“Nữ cường” với bước ngoặt cuộc đời trên đất Áo
Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh khảnh này ít ai biết rằng, cô vừa là một nhà văn, nhà báo, thậm chí còn là huấn luyện viên, trọng tài quốc gia môn Taekwondo. Bén duyên với nghề báo bằng một sự tình cờ nhưng nó thật sự trở thành một miền đất hứa, khai thác được hết những tố chất tiềm tàng trong cô.
Tốt nghiệp ngành kinh tế và có chuyên môn về kế toán, ban đầu nhà báo Bích Yến được tuyển về công tác tại Trung tâm Văn hóa Hội Nhà văn, rồi Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, từ bé vốn đã có năng khiếu về văn chương, dần dần cô lấn sân sang viết lách và trở thành cộng tác viên cho Báo Văn nghệ trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam và một số tờ báo khác. Đến năm 2005, cô được điều chuyển sang Báo Văn nghệ, từ đó cô quyết định gắn bó cuộc đời mình với báo chí và muốn đem ngòi bút và chất văn trong con người mình để cất lên tiếng nói bảo vệ chính nghĩa.
Năm 2009, khi đang học Cao học báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Việt Nam), cô có cơ hội tham gia một chương trình giao lưu văn hóa tại Áo. Tại đây, cô đã tới thăm Báo Viên-nơ Dây-tung (thành lập năm 1703, tờ báo lâu đời nhất thế giới còn hoạt động). Lập tức, cô nhận thấy ngay sức hút tới từ phương pháp phát triển công chúng thị trường của tờ báo này. Đồng thời, tại thời điểm đó, cô cũng nhận được học bổng hỗ trợ quốc tế DFI (thuộc Quỹ Ford) cho chương trình thạc sĩ. Và mối lương duyên mà cô coi là bước ngoặt đặc biệt của cuộc đời với mảnh đất Áo bắt đầu từ đó.
Ngay sau khi đặt chân tới Áo, nhà báo Bích Yến không ngần ngại đề cập đến vấn đề thực tập tại tòa soạn với ban lãnh đạo tập đoàn báo Viên-nơ Dây-tung. “Họ rất vui trước nguyện vọng của tôi nhưng cũng tỏ ra băn khoăn vì chưa bao giờ họ nhận người châu Á hay nhận người nước khác vào đó để thực tập, nghiên cứu. Tôi đã đề xuất ý tưởng xuất bản chuyên san chung đầu tiên với họ, nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Bích Yến chia sẻ.
Vậy là sau nhiều công sức bỏ ra nghiên cứu về nền văn hóa hai đất nước Áo - Việt, cũng như nhận sự hỗ trợ từ các nhà báo, chuyên gia hai nước, lần đầu tiên hình ảnh thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã xuất hiện trên Chuyên san ngoại giao “Dossier 1000 Jahre Ha noi - Chào Hà Nội 1000 năm” của tờ Viên-nơ Dây-tung. Chuyên san này đã bán được hơn 50.000 bản bằng tiếng Đức tại thị trường châu Âu; hàng nghìn bản tại thị trường Bắc Mỹ cũng như hơn 10.000 bản bằng tiếng Anh tại Việt Nam. Đây được coi là ấn phẩm xuất bản chung đầu tiên, đánh dấu mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông giữa Cộng hòa Áo và Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, nhận được sự động viên, khích lệ rất lớn của các thầy cô và các chuyên gia hai bên, cô tiếp tục làm luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ tại tập đoàn Viên-nơ Dây-tung và một số tập đoàn báo chí truyền thông lớn của Áo, EU. Năm 2017, cô đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về “Chiến lược và giải pháp phát triển công chúng thị trường báo Viên-nơ Dây-tung, Áo” trực tuyến tại hai điểm cầu Việt Nam và Áo. Luận án đã được các giáo sư hai nước đánh giá cao bởi tính khoa học, tính lịch sử và thực tiễn. Đây là tư liệu tham khảo ý nghĩa đối với những người làm báo, lãnh đạo và nghiên cứu báo chí - truyền thông của Áo và Việt Nam.
Hằng ngày, bên cạnh việc bám sát, đưa tin về những sự kiện diễn ra tại Áo, nhà báo Bích Yến còn thực hiện các chuyến thực tế đến Hung-ga-ri, Séc, Slô-va-ki-a và nhiều quốc gia châu Âu khác. Những chuyến đi này giúp chị hiểu hơn về cuộc sống của bà con người Việt tại châu Âu, đưa thông tin về các hoạt động, về cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu đến với người dân trong nước, đến với kênh truyền hình đối ngoại trong nước.
Được mọi người mệnh danh là người văn võ song toàn, đạt được sự toàn vẹn về mọi thứ từ gia đình đến sự nghiệp, người phụ nữ nhỏ nhắn này chỉ cười và chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhiều khiếm khuyết lắm, nhưng được sống trong sự yêu thương của mọi người làm tôi thấy biết ơn và có thêm muôn ngàn động lực phấn đấu. Như từ lúc chưa lập gia đình, tôi chỉ thường nghe một bản nhạc và đến nay, con trai tôi đâm ra “phải” thích nó. Ở nhà cháu cũng phải ý thức không đùa nghịch, nói to, hay thậm chí nhiều lúc hai bố con phải đi chơi xa để mẹ có không gian yên tĩnh làm việc. Mỗi khi tôi nấu ăn, ngon hay dở thì mọi người vẫn khen…”.
Nỗi nhớ nhà “ám ảnh” vào đôi mắt con tôi
Thời gian đầu, khi sống ở Áo, vừa phải làm nghiên cứu sinh, vừa phải tác nghiệp báo chí, lại bụng mang dạ chửa, nên đôi lúc khiến cô cảm thấy rất mệt mỏi và có phần chán nản. Cô chia sẻ: “Hằng tuần, mẹ chồng thường đưa tôi đến cơ quan thực tập rồi lại đón về. Sau này sinh con ra thì bà giúp chăm cháu tất. Cả gia đình chồng thường xuyên dỗ dành khi nhìn thấy tôi khóc vụng, ai nấy đều luôn hết mực yêu thương, chăm sóc, chiều chuộng tôi, nhưng nỗi nhớ nhà thì vẫn luôn đau đáu, thậm chí đã “ám ảnh” vào đôi mắt của con tôi”.
Sinh sống tại Áo bắt đầu từ năm 2011, người phụ nữ này luôn giữ cho mình một thói quen “bất di, bất dịch”. Bên cạnh việc viết báo, viết văn, cô chủ yếu dành tâm sức cho nghiên cứu khoa học về báo chí truyền thông. Một ngày làm việc của cô thông thường bắt đầu từ 4 giờ sáng, ngồi vào bàn viết và nghiên cứu khoa học. Sau đó, 7 rưỡi cô tiễn con đi học, chồng đi làm và bắt đầu công việc của mình tại các cuộc họp báo, thường là Văn phòng Thủ tướng, Văn phòng Tổng thống Áo hay Văn phòng Liên hiệp quốc tại Viên… hoặc nếu không cô lại ngồi vào bàn làm việc và viết. Những lúc căng thẳng cô nghe nhạc Phật, nhạc thiền, nhạc của Bét-thô-ven… như một cách lắng đọng cảm xúc để viết văn.
Đón gần 10 cái Tết trên đất khách nên đối với cô, những ngày Tết trong cô tràn ngập nỗi nhớ nhà, gia đình, bạn bè da diết. Cô không thể ngờ rằng, trong khoảng thời gian tĩnh lặng ấy bên trời Tây, trái tim cô lại hướng về quê hương nhiều đến như vậy.
“Do khoảng cách địa lý, có những người bạn phải đợi tôi nhiều năm liền để có được cái hẹn uống cà phê. Có cô bạn thân thì đợi tôi mười năm để đi chơi xả ga mà chưa thực hiện được. Hầu như tôi chỉ có bạn làm việc chứ không có bạn để “đàn đúm, ăn chơi nhảy múa”. Tôi yêu sự tĩnh lặng, cô đơn và nỗi buồn, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh tôi, chắc họ phải chịu đựng tôi nhiều lắm! Tôi biết ơn sự yêu thương mà mọi người (thậm chí có người chưa từng gặp) dành cho mình. Đó là sức mạnh nhưng cũng là áp lực lớn để tôi làm việc và cống hiến”, Bích Yến chia sẻ.
Năm 2019, cô là một trong 100 kiều bào tiêu biểu về tham dự chương trình Xuân quê hương. Công việc kết nối truyền thông giữa hai nước cũng tạo điều kiện cho cô có cơ hội nhiều lần về thăm quê hương. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến, để nguôi ngoai nỗi nhớ nhà, nhà báo Bích Yến thường đi mua sắm chuẩn bị mâm cúng giao thừa tại chợ Việt và cùng gia đình tham gia vào các hoạt động cho kiều bào ngày Tết do Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức. Cô cũng thường nấu một nồi phở to và gói nem để mời gia đình chồng và bạn bè. Mọi người quây quần bên nhau và thỉnh thoảng nghe cô giải thích về tập tục Tết cổ truyền Việt Nam. “Năm nay, chúng tôi dự định sẽ mời mấy đồng nghiệp nước ngoài đến gói nem và nấu phở”, cô cười và chia sẻ.
Đau đáu ước nguyện “định vị giá trị Việt ở nước ngoài”
Theo lời TS. Bích Yến, chuyên gia Úp-gang Ren-nơ, Viện trưởng Viện Viên-nơ Dây-tung, Áo (nơi cô nghiên cứu luận văn thạc sĩ, tiến sĩ) đã từng thốt lên rằng: “Tôi nhìn thấy trong mắt cô ấy có lửa khi thuyết trình về Việt Nam!’’ khi lần đầu tiên gặp cô.
Nhiều năm tác nghiệp, nghiên cứu báo chí ở nước ngoài, cô nhận ra rằng, các trí thức chân chính (cả tây và ta) đều có một nỗi niềm chung, đó là, “sự đau đáu với vận mệnh của Tổ quốc”. Chính điều đó đã thôi thúc cô, ngày ngày nỗ lực cùng ước nguyện làm sao để có thể “định vị được giá trị Việt ở nước ngoài”.
Có lẽ chính vì vậy mà cô đặt nhiều tâm huyết của mình vào các tác phẩm nghiên cứu về chính trị truyền thông và văn hóa giữa hai nước. Các tác phẩm và công trình nghiên cứu của nhà báo Bích Yến luôn được “thổi hồn” bằng 2 tiếng “quê hương”.
Là người sáng lập ra Dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu”, để triển khai được cái nhiều người gọi là “ảo tưởng”, nhà báo Bích Yến cùng các cộng sự đã bỏ ra rất nhiều công sức. Tháng 9-2015, cô cùng 5 bạn trẻ kiều bào tổ chức thành công “Ngày Việt Nam” đầu tiên tại Áo thu hút hơn 3.000 lượt công chúng nước sở tại, quốc tế và kiều bào tham dự. Cuối năm 2015, khi được là một trong 15 kiều bào Việt tiêu biểu trên thế giới về dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IX, cô đã có dịp trình bày ý tưởng về việc phối hợp tổ chức Ngày Việt Nam và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trên toàn cầu với các vị lãnh đạo và đại biểu của Đại hội và nhận được sự ủng hộ của hầu hết tất cả mọi người.
Áo là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, vậy nên khi có cơ hội nhà báo Bích Yến lại trình bày với nhiều đồng nghiệp và chính khách quốc tế. Cô đã trình bày với họ về dự án của mình. Mọi người đều đặc biệt quan tâm ủng hộ, đặc biệt trong đó có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thậm chí nhiều người còn khuyến khích ban dự án thành lập quỹ để có thể hoạt động với quy mô, sâu rộng hơn.
Các thành viên dự án đều làm một cách tình nguyện, thậm chí còn bỏ tiền túi để làm việc. Các thành viên còn đùa nhau rằng, đây là dự án toàn cầu có một không hai, hoạt động với tiêu chí “3 không, 1 có”: không kinh phí, không trụ sở, không nhân lực, nhưng có một thứ duy nhất đó là lòng tự tôn dân tộc.
Chia sẻ về quyết định táo bạo và liều lĩnh của mình, cô chỉ cười: “Bản thân tôi lắm lúc cũng tự hỏi tại sao mình lại cả gan làm một việc lớn như vậy. Nhưng tính cách của tôi là thế, nếu đã làm việc gì mình thấy là có ý nghĩa thì phải kiên định đến cùng, mặc dù đã có lúc tôi cảm thấy rất tủi thân, cô độc và muốn bỏ cuộc”.
Sau 4 năm hoạt động, dấu ấn lớn nhất của dự án từ khi triển khai là đã an vị tượng Vua Hùng ở gần 10 quốc gia trên thế giới, thu hút được hàng chục nghìn lượt kiều bào, bạn bè, chính khách các nước sở tại tham dự. Năm 2020, Ban dự án dự kiến sẽ phối hợp với các hội đoàn kiều bào, đại sứ quán Việt Nam ở các nước như Hàn Quốc, Đài Loan, CHLB Đức, Pháp… và 10 nước đã từng tổ chức trước đây, tổ chức Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, đồng thời phối hợp với tỉnh Phú Thọ để tổ chức Festival tại Việt Nam.
Trong suốt 10 năm qua, nhà báo Bích Yến cũng đã xuất bản 4 cuốn sách về văn học và nghiên cứu báo chí - truyền thông, nhưng cuốn Những mảnh ghép Quân vương là có lẽ là cuốn sách đặc biệt nhất đối với cô. Cuốn sách là tập hợp những bài viết về kinh nghiệm, tư tưởng của các nhân vật nổi tiếng, các nguyên thủ trên thế giới mà cô may mắn từng được gặp, làm việc và phỏng vấn. Cô đã dành 10 năm của mình chọn lọc và tập hợp tư liệu, riêng khâu chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo để đem in cũng mất tới nửa năm. Cuốn sách gần 700 trang và tác giả đã dành hẳn một chương với tên “Có một Việt Nam như thế” để thể hiện nỗi niềm chan chứa, tràn ngập tình yêu đất nước, nỗi nhớ và sự kỳ vọng về Việt Nam của những người con đất Việt xa xứ.
Mới đây, cô chính thức trở thành giảng viên thỉnh giảng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. 10 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Tổng hợp Viên, Áo, Tập đoàn Viên-nơ Dây-tung đã phối hợp tổ chức, nghiên cứu, hội thảo, đào tạo, trao đổi đoàn cho hàng trăm lượt các nhà báo, nghiên cứu sinh, lãnh đạo, nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia báo chí - truyền thông... Cô chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua, bản thân tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các chuyên gia hai nước. Bởi vậy, tôi coi mình là “chiếc cầu nối” về nghiên cứu báo chí, truyền thông giữa Việt Nam và Áo. Tôi luôn coi việc gắn kết tình hữu nghị giữa hai đất nước như “sứ mệnh” của mình”.
Đỗ Anh