Cách mạng Việt Nam trải qua bao khó khăn, thử thách nhưng vẫn vượt qua và giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do Đảng ta đã tuân thủ nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng ta, của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh - nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(1).
Đảng đã rất coi trọng vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng. Điều lệ đầu tiên của Đảng được thông qua tại Đại hội I (3-1935) ghi rõ: “Đảng Cộng sản là hình thức tối cao của giai cấp vô sản, là bộ phận giác ngộ nhất của giai cấp vô sản, có kỷ luật sắt, thống nhất về tổ chức, tư tưởng và hành động, tuyệt đối không thỏa hiệp với các xu hướng bè phái”(2).
Vì vậy, trong đấu tranh cách mạng, Đảng đã quy tụ được mọi lực lượng yêu nước, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Nhận thức rõ đoàn kết thống nhất là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta cũng như quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất, các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ đã luôn giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Tổng kết thực tiễn cách mạng 10 năm sau ngày nước nhà thống nhất, Đại hội VI đã rút ra bốn bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có bài học: “Tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng”. Đại hội khẳng định: “Đảng ta có truyền thống đoàn kết nhất trí tốt đẹp, chẳng những lúc cách mạng phát triển bình thường, thuận lợi mà cả những lúc sóng gió, ở những bước ngoặt của lịch sử, Đảng luôn là một khối thống nhất tư tưởng và hành động. Nhờ đó, Đảng đã đoàn kết được đông đảo nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi vẻ vang”(3).
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng càng quan tâm chăm lo củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nhờ đó công cuộc xây dựng đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế xã hội có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện. Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đến nay đã khẳng định: Đảng là một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động. Đảng là hạt nhân đoàn kết và lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn là truyền thống vẻ vang của Đảng.
Tuy nhiên, thực tế trong Đảng ta hiện nay vẫn còn hiện tượng mất đoàn kết, thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nội bộ ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng tương đối sâu sắc. Đề cập vấn đề này, Đảng nhận định: “Thiếu sự ăn khớp trong phong cách và quan hệ làm việc giữa một số cán bộ lãnh đạo các cấp. Bệnh cục bộ địa phương còn nặng” (4). "Tình trạng mất đoàn kết nội bộ xảy ra trong nhiều tổ chức đảng”(5). “Một số cán bộ và cấp ủy chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; bệnh quan liêu, độc đoán, cục bộ địa phương, kèn cựa địa vị, cá nhân chủ nghĩa rất nặng. Không ít nơi nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng” (6). “Dân chủ trong Đảng và trong xã hội còn bị vi phạm. Kỷ cương, kỷ luật ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy còn yếu”(7).
Thực trạng trên đã ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức trong Đảng còn hạn chế; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc sinh hoạt, qui định, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng ở một số tổ chức cơ sở chưa nghiêm; cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngoài những yếu tố tích cực không thể phủ nhận còn có những mặt tiêu cực thường xuyên tác động đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên.
Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, để tăng cường khối đoàn kết thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cấp ủy và tổ chức đảng các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau đây:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Khi nhận thức tư tưởng được nâng cao, cán bộ, đảng viên sẽ thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp họ hiểu rõ về yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng để có quyết tâm phấn đấu và cống hiến. Mọi suy nghĩ và hành động trái với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những luận điểm cơ hội, xuyên tạc, xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin không phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng phải kiên quyết đấu tranh để loại trừ. Như vậy, đoàn kết thống nhất trong Đảng mới có cái nền vững chắc và cơ sở để tồn tại lâu dài, cán bộ, đảng viên mới quán triệt sâu sắc, thống nhất ý chí và hành động.
Hai là, tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Muốn phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của cán bộ, đảng viên, phải mở rộng, phát huy dân chủ trong Đảng và phát huy dân chủ ngoài xã hội. Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Nhưng dân chủ rộng rãi không thể tách rời tập trung nghiêm ngặt, dân chủ phải dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, “có lý, có tình”, dựa trên Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, quan điểm của Đảng, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp và chỉ có như vậy mới đi đến hành động thống nhất.
Thường xuyên, nghiêm túc thực hiện tốt tự phê bình và phê bình trong Đảng, tiếp tục thực hiện các nội dung cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Khoá VIII; học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”. Nét đặc trưng của tự phê bình và phê bình trong Đảng là trung thực, thẳng thắn và chân thành. Phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, đoàn kết thống nhất tốt hơn. Phương pháp tự phê bình và phê bình là có lý, có tình, cổ vũ nhau, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm. Thái độ tự phê bình và phê bình phải tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, không bao che hoặc thổi phồng, bóp méo sự thật. Biết phân tích ưu điểm, khuyết điểm của nhau theo quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển. Đánh giá đầy đủ, đúng đắn những ưu điểm và nhược điểm trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong việc giữ gìn đoàn kết thống nhất ở mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cấp ủy đảng nói riêng từ đó đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp.
Ba là, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, coi trọng xây dựng quy chế phối hợp trong mỗi cơ quan, đơn vị.
Cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của mỗi cấp, mỗi ngành có năng lực và phẩm chất tốt, thực sự là trung tâm đoàn kết trong tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị. Xác định rõ chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của các cấp ủy, các tổ chức đảng và quy chế thực hiện mối quan hệ giữa cấp ủy đảng với ban lãnh đạo cơ quan nhà nước cùng cấp, làm cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng thực sự trở thành hạt nhân đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị.
Bốn là, xử lý nghiêm những trường hợp bè phái, cục bộ gây mất đoàn kết trong Đảng.
Kịp thời bổ nhiệm những cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất đạo đức và năng lực vào cơ quan lãnh đạo của Đảng, cần thay ngay những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xử lý kịp thời những cấp ủy vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán chuyên quyền, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết. Coi sự độc đoán chuyên quyền, kéo bè kéo cánh gây mất đoàn kết nội bộ là một tội nặng đối với Đảng, với nhân dân. Từng cấp uỷ, tổ chức đảng phải tạo lập, xây dựng sự đoàn kết thống nhất cao, phát hiện sớm những biểu hiện mất đoàn kết, có biện pháp khắc phục trên cơ sở các nguyên tắc của Đảng và đề cao tình đồng chí.
Chúng ta có thể khẳng định, chỉ có tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Đảng mới có đầy đủ điều kiện để định ra một đường lối đúng và biến nó thành hành động cách mạng của quần chúng. Giữ vững, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là trách nhiệm của các cấp uỷ, nhất là của các tổ chức cơ sở đảng và của mọi cán bộ, đảng viên trong công tác và trong sinh hoạt góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong tình hình hiện nay. …………………………………………
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, Tr.517.
(2). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I, Tập 1, Nxb SGK Mác- Lênin, Hà Nội 1978, Tr. 32.
(3). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội 1987, Tr. 31.
(4). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, NXB Sự thật, Hà Nội 1987, Tr. 142.
(5). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, NXB Sự thật, Hà Nội 1991, Tr. 48.
(6). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Sự thật, Hà Nội 1996, Tr. 138.
(7). ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Sự thật, Hà Nội 2006, Tr. 26.
ThS. Đỗ Duy Ánh, NCS Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị, Hà Đông, Hà Nội