng, thường xuyên và kịp thời, hình thức đơn điệu, kém thuyết phục…

Nguyên nhân do trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ. Xây dựng nông thôn mới đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi đó tiềm lực kinh tế của tỉnh còn hạn chế, dân còn nghèo; nông thôn ở nhiều nơi trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, địa hình khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng…

Để xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn, Đảng bộ Đồng Tháp xác định tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với xây dựng nông thôn mới, đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tăng cường tổng kết thực tiễn việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của cấp ủy, chính quyền về xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, nâng cao chất lượng cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là các huyện ủy, đảng ủy xã và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, phát huy mạnh mẽ vai trò của chính quyền và mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ năm, tăng cường sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của Đồng Tháp.

 

Nguyễn Quốc Thể
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất